Trong kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc tuyển tập Trường Bộ kinh (tương đương kinh Du hành thuộc tuyển tập Trường A-hàm)(1) có ghi lại sự việc vua A-xà-thế (Ajàtasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha) phái một đại thần đến thỉnh ý Đức Phật về việc ông muốn cất binh đánh xứ Bạt-kỳ (Vajjì). Đức Phật đã trả lời như sau:
- Khi nào dân Bạt-kỳ thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
- Khi nào dân Bạt-kỳ tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết.
- Khi nào dân Bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không nên ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ.
- Khi nào dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này.
- Khi nào xứ Bạt-kỳ không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình.
- Khi nào dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
- Khi nào dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Bạt-kỳ, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.
Khi nào bảy pháp bất thối trên còn được duy trì giữa dân Bạt-kỳ, khi nào dân Bạt-kỳ được giảng dạy bảy pháp bất thối này thì dân Bạt-kỳ được hưng thịnh, hùng cường (không ai có thể xâm phạm).
(Theo bản dịch của HT.Thích Minh Châu)
Điều thứ nhất Đức Phật dạy là sự hòa hợp trong dân chúng và trong tổ chức chính trị. Những người có trách nhiệm quản trị đất nước phải thường hội họp để luận đàm về đường lối chính trị và chủ trương, chính sách ích nước, lợi dân. Cùng nhau trao đổi, thảo luận trong tinh thần hòa hợp vì mục tiêu chung; khắc phục, sửa đổi những sai lầm, khiếm khuyết trong chủ trương, chính sách.
Người dân biết quan tâm các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, thường tụ họp bàn luận và đóng góp ý kiến cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý. Người dân thường cùng nhau trao đổi, thảo luận về đời sống, nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để giúp nhau phát triển, tiến bộ.
Ngoài ra, lời dạy này còn có ý nghĩa mọi thành phần xã hội có sự cư xử bình đẳng với nhau, tôn trọng lẫn nhau, không có sự kỳ thị, phân biệt giàu nghèo, quý tiện hay thuộc giai cấp, chủng tộc nào. Bởi vì có sự bình đẳng không phân biệt mới có sự tụ họp đông đảo để bàn luận, trao đổi các vấn đề xã hội, quốc gia hay đời sống cá nhân, gia đình.
Điều thứ hai là xây dựng khối đại đoàn kết: Đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý; đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, trên dưới một lòng vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Một quốc gia mà nội bộ không có sự đoàn kết, chia năm xẻ bảy, bè đảng phe phái kình chống lẫn nhau, chỉ biết chuyên quyền, tư lợi thì sớm muộn gì cũng xảy ra ngoại xâm, nội loạn. Đây là điều hết sức quan trọng không thể xem thường.
Điều thứ ba là tinh thần thượng tôn pháp luật và giữ gìn truyền thống dân tộc. Không tùy tiện đặt ra những luật lệ mới, không ban hành pháp luật mà không có sự thông qua Quốc hội, Chính phủ, không có sự trưng cầu ý dân, không có sự thống nhất ý kiến giữa các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các cơ quan, ban ngành.
Luật pháp được ban hành phải hướng đến quyền lợi của người dân và lợi ích đất nước. Những điều luật hữu ích phải được giữ gìn, không được tùy tiện sửa đổi hoặc bỏ đi.
Còn vấn đề truyền thống? Truyền thống lâu đời của dân tộc cần phải được giữ gìn nếu đó là những cái hay, cái đẹp, có giá trị. Nếu đánh mất truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc chẳng khác nào đánh mất chính mình, đánh mất sinh mệnh, cái hồn của một quốc gia.
Điều thứ tư là kính trọng các bậc trưởng thượng, những người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm hiểu biết, thường lắng nghe ý kiến của họ. Cũng như ở Việt Nam ta dưới thời nhà Trần, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã mở Hội nghị Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284, mời các bô lão họp lại bàn việc nước. Đặc biệt, đối với người già, xã hội phải có chế độ ưu đãi, hỗ trợ.
Điều thứ năm, xã hội có an ninh, trật tự. Không có tệ nạn áp bức, bóc lột; hà hiếp, bắt cóc, cưỡng ép phụ nữ làm tỳ thiếp, làm nô lệ. Không có hiện tượng bất bình đẳng giới, người phụ nữ phải được tôn trọng.
Điều thứ sáu là có văn hóa tín ngưỡng, có đời sống tâm linh; tôn trọng truyền thống. Bất cứ một dân tộc, quốc gia nào cũng có truyền thống văn hóa, tín ngưỡng riêng của mình, bên cạnh đó đời sống tâm linh cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì cuộc sống luôn có những nhu cầu ở hai phương diện vật chất và tinh thần. Con người cần có đời sống tinh thần, tâm linh để cân bằng với đời sống vật chất. Đời sống tinh thần, tâm linh cũng giúp cho con người khắc phục những khó khăn, nghèo nàn trong đời sống vật chất, nó làm điểm tựa cho con người đứng vững giữa dòng đời thiên biến.
Điều thứ bảy Đức Phật dạy là phải biết kính trọng các bậc thánh nhân, các bậc xuất trần thượng sĩ, các bậc hiền nhân, minh triết có tài năng và đức độ. Bởi những người này là đại diện cho đời sống đạo đức thanh cao, thiện mỹ, luôn là tấm gương cho mọi tầng lớp xã hội noi theo. Xã hội, quốc gia phải bảo hộ họ, trọng dụng tài năng, sự đóng góp, cống hiến của họ.
Một xã hội không quý trọng người hiền tài thì không thể nào phát triển, tiến bộ. Một xã hội không biết kính trọng người hiền đức, không trân quý điều thiện, sống theo điều thiện thì xã hội đó không có nền tảng vững bền, con người không có cuộc sống yên ổn vì mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đất nước Việt Nam ta vào thời đại Lý, Trần đã thực hiện rất tốt những điều này. Các vì vua anh minh luôn làm tấm gương đạo đức cho thần dân trong nước. Các vị xuất gia thường được mời vào triều để vua cùng quần thần hỏi đạo và bàn chính sự. Đạo đức rất được coi trọng, người dân luôn quan tâm đời sống đạo đức và văn hóa tinh thần. Mọi thành phần xã hội đều đoàn kết một lòng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước và chống giặc ngoại xâm. Chính vì thế mà đất nước ta thời bấy giờ hùng cường, nhân dân sống trong thái bình an lạc. Thời Lý đã từng truy đuổi giặc xâm lăng nhà Tống đến tận lãnh thổ Đại Tống, thời Trần đã từng ba lần đánh bại giặc Nguyên- Mông hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Cho đến ngày nay, những lời dạy của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì người dân xứ Bạt-kỳ thời đó có được Bảy pháp bất thối này mà nước Ma-kiệt- đà không dám xâm chiếm. Đức Phật cho biết, khi nào người dân xứ Bạt-kỳ còn thực hiện tốt Bảy pháp bất thối đó thì xứ Bạt-kỳ luôn vững mạnh, không chỉ Ma-kiệt- đà mà bất kỳ quốc gia nào cũng không thể xâm phạm. Thiết nghĩ, hôm nay sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, nếu xứ sở nào, quốc gia nào biết vận dụng tốt những lời dạy đó chắc chắn sẽ thu được nhiều thành tựu tốt đẹp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.■
Chú thích:
(1) Kinh Đại Bát Niết-bàn (Mahàparinibbàna sutta), kinh số 16 thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), tương đương kinh Du hành, kinh số 2 thuộc Trường A-hàm. Nội dung hai bài kinh này cũng tương tự phẩm kinh Vajjì (Bạt-kỳ), chương Bảy pháp của Tăng Chi Bộ Kinh.
Văn Hoá Phật Giáo số 208