06/08/2018 20:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 1148
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


NSGN - Kinh Pháp hoa khẳng định rằng mục tiêu ra đời của Đức Phật để giúp chúng ta thấy được Phật, hiểu Phật, làm theo Phật và sống như Phật. Ý này kinh Pháp hoa gọi là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Từng bước tu hành, chúng ta sẽ đạt được bốn phần là khai, thị, ngộ và nhập Phật tri kiến. 


littlemonk.jpgTất cả các pháp môn tu đều đưa đến quả vị giải thoát

Đức Phật khai tri kiến bằng cách đưa ra nhiều pháp môn tu. Chúng ta tu pháp nào cũng được với điều kiện duy nhất là phải phát triển tri kiến của chính mình. Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời mang thân người nhằm nói với chúng ta rằng Ngài tu thành Phật và chúng ta tu cũng sẽ thành Phật. Từ ý này, các kinh đều diễn tả năng lực của con người, nếu biết sử dụng sẽ đạt được Nhất thiết chủng trí. 

Chúng sanh mê lầm lại dùng năng lực của họ vào việc tội lỗi. Với tư cách một con người, Đức Phật sống, hành đạo, sinh hoạt như thế nào là Ngài bắt đầu công việc khai tri kiến cho mọi người. 

Có thể nói khai tri kiến không phải chỉ có ở phẩm Phương tiện trong kinh Pháp hoa. Thực sự tất cả mọi việc Phật làm trong cuộc đời đều là chìa khóa mở tri kiến cho chúng ta thấy. Tuy nhiên, thấy được cũng không đơn giản. Từng chặng đường một, tu theo Thanh văn thừa cắt bỏ phiền não bám vào tâm làm chúng ta dại khờ. Mỗi người tùy theo hoàn cảnh và hiểu biết riêng mà vận dụng khả năng của mình, phát triển sự hiểu biết. 

Khai tri kiến và thị tri kiến để hành giả nhìn vào thấy Phật là tấm gương sáng, là người biết tất cả và làm được tất cả. Hay nói cách khác, giúp chúng ta hiểu được thế nào là tri kiến Như Lai. 

Làm cho mọi người ngộ Phật tri kiến là nhận được Phật tri kiến. Nhận được tri kiến không có nghĩa là nhận tri kiến của Phật Thích Ca, nhưng phải nhận tri kiến của chính chúng ta. 

Thời Đức Phật tại thế, con người bị Bà-la-môn mê hoặc, trao quyền quyết định cho Thượng đế, thủ tiêu tri kiến của mình. Đức Phật hiện thân con người, chỉ cho thấy chính mình mới có quyền quyết định vận mạng của mình. Nhận được ta là người có khả năng thành Phật, chúng ta mới bước theo con đường của Phật Thích Ca đi, đạo đức mỗi ngày cao hơn, năng lực lớn thêm và trí tuệ phát triển nhiều hơn là đã nhập vào tri kiến Như Lai. Từng bước chân đi, hành giả có Phật Thích Ca ở bên cạnh. Hành giả gặp Ngài trong trình độ tu chứng của mình. Có thâm nhập trí tuệ Như Lai mới hiểu được tri kiến Như Lai. 

Muốn độ ba hạng người nhận thức sai lầm, Phật phải khai ba phương tiện Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát để dễ nhận biết. Cũng như vì có người tu khổ hạnh, Phật phải lao vào cuộc sống khổ hạnh và khổ hạnh vượt hơn người khác cho đến ngã gục xuống, để chỉ cho mọi người pháp tu này hoàn toàn sai lầm, càng tu cơ thể càng yếu, trí càng đần độn. 

Ngài khai ra pháp Trung đạo, không chạy theo dục vọng xa hoa tàn phá con người, cũng không đốt thân theo những người khổ hạnh. Chỉ ăn những thứ cần thiết nuôi cơ thể khỏe mạnh và giữ trí tuệ sáng suốt. Tu theo Trung đạo, trí tuệ mỗi ngày phát triển hơn, hiểu biết chính xác lần, cho đến thành đạo. 

Hai phần khai và thị tri kiến là công việc của Phật đã làm xong. Còn lại ngộ và nhập tri kiến hay không, tùy nơi chúng ta. 

Lộ trình đi đến Nhất Phật thừa có khác nhau. Từ Thanh văn tu pháp Tứ đế, Duyên giác tu pháp Thập nhị nhân duyên và sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát, cho đến tu phước báo nhân thiên, giữ Ngũ giới hay Thập thiện giới cũng lần thành Phật. 

Xa hơn, Phật còn triển khai 84.000 pháp môn thích ứng với tất cả nghiệp lực của chúng sanh từ địa ngục A tỳ đến Bồ-tát, ai tu cũng được và tu hình thức nào đầy đủ công đức đều thành Phật, không thể thành gì khác ngoài Phật. 

Tất cả việc lớn nhất cho đến nhỏ nhất, như người chỉ cúng dường một cánh hoa hay cúi đầu chào Phật cũng trồng căn lành với Ngài. Hoặc người lòng tán loạn vụt nhớ Phật, chỉ xưng Nam-mô Phật, lòng họ vơi buồn, cũng là hạt nhân của Bồ-đề. Họ lần chứa nhóm công đức sẽ thành Phật. Nghĩ đến Phật, chỉ một niệm tâm cảm thấy an lành là người có niềm tin. Chúng ta học nhiều và giỏi đến đâu chăng nữa, nhưng không nhận được sự an lành trong giáo pháp Phật cũng trở thành vô ích. 

Phật thuyết pháp, giáo hóa nhằm mục tiêu hốt dọn phân nhơ, nghĩa là dẹp tan những tranh luận không có lối thoát của 93 học thuyết ngoại đạo thời bấy giờ bừa bãi trong xã hội. Ngài thương mọi người trên cuộc đời suy nghĩ sai lầm, hành động sai lầm dẫn đến quả khổ đau. Ngài mới đưa ra Tam thừa quyền để hiển Nhất thừa thật, hay 84.000 phương tiện tu nhằm quét dọn 84.000 phiền não trần lao cho chúng sanh, dẫn mọi người đến cứu cánh thành Phật. 

Mang thân con người sanh diệt hữu hạn đi vào nhân gian, Ngài tu hành thành Phật, nghĩa là làm nở tung con người bình thường để con người chân thật bên trong hiện ra. Quá trình 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 năm thuyết pháp chứng tỏ Đức Thích Ca là người siêu việt. Điều đó mở ra cho chúng ta thấy cốt lõi Tỳ Lô Giá Na Phật bên trong của Ngài. Khi mọi người nhận được chân thật pháp thì phải bỏ phương tiện. Cũng như thấy được Phật Pháp thân thường trú Tỳ Lô Giá Na thì Phật Thích Ca vào Niết-bàn. 

Ngài bỏ giả thân sanh diệt để Pháp thân còn mãi, thâm nhập vào Pháp giới, vào trong tâm khảm của mọi người. Thật vậy, từ Phật Niết-bàn đến nay hơn 25 thế kỷ trôi qua, nhân cách thánh thiện và lời dạy cao quý của Đức Thế Tôn vẫn còn hướng dẫn sự sống của loài người trên khắp năm châu bốn biển, được từng thế hệ nối tiếp, phát huy, tạo nên sức sống Phật giáo với muôn màu muôn vẻ. 

Dưới kiến giải của Phật giáo Đại thừa không cố chấp vào mô hình cố định nào. Để phát huy tinh ba đạo Phật, cần vận dụng giáo lý, vận dụng những phương tiện khác nhau tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sinh hoạt của từng nước, từng thời kỳ mà làm lợi ích. 

Để triển khai chân giáo nghĩa của Phật, các nhà truyền giáo Đại thừa đã khéo léo sử dụng phương tiện. Các Ngài dung hợp hài hòa lời Phật dạy với dân tộc tính, với văn hóa của từng nước, tạo thành sức sống Phật giáo mãnh liệt chỉ đạo sinh hoạt xã hội. 

Điển hình như hình thức Phật giáo Ấn Độ đi khất thực, mặc y phấn tảo truyền sang Trung Hoa. Nếu giữ nguyên hình thức nhà sư đầu trần chân đất, ăn mặc nghèo nàn như vậy, thì không thể nào tồn tại được trong một nước Trung Hoa trọng về lễ giáo và chủ thực tiễn. 

Các vị Tổ sư đã khéo léo cải biến hình thức khất thực cho phù hợp với tinh thần thực tiễn bằng cách tạo ra những nông thiền. Theo đó, các sư vừa tu học vừa sản xuất, để giải quyết vấn đề sinh sống hàng ngày. Và cũng để phù hợp với văn hóa Trung Hoa mang nặng hình thức lễ nghi, họ đã chế ra những sắc phục cho nhà sư mặc tương xứng với áo mão cân đai của triều đình. 

Tuy nhiên, Phật giáo đến Việt Nam, gặp bối cảnh khác, nên suy tư và vận dụng giáo lý của Thiền sư Việt Nam cũng khác. Nếu không biết đổi khác, chỉ sống y khuôn, chắc chắn chúng ta sẽ không có những trang sử đẹp được mệnh danh là thời kỳ vàng son của Phật giáo Lý-Trần. 

Các Thiền sư Việt Nam tiếp thu và vận dụng giáo lý vào cuộc sống thực tiễn, tạo thành sự thấy biết chính xác, mang đến những đóng góp tích cực đáng kể cho dân tộc, nêu cao một đời sống gương mẫu đạo đức, được mọi người kính ngưỡng. Các Ngài xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Khi thì đóng vai Thái sư Khuông Việt hay người chèo đò Đỗ Thuận, lúc lại là thầy thuốc Tuệ Tĩnh hay thợ đúc đồng Nguyễn Minh Không. Thậm chí có lúc các Ngài tự tại ở ngôi vị đế vương xông pha trước mũi tên lằn đạn để chống đỡ cho muôn dân thoát khỏi nạn giày xéo của ngoại bang. 

Nhờ biết ứng dụng phương tiện một cách linh động toàn hảo, trải qua bao thăng trầm đổi thay của lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại sáng ngời với thời gian. Tồn tại trong những tác phẩm thi văn, hội họa, kiến trúc của các Thiền sư để lại cho đời, tồn tại trong sự nghiệp cao quý của những Thiền sư đã hòa thân cùng dân tộc, tồn tại trong tư cách cao thượng của những Thiền sư không màng lợi danh phú quý. Suốt cuộc đời các Ngài chỉ hành động vì tâm nguyện đại từ đại bi, mang lợi lạc an vui cho dân tộc. 

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa 84.000 phương tiện của Đức Thích Ca Như Lai mở ra cho chúng ta tiến đến chân trời giác ngộ giải thoát, đồng thời kế thừa được phương tiện tốt đẹp của các bậc tiền bối, Tăng Ni, Phật tử cần sáng suốt vận dụng những phương tiện phù hợp với thời kỳ phát triển của đất nước để dựng xây cuộc sống trí tuệ và đạo hạnh trên bước đường phục vụ đạo pháp và dân tộc. 

HT.Thích Trí Quảng

https://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2018/07/12/7BE693/

Âm lịch

Ảnh đẹp