Tháng 9, Đức Đạt lai Lạt ma – vị lãnh tụ tinh thần 76 tuổi
đang lưu vong của Tây Tạng – đưa ra tuyên bố về kế hoạch đầu thai của
ngài – người được đầu thai sẽ là người kế nhiệm của ngài – cũng như nêu
“chiến lược” dài hạn cho sự nghiệp thần thánh của mình.
Lời tuyên bố của Đức Đạt lai Lạt ma, người vốn chỉ chuyên tâm thuyết
giảng về lòng trắc ẩn và hòa bình mà hiếm khi bày tỏ thẳng những triết
lý về doanh nghiệp, nghe sao giống như một tổng giám đốc doanh nghiệp
có tuổi đang chuẩn bị chuyển giao lại quyền lực của mình.
Và quả thật, tinh thần lãnh đạo luôn là chủ điểm xuyên suốt trong rất
nhiều giáo lý của Đức Đạt lai Lạt ma. Ngài thậm chí còn dùng Twitter
để thường xuyên “tweet” về chủ điểm này.
Những năm 1990, sau khi làm cố vấn quản lý quốc tế cho Đạt lai Lạt
ma, Laurens van den Muyzenberg đã nhận ra tư tưởng ẩn giấu đằng sau
những bài triết giảng ấy. Nhận thấy có thể kết hợp những tư tưởng mang
tính phật giáo của Đức Đạt lai Lạt ma với lĩnh vực chuyên môn của mình,
van den Muyzenberg đã cùng ngài viết cuốn sách The Leader’s Way (Con
đường của nhà lãnh đạo).
“Phần lớn khách hàng của tôi đều vướng phải những vấn đề liên quan
đến đạo đức”, van den Muyzenberg nhận xét. “Thật khó có thể tìm người
nào có đức độ được tôn kính đến như Đat lai Lạt ma”.
Dưới đây chúng tôi xin trích lọc một số giáo lý về người lãnh đạo đã
được Đức Đạt lai Lạt ma đưa vào cuốn The Leader’s Way cũng như những
bài thuyết giảng và những “tweets” của ngài.
Trong cuốn The Leader’s Way có hai thông điệp lớn. Phần thông điệp
thứ nhất là: để lãnh đạo được, ta phải hiểu lý do vì sao ta hành động.
Như Đức Đạt lai Lạt ma đã nói: “Bản chất của động cơ sẽ quyết định đặc
tính của hành động”. Trong kinh doanh, điều này có nghĩa là ta phải
nghĩ cho thấu về những hệ quả của các mục tiêu mà ta nhắm tới cũng như
mục đích đằng sau những sự vụ hàng ngày.
Ngoài ra, nó còn nhắc nhở ta không chỉ nghĩ về quyền lợi của mình mà
cả quyền lợi của những người mà ta lãnh đạo. Việc tổ chức bàn thảo, lấy ý
kiến của mọi người trong công ty và việc liên kết giữa các phòng ban
là hai cách để đảm bảo rằng mọi người hiểu và đi theo hướng mà bạn chọn
cho công ty.
Đặt ra những nguyên tắc kinh doanh phổ biến không thôi là chưa đủ.
“Tôi thấy nhiều công ty đặt ra những nguyên tắc hết sức cứng rắn nhưng
họ lại không áp dụng được những nguyên tắc đó”, van den Muyzenberg nhận
định. Để đảm bảo những nguyên tắc tốt đẹp nhất của ta được hiện thực
hóa trong hoạt động kinh doanh, hãy xây dựng một hệ thống báo cáo, đánh
giá tiến bộ một cách thường xuyên.
Đức Đạt lai Lạt ma nói rằng nếu trí óc không được uốn nắn thì nó sẽ
giống như một con khỉ trên cây, lúc nào cũng quá khích và không thể tập
trung. Phật giáo dùng cách tu luyện, hay còn gọi là thiền, để chế ngự
hành vi này của não. Mặc dù ít CEO nào có ý định đến các phòng tập
dưỡng sinh để thiền mỗi buổi sáng trước khi đi làm, nhưng Đức Đạt lai
Lạt ma vẫn luôn nhắc nhở rằng rằng một khi trí não được rèn luyện và giữ
được trạng thái ôn hòa thì những cơn bốc đồng, quá khích sẽ giảm đi và
chất lượng tư duy sẽ được nâng cao. “Người lãnh đạo phải nhận thức
được khi nào thì tư duy của người đó bắt đầu bị chế ngự bởi những cảm
xúc tiêu cực như bực tức, giận dữ, mất bình tĩnh, thiếu tự tin, ganh
ghét, tham lam” – Đức Đạt lai Lạt ma và van den Muyzenberg đã viết
trong cuốn The Leader’s Way. “Những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực này
không chỉ dẫn đến những quyết định sai lầm mà còn làm phí hoài trí
lực”. Những kỹ thuật thiền cơ bản như hít thở sâu, thư giãn gân cốt và
kiềm chế cảm xúc có thể giúp người lãnh đạo trở nên bình tĩnh, điềm đạm
trong mọi lúc, mọi nơi.
Tập trung vào niềm vui, niềm hạnh phúc
Điểm gì ở công ty khiến ta hài lòng? Điểm gì khiến ta không vui? Chỉ
cần tự hỏi hai câu đơn giản này, người lãnh đạo có thể tìm ra cách tốt
nhất để tạo động cơ làm việc cho nhân viên, thuyết phục khách hàng và
giúp đỡ cho các cổ đông. Theo Đức Đạt lai Lạt ma, niềm vui, niềm hạnh
phúc là hình thái chung nhất của động lực. “Ta thường quên đi rằng dù
có nhiều điểm khác biệt nhưng ta vẫn giống nhau ở một điểm cơ bản nhất,
đó là ước vọng về hòa bình và hạnh phúc”. – Ngài nói trên Twitter ngay
tháng 11 vừa qua. Sự hài lòng của nhân viên, khách hàng và cả cổ đông
phải là tiền đề mấu chốt.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp phải hy sinh lợi
nhuận để làm được điều đó. “Một số người nghĩ rằng để có hạnh phúc, họ
phải đánh đổi tiền bạc, nhưng thực ra không phải thế” - van den
Muyzenberg cho biết. “Một công ty hạnh phúc là một công ty thành công.
Khi bạn quan tâm đến khởi nguồn của niềm hạnh phúc thì lúc ấy bạn đang
đầu tư nhiều hơn cho thành công”.
Đạo Phật cho rằng có mối giao hòa, gắn kết giữa vạn vật – con người
chỉ thực sự tồn tại trong mối tương quan với những người khác. Từ quan
điểm phật giáo, doanh nghiệp được coi là một mạng lưới các mối quan hệ,
một sinh vật siêu phàm mà chỉ hoạt động khi mọi mối liên kết được hiện
thực hóa. “Nhà lãnh đạo giao hòa luôn tự coi mình là một nguồn xung
lực cho hệ thống giao hòa và nhìn ra mục đích của hệ thống đó”, - Đức
Đạt lai Lạt ma và van den Muyzenberg viết trong cuốn The Leader’s Way.
Khi một xung lực – có thể là bất cứ thứ gì, từ một cuộc trò chuyện,
một bài thuyết trình cho đến một chính sách – chạm đến một cá nhân khác,
nó làm sản sinh ra ý tưởng và kích hoạt chuỗi phản ứng cho năng suất
sáng tạo. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là quản lý và duy trì nguồn xung
lực đó cho đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, sự giao hòa không chỉ dừng lại ở
quan hệ nội bộ công ty mà còn cả quan hệ với khách hàng, người tiêu
dùng, khu vực tài chính và thậm chí đối thủ.
Điều hành doanh nghiệp là một việc vô cùng khó khăn. Những doanh nhân
hay chủ doanh nghiệp nhỏ rất dễ rơi vào trạng thái lúc nào cũng lo
lắng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn và luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, ngược lại, Đức Đạt lai Lạt ma lại khuyên doanh nghiệp nên
có cái nhìn lạc quan: “Hãy ơn trời rằng hoàn cảnh của mình hơn rất
nhiều người và có nhiều hứa hẹn và rồi lấy đó làm niềm vui, làm thế
mạnh của mình” – Ngài đã nói thế trong một “tweet” của tháng trước. Mọi
vấn đề đều có cách giải quyết và có thái độ đúng ngay từ đầu có thể
giúp bạn tìm ra cách giải quyết đó.
Và khi mọi thứ trở nên khó khăn, hãy lấy Đức Đạt lai Lạt ma làm nguồn
cảm hứng.Van den Muyzenberg nhớ lại: “Đã có lần Đức Đạt lai Lạt ma nói
với tôi rằng “Anh có thể nghĩ chắc tôi không hạnh phúc vì tôi đã mất
quê hương, mất tất cả. Nhưng tôi là người rất hạnh phúc đấy’”.