14/09/2018 16:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 1252
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 

pham thanh

Trong quan hệ 12 nhân duyên, nhân vì xúc (căn tiếp xúc trần) nên sinh thọ (cảm giác vui, khổ và trung tính), nhân vì thọ nên sinh ái (yêu ghét), và cũng từ đây là hình thành khổ đau sinh tử. Nếu xúc mà chánh niệm rồi tự chủ với thọ, nhờ giác tỉnh mà không bị ái nhiễm, yêu ghét chi phối thì có thể dẫn đến chấm dứt khổ đau.

Đối với pháp tu căn (sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) vận trình cũng giống như vậy. Khi mắt tiếp xúc với sắc, tai tiếp xúc với thanh, mũi tiếp xúc với hương, lưỡi tiếp xúc với vị, thân xúc chạm với sự vật, ý tiếp xúc với các hình ảnh và sự kiện được lưu lại trong nội tâm (pháp trần) hết thảy đều là những cơ hội quý báu cho tu tập. Khổ vui sẽ bắt đầu từ đó mà phàm thánh cũng lưu xuất từ đây.

“Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

- Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Phật bảo:

 - Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

Phật bảo Lộc Nữu:

- Nếu có Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

- Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡngdục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.

Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 310)

Mắt thấy sắc là hiển nhiên vì mắt ta sáng, không đau bệnh. Nhưng người tu khác với người thường ở chỗ khi mắt thấy sắc, chánh niệm, cái thấy chỉ là cái thấy, đương niệm thấy, thấy, thấy. Nhờ đó mà thấy xấu cũng không ghét bỏ, thấy đẹp cũng không yêu thích. Chánh niệm xong liền giác tỉnh để thấy rõ hết mà không hỷ lạc, không ca ngợi, không dính mắc cho nên không ham thích. Vì ham thích không sinhkhởi nên khổ đau không phát sinh. Ngược lại với tiến trình này, mắt thấy sắc mà thiếu chánh niệm, khi cái thấy không chỉ là cái thấy thì dính mắc, yêu ghét xuất hiện, ham thích hình thành và khổ đau hiện khởi.

Các giác quan còn lại khi tiếp xúc với cảnh trần tương ứng đều được vận hành theo hai hướng phàm thánh như thế. Cốt lõi của vấn đề là trở thành thánh hay phàm chính là chánh niệm và tỉnh giác khi căn tiếp xúc với cảnh. Chánh niệm và tỉnh giác cao độ thì vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ mà không phân biệt, chẳng dính mắc. Nhờ không dính mắc mà hỷ tham không sinh khởi. Hỷ tham không sinh khởi thì khổ đau cũng không có cơ sở phát sinh. Đó là nền tảng của tu căn. Khi sáu căn được tu tập tinh chuyên, chánh niệm tỉnh giác hiện tiền thì đoạn tận ái, chấm dứt nhân khổ đau sinh tử.

Âm lịch

Ảnh đẹp