21/06/2011 09:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 1272
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lạy Tam bộ nhất bái tại chùa Việt Nam, Houston, Texas, Hoa Kỳ
Tâm chỉ niệm tuyệt, chân phú quý,
Tư dục đoạn tận, chân phước điền.”

(Tâm dừng niệm bặt, giàu sang thật
Tư dục đoạn sạch, ruộng phước thật.)



Chúng ta ngày ngày tu Phật, song lại chẳng biết học theo vị Phật chân chánh, mà chỉ vận dụng công phu trên hình tướng bên ngoài, không truy tìm nguồn gốc của Phật trong tự tánh. Tìm nguồn gốc của Phật tức là đoạn sạch hết thảy tư dục (những ham muốn riêng tư) để hiển lộ trí huệ quang minh vốn có. Có tư dục thì không có trí huệ, có trí huệ thì không có tư dục—trí huệ không thể tách rời tư dục, tư dục không thể tách rời trí huệ.

Phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn; nếu quý vị có thể trong phiền não mà không sanh phiền não, thì quý vị sẽ có tâm Bồ Đề. Quý vị muốn chấm dứt sanh tử, thì quý vị đừng tạo thêm sanh tử nữa; và đó chính là Niết Bàn. Người người đều có sanh, do đó ai nấy đều có tử. Nếu quý vị có thể cắt đứt tư dục, thì sự sanh tử của quý vị cũng sẽ chấm dứt theo; tư dục của quý vị chưa dứt sạch, thì sự sanh tử của quý vị chưa thể kết thúc được!

“Tư” là riêng tư, điều mà chỉ một mình mình biết chứ người khác không thể nào biết được. Người có lòng tư dục chỉ muốn phô bày cái tốt ra cho người khác biết, còn cái xấu thì che đậy giấu giếm, hy vọng như thế sẽ làm cho người khác có cảm tưởng tốt về mình. Tư dục xui khiến quý vị nói dối, điên đảo thị phi, không phân biệt được thẳng cong phải trái, trắng đen hỗn loạn—tất cả chỉ vì quý vị để cho lòng tư dục chi phối, sai khiến.

Nếu quý vị không có tư dục thì trí huệ quang minh vốn có của quý vị sẽ hiển hiện, bất tất phải tìm kiếm bên ngoài, mà tự mình tìm cầu nơi chính mình. Chúng ta sống ở cõi đời này, mọi cử chỉ hành động, lời nói việc làm, đều cần phải phản tỉnh, phải quay lại tìm cầu nơi chính mình.

Quý vị cần phải: “Những gì mình không muốn thì chớ đem cho người khác.” Những gì chính bản thân quý vị không thích thì cũng đừng đem trút lên đầu lên cổ người khác. Cổ nhân có nói:

“Nhân tuy chí ngu,
trách nhân tắc minh,
thứ kỷ tắc hôn.”

Có nghĩa là người ta tuy ngu xuẩn đến cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của kẻ khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng, rành rẽ. Người ấy nói chuyện thị phi của kẻ khác thì thao thao bất tuyệt, có bài có bản, “biện tài vô ngại”; nhưng đối với việc của chính mình thì lại mê muội hồ đồ, tùy tiện cẩu thả, không thể biện biệt rõ ràng, phạm sai sót cũng chẳng quan tâm, thậm chí còn che giấu lỗi lầm nữa—đây là do bị lòng tư dục chi phối, xúi giục, khiến người ấy gây ra những điều sai trái, và luôn luôn tự tha thứ cho chính mình!

“Cẩu hữu thông minh
dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ,
dĩ thứ kỷ chi tâm thứ nhân,
hà hoạn bất chí Thánh Hiền địa vị.”

tức là nếu người thông minh, lấy tâm trách người để trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người, thì lo gì chẳng đạt được địa vị của Thánh Hiền!

Giả sử quý vị thật sự có thông minh tài trí, có thể “lấy tâm trách người để trách mình”—tức là biết phản tỉnh, quay lại tìm cầu ở chính mình, dùng lòng khoan dung tha thứ cho chính mình mà khoan dung tha thứ cho người khác—lại có thể “những gì mình không muốn thì chớ đem cho người khác,” và thấy việc nghĩa thì dũng cảm đứng ra gánh vác; như thế, nhất định quý vị sẽ đạt được địa vị của Thánh Hiền; thậm chí nếu quý vị làm việc chân chánh nữa, thì sẽ được “tức thân thành Phật.”


Cho nên, này quý vị! Quý vị hướng về vị Phật ở bên ngoài mà đảnh lễ, thì chẳng bằng hướng về vị Phật của chính mình mà đảnh lễ! Quý vị cần phải cung kính đối với chính mình, thời thời khắc khắc đều giống như đối với Phật, hoặc như đối với Bồ Tát Quán Thế Âm vậy—có như thế thì mới là chân chánh lạy Phật, chân chánh lạy sám hối, và chân chánh niệm Phật. Trái lại, nếu quý vị không như thế, thì quý vị chỉ là học những “lời cửa miệng,” người ta nói sao thì mình lặp lại y như vậy—người ta lạy Phật thì mình cũng lạy Phật, người ta niệm Phật thì mình cũng niệm Phật, người ta ăn cơm thì mình cũng ăn cơm; thế nhưng, việc sanh tử của người ta thì mình không thể nào chấm dứt được!

Quý vị cần phải “chân dẫm trên đất thật,” cần phải chân chánh thực hành. Tôi nghe kể rằng lúc trước tại Đài Loan có một vị Tỳ Kheo Ni tên là Phước Huệ. Vị Tỳ Khưu Ni này, năm hai mươi tuổi thì kết hôn và sanh được hai người con; đến năm cô hai mươi lăm tuổi thì chồng chết. Nhìn thấu chuyện hồng trần, cô bèn xuất gia đi tu. Cô không ăn thức ngon, chẳng mặc đồ tốt, cũng chẳng ở nhà cao cửa rộng; mà thường lui tới các chùa chiền để làm công việc lau chùi quét dọn, lại chẳng cho ai biết họ tên mình là gì cả. Cô thường hay bố thí nước “Đại Bi” cho người ta để chữa bệnh; đã không nói chuyện, cũng chẳng nhận tiền; cứ như thế mà tu hành. Quý vị phải tu hành như thế thì mới là chân chánh tu hành; bằng không thì chùa dù to, tiền dù nhiều, nhưng sanh tử vẫn chẳng thể dứt được!

Cho nên, quý vị có bổn phận phải vận dụng công phu, xem tâm tham của mình đã bị trừ khử chưa, tâm sân đã bị loại bỏ chưa, và tâm si đã bị quét sạch chưa.
Người xuất gia chúng ta cần phải:

Siêng tu Giới, Định, Huệ,
Dứt sạch tham, sân, si.

Thế thì, rốt cuộc quý vị có làm được chăng? Nếu làm được, thì mới không hoài phí một kiếp được làm người, không uổng công một phen xuất gia, và không phải là một đệ tử vô dụng của Phật!

Chúng ta cần phải “hồi quang phản chiếu,” trở về tìm lại nơi chính mình. Muốn quay ngược lại để tìm cầu công phu nơi chính mình thì phải:

Thật nhận nơi mình sai,
Đừng nói lỗi của người,
Lỗi người là lỗi mình,
Đồng thể tức Đại Bi.

Vì sao tôi nói như thế? Vì tôi gặp rất nhiều người bị bệnh tật, đặc biệt là những người mắc phải các chứng bệnh lạ lùng kỳ quái. Những người này khi cơn bệnh hoành hành thì “oán trời trách người”—trách móc ông Trời không được công bằng: “Tại sao chỉ khiến một mình tôi mắc bệnh? Tại sao không bắt những người khác bị bệnh?” Họ chỉ biết sanh lòng phẫn hận bất bình như thế, mà không biết rằng đó chẳng qua đều là “tiền nhân, hậu quả” cả! Bởi đời trước họ đã giết hại quá nhiều sinh vật—đi săn, đi câu, đi đánh cá, giết gà, giết bò, giết dê, giết chó… —chính vì họ đã sát sanh quá nhiều, cho nên trong đời hiện tại này họ mới bị mắc phải nhiều chứng bệnh kỳ quái như thế!

Mỗi năm tại Vạn Phật Thành, lễ Tắm Phật đều được cử hành ở ngoài trời. Hôm nay trời quá nóng, có số người đứng đợi ở bên ngoài hơi lâu, bị phơi nắng đến toát cả mồ hôi. Thật ra, nắng mặt trời cũng là cái thử thách xem quý vị có thành tâm đến đây tắm Phật hay không đó thôi. Giả như quý vị có lòng thành, bị nắng chiếu chút chút, quý vị cũng không cảm thấy khổ. Còn nếu không thành tâm, quý vị sẽ không chịu nổi. Tuy nhiên, đã có một số người chịu không nổi rồi. Vậy sau nầy chúng ta có thể sẽ thay đổi phương thức tắm Phật cho tốt hơn. Từ chánh điện đi ra, đại chúng có thể đi xa thêm một chút, rồi dạo vòng lại để tắm Phật và đi trở về chánh điện. Như vậy mọi người sẽ miễn phải chờ lâu ở ngoài trời.

Phương thức tắm Phật ở đây gọi là “nhị long thổ thủy,” tức như hai con rồng phun nước. Người ta đi ra từ hai bên chánh điện, trông giống như hai con rồng cùng đến để tắm Phật.

Trong số người đến dự hội hôm nay, có người bị bệnh hoặc có người gặp những chuyện khốn khổ. Tình hình hoàn cảnh của mỗi người thì không giống nhau. Nhưng bởi vì mọi người đều quá thành tâm, tôi tin rằng chư Phật và Bồ Tát sẽ rất hoan hỷ mà nói: “Hỡi thiện nam tử, thiện nữ nhân! Các con nhẫn chịu được sự nóng bức như vậy để đến Vạn Phật Thành dự lễ Tắm Phật. Vậy tất cả những điều mà các con mong muốn, các con đều sẽ được mãn nguyện, toại lòng như ý!” Thế là người có tật bệnh sẽ thuyên giảm, người có chuyện nguy khốn sẽ chuyển thành kiết tường, tất cả tai nạn vô hình trung đều tiêu diệt hết.

Quý vị chân thành phát tâm Bồ Đề để tin Phật, điều nầy dù có dùng tiền cũng không mua được. Cho nên hôm nay, tôi xin chú nguyện đến mọi người. Mong cho quý vị mọi việc đều được như ý nguyện, và luôn tinh tấn đi trên đường Bồ Đề, sớm thành Phật đạo.

Khi đến Vạn Phật Thành, quý vị có để ý coi nơi đây có gì khác biệt so với những chỗ khác không? Tôi nói cho quý vị nghe là ở đây lúc ăn cơm, chúng ta không nói chuyện, đó là chỗ không giống với các nơi khác. Nếu chúng ta không nói chuyện, thức ăn sẽ tiêu hóa dễ dàng hơn. Chúng ta mà nói nhiều quá thì khó tiêu hóa, và sẽ sanh ra biết bao chứng bệnh kỳ quái. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn cứu vãn cho toàn nhân loại, cho nên trước hết chúng ta phải giúp cho mọi người được khỏe mạnh. Nếu thân thể mình không mạnh khỏe, mình làm sao cứu giúp được người khác đây? Do vậy, sở học của chúng ta là trí huệ, điểm chú ý của chúng ta là thân thể khỏe mạnh.

Trong lúc ăn cơm, chúng ta nên chuyên tâm mà ăn, chứ đừng lựa chọn. Dù thức ăn không ngon, mình cũng nên ăn một chút. Nếu chúng ta xua đuổi bọn quỷ tham ăn, quỷ lười biếng, quỷ ngủ gục chạy hết, như vậy mọi chuyện đều sẽ tốt lành. Cái triết lý nầy hàm chứa sự thật rất phong phú. Chỉ cần quý vị hiểu được, ăn như thế nào, mặc như thế nào, ngủ như thế nào, nhất định quý vị sẽ phát tài. Tại sao người ta không phát tài? Bởi vì họ lười biếng quá đi thôi! 

Cho nên nói: “Cần kiệm trị gia, gia nghiệp phú; thư hương giáo tử, tử tôn hiền.” Vậy chúng ta đâu cần phải mua cổ phần, cổ phiếu gì để cầu phát tài. Nếu muốn kiếm thêm tiền, quý vị chỉ cần lạy Phật nhiều thêm.

Có người nói: “Tôi suốt ngày lo mua cổ phiếu, tại sao thầy nói những lời không kiết tường như thế? Vậy là tôi nhất định sẽ không kiếm được tiền rồi.” Quý vị muốn kiếm tiền à thì lạy Phật nhiều thêm một chút. Lạy Phật so với mua cổ phiếu còn tốt hơn đó.

Sau nầy, nếu các vị có bạn bè đến tham gia lễ Phật Đản, các vị nên báo trước cho họ biết là ở đây không ăn thịt, không uống rượu, không hút cần sa ma túy, cũng không nhảy đầm. Chỗ nầy không phải là khu vực để ngắm cảnh giải trí, cũng không giống như trung tâm cờ bạc ở Reno. Quý vị nên nói với người ta rằng, ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến việc thân thể khỏe mạnh và việc bồi dưỡng trí tuệ. Bởi vậy chúng ta không nên tham hưởng thụ, như tham xe sang, quần áo đẹp, vì đó là tiêu phí tiền bạc. Tiền tài như phân như đất, chỉ xem quý vị có biết dùng nó hay không. Như phân thì có thể dùng làm phân bón cho lúa mạ, chớ đâu có ăn được. Đồng với lý trên, tiền cũng phải biết cách dùng thì mới đúng với ý nghĩa của nó.

HT.Tuyên Hóa

Giảng ngày 23 tháng 6 năm 1987

Âm lịch

Ảnh đẹp