Thờ hình tượng Phật
Để thể hiện lòng tôn kính với vị Đạo sư, phật tử có thể vẽ họa hình
tượng đức Phật để tôn thờ tùy ý. Trong truyện ký có thuật câu chuyện:
Thời đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài dùng thần thông lên cõi trời
thuyết pháp cho thân mẫu và chư thiên liên tiếp trong ba tháng.
Vua Vu Điền, một trong những vị vua thâm tín Phật pháp và thích được
hầu cận đức Phật, thấy Phật đi lâu quá không về đem lòng nhớ thương
bèn mời một họa sĩ danh tiếng rồi diễn tả lại tất cả hình vóc, tướng
mạo của đức Phật để vị họa sĩ vẽ lại chân dung Ngài. Chân dung của đức
Phật được vẽ rất sống động. Có những lúc vua Vu Điền đối diện trước chân
dung Phật, ông có cảm giác như Phật đang hiện hữu thuyết pháp như mọi
ngày.
Sau ba tháng đức Phật trở về, vua Vu Điền mang chân dung của đức Phật
đến và thuật lại câu chuyện, đức Phật mỉm cười và làm thinh. Làm thinh
là một trong những cách mà đức Phật thường dùng để chấp nhận việc làm
của đệ tử. Việc tôn kính hình tượng của đức Phật bắt đầu từ đó. Hình
thức tôn kính này được đại chúng hóa trong môn đồ của đức Phật kể từ
sau ngài tịch diệt dẫn đến ngày nay.
Tại sao thờ Phật?
Như câu chuyện trên cho thấy, thờ Phật ban đầu chỉ là biểu lộ sự nhớ
thương của môn đệ đối với đức Phật trong lúc vắng Ngài, dần dần dẫn đến
sự tôn kính và tri ân.
Trong gia đình, con cháu chưng thờ di ảnh của ông bà, cha mẹ thường
biểu lộ tình thương qua lòng hiếu thảo hơn là sự tri ân và tôn kính.
Dân tộc thờ các vị anh hùng, biểu lộ sự tri ân và ngưỡng mộ hơn là
thương nhớ và tôn kính. Tín đồ của một tôn giáo đối với vị giáo chủ của
mình thường biểu lộ trọn vẹn sự tôn kính tuyệt đối hơn những lảnh vực
trên. Là Phật tử, hiểu đức Phật và học đòi theo lời dạy của Ngài, thờ
Phật ít ra cũng đủ ba phương diện: tri ân, ngưỡng mộ và tôn kính.
Tri ân
Phật tử tri ân đức Phật ngoài việc tô tượng, đúc chuông, cất chùa còn
phải gia công học đòi lời dạy của Ngài. Tập sống theo những hạnh mà
Ngài dạy để phát triển năng lực tinh thần.
Tri ân đức Phật không phải vì chúng ta là tín đồ, mà vì một người đã
có một ân đức sâu dày với toàn thể nhân loại. Chúng ta thờ Phật là để
luôn có một tấm gương sáng trọn lành trước mặt để kiểm điểm từng tư
tưởng, từng lời nói, từng hành động của chúng ta để tiến dần đến chân
thiện mỹ như ngài vậy. Hình ảnh đức Phật trước mặt là một ngọn đèn trí
tuệ đang đốt, chúng ta sẽ nương theo ánh sáng đó để soi rọi lại lòng
mình và từ đó thắp sáng lại ngọn đèn của chính ta.
Hình ảnh một đức Phật trước mặt sẽ tỏa ngát hương từ bi để nhắc nhở
chúng ta phát triển hạnh từ bi sẵn có để vơi bớt khổ đau cho chính ta
và tha nhân. Đừng bao giờ thờ hình ảnh đức Phật trước mặt với sự cầu
cạnh Ngài ban phúc trừ họa hay để nương vào uy lực của Ngài làm những
chuyện bất lương. Nếu thờ Phật với những mục đích như trên, thì không
những chúng ta hủy báng đức Phật, mà còn tự tạo ra những tư tưởng không
tốt cho chính chúng ta và tha nhân nữa.
Ngưỡng mộ
Phật tử ngưỡng mộ đức Phật không phải dùng mọi danh từ tốt đẹp để
khen tặng Ngài; cũng không phải vẽ ra một đức Phật đầy phép lạ, đủ
quyền thi ân bố đức. Mặc dù đức Phật có rất nhiều thần thông, nhưng
chưa bao giờ Ngài dùng thần thông để mê hoặc nhân gian, hoặc để khuyến
dụ người khác theo Ngài. Câu chuyện một thiếu phụ có một đứa con yêu
quí duy nhất bị chết, đến xin đức Phật dùng thần thông cứu độ để đứa bé
sống thêm theo mong cầu của người mẹ; thay vì đức Phật dùng thần thông
để làm cho đứa bé sống lại, Ngài đã khéo léo giảng giải định luật vô
thường để người mẹ không kéo dài thêm sự khổ đau và ý thức sâu sắc về
cuộc sống của con người.
Vậy Phật tử ngưỡng mộ đức Phật nên chú trọng vào ba đức tánh đặc
biệt: Từ bi vô ngần, Trí tuệ vô biên, và Hùng lực phi thường. Ba đặc
tánh này giúp chúng ta xây dựng hạnh phúc gia đình, hoán cải hoàn cảnh
xã hội. Nói khác đi Bi, Trí và Dũng là ba tính cách đặc thù có hiệu
năng giúp cho những ai hướng về chân thiện mỹ. Đức Phật là người duy
nhất từ trước đến nay đã hoàn thành ba mục tiêu trên. Ngưỡng mộ đức
Phật trong tinh thần đó tức là chúng ta đã tập bước những bước vững
chãi trên con đường mà Ngài đã đi.
Tôn kính
Tôn kính đức Phật không phải chúng ta linh thiêng hóa đức Phật ra
hoặc đặt đức Phật ra ngoài cuộc sống của chúng ta. Tôn kính đức Phật là
đặt một niềm tin tưởng tuyệt đối rằng Ngài là một bực hoàn toàn giác
ngộ. Ngài là một bực thầy sáng suốt đưa đường dẫn lối và đầy đủ đức
hạnh để ta học đòi hầu thăng tiến cuộc sống tâm linh của chúng ta.
Trong kinh có ghi lại 10 danh hiệu khác nhau để tán thán và tôn kính
một bực giác ngộ như đức Phật: Phật là đấng hoàn toàn tự tại với các
pháp, Phật là đấng đáng được nhân gian và chư thiên cúng dường, Phật là
đấng biết hết mọi tâm tánh của chúng sanh, Phật là bực đầy đủ cả phúc
đức và trí tuệ, Phật là đấng đã điều phục mọi phiền não, Phật là một
đấng toàn thiện, Phật là đấng đã giải thoát được chuỗi dây triền phược
trong thế gian, Phật là đấng cao tột, Phật là bậc thầy của nhân gian
và chư Thiên, Phật là đấng thế gian hoàn toàn tôn kính. (Như lai, ưng
cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô
thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn). Là những
người đang theo gót chân Ngài, chúng ta nên tôn kính đức Phật trong chân
tinh thần đó.
Thờ Phật trong ba ý hướng trên, chúng ta sẽ thấy đức Phật gần gũi và
hiện thực trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bằng không, đức Phật
chỉ là bóng mờ và giáo lý của ngài chỉ còn là một học thuyết suông.
Thờ Đức Phật nào?
Đã là Phật thì không có vị nào cao vị nào thấp. Mức độ giác ngộ và
giải thoát ngang nhau; nghĩa là đức Phật nào cũng trọn lành, cũng là
một tấm gương sáng cả. Do đó, chúng ta có thể thờ bất cứ một vị
Phật nào mà chúng ta cảm thấy thích. Mục đích của sự thờ Phật, như vừa
nói, không phải để cầu cạnh mà là để noi gương lành. Tuy nhiên, chúng
ta cũng nên tùy theo thời kỳ hóa độ của một vị Phật để thờ. Chúng ta
đang ở vào thời kỳ hóa độ của đức Phật Thích Ca, thì hình ảnh và giáo
lý gần gũi với chúng ta nhất là đức Phật Thích Ca. Vì vậy chúng ta thấy
hình ảnh của đức Phật Thích Ca được thờ phổ thông trong tất cả các chùa
Bắc Tông lẫn Nam Tông.
Thờ Phật ở đâu?
- Hình thức: Tại bất cứ một tư gia nào cũng có thể
thờ Phật được cả. Trong nhà nơi nào mà chúng ta thấy trang nghiêm là
nơi ấy có thể đặt một bàn thờ Phật. Việc trang nghiêm của một bàn thờ
Phật cũng rất cần thiết. Việc trang nghiêm này không phải để trang
nghiêm cho hình ảnh của đức Phật, mà chính là tạo một khung cảnh trang
nghiêm cho chính chúng ta. Khi đối diện trước một khung cảnh trang
nghiêm, tâm chúng ta đễ gom về một mối. Tâm dễ gom về một mối thì trí
tuệ dễ phát sanh. Đây là lý do duy nhất chúng ta cần có một bàn thờ
Phật trang nghiêm trong nhà. Nói khác đi, hình thức là phương tiện ban
đầu để đạt đến phần nội dung cần thiết.
- Nội dung: Một người có một trình độ tu tập vững
chãi, nghĩa là đã vượt qua mọi hình thức rườm rà, thì việc thờ tự đối
với họ không còn cần thiết nữa. Họ không cần nương vào những đối tượng
bên ngoài để nhắc nhở họ nữa, mà lúc nào hình ảnh đức Phật cũng hiện rõ
trong tâm họ và đặc biệt là cuộc sống của họ hoàn toàn phù hợp với lời
dạy của đức Phật. Những mẫu người này là họ thờ Phật ngay trong lòng
họ. Trong cuộc sống hàng ngày của họ là một bàn thờ Phật trang nghiêm.
Điều này không phải là lý luận suông mà mỗi người học hỏi và tu tập
theo giáo lý của đức Phật phải tự kiểm điểm lấy. Dĩ nhiên là một điều
khó.
- Chưng hình tượng Phật: Trên đây là việc thờ Phật
qua hai phương diện hình thức và nội dung. Cũng có lắm người không
thích thờ tự mà chỉ thích có một bức hình Phật đoan nghiêm với vẻ mặt
đầy tự tại và hoan hỷ để chưng trong nhà. Điều này không có gì trái với
đạo và bất kính đối với đức Phật cả. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý
là việc treo chưng hình Phật không phải chỉ để làm tăng thêm phần thẩm
mỹ trong phòng khách hay trong phòng đọc sách; mà việc treo hình Phật
cũng phải hàm một ý nghĩa như việc thờ ở trên, nghĩa là để nhắc nhở
chúng ta hướng thiện.
Chẳng hạn như một bức hình Phật được treo ở phòng khách là để nhắc
nhở chúng ta mỗi khi ngồi bàn luận những công việc gì nên nhắm đến việc
lợi mình lợi người, hay ít nhất lợi mình nhưng đừng tổn hại đến ai.
Nhắc nhở chúng ta khi có chuyện gì vui cũng không nên vui một cách thái
quá; nhắc nhở chúng ta khi gặp chuyện buồn cũng không bi thảm lắm;
hoặc giả khi bàn cải một vấn đề gì chưa vở lẽ đã đưa đến sự bất hòa,
cũng không nên dùng những lời lẽ quá nặng nề để sát phạt lẫn nhau. Treo
một bức hình ở trong phòng học hay phòng đọc sách là để nhắc nhở chúng
ta một trong những hạnh đặc biệt của đức Phật là tinh tấn. Tinh tấn là
một sự nổ lực liên tục cho đến khi công việc được viên mãn. Tóm lại, dù
thờ Phật hay chưng hình thì hình ảnh đức Phật vẫn là tấm gương sáng để
chúng ta soi rọi lại tâm tánh của chúng ta trong từng giây phút một.
Kết quả của sự thờ Phật
Nếu thờ Phật với tất cả thành tâm thiện ý như vừa nêu trên, thì chúng
ta sẽ gặt hái được những lợi lạc cả hiện tại lẫn vị lai. Trong hiện
tại, mỗi chúng ta và cả gia quyến chúng ta, dưới hình ảnh hiền hòa từ
bi nhưng chứa đầy nghị lực của đức Phật, chúng ta sẽ có một bầu không
khí đầm ấm, bao dung nhờ ảnh hưởng đạo vị qua chân dung của Ngài. Từ
không khí gia đình này sẽ lan rộng ra đến xóm giềng; từ những cá nhân
trong gia đình này sẽ ảnh hưởng đến những công dân ngoài quốc gia xã
hội ...
Kết quả này thu hoạch được nhiều hay ít, mức độ thăng tiến tinh thần
cao hay thấp, hoàn toàn tùy thuộc vào tỷ lệ thực hành của từng cá nhân
qua nhân cách của đức Phật, chứ không phải đức Phật ban bố những kết
quả ấy cho chúng ta. Mọi kết quả tốt được khai quật từ kho tàng vô tận
của chính chúng ta. Đức Phật chỉ là người chỉ điểm. Phật tử nếu có
phương tiện nên có một bàn thờ Phật trang nghiêm và thờ Phật với tất cả
tinh thần như vừa nêu trên. Thờ Phật như vậy chính là tin Ngài và hiểu
Ngài.
Thích Minh Đạt
Chùa Quang Nghiêm, California, Hoa Kỳ