NHƯ HÓA


Nguyễn Thế Đăng
18/09/2018 18:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 1429
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhóm Tỳ-kheo được vô lậu giải thoát sau khi nghe Tỳ-kheo do Bồ-tát Văn-thù-sư lợi biến hóa ra giảng giải cho về pháp giới thể tánh.


phat thuyet phap

Sau đó, nhóm ấy trở về chỗ ngài Văn-thù, gặp ngài Tu-bồ-đề. “Ngài Tu-bồ-đề nói: Ai điều phục các ngài?

Nhóm Tỳ-kheo ấy nói: Thưa Đại đức Tu-bồ-đề! Người không có sở đắc, không có sở giác là người điều phục chúng tôi. Người ấy chẳng sanh cũng chẳng diệt độ, chẳng phải thiền định cũng chẳng loạn tâm.

Bấy giờ ngài A-nan hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Các Tỳkheo ấy được ai điều phục?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức A-nan! Đó là người không có uẩn, giới, nhập; cũng chẳng phải phàm phu, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải Duyên giác, chẳng phải Bồ-tát, chẳng phải Như Lai; chẳng phải tương ưng với thân, chẳng phải tương ưng với ngữ, chẳng phải tương ưng với ý”.

Người điều phục cho các Tỳ-kheo là biến hóa của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và chính bản thân ngài Văn-thùsư-lợi. Người ấy đã đạt rốt ráo tánh Không, vượt khỏi thế gian và xuất thế gian: “chẳng sanh cũng chẳng diệt độ, chẳng phải thiền định cũng chẳng loạn tâm”. Người ấy chẳng dính dấp với thế gian và cũng vượt khỏi cả giải thoát: “không có uẩn, giới, nhập; cũng chẳng phải phàm phu, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải Duyên giác, chẳng phải Bồ-tát, chẳng phải Như Lai”.

Tánh Không là phương tiện thiện xảo đệ nhất để một người không ở bờ bên này (sanh tử) cũng không ở bờ bên kia (Niết-bàn). Tánh Không là Trung đạo. Thế nên, những tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ hoàn toàn nói về tánh Không nhưng những tiêu đề không lấy danh từ tánh Không mà lấy từ Trung đạo: Trung(đạo) luận, Nhập Trung (đạo) luận…, tông của ngài gọi là Trung quán tông (Madhy amika).

Vì Bồ-tát chứng tánh Không Trung đạo, nên “chẳng phải tương ưng với thân, chẳng phải tương ưng với ngữ, chẳng phải tương ưng với ý” và như thế chẳng tương ưng với sự tịch diệt của thân ngữ ý. Nói theo ngài Văn-thù-sư-lợi ở phần đầu kinh thì “Tất cả các pháp giới (thân, ngữ, ý) là pháp giới thể tánh”.

 Đoạn kinh tiếp theo:

Ngài A-nan nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, ngài nói người nào vậy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức A-nan, nếu như Đức Như Lai biến hóa ra người hóa, thì người hóa ấy có tương ưng chăng?

Ngài A-nan nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, người hóa không có pháp gì để có thể cùng tương ưng hay chẳng tương ưng.

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức A-nan, tất cả pháp thể tánh là hóa. Chính hóa ấy điều phục nhóm Tỳ-kheo ấy”.

Một Bồ-tát chứng tánh Không thì như người hóa, hoặc nói theo các kinh khác là người huyễn. Người hóa thì “không có pháp gì để có thể cùng tương ưng hay chẳng tương ưng”. Như hoa đốm giữa trời, như ánh nắng dợn trên sa mạc mà tưởng là nước, như mặt trăng trong nước, như giấc mộng, như thành phố Cànthát-bà trong mây… không phải là pháp có thật, nên nói tương ưng hay chẳng tương ưng đều là vô nghĩa; nói có hay không, sanh hay diệt, dơ hay sạch, tăng hay giảm… đều vô nghĩa.

“Tất cả pháp thể tánh là hóa”, nghĩa là tất cả pháp là sự hóa hiện của pháp giới thể tánh. Như Hóa thân là sự hóa hiện từ Pháp thân và của Pháp thân. Như tất cả mọi làn sóng là sự hóa hiện của đại dương. Như tất cả mọi bóng trong gương là sự hóa hiện của ánh sáng tấm gương, không có ánh sáng của gương thì không có bóng nào cả. Những hóa hiện ấy chẳng phải khác mà cũng chẳng phải không khác với thể tánh của chúng, do đó được gọi là như huyễn.

Bát-nhã tâm kinh nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Chẳng khác tức là vẫn có sắc, vì không phải xóa bỏ tất cả sắc mới có Không. Vậy, sắc có xuất hiện nhưng như huyễn. Sắc là hóa hiện của Không, tùy theo nghiệp thức của từng loài. Tất cả các hiện tượng thể tánh là hóa, tất cả các hiện tượng là sự hóa hiện của tánh Không. Cho nên, các hiện tượng chẳng khác tánh Không, đó là về mặt thể tánh; nhưng chẳng phải không khác về mặt hiện tướng xuất hiện. Sóng chẳng khác đại dương về mặt thể tánh, nhưng khác với đại dương về mặt hiện tướng xuất hiện. Nói cách khác, sóng là sự biểu hiện phong phú của đại dương, các tướng là sự biểu hiện phong phú của tánh Không, nhưng sự biểu lộ đó không thật, như huyễn.

Một Bồ-tát là người chứng được “tất cả pháp thể tánh là hóa”, mặc dù sự chứng này có sâu có cạn tùy theo cấp độ cao thấp của con đường Bồ-tát. Và chính sự chứng ngộ “tất cả pháp thể tánh là hóa” là nền tảng của công việc tự giác, giác tha của Bồ-tát. Bồ-tát phải ở thế gian với chúng sanh thì mới giúp đỡ, cứu độ chúng sanh được. Nhưng Bồ-tát giải thoát ngay trong việc ở thế gian và cứu độ chúng sanh, vì tất cả các pháp thế gian và chúng sanh thể tánh là hóa, là như huyễn. Bồtát là hóa, công việc tự giác giác tha của Bồ-tát là hóa: “Chính hóa ấy điều phục nhóm Tỳ-kheo kia”.

Chính nhờ tu hóa và chứng hóa mà Bồ-tát dầu cứu độ vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ, như kinh Kim Cương nói. Ở đây, kinh Pháp hội Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt nói, chúng sanh là hóa:

“Bồ-tát là người không tư duy, không quán sát; vì ngã tịch tĩnh vậy. Là người không có tự ngã; vì quán sát chúng sanh hóa là vô ngã vậy”.

Quán thấy chúng sanh là hóa là huyễn, hơn nữa, nghiệp của chúng sanh là hóa là huyễn, nên Bồ-tát không bị cuốn vào cảnh khổ cảnh vui của chúng sanh, do đó hết sức độ chúng sanh mà vẫn bình an phẳng lặng trước tám ngọn gió đời (bát phong: 1. Lợi ích, 2. Suy kém, 3. Chê, 4. Khen, 5. Ca ngợi, 6. Chê trách, 7. Khổ, 8. Vui.

Không phản ứng với tám ngọn gió đời, đó là lòng từ bi sâu sắc nhất. Nhờ hóa mà một Bồ-tát “không tương ưng với thân, ngữ, ý” của mình cho nên tự thân không có nghiệp, lại cũng không tương ưng với chúng sanh và nghiệp của chúng sanh như hóa, nên cũng không tạo nghiệp với chúng sanh, không ảnh hưởng bởi chúng sanh, dù vẫn làm việc cứu độ chúng sanh không mệt mỏi.

Hóa là sự biểu lộ như huyễn của tánh Không, nên thiền định thiền quán hóa tức là tu tánh Không, và tánh Không là nền tảng của con đường Bồ-tát.

Nguyễn Thế Đăng | Văn Hóa Phật Giáo số 305 ngày 15-9-2018

Thư Viện Hoa Sen

Âm lịch

Ảnh đẹp