HÀNH TRÌNH ĐẾN HẠNH PHÚC


Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / 7-5-2012
08/09/2012 09:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 115000
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Như những con người, tất cả chúng ta giống nhau; xét cho cùng tất cả chúng ta thuộc cùng một hành tinh.  Tất cả chúng sinh có cùng bản chất tự bẩm sinh là muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.  Tất cả chúng ta yêu mến chính mình và khao khát điều gì đấy tốt đẹp.  Bây giờ, như tận cùng của sự phát triển vật chất được quan tâm,

 chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, và mỗi quốc gia trên hành tinh này đang hướng đến những phương tiện thuận lợi hơn và đang cố gắng để tạo nên một xã hội phồn vinh hơn.

Cuối cùng chúng ta có thể đạt được điều ấy.  Tuy nhiên, sự phát triển vật chất đơn thuần thôi thì không đầy đủ cho hạnh phúc của con người.  Lý do là rất đơn giản: con người không phải là sản phẩm của máy móc; chúng ta là điều gì đấy hơn thế ấy.  Do thế, chúng ta cần những gì hơn những đối tượng ngoại tại nhằm để hạnh phúc.

Điều quan trọng nhất là trong đời sống là tình cảm con người.  Không có nó, chúng ta không thể đạt đến hạnh phúc chân thật.  Và nếu chúng ta muốn một đời sống hạnh phúc hơn, một gia đình hạnh phúc hơn, những hàng xóm hạnh phúc hơn hay một quốc gia hạnh phúc hơn, chìa khóa là phẩm chất nội tại.  Ngay cả nếu năm triệu con người cư ngụ trên trái đất đều trở thành những tỉ phú, không có sự phát triển nội tại thì không thể có hòa bình hay bất cứ sự hạnh phúc bền lâu nào.  Một số người nào đó có thể rất giàu, nhưng chúng ta thường thấy rằng họ hoàn toàn không hạnh phúc.  Tình cảm, từ ái, và bi mẫn là một số yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.  Sự hòa bình của tâm hồn là thiết yếu cho sức khỏe tốt lành.  Dĩ nhiên, những phương tiện thuận lợi, thuốc men và thực phẩm đúng mức cũng làm nên những sự khác biệt.  Nhưng hạnh phúc là nhân tố quan trọng nhất cho sức khỏe tốt đẹp.

Mỗi người hãy quan tâm đến hòa bình thế giới.  Vũ khí hay sức mạnh  quân sự, dưới những hoàn cảnh nào đó vào những thời điểm nào đó, có thể sản sinh nền hòa bình tương đối.  Tuy thế, về lâu dài, không thể đem đến một nền hòa bình chân thành và trường cửu cho thế giới qua  đối đầu quân sự, hay thù hận và nghi ngờ.  Nền hòa bình thế giới phải được phát triển qua sự  hòa bình của tâm hồn, sự tin cậy hổ tương và tôn trọng lẫn nhau.  Đề đạt đến những thứ này, xét cho cùng, tâm bi mẫn hay lòng vị tha là nhân tố then chốt.

Chúng ta hãy quan tâm đến sự nổi bật của một gia đình hạnh phúc.  Điều quan trọng nhất là tình cảm.  Cho dù chúng ta thành công trong đời sống hay không, lệ thuộc nhiều trên không khí mà chúng ta lớn lên.  Trẻ con từ một gia đình đầy lòng từ ái và bi mẫn là những con người hạnh phúc hơn và thành công hơn.  Trái lại, đời sống một đứa trẻ có thể bị tàn lụi nếu lớn lên trong sợ hãi và thiếu vắng lòng thương hay tình cảm.

Tình cảm đến từ nơi nào và chúng ta có thể phát triển hay tăng trưởng tình cảm con người như thế nào?  Cho đến khi nào tâm thức con người còn tồn tại, hạt giống của tình cảm cũng tồn tại.  Mặc dù những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực hay tích cực là những bộ phận của tâm con người, nhưng năng lực vượt trội trong thức hay trong đời sống con người là tình cảm.  Do thế, hạt giống của bi mẫn là một bộ phận bản chất của con người ngay từ lúc mới sinh ra.  Khi chúng ta sinh ra, chúng ta tự do với mọi học thuyết và tôn giáo đến sau này, nhưng chúng ta không tự do với nhu cầu cho tình cảm con người.  Một trẻ thơ không thể tồn tại mà không có tình cảm.

Tình cảm là một yếu tố quan trọng trong nhận thức.  Tình cảm và bi mẫn của con người không chỉ là yêu thương hay tìm kiếm sự vui thích.  Lòng bi mẫn chân thành không chỉ là về sự thông cảm hay một cảm giác gần gũi, nhưng  cũng là một cảm nhận trách nhiệm.  Lòng bi mẫn chân thành được phát sinh khi chúng ta nhận ra rằng con người đau khổ hay thiếu vắng hạnh phúc hay phát đạt cũng muốn hạnh phúc như chúng ta.  Bi  mẫn là về việc phát triển sự quan tâm chân thành cho họ.

Thông thường chúng ta nghĩ về bi mẫn như một cảm giác của sự gần gũi đối với bạn bè chúng ta nhưng đấy là một quan điểm bị nhiễm ô bởi vọng tưởng.  Cho đến khi mà người ấy vẫn là một bạn hữu thân thích, chúng ta có một thái độ tích cực đối với người ấy.  Nhưng ngay khi mà thái độ người ấy thay đổi hay ngay lúc cảm giác của chúng ta đối với người ấy thay đổi, lòng bi mẫn [phiến diện ấy] cũng chấm dứt hiện hữu.  Điều này không thật sự  là lòng bi mẫn, nhưng đúng hơn là sự dính mắc.

Lòng bi mẫn chân thành liên hệ đến sự phân tích hoàn cảnh bất chấp người ấy là gần gũi hay không.  Sự kiện tồn tại là người ấy có một rắc rối và đang khổ đau, và có cùng quyền như chúng ta như hành động đề vượt thắng khổ đau và để hạnh phúc.

Hôn nhân và sự thụ thai không là những kết quả của tình yêu cuồng nhiệt mà thôi.  Nó đến từ việc thấu hiều lẫn nhau tường tận.  Khi chúng ta biết thái độ tinh thần của người phối ngẫu cũng như những khía cạnh vật lý của người ấy, thì chúng ta có thể phát triển lòng tin cậy và tôn trọng hổ tương.   Chỉ trên căn bản ấy mà hôn nhân mới có thể xảy ra.  Có một cảm giác trách nhiệm liên hệ.  Nhận thức của con người phải nên được xảy ra dưới những hoàn cảnh như thế ấy.

Như những con người, chúng ta có sự thông minh và những năng lực ngoại lệ.  Những ai có sự thông minh hơn là có viễn kiến xa hơn, và những ai có một vieenc kiến xa hơn có thể một trách nhiệm lớn hơn đối với chính họ cũng như những người khác.  Trong thực tế, con người không chỉ có trách nhiệm đối với những con người khác mà cho cả sự cát tường đối với những chúng sinh khác cũng như hành tinh của chúng ta.  Nếu chúng ta sử dụng óc thông minh và những năng lực của chúng ta trong một thái độ tàn phá, nó sẽ đưa đến kết quả trong thảm họa và bi kịch.  Thay vì thế, chúng ta phải sử dụng chúng một cách xây dựng.  Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng những ai với óc thông minh và khả năng ngoại hạng lại lợi dụng người khác hay những việc khác vì lợi ích riêng của họ sẽ kết thúc trong sự ân hận sâu xa.

Tôi nghĩ rằng cả con người và thú vật đều có một sự thấu hiểu bẩm sinh cho sự thật.  Nếu chúng ta đối xử với những con chó hay mèo một cách chân thành, chúng cảm kích điều ấy.  Nếu chúng ta lừa dối chúng, chúng nhận ra và không thích.  Nếu con người giao tiếp một cách chân thật với người khác, điều ấy sẽ được cảm nhận.  Nếu chúng ta lừa đảo người khác, họ sẽ đáp ứng một cách tương ứng, cho dù họ là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, giàu hay nghèo, học vấn hay không.  Do thế, bi mẫn và trung thực hiện hữu bởi vì chúng ta không muốn lừa dối con người và bởi vì chúng ta cùng có quyền để hạnh phúc như nhau.  Bi mẫn, như tôi đã đề cập phía trước, là một sự phối hợp của thông cảm và quan tâm, một cảm giác của sự thân cận với một cảm nhận của trách nhiệm.

Một số người nghĩ rằng bi mẫn, từ ái, và tha thứ là những vấn đề của tôn giáo.  Điều này sai lầm.  Từ ái và bi mẫn là cốt lõi.  Không có cách nào mà chúng ta có thể quên lãng những thứ này, cho dù chúng ta là một người có tín ngưỡng hay không.  Chúng là cần thiết nếu chúng ta muốn hạnh phúc và nếu chúng ta muốn là một công dân tốt.  Theo như mức độ mà tôn giáo được quan tâm, nếu việc chấp nhận một tôn giáo làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái, thế thì chúng ta nên tiếp nhận tôn giáo ấy.  Nếu chúng ta không muốn thế, thì chẳng hề gì: hãy rời nó đi.  Nhưng thật quan trọng để thấu hiểu bản chất của bi mẫn, bởi vì nó là phẩm chất căn bản và cần thiết của con người.

Hạnh phúc là tinh thần.  Máy móc không thể cung ứng nó, mà chúng ta cũng không thể mua nó. Tiền bạc và sự giàu sang chỉ là một bộ phận của hạnh phúc,  không phải là chính hạnh phúc.  Những thứ này không thể phát sinh hạnh phúc một cách trực tiếp.  Hạnh phúc phải được phát triển trong chính chúng ta; không ai có thể ban nó cho chúng ta.  Cội nguồn căn bản của nó là sự tĩnh lặng hay hòa bình của tâm hồn.  Nó không tùy thuộc vào những nhân tố ngoại tại.  Chẳng hề gì nếu chúng ta thiếu những phương tiện thuận lợi tốt lành, một sự học vấn tốt đẹp hay một đời sống thành công, nếu khi chúng ta có sự vững tin nội tại.

Quan tâm và lưu ý đến người khác, và tình cảm con người. là những nhân tố cực kỳ quan trọng cho sự hạnh phúc của chúng ta.  Bi mẫn cho chúng ta sức mạnh nội tại, và một cảm giác quý giá bên trong.

Hãy cố gắng để trở thành một con người tốt lành với một trái tim nồng ấm, bất chấp chúng ta là một chính trị gia, một con người của tôn giáo, một thương gia hay bất cứ người gì đi nữa.  Thái độ của một người có thể đóng góp cho việc làm nên một gia đình và một cộng đồng hạnh phúc hơn.

Những tôn giáo khác nhau hình thành vào những thời điểm và nơi chốn khác  nhau.   Tôi cảm thấy rằng những tôn giáo đa dạng đơn giản là để làm cho mạnh mẽ những phẩm chất tốt đẹp của con người; là giảm thiểu tối đa những tính chất tiêu cực trong khi khuếch trương tối đa những phẩm chất tích cực.  Tất cả những tôn giáo quan trọng của thế giới có cùng thông điệp nếu như thương yêu và từ bi được quan tâm, mặc dù sự biểu lộ có thể khác nhau.  Tất cả các tôn giáo nhận ra tầm quan trọng của yêu thương và tha thứ và có khả năng để tạo ra và tăng cường những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Có hai đặc trưng của các tôn giáo.  Một nhóm tôn giáo tôi gọi là tôn giáo hữu thần, chẳng hạn như Ki Tô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, và Ấn Độ Giáo.  Những tôn giáo này duy trì một nền tảng tin tưởng trong Thượng Đế.  Một nhóm tôn giáo khác tôi gọi là tôn giáo không có Thượng Đế, chẳng hạn như Phật Giáo, Kỳ Na Giáo và triết thuyết Sankhya (một cấu thành cổ truyền phức tạp của Ấn Giáo), tin tưởng không có Thượng Đế, không có đấng tạo hóa và không có đấng toàn năng. Một cách căn bản, đấng tạo  hóa chính là tự ngã của con người.  Một nhóm, chính yếu là Phật Giáo, không chấp nhận một linh hồn thường tại.  Điều này phân ranh giới giữa người Phật Giáo và không Phật Giáo.  Giáo thuyết nền tảng của Đạo Phật là không có linh hồn hay tự ngã thường tại.  Trong Đạo Phật, có hai nhóm phân biệt trên căn bản của động cơ:  Tiểu Thừa và Đại Thừa.  Động cơ của Tiểu Thừa quan tâm một cách chính yếu vào sự giải thoát riêng hay sự cứu độ của cá nhân một người qua sự thực hành hạnh kiểm đạo đức và sự hội tụ của tâm thức và tuệ trí.  Động cơ của Đại Thừa là không chỉ nghĩ về cá nhân, mà phải quan tâm đến tất cả chúng sinh và theo đuổi sự thực tập sáu hay mười ba la mật, hay toàn thiện, để một cách căn bản đạt đến Quả Phật.  Đây là Bồ Tát Thừa.

Trên căn bản giáo thuyết triết lý có bốn[1] trường phái tư tưởng khác nhau: Tỳ Bà Sa Luận Sư, Kinh Lượng Bộ, Duy Thức và Trung Quán.  Cốt lõi của Đạo Phật được hướng dẫn theo tất cả những trường phái này là bất bạo động, hay ahimsa.  Tại sao bất bạo động là quan trọng như thế?  Do bởi luật phụ thuộc duyên khởi: rằng tất cả mọi thứ là liên hệ với nhau.  Thí dụ, sự sống còn tùy thuộc trên nhiều nhân tố cũng như hạnh phúc của chúng ta.  Tương tự thế, khổ đau và thảm họa lệ thuộc trên nhiều nhân tố, giống như chúng ta quan tâm với niềm hạnh phúc và kinh nghiệm của chính mình,thì chúng ta phải lưu ý đến những nguyên nhân của chúng.

Thế nên, căn bản của triết thuyết và sự hướng dẫn của Đạo Phật là bất bạo động và triết lý phụ thuộc duyên khởi, một cách tương ứng.  Bất bạo động ở đây có hai chỉ dẫn: nếu bạn có thể, hãy giúp đở và phục vụ chúng sinh khác; nếu không thể, thế thì tối thiểu đừng làm tổn hại người khác.

Triết lý phụ thuộc duyên sinh được diễn dịch một cách khác nhau tùy theo những hệ thống khác nhau.  Theo một hệ thống, ý nghĩa của phụ thuộc tương duyên là tất cả mọi hiện tượng duyên sinh phụ thuộc trên những nguyên nhân.  Điều này hàm ý rằng không có đấng tạo hóa; mọi vật tùy thuộc chỉ trên nguyên nhân của chúng và lần lượt có những nguyên nhân của chính chúng, mà không có sự bắt đầu.  Mọi thứ thay đổi do bởi những nguyên nhân và điều kiện này.  Những hoàn cảnh mới tạo ra những sự kiện mới; những thứ này lại lần lượt hoạt động như những nguyên nhân và sản sinh điều gì đấy khác biệt và mới mẻ.  Đây là tiến trình của sự tùy thuộc duyên sinh: lý duyên khởi - pratityasamutpada.

Khái niệm tương duyên sinh khởi được chấp nhận bởi tất cả các trường phái của Đạo  Phật.  Giáo thuyết duyên khởi được mở rộng bởi triết lý Trung Quán chạm đến một trình độ cao thâm hơn mà trong ấy lý duyên khởi liên hệ mọi thứ lệ thuộc trên từng bộ phận của nó.  Thí dụ, nếu nó là một đối tượng vật lý, nó có những bộ phận khác nhau trong ý nghĩa của việc có những phương hướng khác nhau.  Nếu nó không có hình sắc, như ý thức, ý nghĩa của việc có những bộ phận có thể được thấu hiểu trong dạng thức của những trình độ khác nhau của sự tương tục hay một dòng suối.  Tương tự thế, không gian có thể được xem là duyên khởi bởi vì chúng ta có thể liên hệ đến không gian như có những bộ phận và chúng ta có thể nghĩ về một không gian đặc thù với sự liên hệ đến những đối tượng và phương hướng đặc thù.

Duyên khởi vì thế không chỉ mở rộng được giảng giải chi tiết trong dạng thức của sự lệ thuộc trên nguyên nhân và điều kiện, nhưng cũng trên dạng thức phụ thuộc trên những bộ phận và phương hướng.

Trình độ vi tế hơn của duyên khởi được diễn giải bằng việc sử dụng mệnh đề "sinh khởi qua sự mệnh danh hay quy cho."  Khi chúng ta khảo sát, thí dụ thế, một bông hoa thật sự là gì, và thẩm nghiệm những phân tử của nó, bông hoa không còn là bông hoa như chúng ta biết.  Khảo sát xa hơn về những phần tử nhỏ hơn giúp chúng ta thấu hiểu rằng khi chúng ta đặt tên điều gì đó sự mệnh danh ấy được cho phép do bởi sự hội tụ của những phân tử hay thực chất nào đó.  Những phần tử này tập họp lại để thể hiện chức năng như một thực thể và chúng ta đặt cho nó một cái tên đặc thù.  Nếu chúng ta khảo sát "tôi là ai?" chúng ta sẽ thất bại trong việc tìm ra một cái "tôi" tách rời khỏi thân thể, não bộ, hay kinh nghiệm này.  Nếu chúng ta đi sâu vào hơn bản chất thiết yếu của một người, chúng ta không thể tìm ra một tính chất độc lập và cơ bản.  Chúng ta mệnh danh sự phối hợp của thân thể và tâm thức và nói, "đây là một con người."  Phần thịt xương và tâm thức này đến từ Amdo, chúng ta gán cho là "Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso."  Tuy  nhiên, sau nhiều sự phân tích, nếu chúng ta muốn tìm kiếm Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta không thể tìm thấy ngài.

Tương tự thế, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ "quá khứ", "hiện tại" và "tương lai".  Trong một phương diện, quá khứ chỉ thuần là ký ức, tương lại chỉ là suy tư của chúng ta, một chương trình hay một ý tưởng.  Hiện tại là thật.  Nếu chúng ta nghĩ về vô số kiếp hiện tại, thế kỷ hiện tại, rồi thì trong năm 1992, hôm nay, ngày 15 tháng Hai, phút, giây, một phần của giây dừng lại là "hiện tại".  Chỉ khoảnh khắc  này.  Quá khứ đã qua.  Sau khoảnh khắc này, tương lai chưa đến.  Không có "hiện tại".  Không có một hiện tại chúng ta không thể xác định "quá khứ" và "tương lai".  Thời gian tiếp diễn không một sự ngừng nghĩ, chỉ đi tới.  Điều này đưa đến kết quả rối rắm si mê.

Điều này theo như thời gian ngoại tại được liên hệ.  Trong kinh nghiệm nội tại, xét cho cùng, tôi nghĩ rằng không có quá khứ và không có tương lai - chỉ có hiện tại.  Nhưng nếu không có quá khứ và tương lai, thì sẽ không thể có hiện tại vì hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào quá khứ, và tương lai lệ thuộc hoàn toàn vào hiện tại.  Đây là quy luật tự nhiên.  Trái lại sẽ không có thời gian nào khác.  Khi chúng ta nói "thời gian" dĩ nhiên thời gian tồn tại, nhưng nếu không có một sở cứ quy cho hay liên hệ trên điều mà chúng ta gán cho nó; thì chúng ta không thể có một cảm nhận trừu tượng về thời gian.  Nếu chúng ta khảo sát, chúng ta thật sự không tìm ra điều gì.  Một cách căn bản, chúng ta tìm ra điều gì đấy mà nó là "trống rỗng."

Tuy nhiên, sự trống rỗng này không chỉ là không có gì cả.  Vì tất cả mọi thứ là phụ thuộc duyên sinh, những tính chất độc lập hay thực thể không tồn tại.  Khi chúng ta khảo sát bản chất tối hậu của mọi thứ, chúng ta thấy đấy là việc vắng bóng của sự tồn tại độc lập.  Đây là những gì chúng ta gọi là "trống rỗng".    Bây giờ, việc vắng bóng của sự tồn tại độc lập tự nó tùy thuộc vào những nhân tố khác.

Tôi ở đây và việc này không phải là một giấc mơ.  Việc này không phải là một ảo tưởng.  Đấy là thật.  Nếu tôi tự véo tôi một cái, tôi cảm thấy đau bởi vì tôi có một thân thể.  Tôi có ngón trỏ và ngón cái và chúng biểu hiện chức năng.  Do vậy, xét cho cùng, có điều gì đấy và chúng ta chưa thể tìm ra trong sự phân tích cơ bản.  Nói cách khác, tính không và bản chất duyên khởi tương sinh là hai mặt của cùng một đồng tiền.

Đức Phật đầu tiên đã dạy về Bốn Chân Lý Cao Quý - Tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế.  Ngài đã dạy chúng bởi vì đau khổ có những nguyên nhân và điều kiện của nó và chúng tôi  không muốn khổ đau.  Ngài đã nói về cội nguồn của khổ đau.  Đức Phật đã dạy chúng ta để xác định khổ đau cũng như nguyên nhân của nó trong những trình độ khác nhau.

Mục tiêu của chúng ta là hạnh phúc, là điều xét cho cùng lệ thuộc trên những nguyên nhân của nó.  Hạnh phúc có thể tạm thời hay thường trực.  Hạnh phúc thường trực là quan trọng hơn, là điều tại sao Đức Phật dạy về chân lý thứ ba - là diệt đế hay sự chấm dứt thật sự; sự chấm dứt khổ đau là đạt đến niết bàn, hay thể trạng hạnh phúc an lạc.  Ngài cũng nói về phương tiện mà qua đó chúng ta có thể hiện thực thể trạng chấm dứt khổ đau.  Đấy là con đường đúng đắn.

Bốn Chân Lý Cao Quý bao hàm một sự giải thích về hạnh phúc và khổ đau và nguyên nhân của chúng.  Mục tiêu của đời sống là hạnh phúc.  Từ lúc sinh ra chúng ta có quyền để có hạnh phúc, và hạnh phúc trường cửu phải phát triển trong chúng ta; không ai có thể ban nó cho chúng ta và không nhân tố ngoại tại nào có thể chịu trách nhiệm cho nó.   Nó phải được đạt đến qua sự phát triển nội tại của chính chúng ta.  Chúng ta hòa hiệp Bốn Chân Lý Cao Quý vào đời sống hàng ngày của chúng ta như thế nào?  Thứ nhất, thật quan trọng để biết tâm là gì.  Đôi khi người ta có ấn tượng rằng tâm là một thực thể hoàn toàn độc lập, tách rời khỏi thân thể.   Một tâm như vậy không tồn tại. Chúng ta không thể tìm ra một cái "tôi" bên ngoài thân thể.  Người Phật tử không chấp nhận một cái "tôi" độc lập, một linh hồn hay một tự ngã thường còn.  Tuy nhiên, vì tâm tùy thuộc vào thân thể này, nên chúng ta hoàn toàn đúng khi liên hệ nó như tâm con người.  Nếu tâm là độc lập và không liên hệ gì với thân thể, sẽ không có phân biệt giữa tâm con người và con thú.

Ngay khi não bộ con người dừng hoạt động, tâm con người ngừng tồn tại.  Nếu là như vậy, thế thì lý thuyết về tái sinh?  Tâm phát triển trên căn bản của những nguyên nhân và điều kiện cả lập tức và khoảng cách, trực tiếp và gián tiếp.

Thí dụ, tâm nhận thức một bông hoa tùy thuộc trên nhiều điều kiện.  Một là con mắt.  Không có cơ quan này, mặc dù chúng ta có thể có ý thức về bông  hoa, hay bông hoa ở trước chúng ta, chúng ta sẽ không thể nhận thức bông hoa.  Trái lại, tâm và mắt không thôi không có bông hoa thì không thể phát triển một sự tỉnh thức về bông hoa.  Và nếu có một bông hoa, và một con mắt toàn hảo những không có não bộ, một  lần nữa, chúng ta không thể ý thức về bông hoa.

Thức hay tâm chỉ như một năng lượng vi tế mà trên ấy mọi thứ có thể được phản chiếu.  Bản chất tự nhiên của nó đơn thuần là chói lọi, rực rở.  Tạng ngữ "shepa" có nghĩa là "ý thức về điều gì đấy".  Nên bên cạnh não bộ con người, có những điều kiện, những nguyên nhân sâu sắc hơn và vi tế  hơn của thức của con người, không có nó tâm con người không thể phát triển.  Chúng tôi gọi đó là ánh sáng trong suốt, linh quang, tịnh quang, tâm tận cùng sâu sắc vi tế nhất (cũng tức là Phật tánh).

Một sự biểu hiện của điều này là tại một thời điểm trong khi chúng ta sử dụng những giác quan của chúng ta một cách hoàn toàn, trình độ của nó thật là thô thiển.  Nhưng khi chúng ta ngủ mơ, những giác quan nào đó không hoạt động hay những chức năng của chúng bị giảm thiểu, và thể trạng tinh thần là sâu hơn.  Và trong tình trạng ngủ sâu không mơ mộng, tâm chúng ta đạt đến trình độ sâu nhất của nó.

Một biểu hiện khác là khi các bác sĩ tuyên bố một người nào đó đã chết và chúng ta thấy rằng thân xác tiếp tục tồn tại mà không bị phân hủy trong một vài ngày, và trong một vài trường hợp, một vài tuần.  Bởi vì tâm vi tế tận cùng vẫn còn hiện diện trong thân xác, nó tiếp tục biểu hiện chức năng.  Do thế, trong một ý nghĩa sâu hơn, con người ấy chưa ra khỏi thân xác.  Chủ nhân của thân thể, một năng lực kiểm soát, vẫn hiện diện, đấy là tại sao thân xác không phân hủy.  Nhưng một cách y học hay quy ước, thân xác ấy được xem như đã chết.

Theo như tôi biết, đã từng có tối thiểu mười hay mười lăm sự việc xảy ra ở Ấn Độ trong ba mươi năm qua.  Trong trường hợp giáo thọ của tôi, sau khi ngài được tuyên bố là đã chết lâm sàng, ngài đã tiếp tục trong thể trạng của linh quang trong khoảng mười ba ngày.  Do bởi điều này, chúng tôi tin rằng có thể có một ký ức sâu về những đời sống quá khứ.  Dưới những điều kiện nào đó, chúng ta có thể phản chiếu trên những kinh nghiệm quá khứ trên căn bản của linh quang.  Một số hành giả thâm nhập rất sâu khi họ nhập định, và thức thô hay trình độ thô của tâm trở nên không hoạt động.  Sau đó họ có những ký ức về những đời sống quá khứ của một trăm năm trước, hay trong vài trường hợp là của vài trăm năm trước thế nào đấy được phản chiếu trong tâm thức của họ.

Sự giải thích của chúng tôi là tâm vi tế sâu thẩm nhất luôn luôn hiện diện.  Mặc dù, thay đổi từng phút giây, nhưng sự tương tục của  nó là thường trực.  Nên có hai trình độ của tâm; trình độ thô của tâm lệ thuộc hoàn toàn trên thân thể này nhưng tâm vi tế nhất là bất diệt.  Trên căn bản này sự tái sinh xảy ra.

Căn bản tự nhiên của tâm là trung tính tối hậu.  Nó không thể bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực.  Hãy lấy, thí dụ, những ai với sự bình tĩnh kém.  Khi tôi còn trẻ, sự bình tĩnh của tôi khá kém cõi.  Tuy thế, tâm trạng ấy không duy trì trong hai bốn giờ.  Nếu những cảm xúc tiêu cực ở ngay trong bản chất của tâm, thế thì khi tâm đang thể hiện chức năng thì  nóng giận phải hiện hữu.  Tuy thế, không phải trường hợp này.  Tương tự thế, những cảm xúc tích cực cũng không ở trong bản chất của tâm.  Tâm là điều gì đấy trung tính, phản chiếu tất cả các loại kinh nghiệm  hay hiện tượng khác nhau.

Xa hơn nữa, ranh giới giữa những cảm xúc tích cực và tiêu cực là gì?  Chắc chắn không có ranh giới mà chỉ là một thứ tương đối.  Những cảm xúc này, chẳng hạn như từ ái, bi mẫn, và tuệ trí sản sinh hạnh phúc là vi tế hơn, thường trực hơn, tồn tại lâu hơn, và toại nguyện hơn là tích cực.  Đấy là bởi vì chúng ta xem hạnh phúc như điều gì đấy tốt đẹp và điều gì đấy mà chúng ta phải đạt đến.  Mọi thứ có thể hổ trợ trong phương hướng ấy, chúng ta xem là tích cực.  Những cảm xúc tích cực này cuối cùng chuyển hóa chúng ta thành những người hạnh phúc hơn, chắc chắn và đáng tin cậy hơn.  Đấy là bởi vì chúng là tốt lành mặc dù chúng ta không thể xác định chúng như thế trong ý nghĩa tuyệt đối.  Mọi  người nhận thức chúng trên trình độ quy ước và do thế đây là những cảm xúc tích cực.

Mặc dù những cảm xúc tích cực và tiêu cực là mạnh mẽ như nhau, các cảm xúc tiêu cực thường xảy ra mà không có sở cứ nhiều và thật sự chỉ là cảm xúc.  Nếu chúng ta thẩm tra một cách khách quan  giá trị của giận dữ, thù oán, ganh tỵ, nghi ngờ, lưỡng lự hay sợ hãi, chúng ta thấy rằng không có nền tảng hay lý trí sâu sắc cho những cảm xúc này.  Theo khái niệm Đạo Phật, đặc biệt, quan điểm của triết lý Trung Quán, những cảm xúc tiêu cực này chủ yếu căn cứ trên si  mê.

Si mê ở đây liên hệ đến một thức mà nó nhận định bản chất của các đối tượng như có một sự tồn tại độc lập.  Rất rõ ràng rằng khi những cảm xúc nào đó phát triển, tại thời điểm ấy, đối tượng mà chúng ta cảm thấy một cách tiêu cực đối với hiện tướng như tuyệt đối, điều gì đấy tiêu cực 100 phần trăm.  Cho đến khi đối tượng ấy còn hiện hữu, thì đối tượng ấy tuyệt đối là tiêu cực.  Nhưng ngay khi cảm xúc ấy giảm thiểu, cảm tưởng tổng thể cũng trở nên tích cực hơn.  Điều này cho thấy những cảm xúc tiêu cực có thể không biểu hiện chức năng khi không có sự hổ trợ của si mê.

Tất cả những cảm xúc tiêu cực, do thế, căn cứ trên sự si mê như vậy.  Sự si mê hay nhận thức sai lầm này, bất chấp nó mạnh mẽ như thế nào, cũng có thể tiêu trừ.  Qua khảo sát và thiển quán, chúng ta có thể tăng cường sự thấu hiểu sâu sắc hơn.  Cuối cùng, tính tiêu cực sẽ bị giảm thiểu và bị loại trừ một cách căn bản.  Đấy là bản chất của tâm.

Tất cả chúng ta có một khát vọng bẩm sinh cho hạnh phúc.  Hạnh phúc và bất hạnh tùy  thuộc trên những cảm xúc tích cực và tiêu cực.  Bản chất cốt yếu của tâm là thanh tịnh, vì thế có một khả năng để giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực và gia tăng những cảm xúc tích cực.  Do vậy, có khả năng để vượt thắng khổ đau.  Đức Phật giải thích điều này như chân lý thứ hai.  Ngài giải thích những cảm xúc nghiệp chướng hay tiêu cực, sự thật về khổ đau được liên hệ như tâm nhiễm ô và nghiệp ô nhiễm.  Nhằm để thấu hiểu một cách thật sự ý nghĩa của chân lý thứ hai là tập đế hay nguyên nhân của khổ đau, chúng ta phải nghiên cứu sâu trong ý nghĩa của diệt đế (chân lý thứ ba - sự  ngừng dứt).

Thuyết giáo lần đầu tiên Đức Phật giảng giải Bốn Chân Lý Cao Quý.  Thuyết giáo lần thứ hai chi tiết hơn về chân lý thứ ba - diệt đế.  Trong thuyết giáo lần thứ ba, có một sự diễn giải thậm thâm hơn về bản chất của tâm, được liên hệ với Bốn Chân Lý Cao Quý.  Ở đây là cả một khả năng của việc giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực cũng như việc đạt đến hạnh phúc thường trực.  Đấy là niết bàn.

Một khi chúng ta thấu hiểu mục tiêu, chỉ khi ấy chúng ta mới có thể tiêu trừ những cảm xúc tiêu cực.  Nó được hoàn tất qua việc thực hành và rèn luyện tâm.  Nhằm để phát triển một nổ lực chân thành không mõi mệt, chúng ta cần quyết tâm.  Vì việc ấy, cực kỳ quan trọng để biết ý nghĩa của khổ đau.  Nếu có một khả năng cũng như mục tiêu để vượt thắng khổ đau, thật đáng để tư duy và thấu hiểu khổ đau.  Càng nhận rõ, chúng ta càng quyết tâm để vượt thắng khổ đau ấy.

Đấy là tại sao mà tầm quan trọng của việc nhận ra sự viễn ly được giải thích.  Có hai trình độ của tinh thần viễn ly: tinh thần viễn ly những khoái lạc của đời sống này và tinh thần viễn ly những khoái lạc của kiếp sống tới.  Thí dụ, khi chúng ta nghĩ về khổ đau trong sáu cõi luân hồi - khổ đau của loài người, của thú vật, và v.v... và tương tự đối với các khổ đau như tuổi già, bệnh tật, và sự chết, và v.v..., chúng ta sẽ có thể phát sinh một tinh thần viễn ly, hay nguyện ước để giải thoát chính mình khỏi cõi sinh tử luân hồi.

Nhằm để phát sinh một cảm nhận ý  nghĩa mạnh mẽ của viễn ly đối với khoái lạc hay luyến ái của kiếp sống tới, trước nhất thật quan trọng để có một sự thấu hiểu về khổ đau của những sự tái sinh thấp hơn (như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).  Cũng có một lý do thực tiển hơn - mục tiêu cứu kính là Quả Phật, là điều mà chúng ta có thể đạt đến qua thiền quán và những sự thực hành khác nào đấy.  Việc ấy có thể cần thời gian vô số kiếp hay có thể là hàng nghìn hay hàng trăm năm.  Do vậy đối với chúng ta để thực hành một cách liên tục, chúng ta phải bảo đảm một sự tái sinh tốt đẹp trong kiếp sống tới.  Mặc dù khuynh hướng của chúng ta là Quả Phật, nhưng vì những lý do thực tiển, trong khi chuẩn bị cho việc ấy, chúng ta không nên hờ hửng với những kiếp sống tương lai.  Do vậy, trong khi chúng ta đang dự tính lâu dài cho Quả Phật, chúng ta cũng phải chuẩn bị hoàn toàn cho những điều kiện tiên quyết tức thời.

Một khi chúng ta phát sinh một tinh thần viễn ly đối với luyến ái và khoái lạc của kiếp sống này, thì chúng ta tự nhiên nghĩ về những khoái lạc tương lai một loại luyến ái nào đấy đối với kiếp sống tới.  Sự luyến ái ấy cũng phải chấm dứt dần dần qua sự thực hành mười thiện nghiệp và bằng việc loại bỏ mười điều bất thiện.  Những việc này rơi vào giai đoạn thứ nhất của giáo huấn tiệm tiến lamrim, là điều chính yếu dạy cho những người với trí thông minh thấp hơn trung bình.

Để tăng trưởng lòng tự tin, thật lợi lạc để thiền quán về sự quý giá của tái sinh kiếp người.  Với sự hổ trợ của thân thể con người và sự thông minh con người chúng ta có thể làm mọi thứ nếu chúng ta thực hiện một nổ lực.  Trong Hướng Dẫn Lối Sống Bồ Tát, chúng ta có những giáo huấn liên hệ đến Phật tánh, hạt giống Phật, sugatagarbha, hay tathagatagarbha.  Thể trạng giác ngộ này, bản chất cứu kính mà mọi chúng sinh sở hữu, minh chứng rằng luôn luôn có khả năng để loại trừ những cảm xúc phiền não.

Suy tư theo những dòng này giúp để phát triển lòng tự tin.  Nhiều người, đặc biệt ở phương Tây, có lòng tự trọng thấp.  Tôi nghĩ là rất nguy hiểm và thật sự ngây ngô.  Chúng ta có một thân thể, não bộ và tuệ trí của chúng ta.  Nếu chúng ta thực hiện một sự cố gắng qua thiền quán và lòng vị tha, thì có thể phát triển tâm chúng ta. Với thời gian và nổ lực nó có thể thay đổi.  Bằng việc tự nhắc nhở chúng ta liên tục điều tích cực và điều tiêu cực, chúng ta có thể thay đổi sự việc.  Lòng tự tin, cho dù trong những sự thực hành tôn giáo hay đời sống thế tục, là một nhân tố rất quan trọng.

Bi mẫn là một nhân tố rất thiết yếu ở đây.  Một tâm bi mẫn hơn tự động mở một loại cửa nội tại nào đó.   Nó trở nên rất dễ dàng để giao tiếp với những con người đồng loại, thú vật và côn trùng.  Khi thái độ của chúng ta cởi mở và không có gì dấu diếm, lập tức tạo nên một căn bản cho tình thân hữu.  Tuy nhiên, một cảm giác như sợ hãi đóng cánh cửa đó lại.  Ngoại trừ chúng ta tạo nên loại nền tảng ấy cho chình mình, thật khó khăn để tìm thấy bạn bè chân thành.  Cho dù người khác có đáp ứng hay không, nếu chúng ta mĩm cười không nghi ngờ và do dự, sẽ có một cơ hội lớn hơn để đón nhận một nụ cười đáp lại.

Những cảm xúc tiêu cực phủ nhận khả năng này.  Chúng ta sau đó thận trọng cô lập chính mình với tất cả mọi người còn lại, và như một kết quả, phật ý, cô đơn, sợ hãi, nghi ngờ, thất vọng, và phiền muộn sinh khởi.  Bi mẫn, trái lại, cho chúng ta sức mạnh nội tại.  Nó mở ra "cánh cửa nội tại"  của chúng ta và đem đến những kinh nghiệm tốt đẹp hơn.

Khái  niệm Phật tánh, quan niệm về sự quý giá của kiếp sống này và thân thể này là rất quan trọng cho việc phát triển lòng tự tin.  Chúng ta cũng có giáo huấn về vô thường, là điều cũng rất thích đáng.

Tôi muốn đề cập ở đây rằng người ta rất thường sai lầm rằng vị kỷ là tiêu cực, rằng chúng ta hoàn toàn không nên có cái ''tôi".  Tôi nghĩ, có hai loại cái ''tôi".  , giống như có hai loại khát vọng.  Dĩ nhiên hai loại cảm nhận về cái "tôi", cảm nhận về một cái "tôi" mạnh mẽ mà quên đi quyền lợi của người khác, và trong ấy người ta xem chính mình là quan trọng hơn người khác, là sai.  Loại cái ''tôi".  khác, làm cho chúng ta  cảm thấy "tôi làm việc này, tôi có thể hổ trợ, tôi có thể phụng sự" là tích cực.  Các vị bồ tát, tôi  nghĩ, có những cái ''tôi" trong ý nghĩa này.

Cái "tôi" loại này phát triển quyết tâm kỳ lạ trong những ai sở hữu nó.  Đối với họ những ngày, tháng, năm là vô nghĩa.  Họ đếm bằng a tăng kỳ kiếp (vô số kiếp).  Không chỉ một hay hai a tăng kỳ kiếp, mà là hàng triệu, vô số a tăng kỳ kiếp.   Một thời gian không thể tưởng tượng được như vậy không làm họ nản lòng, cũng không làm họ nhụt chí bởi số lượng vô số chúng sinh mà số lượng của họ là vô giới hạn.  Quyết tâm của họ là để làm việc gì đấy cho ột con số vô hạn chúng sinh trong một thời gian vô hạn.  Quyết tâm không lay chuyển  như vậy là không thể có mà không có một cái "tôi" cụ thể mạnh mẽ.  Cái "tôi" ấy là tích cực.  Nó là cần thiết, hữu ích và xây dựng.  Chúng ta phải phát triển nó.

Khác đi là cái "tôi" ngô nghê là cái tôi bất chấp quyền lợi của kẻ khác, quên lãng người khác và muốn đạt được điều gì đấy bằng việc khai thác người khác.  Bây giờ với cái "tôi" loại ấy, người ấy cuối cùng sẽ bị thua cuộc và khổ đau.

Tương tự thế, có hai loại khao khát.  Một là khao khát với mục tiêu tốt đẹp.  Loại khao khát này đưa đến quyết tâm.  Theo Đạo Phật, chúng ta cuối cùng đạt đến  Quả Phật do bởi khao khát này.  Loại khao khát kia là không có lý trí - chỉ là lòng khao khát "tôi muốn điều này, tôi muốn điều nọ".  Loại khao khát này không có nền tảng thích đáng rất thường đưa đến  thảm họa.  Một số người có cảm nhận rằng vì giáo lý xác định khao khát như cội nguồn của tất cả những khổ đau, nên tất cả khao khát là sai.  Đây là một nhận thức sai lầm.

Thực tập tiếp theo là vô thường.   Ở đây một  lần nữa, có hai trình độ.  Một là vô thường ở trình độ thô, giống như sự chết hay những bất hạnh khác hay khi những kinh nghiệm nào đó thay đổi hay chấm dứt.  Tính vô thường vi tế hơn là sự thay đổi từng giây phút.  Vật lý học hiện đại cũng đã giải thích điều này.  Thí dụ, bông hoa này trước mặt chúng tôi đang thay đổi ở ngay tại trình độ vi tế, thay đổi không ngừng giống như sóng, như năng lượng.  Đây là tính vô thường vi tế.

Nhận rõ tính vô thường rất hữu ích và quan trọng bởi vì chúng ta thực chứng rằng nó xảy ra một cách đơn giản qua những nguyên nhân của chính chúng.  Do thế, sự hoại diệt hay bản chất vô thường của các hiện tượng không tùy thuộc trên sự cần thiết chạm trán với những nguyên nhân và điều kiện mới.  Qua chính bản chất của chúng sinh được sản sinh bởi những nguyên nhân và điều kiện của chúng, nên chúng là đối tượng của sự hoại diệt và thay đổi.

Lấy trường hộp thân thể hay đời sống của chúng ta.  Theo quan điểm của Đạo Phật, không có hạnh phúc thường trực khi mà mọi thứ vẫn còn bị kiếm soát, ảnh hưởng, hay khống chế của si mê.  Một khi si mê bị loại trừ, niết bàn được đạt đến.  Cho đến khi mà cùng tâm ấy bị ảnh hưởng bởi si mê, và cho đến khi mà tình trạng ấy tồn tại, thì đấy là luân hồi.  Ngay khi si mê được loại trừ, khổ đau chấm dứt.  Đấy là moksha, hay giải thoát.  Giải thoát hay cứu độ, không phải là một thể trạng an lạc hay điều gì đó bên ngoài.  Nó là một phẩm chất nội tại.  Do vậy, sự tỉnh thức của trình độ sâu sắc hơn về vô thường là rất hữu ích nhằm để phát triển khao khát hay quyết tâm để đạt đến giải thoát.  Trong cách này, khi chúng ta nghĩ về những trình độ khác nhau về bản chất của vô thường, chúng ta thâm nhập giai trình thứ hai hay tầng thứ hai của sự thực tập thiền quán trên con đường Giác Ngộ.  Bằng việc phản chiếu trên ý  nghĩa của trình độ thô của vô thường, chúng ta  phát sinh một sự ngưỡng mộ mạnh mẽ để đạt đến điều gì đó tốt đẹp hơn trong kiếp sau.  Và khi chúng ta nghĩ về bản chất trình độ vi tế của vô thường, chúng ta phát sinh một sự ngưỡng mộ mạnh mẽ để đạt đến niết bàn.

Giống như  chúng ta quan tâm cho chính mình và nghĩ về những phương thức để loại trừ khổ đau và hiện thực niết bàn và giải thoát và thể trạng an lạc cứu kính như thế nào, nếu chúng ta hướng tư duy của chúng ta đến những người khác và quan tâm với chính chúng ta với lợi ích của những chúng sinh khác và phản chiếu trên việc loại trừ khổ đau của họ, chúng ta phát sinh l.òng vị tha hay nguyện ước hiện thực Giác Ngộ vì lợi ích của họ.  Động cơ ấy là tâm giác ngộ - tâm bồ đề - bodhicitta, quyết định cần thiết nếu chúng ta muốn đạt đến Quả  Phật.

 Thật là kỳ diệu rằng tâm con người có thể phát sinh loại quyết tâm hay ý chí kiên định này.  Một khi chúng ta phát triển tâm bồ đề quý giá ấy, bất kể phạm trù tôn giáo, chúng ta trở nên cực kỳ can trường, nhiệt tình và hữu dụng đối với xã hội.  Theo sự thực hành Phật Giáo, tâm bồ đề là một phẩm chất phi thường hay kỳ diệu như vậy mà khi chúng ta phát tâm ấy, tất cả những tiêu cực được tịnh hóa và tất cả những phẩm chất tích cực trở nên năng động.  Một khi chúng ta phát sinh tâm quý giá ấy, tâm ấy bảo đảm cho một sự tái sinh thánh thiện cũng như con đường tốt đẹp  trong tương lai.  Nói cách khác, nó chuẩn bị cho chúng ta một hành trình trên con đường đến Giác Ngộ.

Sau loại quyết tâm ấy là đi đến sự thực tập về mười ba la mật, hay hoàn thiện, chẳng hạn như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và tuệ trí.  Trong mười ba la mật, đây là sáu hoàn thiện.

Đấy là phương thức thực hành của bồ tát Đại Thừa.  Hơn nữa đối với việc ấy, chúng ta còn có sự thực hành Mật Thừa.  Nếu chúng ta đi xa hơn sự bổ sung việc thực hành Đại Thừa này với sự thực hành Mật Thừa, rồi thì trong  Mật tông có bốn bộ: Tantra Hoạt Động, Tantra Thực Hiện, Tantra Yoga, và Tantra Yoga Tối Thượng.

Trong giáo huấn Mật Thừa, thật quan trọng để quán tưởng chính mình như một bổn tôn - không chỉ là quán tưởng - mà chúng ta phải thiền quán về tánh không, hay sunyata; rồi thì tuệ trí ấy được chuyển hóa trong trình độ mà sự quán tưởng của chúng ta trong hình sắc của bổn tôn, hình sắc của vị Phật.  Xa  hơn nữa, thủ trì hình sắc hay thân thể Đức Phật như chủ đề, chúng ta phản chiếu bản chất  hay tánh không hay chân như của sắc thân Phật.  Nên tính thậm thâm của sự thực hành mật tông là đảm đương qua sự thực hành như vậy.  Chúng ta quán chiếu trên bản chất của bổn tôn và đồng thời trên bản chất cứu kính của nó.  Do vậy, chính tuệ trí năng động được phối hợp với sự quyết tâm trên căn bản của tâm bồ đề.  Như một kết quả, một số hành động phẩn nộ cũng trở nên rất hữu dụng vào lúc ấy.  Thế nên, những bổn tôn phẩn nộ hiện hữu, và thật lợi ích để làm một sự phân biệt giữa sân hận và thù oán, và từ ái hay bi mẫn và luyến ái.  Điều này là quan trọng.  Đấy là sự thực tập mật tông một cách tổng quát.

Trong Đại Tối Thượng Tantra Yoga (Vô thượng du già), một sự thực hành đặc thù đang thực hiện một sự phân biệt trong trình độ thô, vi tế, và cực kỳ vi tế của tâm.  Có những kỷ thuật để trung tính hóa trình độ thô của tâm sau khi tâm cực kỳ vi tế đi đến hoạt động.  Tâm vi tế ấy, rồi thì, được chuyển hóa thành tuệ trí, tuệ trí ấy năng động hơn những tuệ trí căn bản trong đặc trưng của trình độ thô của tâm.  Đấy là hệ thống của Đại Tối Thượng Tantra Yoga.  Trong Phật Giáo Tây Tạng, chúng ta phối hợp giáo lý căn bản của Bốn Chân Lý Cao Quý với tâm bồ đề và sáu ba la mật với bồn tôn du già và những loại thực tập du già nào đó.  Đầu tiên chúng ta đặt nền tảng và rồi xây dựng trên đấy để đạt đến cực điểm của sự thực hành.  Thật quan trọng để biết rằng không có sự thực hành Mật Thừa hay tâm bồ đề và chỉ với sự thực hành Bốn Chân Lý Cao Quý, chúng ta chỉ có thể đạt đến giải thoát.  Trái lại, không có sự thực hành Bốn Chân Lý Cao Quý căn bản, giáo huấn chỉ mười ba la mật hay Mật Thừa không thôi là không thể.

Không có Mật giáo Kim Cương Thừa, chỉ qua Kinh Thừa Hiển giáo thôi, chúng ta có thể thực hành và đạt đến một kết quả toại nguyện.  Nhưng đối lại - chỉ thực hành Mật giáo mà không có Hiển giáo - thì không thể đạt đến một kết quả toại nguyện.  Các giáo huấn là tầng căn bản, tầng thứ nhất, tầng thứ hai, v.v... của một tòa nhà.   Không có tầng căn bản thì không thể xây dựng tầng thứ nhất.

Thật quan trọng để thấu hiểu điều này bởi vì con người đôi khi không kiên nhẫn và muốn Quả Phật tức thời mà không quan tâm đến Bốn Chân Lý Cao Quý hay sáu ba la mật.  Sự thực hành Bổn Tôn, mạn đà la và trì niệm mà thôi sẽ không thành công.  Chúng ta phải đi từng bước một.

Constitution Club Lawns, 1992
Nguyên tác: A Journey to Happniness trích từ quyển Live in a Better Way
Ẩn Tâm Lộ ngày 10/6/2012


[1] Vaibhasika, Sautrantika, Cittamatra, và Madhyamika

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-16855_5-50_6-2_17-256_14-1_15-1/

Âm lịch

Ảnh đẹp