Quy y Tam bảo có nghĩa là bạn
trở về nương tựa vào ba ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và
Tăng (Sangha). Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau và
giải thoát luân hồi sinh tử. Tình thương và sự hiểu biết của đức Phật
rất lớn, Ngài có khả năng hóa độ cho tất cả mọi người chuyển mê khai
ngộ, tạo dựng một đời sống an lành hạnh phúc. Pháp là lời dạy của đức
Thế tôn nói ra đúng với chân lý cuộc sống, giúp bạn thấy rõ gốc rễ của
mọi vấn đề, nhằm điều chỉnh nhận thức sai lầm của mình và trở thành một
con người lương thiện, hữu ích cho xã hội. Tăng là đoàn thể xuất gia gồm
có từ bốn người trở lên, chung sống với nhau trong tinh thần hòa hợp và
thanh tịnh. Các vị này có một nếp sống nhẹ nhàng, thanh thoát và tỉnh
thức. Sứ mạng của họ là tiếp nối sự nghiệp trí tuệ và từ bi của đức Phật
để trao truyền lại cho chúng sinh bằng những kinh nghiệm thực chứng.
Hành trạng của các vị ấy quả thật là cao quý, xứng đáng cho cả nhân loại
này tôn kính và cúng dường, bởi không có Tăng thì chúng ta sẽ không thể
hiểu lời dạy thâm sâu, quý báu của Đức Từ phụ Thích-ca-mâu-ni.
Chính vì sự hiện hữu của Tăng quan
trọng đến như thế, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thánh chúng của Như
Lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo
pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp…
Thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng
sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời
này.” (Kinh Người Áo Trắng, sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, Thiền sư
Nhất Hạnh soạn dịch). Như vậy, Tam bảo là nơi an ổn vững chắc, là đỉnh
cao của hạnh phúc mà tất cả chúng sinh cần phải quy kính và nương tựa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không
ít người đến chùa quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, nhưng họ vẫn chưa
đủ phước duyên để học hỏi đạo lí một cách cặn kẽ; có thể vì hoàn cảnh
khách quan hoặc chính bản thân họ thiếu sự phấn đấu để được tiếp nhận
Chánh pháp. Cho nên họ chưa sống đúng với nội dung quy y Phật, Pháp và
Tăng, vì thế những phiền não khổ đau vẫn cứ mãi bủa vây, đeo đẳng. Thực
ra, khi bạn đến chùa làm lễ quy y chỉ là chọn cho mình một con đường để
đi, chứ bạn chưa thực sự bước đi trên con đường sáng đẹp đó. Trừ khi bạn
hiểu được lời Phật dạy và ứng dụng lời dạy ấy vào trong đời sống hàng
ngày.
Có những người hiểu nhầm rằng, quy y
Tăng là quy y với một vị thầy hay một sư cô nào đó, còn các vị ở chùa
khác thì không cần biết đến. Do nhận thức sai lầm như thế, nên họ thiếu
cơ duyên tiếp xúc với những vị thầy khác để được học hỏi đạo lí. Chúng
ta phải hiểu rằng, Tăng là đoàn thể xuất gia từ bốn người trở lên, còn
cá nhân của một vị Tỳ-kheo không thể gọi là Tăng. Việc quy y Tam bảo là
tùy vào nhân duyên, hoàn cảnh sống của mỗi người để có thể nương tựa và
học hỏi với một vị Tỳ-kheo nào đó, nhưng không phải chỉ duy nhất quy y
vị ấy. Mặt khác, quy y không phải là nhờ thầy đặt cho bạn pháp danh, để
rồi thỉnh thoảng bạn mới đến chùa lễ lạy cầu xin “mua may bán đắt”… Với
hành động mê tín như thế, vô tình bạn đã tự tạo ra nghiệp xấu cho bản
thân và ảnh hưởng không nhỏ đến những người muốn phát tâm quy hướng Tam
bảo. Chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu nguyện, mà đến
để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn
đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì cần phải tìm hiểu giáo pháp cho
tường tận, để từ đó bạn có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt được mọi lĩnh
vực của cuộc sống.
Ý nghĩa thâm sâu hơn của việc quy y
Tam bảo ở đây chính là nương tựa vào ba đức tính sáng suốt (phật), chân
thật (pháp) và thanh tịnh (tăng) vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, gọi là
“tự quy y”. Thực ra, trong tâm thức của chúng ta vốn thanh tịnh, trong
sáng nhưng vì vô minh ái dục che lấp nên cái thấy biết “như thật” về các
pháp bị lu mờ. Do đó, để khai mở tuệ giác, bạn cần phải thường trực
nhận diện và quan sát mọi hoạt dụng của thân tâm và hoàn cảnh đương tại.
Khi tâm ý vắng lặng, an tịnh thì bạn sẽ thấy rõ được sự vận hành tương
giao của các pháp, và với cái nhìn thông suốt như thế bạn mới thực sự là
người quy y Tam bảo. Nếu như mỗi hành động, nói năng và sự suy nghĩ của
bạn vắng mặt tự tính thanh tịnh, chân thật và sáng suốt thì kể như bạn
đã quy y vào bản ngã tham sân si. Và dĩ nhiên, đời sống của bạn luôn
luôn sẽ bị phiền não khổ đau giam hãm, trói buộc. Vì vậy, quy y Tam bảo
không phải là việc chú trọng về hình thức lễ nghi, mà đòi hỏi bạn phải
biết cách để quán chiếu về thân, khẩu và ý của mình trong từng giây từng
phút. Nếu bạn thực hành đúng như lời Phật dạy thì sẽ đạt đến đỉnh cao
của hạnh phúc, không có gì cao quý hơn nữa nên gọi là “bảo”. Thiết nghĩ,
cho dù mọi thứ trên thế gian này quý giá đến mấy chăng nữa cũng không
thể nào giúp con người thoát khỏi khổ đau, chỉ có nương tựa vào Chánh
pháp, nương tựa chính mình mới có thể tạo ra hạnh phúc miên viễn.
Trở về nương tựa Tam bảo, nghĩa là
bạn đang bước đi trên con đường hiểu biết và thương yêu như đức Thế Tôn
đã đi. Bạn muốn bước đi trọn vẹn trên con đường cao đẹp ấy, không gì hơn
bạn cần phải thực hành “có ý, có tứ” trong mọi lúc mọi nơi. Dù làm bất
cứ việc gì bạn cũng nên chú tâm vào công việc đó (ý), và quan sát rõ
ràng những gì đang xảy trong hiện thực (tứ). Nghĩa là bạn phải rõ biết
mọi hoạt động và trạng thái của thân tâm mình trong thực tại đang là. Ví
dụ, khi thực tập Yoga hay Thái cực quyền bạn cần phải nhận diện rõ toàn
cơ thể của mình đang đứng lên và ngồi xuống, quay qua trở lại đồng thời
kết hợp với hơi thở vào, hơi thở ra thì khả năng tập luyện ấy sẽ đem
lại kết quả tốt đẹp như bạn mong muốn. Trong khi lái xe cũng vậy, bạn
cần phải quan sát rõ ràng các diễn biến đang xảy ra trên đường đi, để
tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu như trong khi lái xe mà
bạn thiếu ý tứ thì rất nguy hiểm cho bản thân cũng như cho kẻ khác. Và
hành động bất cẩn ấy sẽ bị mọi người xung quanh chỉ trích rằng: “sao anh
chạy xe gì vô ý tứ quá vậy”! Nghĩa là, hai bàn tay và con mắt của bạn
vẫn đang hoạt động ở đây, nhưng cái tâm thì rong ruổi phiêu lưu một nơi
khác chứ không có mặt trong khi lái xe.
Thật rõ ràng, khi con người sống
trong mê mờ và lãng quên thực tại thì sẽ tạo ra không biết bao nhiêu là
khổ đau cho chính bản thân và cho kẻ khác. Trái lại, nếu bạn sống có
tỉnh thức thì không làm tổn thương cho bất cứ một ai. Do đó, để mỗi việc
làm, lời nói và sự suy nghĩ của mình đem lại lợi ích cho bản thân và
cho cuộc đời này, bạn cần phải thắp sáng “ý tứ” trong mỗi giây mỗi phút,
và đây cũng chính là ý nghĩa thâm sâu, thiết thực nhất của việc quy y
Tam bảo.
V.N