Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định.
Đức Phật đã nói rằng trong
tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong
tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong
tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và
cái chết thì hữu hiệu nhất.
Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất
định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết
được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể
hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại
phía sau.
Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi
dưỡng là hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu
điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra,
nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ.
Điều này cũng ứng dụng cho sự thực
hành Phật pháp: chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì không ai trong chúng ta
biết được khi nào mình chết. Mỗi ngày chúng ta biết tin về cái chết
trong báo chí hay cái chết của một người bạn, của người nào đó mà ta
biết mang máng, hay của một người thân. Đôi khi chúng ta cảm thấy mất
mát, đôi lúc chúng ta hầu như vui sướng, nhưng một cách nào đó, chúng ta
vẫn còn bám chặt vào ý tưởng rằng điều đó sẽ không xảy ra cho ta.
Chúng ta nghĩ rằng mình được miễn trừ đối với sự vô thường, và
vì thế chúng ta trì hoãn sự tu hành tâm linh (nó có thể chuẩn bị cho
chúng ta trước cái chết), và cho rằng ta sẽ còn thời gian trong tương
lai. Khi thời điểm không thể tránh khỏi xảy tới, điều duy nhất chúng ta
phải mang đi là niềm hối tiếc. Chúng ta cần phải đi vào sự thực hành
ngay lập tức để dù cái chết có tới sớm thế nào chăng nữa, chúng ta cũng
sẽ sẵn sàng.
Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản nó. Dù bạn có loại thân
thể nào, dù bạn có thể trơ trơ đối với bệnh tật thế nào chăng nữa, cái
chết chắc chắn giáng xuống. Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời của chư
Phật và Bồ-tát trong quá khứ thì nay các Ngài chỉ còn là một ký ức. Các
Đạo sư Ấn Độ vĩ đại như ngài Nagarjuna (Long Thọ) và Asanga (Vô Trước)
đã có những đóng góp to lớn cho Pháp và làm việc vì lợi lạc của chúng
sinh, nhưng giờ đây tất cả những gì còn lại của các ngài chỉ là những
cái tên.
Tiểu sử của các vị sống động đến nỗi hầu như họ vẫn còn sống. Khi chúng
ta đi hành hương Ấn Độ, ta thấy những nơi như Đại Tu viện Nalanda, là
nơi các bậc Thầy vĩ đại như Nagarjuna và Asanga đã học tập và dạy dỗ.
Ngày nay Nalanda đã đổ nát. Khi nhìn những dấu tích để lại của những
nhân vật vĩ đại trong lịch sử, cảnh điêu tàn chỉ cho ta thấy bản chất
của sự vô thường.
Như những Phật ngôn cổ xưa nói, dù ta chui xuống lòng đất hay đi vào
biển cả hoặc vào không gian, chúng ta sẽ không bao giờ tránh được cái
chết. Những người trong chính gia đình chúng ta chẳng sớm thì muộn sẽ
chia lìa nhau như đám lá bị gió thổi tung. Trong một hai tháng tới, vài
người trong chúng ta sẽ chết, và những người khác sẽ chết trong ít năm.
Trong tám mươi hay chín mươi năm, tất cả chúng ta, kể cả Đạt Lai Lạt Ma
sẽ chết. Khi ấy, chỉ có sự thấu suốt tâm linh của ta là giúp ích được
cho ta. Không ai sau khi sinh ra mà càng lúc càng cách xa cái chết. Thay
vào đó, mỗi ngày chúng ta tới gần cái chết hơn, giống như súc vật đang
bị dẫn tới lò sát sinh. Giống như những người chăn bò đánh đập bò của họ
và dẫn chúng về chuồng, chúng ta cũng bị hành hạ bởi những nỗi đau khổ
của sinh, lão, bệnh, tử, luôn luôn tiến gần tới lúc kết thúc của đời ta.
Mọi sự trong vũ trụ này bị lệ thuộc vào lẽ vô thường và cuối cùng sẽ bị
tan rã.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy đã nói, những thanh thiếu niên trông rất
mạnh mẽ và khỏe khoắn nhưng lại chết trẻ là những vị Thầy thực sự dạy
cho chúng ta về sự vô thường. Trong tất cả những người chúng ta biết hay
nhìn thấy, sẽ không ai còn sống trong một trăm năm nữa. Cái chết không
thể bị đẩy lui bởi các mật chú hay bởi tìm kiếm sự nương tựa ở bất kỳ
một vị thầy tài giỏi.
Trải qua những năm tháng cuộc đời, tôi đã gặp gỡ rất nhiều người. Giờ đây họ chỉ còn là những hình bóng trong ký ức tôi.
Trích bài viết của Đạt Lai Lạt Ma về cái chết theo quan điểm Phật giáo
Tiêu đề do Tòa soạn tự đặt