'Tình dục là nguyên nhân chính gây ra sự khổ đau'
Những người am tường Phật giáo đều hiểu rằng Đức Phật chủ trương
một lối sống xa rời thế tục ; và hôm nay đây, ngài là một trong số
những người đã hy sinh rất nhiều thì giờ và sinh lực để quảng bá truyền
thống tu tập ấy vào thế giới Tây phương. Vì lý do nào Đức Phật đã đặt
nặng vấn đề trinh bạch của người tu hành ? Tại sao Đức Phật lại xem
điều đó quan trọng đến thế?
Bhante Gunaratana: Bởi vì bất cứ ai muốn giải thoát
khỏi dukkha, tức là khỏi khổ đau, thì phải tuân thủ một số nguyên tắc
đạo đức nào đó. Thật ra thì bất cứ ai muốn chọn cuộc sống của người tu
hành đều phải giữ sự trinh bạch. Nếu như còn tiếp tục lăn lộn trong mọi
thứ sinh hoạt tình dục thì họ có khác gì đâu với những người thế tục,
họ sẽ luôn luôn bị vướng mắc vào vô số những rối rắm liên quan đến tình
dục.
Bất cứ ai khao khát cuộc sống của người tu hành đều phải chọn cho
mình một lối sống đơn sơ – và cũng chính vì lý do đó mà các truyền
thống tu tập đã được hình thành – vì khi suy xét thật cẩn thận chúng ta
sẽ nhận thấy chỉ khi nào loại bỏ được mọi ham muốn vô độ, dục vọng và
thèm khát thì khi đó mới có thể tự giải thoát cho mình khỏi khổ đau.
Nếu đã quyết tâm muốn vượt lên trên mọi khổ đau thì phải loại bỏ
nguyên nhân của chúng, và sự ham muốn tình dục là một trong những
nguyên nhân nhất thiết sẽ mang lại khổ đau. Nếu muốn chọn một cuộc sống
nơi tu viện thì phải chế ngự được sự ham muốn tình dục vì tu viện
không phải là nơi nuôi dưỡng những gì có thể làm phát sinh ra sự thèm
khát tình dục.
Như thế thì trường hợp một người không xuất gia, tức một người
thế tục sẽ khó tuân thủ sự trinh bạch, có thể nói là không thể nào thực
hiện được ?
Kể cả những người thế tục cũng cần phải có một cuộc sống kỷ cương ;
họ phải biết tự kìm hãm trong một khuôn phép nào đó. Chính vì thế đã có
những giới luật dành riêng cho họ. Tuy nhiên không bắt buộc những
người bình thường cũng phải tôn trọng sự trinh bạch. Dù sao thì người
thế tục cũng chỉ có thể đạt được giác ngộ trong một cấp bậc nào đó mà
thôi – đây là trường hợp mà chúng tôi gọi chung là những người đã "bước
vào dòng luân chuyển" nhưng sau đó "lại quay trở về chốn cũ" – chẳng
qua vì họ không đủ sức nhận thấy những liên lụy phát sinh từ tình dục.
Tuy thế cũng có những người thế tục đã đạt được cấp bậc thánh thiện
thứ ba, tức là "thể dạng không còn quay trở lại". Một thời gian ngắn
sau khi đã bước vào con đường đó thì người thế tục sẽ nhận thấy qua
kinh nghiệm và nhận xét của chính mình là những liên lụy với tình dục
nhất định sẽ tạo ra cho họ thật nhiều khó khăn trên đường tu tập, và
khi đã ý thức được điều đó thì họ sẽ tự động xa lánh những hành vi dục
tính.
Sự giữ gìn trinh bạch là một thứ gì mà người ta không thể nào áp đặt bằng sức mạnh được.
Nếu có thể thì xin ngài hãy trình bày cặn kẽ hơn về các chi tiết
cho thấy tại sao phải vượt lên trên tình dục mới có thể thăng tiến trên
đường tu tập tâm linh.
Bởi vì khi nào còn vướng mắc trong đó, tâm thức ta sẽ luôn luôn bị
quấy nhiễu, sẽ rơi vào u tối và hoang mang. Ta sẽ ngụp lặn trong ghen
tuông, lo sợ, hận thù, căng thẳng, và những thứ đó sẽ tiếp tục lôi kéo
những thứ khác nữa – tóm lại là tất cả những khó khăn phát sinh từ sự
ham muốn tình dục. Vậy nếu muốn tự giải thoát khỏi những thứ ấy, trước
hết phải loại bỏ những thèm khát tình dục.
Dù sao cũng có một số người không thích các chữ như "loại bỏ" mà chỉ
thích dùng những chữ như "vượt lên trên" hay "biến cải". Nói như thế
cũng đúng, vì ta có thể biến cải sự thèm khát tình dục thành
không-còn-thèm-khát tình dục !
Tuy nhiên căn cứ theo những gì ngài vừa trình bày thì phải nói là
sự loại bỏ mọi ham muốn tình dục thì mới đúng, có phải như thế hay
chăng?
Đúng như vậy. Tuy nhiên khi nói là "loại bỏ" thì quá mạnh, quá tiêu
cực và người ta thường tự hỏi "làm sao tôi có đủ sức để loại bỏ một thứ
gì đó? . Trong khi ấy, nếu ta nói "hãy biến cải nó thành một thứ gì
khác", thì họ sẽ chấp nhận một cách dễ dàng hơn.
'Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện'
Simon Alev: Theo ý nghĩa những lời giảng của Đức Phật về vấn đề
tình dục thì có phải đó là một thứ gì mang tính cách tiêu cực một cách
nội tại?
Bhante Guanaratana: Đức Phật giảng rằng khi nào còn
tự trói mình trong những hành động tình dục thì khi đó người ta vẫn
chưa có thể nào chú tâm vào việc tu tập tâm linh một cách hiệu quả; nói
một cách đơn giản hơn là tình dục và tu tập không thể nào đi đôi với
nhau.
Tuy nhiên khi Đức Phật thuyết giảng về con đường thăng tiến tuần tự
đưa đến giác ngộ thì đồng thời Ngài cũng giảng rằng những giác cảm liên
quan đến tình dục và sự thèm muốn cũng hàm chứa sự thích thú trong đó.
Ngài không phủ nhận sự thích thú. Tuy nhiên bạn có đủ sức hiểu được là
chính cái thích thú ấy về sau sẽ biến thành khổ đau hay không? Khi cơn
sốt của thèm muốn tình dục lúc ban đầu dần dần hạ xuống thì cãi vã sẽ
phát sinh.
Bởi vì thèm khát tình dục sẽ làm phát sinh sự ham muốn quá độ, lo sợ,
ghen tuông, hận thù, hoang mang và những cảnh ẩu đả lẫn nhau; tất cả
những thứ tiêu cực ấy đều phát sinh từ sự thèm khát tình dục.
Nếu thật sự muốn nhận thấy được sự thật ấy thì cũng chẳng cần phải
nhìn đâu cho xa, cứ nhìn thẳng vào xã hội mà chúng ta đang sống. Chỉ
cần mở mắt thật to để nhìn chung quanh. Đã có không biết bao nhiêu
triệu người từng đấm đá nhau chỉ vì nguyên nhân thèm muốn tình dục –
nào chồng, nào vợ, nào bạn trai, bạn gái, bạn gái rồi lại bạn trai. Dù
cho bạn thuộc vào loại người mang tính dục khác giới, hoặc đồng tính
luyến ái hay lưỡng tính thì cũng chẳng quan hệ gì nhiều, vì tất cả rồi
cũng sẽ hỗn chiến với nhau. Khi nào bạn vẫn còn vướng mắc trong những
thèm khát ấy thì không thể nào tránh khỏi – cãi vã, thất vọng, giận dữ,
hận thù, sát nhân – tất cả sẽ lôi kéo nhau mà sinh ra.
Vì thế khi Đức Phật nhìn thấy những khó khăn đi kèm với tình dục thì
Ngài dạy chúng ta tốt hơn hết nên kiểm soát và khắc phục các giác quan
để tìm lấy một cuộc sống thanh thản và an bình.
Tuy nhiên cần phải thực hiện từ từ, thật chậm, việc đó phải đi đôi
với sự suy xét, nhất là không được đột ngột. Chuyện đó không thể gò ép
được. Cần phải thực hiện với sự hiểu biết chín chắn. Nếu không hiểu
được điều này mà cứ muốn ngưng ngay một cách đột ngột thì sẽ càng cảm
thấy thiếu thốn và lo sợ nhiều hơn và từ đó sẽ phát sinh thêm những khó
khăn khác nữa. Vì thế trong những lời giáo huấn liên quan đến cách tu
tập tuần tự, Đức Phật giảng rằng lúc ban đầu tuy rằng có sự thích thú
trong các sinh hoạt tình dục, nhưng sau đó sẽ sinh ra những điều bất
ổn, và tiếp theo là mọi thứ khó khăn. Chỉ khi nào nhận ra được sự thật
đó thì lúc ấy ta mới ý thức được những khó khăn và những gì tiêu cực đi
đôi với tình dục – chúng là một thể dạng nội tại của dục tính. Các rối
loạn và khó khăn ấy đều mang tính cách tự tại trong sự thèm khát tình
dục.
Simon Alev: Nhất là trong thời đại chúng ta, điều ấy quả thật là hết sức căn bản.
Bhante Gunaratana: Quả đúng như thế. Tuy nhiên chỉ
khi nào người ta tránh xa được những thứ ấy, xa lánh được những bài học
ấy và đã đi xa hàng triệu cây số, vượt qua thời gian và không gian thì
khi đó họ mới thật sự ý thức được điều ấy là căn bản – khi mà họ quay
nhìn lại phía sau để nhìn thấy căn nguyên của khổ đau. Khi họ đã quay
lưng ra đi từ lâu, xa lánh qua không gian và thời gian và bất chợt khi
quay nhìn lại phía sau họ mới có thể thốt lên : « Hú vía ! giờ đây làm
thế nào mình còn dám quay đầu lại với những thứ ấy nữa ? Mình đã đi quá
xa rồi, đã dấn thân quá sâu rồi ». Khi đó thì chuyện ấy mới trở thành
một vấn đề căn bản đối với họ. Nhất định đấy là một vấn đề căn bản !
Simon Alev: Trong khi ngài đang nói thì tôi lại bất chợt nghĩ đến
sự kiện ngài đề cập quá ít về những thích thú tình dục, và ngược lại
thì ngài lại trình bày quá nhiều về những khía cạnh bất lợi, nhiều
người...
Bhante Gunaratana: Vâng. Chỉ vì một chút thích thú, nhưng đã mang lại quá nhiều khổ đau, có đúng thế hay chăng?
Simon Alev: Quả là như thế.
Bhante Gunaratana: Bạn có lý. Người ta không chịu
suy nghĩ. Họ chỉ muốn nghe những lời hợp ý với mình. Ngược lại thì
chúng ta lại không muốn nói lên những lời mà họ thích nghe ! Dù cho
người nghe có thích hay không thích, thì chúng ta vẫn cứ nói lên sự
thật. Chúng ta không nên sợ hãi khi nói thật. Dù cho thiên hạ có chấp
nhận hay không... Thôi vậy, dù sao thì đấy cũng là một vấn đề khác rồi.
Chúng ta không thể làm gì khác hơn được.
Simon Alev : Khi chúng tôi tra cứu để cố trích dẫn một vài lời
giáo huấn liên quan đến cảm nghĩ của Đức Phật về vấn đề tình dục, thì
bất ngờ chúng tôi lại tìm thấy một đoạn văn như sau: "Này, đừng có dại
dột, (những ai đã từ bỏ gia đình), thà rằng đưa dương vật vào miệng một
con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa
nó vào một người đàn bà. Tốt hơn là đưa dương vật vào một lò nung đầy
than hồng nóng bỏng, còn hơn là đưa nó vào một người đàn bà. Tại sao
lại như thế ?
Trong cả hai trường hợp, có thể ta sẽ chết vì nọc độc hoặc vì đớn
đau của lửa bỏng, nhưng sau khi chết và thân xác đã tan rã thì ta sẽ
không còn quay lại với cái thế giới khốn khổ để mang thêm một số kiếp
bất hạnh trong cảnh sa đọa và địa ngục này". (Trích dịch từ một tấm bưu
thiếp của Thái Lan vào đầu thế kỷ thứ XX với tựa đề là : Địa ngục của
những người có hành vi tình dục không lành mạnh).
Tôi nghĩ rằng đoạn văn trên đây phản ảnh khá minh bạch về những
cảm nghĩ của Đức Phật liên quan đến tình dục. Tuy nhiên như ngài đã
biết, ngày nay trong thế giới phương Tây có rất nhiều xu hướng khác
nhau liên quan đến phần giáo lý cũng như các phương pháp tu tập Phật
giáo, và hình như một số người Tây phương tu tập Phật giáo cũng bất
đồng chính kiến giữa họ với nhau về quan điểm do Đức Phật chủ trương
liên quan đến vấn đề ham muốn tình dục – và theo như ngài đã trình bày
trên đây thì sự ham muốn ấy là sự biểu lộ của tham lam vô độ – cần phải
vượt lên trên mới có thể đạt được Giác ngộ. Ngược lại, trong bối cảnh
tự do của các xã hội Tây phương ngày nay, nhiều người có khuynh hướng
nghĩ rằng tình dục là một cách biểu lộ lành mạnh và tự nhiên của con
người – không những chỉ trong lãnh vực con người mà thôi mà có thể cả
trong lãnh vực tâm linh nữa. Vậy ngài nghĩ như thế nào về những lời của
Đức Phật về việc này?
Bhante Gunaratana: Trước khi chuyển sang đề tài
khác, tôi muốn lưu ý vài lời về đoạn văn vừa trích dẫn trên đây. Bạn
cũng hiểu là Đức Phật có nói đến vấn đề tình dục, tuy nhiên Ngài không
phải chỉ đề cập đến sự trinh bạch của người đàn ông, mà cả của người
phụ nữ nữa. Vậy trong trường hợp khi Ngài nói rằng thà nuốt một viên
sắt nung đỏ còn hơn là dính líu vào những hành vi tình dục, thì phải
hiểu rằng câu nói đó muốn nhắc nhở cả người phụ nữ nữa. Chúng ta cần
phải xác định thật minh bạch về điểm này, nếu không sẽ làm cho người
phụ nữ phật lòng nhiều lắm đấy. Họ sẽ nghĩ lầm là Đức Phật thù ghét
người phụ nữ và muốn cho người đàn ông phải giữ gìn trinh bạch bằng
cách lánh xa họ. Một người phụ nữ muốn giữ sự trinh bạch cũng phải lánh
xa người đàn ông. Đấy là điểm mà tôi muốn làm sáng tỏ trước nhất.
Điểm thứ hai liên quan đến việc thành lập gia đình, có vợ, có con,
vân vân và vân vân thì Đức Phật không hề cấm đoán ; đời sống tình dục
mang lại hạnh phúc trong gia đình của những người thế tục là một điều
chính đáng, dù rằng điều đó, như tôi đã nói, không thể nào đưa đến Giác
ngộ toàn vẹn được.
Để trả lời cho câu hỏi của bạn, không phải chỉ riêng trong các xã hội
ngày nay mà cả trong thời đại Đức Phật còn tại thế, nhiều người đã
từng tin rằng tình dục là một thứ gì rất thánh thiện, cao cả, thiêng
liêng và mầu nhiệm. Vì thế sự kiện vừa được nêu lên trên đây không phải
là một hiện tượng cá biệt của những xã hội tân tiến trong thế kỷ hai
mươi. Tâm tính con người không thay đổi từ muôn thuở cho đến ngày nay,
và trong tương lai cũng vẫn sẽ là như thế. Luôn luôn vẫn có người nghĩ
rằng họ sẽ có thể tự giải thoát bằng tình dục, và đấy là những gì mà
tôi gọi là một sự nhận thức méo mó, những ý nghĩ méo mó.
Về vấn đề tình dục trong các tôn giáo
Hầu hết các tôn giáo lớn của nhân loại
đều bị ám ảnh ít nhiều bởi vấn đề tình dục. Sự ám ảnh đó chi phối và
ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong xã hội, các thói tục
trong dân gian và có thể cả nền văn hóa của một dân tộc. Riêng đối
với Phật giáo thì vấn đề tình dục không được nhắc nhở đến nhiều,
không có mấy kinh sách đề cập thẳng đến vấn đề này. Sự yên lặng đó
hình như đã chứng tỏ quan điểm hết sức hiển nhiên và tất yếu của giáo
lý nhà Phật, không có gì phải bàn cãi hay luận bàn thêm.
Một cách đơn giản, đối với Phật giáo,
tình dục là một trong những nguyên nhân và nguồn gốc mang lại si mê,
trói buộc và khổ đau.
Ngài Bhante Gunaratana sinh năm 1927
tại Tích Lan (Sri Lanka), thụ phong sa-di lúc vừa được 12 tuổi. Năm
1947, ngài được Hội Maha Bhodi gởi sang Ấn độ chăm lo cho những người
thuộc tầng lớp tiện dân sống trong các vùng đô thị lớn như New Dehli
và Bombay. Năm năm sau thì ngài lại được gởi sang Mã Lai để giảng
dạy Phật pháp và đã lưu lại quốc gia này trong suốt mười năm.
Đến năm 1968 ngài lại được cử sang Mỹ
giữ chức vụ Tổng thư ký của Hội Buddhist Vihara tại Washington DC và
giảng dạy Phật pháp cho các đại học Mỹ, nhưng về sau thì có một số
các đại học khác ở Gia nã đại, Úc châu và Âu châu biết đến và cũng đã
mời ngài thuyết giảng.
Hiện nay ngài giữ chức vụ chủ tịch Hội
Bhavana, đồng thời cũng là viện trưởng trụ trì Tu viện Shenandoah
Valley. Ngài phụ trách giảng dạy về thiền và hướng dẫn các khóa ẩn cư
cho tu viện, học viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ngài viết nhiều sách rất nổi tiếng, một
trong những quyển được biết nhiều nhất là quyển "Hành thiền hằng
ngày", đây là một trong những quyển sách tốt nhất hướng dẩn về thiền
Vipassana.
|
Theo Ký giả Simon Alev - Diệp Thanh (dịch) - NĐT