15/09/2012 20:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 156664
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bố Thí.


Như đã trình với quý vị trong những kỳ trước, đạo Phật xuất hiện trên đời bắt nguồn từ sự Giác Ngộ của đức Phật. Do công năng tu chứng, đức Phật thấu triệt được Bốn Chân Lý Thâm Diệu, còn gọi là Tứ Diệu Đế, gồm:



.


- Chân lý thứ nhất là Khổ Đế, cho rằng mọi hình thái tồn tại đều mang sẵn mầm mống của khổ não, bất như ý. Sinh, già, bệnh, chết, mong cầu mà không toại nguyện, ưa thích mà phải rời xa, ghét bỏ mà phải gần gũi và cái thân ngũ uẩn thì chợt vui, chợt buồn, khi khỏe, khi đau, đều là khổ.

- Chân lý thứ hai là Tập Đế, tức nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. Nguyên nhân của khổ là lòng ham muốn, tham lam, ái nhiễm, tìm cầu sự thoả mãn dục vọng. Các loại ham muốn này đều là nguồn gốc của khổ đau và nghiệp chướng, dẫn tới luân hồi 

- Chân lý thứ ba là Diệt Đế, sự chấm dứt khổ đau. Nếu lòng tham lam ái nhiễm được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.

- Chân lý thứ tư là Đạo Đế, con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau. Phương pháp này là con đường diệt khổ tám nhánh, là Bát Chánh Đạo.

Do giác ngộ Tứ Diệu Đế, Ngài cũng phát hiện ra rằng Tham Lam và Ái Nhiễm là nguyên nhân của Khổ, là lý do chính đã nhận chìm con người trong dòng sanh tử luân hồi.

Tham lam và ái nhiễm đưa tới thói gom góp, tích lũy từ vật chất tới tình cảm, chỉ muốn mọi thứ là của riêng mình, của thân nhân mình, của bè đảng mình, của đất nước mình, vân vân. Thói tật này phát sinh từ niệm vô minh đầu tiên, mà thuốc chữa là xả bỏ, hoặc còn gọi là bố thí.

Vì thế, người nào muốn đi trên con đường sáng của Ánh Đạo Vàng thì phải thực hiện hạnh tu xả bỏ, từ xả bỏ những điều tương đối dễ xả bỏ như của cải vật chất, danh vọng, rồi tới điều khó xả bỏ hơn như tình cảm tinh thần. Chỉ có xả bỏ thì tâm mới không bị ràng buộc loanh quanh trong thói quen thu thập, cất giữ. Chỉ có xả bỏ thì tâm hồn mới được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của sở hữu, tham sân si, thảnh thơi bước trên con đường tự do, khai phóng tâm linh. 

Trong Lục Độ ba-la-mật, nghĩa là sáu nhánh thực hành để đưa chúng sinh sang bờ bên kia, tức là thoát khỏi bờ sinh tử sang được bờ Niết Bàn, thì Bố Thí là pháp môn tu đầu tiên. Bố Thí là cách tu tập để thực hiện hạnh xả bỏ.

Bố thí có 3 loại là Tài Thí tức là bố thí tài vật, Pháp Thí tức là bố thí Phật pháp, nghĩa đen là dạy giáo lý nhà Phật cho người ta biết đường tu hành để giác ngộ giải thoát và Vô Úy Thí tức là giúp cho người ta qua khỏi sự sợ hãi.

Bố thí tài vật thì bất cứ ai cũng có thể làm được.

Bố thí Pháp bảo thì khi xưa chỉ có chư vị Tăng Ni là thâm hiểu giáo lý nhà Phật, nên mới làm được. Ngày nay có nhiều cư sĩ rất uyên thâm Phật học, lại kiêm luôn thực hành các pháp môn tu, nhất là tu Thiền và Niệm Phật, nên ngoài chư vị Tăng Ni, giới cư sĩ cũng đóng góp vào lãnh vực bố thí Pháp một cách tích cực. 

Bố thí vô úy là đem lại sự không sợ hãi cho người khác. Có nhiều cách để thực hiện vô úy thí, như:

- Bản thân mình không giết hại, gây nên nỗi kinh hoàng cho các sinh vật có cảm giác. 

- Thuyết phục những người đam mê sát sinh giảm bớt những hành động tàn nhẫn, gây đau thương cho chúng sinh

- An ủi, chia sẻ nỗi đau buồn của những người hoạn nạn, lâm nguy, giúp người ta vượt thoát nỗi sợ hãi ... vân vân .... 

Bố thí cao quý nhất là bố thí theo pháp “Tam luân không tịch”, nghĩa là không khởi tâm chấp rằng có mình là người bố thí, có người thọ nhận vật được bố thí và có vật để bố thí. 

Tại sao bố thí “Tam luân không tịch” lại cao quý nhất?

Bố thí “Tam luân không tịch” cao quý nhất là vì:

- Bố thí mà không nghĩ rằng “có ta bố thí”, thì tâm sẽ không nổi lên sự tự đắc về hành vi thiện của mình,

- Bố thí mà không nghĩ rằng ”có kẻ kia đang thọ nhận cái ta cho”, thì tâm sẽ không nổi lên sự tự kiêu của kẻ ban ơn,

- Bố thí mà không nghĩ rằng “có vật được ta đem cho”, thì tâm không nổi lên niềm tự mãn về hành động hào hiệp của mình.

Giải thoát ra khỏi những kiến chấp về hành động có nghĩa là cuồng tâm sinh diệt ngưng hoạt động. Có câu “cuồng tâm ngưng nghỉ tức là Bồ Đề”. Bồ Đề là giác ngộ. Cuồng tâm ngưng nghỉ là giác ngộ, giải thoát. 

Nơi kinh Kim Cang, Phật dạy:

"Tu Bồ Đề ! Bồ Tát khi bố thí hay làm các việc lợi ích cho tất cả chúng sanh, không nên sanh tâm trụ chấp các tướng. Tu Bồ Đề ! Như Lai nói các tướng không phải thật mà chỉ giả gọi là các tướng. Như Lai nói chúng sanh, không phải thật chúng sanh, chỉ giả gọi chúng sanh". 

Hòa thượng Thích Thiện Hoa lược giải như sau:

...”...Hành giả khi làm lợi ích cho các chúng sanh, mà tâm còn trụ chấp các tướng, nghĩa là còn thấy mình bố thí, người thọ thí và vật bố thí, tất nhiên hành giả còn chấp ngã (nghĩa là thấy có mình, có người), chấp pháp (nghĩa là thấy có vật bố thí), thì hành giả chỉ được phước hữu lậu nhiễm ô, nên không phải là bố thí Ba-la-mật (nghĩa là bố thí rốt ráo). 
Bởi thế nên Phật dạy, các vị Bồ Tát, khi bố thí, hay làm lợi ích cho chúng sanh, phải nhập Kim Cang Bát Nhã mà làm; nghĩa là không còn chấp các tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thì được phước đức vô lậu thanh tịnh. Bố thí như vậy, mới phải là bố thí Ba-la-mật (bố thí rốt ráo)”.
 

Có người nói rằng:

- Tôi cũng muốn bố thí, nhưng nghèo quá lấy gì mà cho?

Thực tế, dù nghèo tới đâu mà khởi tâm muốn bố thí, vẫn có thể thi hành. Thí dụ có tù nhân kia, mỗi bữa vẫn dành lại vài hột cơm để bố thí cho con gián bò loanh quanh trong phòng giam ông ta.

Trong cuốn Hoa Sen Trên Tuyết, dịch giả Nguyên Phong viết về chuyến đi của bác sĩ Alan Havey và một người bạn tên Dennis tới Lamayuru, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc xứ Ấn Độ, giáp ranh với Tây Tạng, kể lại câu chuyện về bố thí như sau:

...” ...Chúng tôi đi dọc theo con đường chính duy nhất của thành phố, con đường vắng tanh không một bóng người. Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng có vài con chó hoang gầy ốm chạy rong.

Chúng tôi nhìn thấy một bà lão hành khất, thân hình còm cõi chỉ còn da bọc xương đang lê lết trên vỉa hè, tôi bèn dúi cho bà 5 rupee nhưng bà vẫn dơ tay ra trước mặt như muốn xin thêm một cái gì. Dennis rút ổ bánh mì đựng trong chiếc túi đeo trên vai đưa ra, bà lạo mừng rỡ chụp lấy ăn ngay, thì ra bà lão quá đói.

Trong lúc bà đang ăn ngấu nghiến thì một con chó hoang ở đâu chạy đến. Trước cặp mắt kinh ngạc của chúng tôi bà lão bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó.

Cảnh tượng một bà lão không có một thứ gì ngoài bộ quần áo rách tơi tả, đang lả đi vì đói lại thản nhiên chia sẻ nửa phần ăn của mình cho một con chó hoang đã làm chúng tôi xúc động. Bà lão hành động một cách tự nhiên, không ngại ngùng hay suy nghĩ hình như bà không hề phân biệt giữa mình và con chó.

Trong lúc tôi đang ngơ ngác về cảnh tượng này thì Dennis bất chợt run bắn người rồi thốt lên:

- “Đó mới thật là tình thương tuyệt đối”.

Hắn quỳ xuống trút tất cả mọi thứ trong chiếc túi ra cho bà lão hành khất. Hành động bất ngờ của Dennis làm tôi ngạc nhiên nên trên đường về tôi đã hỏi:

- “Tại sao bạn cho rằng đó là một thứ tình thương tuyệt đối?”

Hắn trả lời ngay không do dự:

- “Khi cho mà không suy nghĩ, không đòi hỏi gì trả lại, không hối tiếc hay phân biệt một cái gì đó mới thật là tuyệt đối”.

Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu và không biết có người nào thực sự bố thí một cách tuyệt đối như vậy không? Tôi đã đi khắp nơi và chỉ thấy bất cứ cái gì cho ra cũng đều hy vọng một điều gì trả lại, đôi lúc điều muốn đạt được lại nhiều hơn điều người ta cho ra là đàng khác…

Sự ích kỷ được che đậy khéo léo và nguỵ tạo dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp nhưng tựu chung vẫn là một hình thức ích kỷ”....”...

Thời xưa, giới tu sĩ nhà Phật sống rất thanh bạch, mỗi vị chỉ sở hữu 3 tấm y và một bình bát. Ấy vậy mà hằng ngày quý vị tu sĩ vẫn thực hiện được hạnh bố thí bằng cách trước khi thọ thực, quý vị lấy từ bát của mình ra 7 hạt cơm, gửi vào đó những lời thành tâm chú nguyện, rồi tung ra ngoài không gian để bố thí cho các loài chúng sinh vô hình mà mắt người không nhìn thấy.

Nhà Phật có câu “Tác ý là Nghiệp”. Khi tâm đã khởi lên một ý, thì tùy theo ý tốt hay xấu mà Nghiệp đã được tạo. Chỉ cần khởi lên một ý tốt, muốn giúp đỡ người, dù cho hoàn cảnh không làm được, ý nghiệp thiện cũng đã thành hình. Trong sự bố thí cũng vậy, khởi lên ý muốn bố thí, là Nghiệp tốt đã hình thành, không căn cứ vào sự bố thí nhiều hay ít.

Trong lễ Vu Lan, Phật tử vì lòng hiếu thảo với cha mẹ, thân nhân, mà dâng lễ cúng dường trai tăng, tạo duyên lành với nhà Phật, mở lòng ra thực hiện hạnh xả bỏ là điều rất đáng quý.

Mặt khác, nhờ người Phật tử cúng dường những nhu cầu cần thiết mà chư Tăng Ni có thể an tâm tu hành cho tới giác ngộ để cứu độ chúng sinh bằng phương tiện bố thí Pháp, giữ cho ngọn Tuệ Đăng luôn luôn chiếu sáng con đường giải thoát trên thế gian.

Như thế, người Phật tử cúng dường cũng là thực hiện hạnh tu xả bỏ, có đà rồi, sẽ tiếp tục đi thêm những bước trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.... vân vân...

Có một thắc mắc được nêu lên rằng:

- Nếu nhờ lễ Vu Lan cúng dường trai tăng mà thân nhân thoát khỏi địa ngục, thì đó có phải là một hình thức hối lộ không?

Đạo Phật quan niệm rằng tất cả pháp giới đều chỉ do tâm tạo. Thế thì địa ngục cũng do tâm tạo. Tâm tham lam, bủn xỉn, độc ác thì tạo thành cảnh giới địa ngục. Tâm chuyển thì cảnh giới địa ngục tan rã.

Theo đúng giới luật, khi chư vị Tăng Ni thọ thực thì không được "tán tâm tạp thoại", nghĩa là nghĩ vẩn vơ, nói chuyện lăng nhăng, bởi vì nếu phạm giới này thì "tín thí nan tiêu", nghĩa là phẩm vật dâng cúng mà mình thụ hưởng sẽ khó mà tiêu hóa được.

Cho nên, chính là lúc thụ trai đó, chư vị Tăng Ni lặng lẽ không nghĩ thiện, ác, một hình thức thiền định, là lúc tâm lực mạnh nhất.

Như câu “Cuồng tâm ngưng nghỉ tức là Bồ Đề”, khi tâm tất cả mọi người đều lặng lẽ, không suy nghĩ, thì sức tâm thanh tịnh đó tỏa ra, ảnh hưởng vào pháp giới, chuyển hóa được những tâm tham lam, keo kiệt, bủn xỉn đang trong cảnh giới địa ngục kia. Và ngay chính sát-na tâm chuyển đó, địa ngục tự tan rã, chứ không phải là do chư Tăng Ni "ăn hối lộ rồi xin xỏ" cho thân nhân gia chủ được ra khỏi địa ngục. Vì thế mới có câu: "Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu".

Vậy thì, là Phật tử, nhân lễ Vu Lan, rất nên cúng dường trai tăng để giúp chư vị Tăng Ni khỏi lo lắng về phần vật chất, an tâm tu hành đến giải thoát.

Phẩm vật cúng dường ít nhiều không khác gì nhau. Chỉ có cái niệm tâm lúc cúng dường, kính trọng người tu hành, mong cho chư vị đạt đạo để Phật pháp trường tồn mới là quan trọng. Nếu không có tiền để cúng dường mà chỉ có lòng vui mừng theo, gọi là tùy hỉ khi thấy có người làm việc thiện, thì phước đức cũng bằng người cúng dường, đó là lời Phật dậy. Câu này rất có ý nghĩa, vì người có tâm tùy hỉ là đã hóa giải được tâm ganh tị nhỏ mọn rồi!

Ngoài sự cúng dường trai tăng hoặc tùy hỷ với người cúng dường, xin đừng giết loài vật để cúng cô hồn. Niệm tâm thanh tịnh tỏa trong không gian không chỉ hạn hẹp chuyển hóa thân nhân mình, mà chuyển hóa tất cả pháp giới. Nếu mình lại giết chúng sinh để cúng, thì mình lại làm cho pháp giới ô nhiễm vì tăng thêm sự đau khổ, thêm lòng thù hận.

Nếu tin lời Phật nói: "Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ đời quá khứ, và sẽ là Phật trong tương lai", mà mình còn giết chúng sinh thì hóa ra mình giết cha mẹ đời quá khứ.

Cho nên, có nhiều người đã sáng suốt nhận định ra việc này, họ ăn chay tháng bảy để từ từ tăng thêm đến ăn chay trường, đó là hình thức báo hiếu rộng lớn nhất, không chỉ đối với cha mẹ đời này, mà với cả cha mẹ đời quá khứ nữa.
Tuệ Đăng

Âm lịch

Ảnh đẹp