Nếu trong khi nghe mà bạn
thiếu sự chú tâm và không suy ngẫm những điều người kia nói, thì cuộc
đối thoại ấy chẳng mấy đem lại kết quả tốt đẹp. Bởi người nói cảm thấy
như mình bị tách biệt ra khỏi cuộc đàm thoại, cho nên họ chẳng muốn
chia sẻ hết những ý tưởng sâu kín và quan trọng đối với bạn. Và như
thế, vô tình bạn tự hạn chế sự cảm thông, lòng thương yêu của mình đối
với mọi người chung quanh. Do đó, việc bạn chú tâm lắng nghe một cách
trọn vẹn là yếu tố cần thiết để tạo ra sự thấu hiểu, tin cậy cho cả hai
phía. Và đây chính là chất liệu để bạn phát huy sự hiểu biết và tình
thương yêu rộng lớn.
Trong giáo điển Phật giáo Đại thừa, có nhiều bộ kinh đề cập đến Bồ-tát Quán Thế Âm, như kinh Pháp hoa, kinh Thủ lăng nghiêm,
v.v… Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát có tâm từ bi lớn và có khả năng lắng
nghe tất cả những tiếng kêu của chúng sinh để cứu khổ và ban vui. Bất
cứ người nào muốn được bình an, nghiệp chướng tiêu trừ thì thường xuyên
nhất tâm xưng danh hiệu của Ngài sẽ được vượt thoát mọi tai ách khổ
nạn. Ngài có khả năng hóa hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, từ thân
Phật cho đến thân trời, người, A-tu-la, v.v… để tùy duyên thuyết pháp.
Vì hạnh nguyện của chư vị Bồ-tát là lợi tha, cho nên ở nơi nào có chúng
sinh đau khổ thì các Ngài sẽ ứng thân để cứu độ.
Bồ-tát Quán Thế
Âm biểu trưng cho đức tính từ bi và hạnh lắng nghe viên mãn vốn có
trong mỗi con người. Nếu bạn biết lắng nghe với tâm từ bi mà không phán
xét, không phản ứng và có thể thấu hiểu được tâm trạng của người đang
nói, thì đó chính là hành động của một vị Bồ-tát. Và điều đó, bạn có
thể thực hiện được ngay trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn biết lắng
nghe cho sâu sắc.
Khi bạn quan sát,
lắng nghe mọi âm thanh đang diễn ra từ trong tâm thức của mình cho đến
hoàn cảnh bên ngoài với thái độ trầm tĩnh và sáng suốt; không vướng
mắc hay loại trừ bất cứ điều gì, thì đó chính là nội dung thâm sâu của
danh hiệu Quán Thế Âm. Thông thường khi nghe một ai đó nói với giọng
điệu khô khan, cộc lốc, thiếu nhã nhặn thì ta phản ứng bằng sự bực bội
và không muốn nghe. Nhưng, nếu gặp người nói lời nhẹ nhàng, ngọt ngào
và chân thật ta liền ưa thích và quý mến. Với cái nghe chọn lựa, hời
hợt như thế bạn sẽ không thấu hiểu được tâm trạng của người đang nói.
Và sau mỗi lần giao tiếp như vậy, rất dễ tạo ra sự nghi ngờ, hiểu lầm
nhau và dẫn đến tình cảm bị đổ vỡ, chia lìa.
Trong sách Nhật tụng thiền môn năm 2000,
Thiền sư Nhất Hạnh có chỉ dẫn quán nguyện theo hạnh lắng nghe của
Bồ-tát Quán Thế Âm rất sâu sắc và thiết thực: “Lạy Đức Bồ-tát Quán Thế
Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời
bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi
nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin
tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà
không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu.
Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều
đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe
thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác
rồi”.
Nội dung của lời
quán nguyện thật là cụ thể và rõ ràng. Nếu bạn để hết tâm ý vào cuộc
đàm thoại lắng nghe sâu sắc những gì người kia đang nói, thì bạn sẽ
thấu hiểu được cả những điều mà người ấy chưa nói. Để từ đó, bạn dễ
dàng an ủi động viên và chỉ dẫn cho họ có một hướng đi sáng đẹp, với
cái nhìn tích cực trong cuộc sống. Do đó, chỉ cần thực tập lắng nghe
cho sâu sắc, là bạn có thể phát huy khả năng hiểu biết và thương yêu
như Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
Thực tế cho thấy,
mỗi khi tiếp chuyện với người thân trong gia đình hay bạn bè, nhiều lúc
ta vẫn chưa thực sự để tâm lắng nghe một cách trọn vẹn. Ta hờ hững và
xem thường khi đoán biết người kia muốn nói điều gì. Họ nói ra chưa hết
câu thì ta đã cắt lời và lên giọng oán trách, bắt lỗi hoặc tùy tiện bỏ
đi. Có lẽ chính vì lòng tự ái, vì danh dự cho nên ta đã dùng quyền lực
ngăn chặn lại không cho người kia nói hết sự thật. Lối hành xử như thế
tạo ra sự ức chế trong lòng họ và chính bản thân của ta cũng bị cắn
rứt lương tâm không kém. Thói quen này được lặp đi lặp lại nhiều lần và
ít khi ta chịu nhìn lại để được lắng nghe, để thấu hiểu và thương
tưởng đến những người chung quanh đang còn gặp nhiều khó khăn, đau khổ.
Có một bản thiền
ca với ca từ mộc mạc, giản dị có thể giúp cho người nghe vừa thư giãn
thân tâm lại vừa có khả năng chuyển hóa những phiền muộn lo âu trong
cuộc sống.
“Ai nói gì thì mình cứ nghe
Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều
Buồn chi mà ba bốn bữa
Cho tâm tư héo sầu
Ta cười ta thở thật sâu
Nỗi buồn tan biến thật mau
Tang tình, tang tính, tình tang”.
Dù chỉ vỏn vẹn mấy
câu thôi nhưng hàm chứa được nhiều ý nghĩa thâm sâu, mỗi khi hát lên
sẽ giúp cho người nghe dễ dàng buông bỏ những mối lo toan, sầu khổ. “Ai
nói gì thì mình cứ nghe”, cái nghe này không phải là nghe qua loa,
nghe cho xong chuyện hoặc gượng gạo lắng nghe để khỏi mất lòng người
đang nói, mà chính là nghe như vậy(như thị). Nghĩa là, người ta
nói như thế nào thì bạn tiếp nhận y như thế đó, chứ không chọn lựa ưa
thích hoặc ghét bỏ loại trừ. Cái nghe này hoàn toàn vắng mặt các ý niệm
khen chê, đúng sai, hay dở, phán xét… Khi bạn buông bỏ được thói quen
phản ứng này thì tuệ giác và lòng từ bi tức thời hiện hữu. Thật rõ
ràng, lắng nghe sâu mới có thể hiểu thấu nguồn cơn, và khi hiểu được
bản tính của người ấy rồi thì ta sẽ dễ dàng cảm thông và thương được
họ.
Tuy nhiên, để có
khả năng lắng nghe được như vậy đòi hỏi bạn cần phải biết trở về với
chính mình và nhận diện rõ từng hoạt dụng của tâm ý. Khi tâm hồn rỗng
lặng và sáng suốt thực sự, thì bóng tối của phiền não khổ đau không thể
xâm chiếm được bạn. Cùng với ý nghĩa này, Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Giả sử kẻ muốn hại
Xô vào hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Hoặc trôi dạt biển lớn
Các nạn quỷ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được.
Hoặc ở chóp Tu-di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhật treo không”.
(Kinh Pháp hoa, phẩm Phổ Môn, HT.Thích Trí Tịnh dịch)
Quán Âm ở đây
chính là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm nghĩa là bạn trở về với chính
mình, tỉnh giác là thấy rõ thân tâm và hoàn cảnh đang xảy ra trong
hiện tại. Khi các tâm hành sân hận (hầm lửa), tham ái (sóng mòi), cống
cao ngã mạn (chóp Tu-di) khởi lên thì bạn chỉ cần quan sát sự sinh
diệt, đến đi của chúng, tức thời các tâm niệm ấy sẽ tự động tan biến.
Đoạn kinh trên đã khẳng định rằng, mỗi khi bạn có chánh niệm tỉnh giác
(do sức niệm Quán Âm) thì các ý niệm tham sân si, ngã mạn… không thể
ràng buộc và sai khiến bạn. Cho dù hàng ngày bạn phải tiếp cận với
những sự việc bất như ý xảy ra, nhưng tâm hồn bạn vẫn an nhiên và tự
tại.
Để được học theo
hạnh lắng nghe và thương yêu rộng lớn như Bồ-tát Quán Thế Âm, bạn cần
phải thường xuyên nhìn lại chính mình. Mỗi khi bạn biết trở về để quán
sát thân tâm và hoàn cảnh đương tại, bạn sẽ thấy rõ sự sinh khởi và
hoại diệt của các pháp. Để từ đó, bạn có cái nhìn sâu rộng hơn và thái
độ ứng xử với mọi người chung quanh cũng trở nên nhẹ nhàng thân thiện,
đem lại niềm an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cuộc đời này.