11/10/2018 09:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 1464
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


vothuong_0

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Trước thời Thế Tôn, nhân loại đã biết và nói đến vô thường của các sự vật hiện tượng. Tuy vậy, cái thấy biết về vô thường này chưa toàn triệt, bị giới hạn ngay nơi tự ngã; cái ta thuần nhất, bất biến của tiểu ngã hòa nhập với đại ngã của đấng sáng thế Phạm thiên.

Thế Tôn ra đời, với tuệ giác siêu việt vô thượng, Ngài thấy rõ không có cái ta (ngã) nào cả, tiểu ngã cũng không mà đại ngã cũng không. Bởi vô minh nên nhận lầm tự ngã đó thôi, đơn giản vì vô thường chính là biểu hiện của duyên sinh và vô ngã nên không có cái ta, cái tôi, cái một - duy nhất, cái quyền năng của đấng sáng thế, tạo vật. Vô thường ngay nơi thân tâm ngũ uẩn này thì cái ta làm sao tồn tại. Vì vô minh chấp ngã sâu dày chúng sinh cố bám víu, nắm giữ ngũ uẩn nên tham ái sinh ra, từ đây hình thành mọi khổ đau.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu pháp cú không tham. Vậy để đoạn trừ những pháp vô thường nào phải tu pháp cú không tham? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu pháp cú vô tham; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu pháp cú vô tham.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 185)

Thế Tôn đã dùng hình ảnh ngọn lửa dữ đang thiêu đốt tất cả, từ những sự vật to lớn như sơn hà đại địa cho đến nhỏ nhiệm như cát bụi, vi tế như sát-na tâm để nói lên sự vô thường. Đã vô thường, biến hoại, đổi thay nhanh chóng như bị lửa dữ thiêu đốt như thế thì nắm giữ, bám víu, tham ái để làm gì? Bởi đó là điều không thể, lực bất tòng tâm nên càng mong muốn nắm giữ bao nhiêu thì khổ đau càng tăng thêm bấy nhiêu.

Thân này gọi là ngũ uẩn vì kết hợp năm yếu tố sắc (thân tứ đại), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tâm hành), thức (nhận thức). Ngay nơi mỗi uẩn đã là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nữa, bản chất của mỗi uẩn là vô thường, sinh diệt tương tục rồi huống hồ cả năm uẩn gộp chung lại thành thân này. Thấy rõ bản chất vô thường sinh diệt của năm uẩn nên không bám víu, không nắm giữ, không chấp thủ đó là tôi, của tôi. Xả ly hoàn toàn tham ái ngũ uẩn là bậc thành tựu ly tham, giải thoát.

Khi chúng ta còn tại phàm, nghiệp dĩ vô minh và tham ái sâu dày, dĩ nhiên chúng ta chưa buông bỏ hết được như các bậc Thánh. Tuy nhiên, người học Phật cần phải thấy rõ ngũ uẩn vô thường, thân tâm này luôn thay đổi để buông dần, xả bớt những gì trong khả năng có thể buông xả được. Bởi càng nắm giữ nhiều thì đau khổ nhiều, ngược lại buông xả thì bớt đau khổ, buông hết thì tham ái đoạn tận, khổ đau chấm dứt.

Âm lịch

Ảnh đẹp