19/12/2011 07:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 33507
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thỉnh thoảng được nghe người ta nói: ”Hễ khi nào trò ở đâu, là luôn luôn thầy có ở đó”. Tại sao vậy?
Trên thực tế, Thầy không bao giờ làm việc gì cả. Và nếu đã không chuẩn bị đầy đủ, thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cho ta. Sự cởi mở và tiếp nhận của ta không cần thiết để cho một ông thầy làm một việc gì. Hay sự cởi mở và tiếp nhận của ta cần phải có để sự hiện diện của thầy có thể làm “kích thích” một cái gì cho phải xẩy ra. Đây là hai sự kiện khác nhau.



Làm một việc gì đó là một cố gắng thật tích cực và cố gắng tích cực lại mang theo "nghiệp” (karma/ kamma). Nếu Thầy làm một cái gì đó cho học trò, thầy cũng phải bị liên hệ và vướng mắc vào với cái nghiệp của người học trò đó. Vì vậy, một ông Thầy chân chính hay những người đã Giác Ngộ ít khi dính dấp tới nghiệp của con người trừ phi có một “sức mạnh lớn lao hơn” từ “năng lực của vũ trụ” thúc đẩy cho họ tự nhiên hành động. Nếu không như vậy thì nghiệp mới sẽ được cấu tạo, hoặc có thể những năng lực của nghiệp đó sẽ chuyển ngược lại cho ông thầy. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy những tổ hợp của Nghiệp, và các năng lực của nghiệp thì thật quá phức tạp và nằm ngoài tầm hiểu biết của tâm suy luận này. Người Thầy chân chính không làm bất cứ một cố gắng tích cực nào, nhưng cố gắng hay nỗ lực là của bên người đệ tử. Vì thế khi có ai nói cái liên hệ thầy-trò thực sự là trách nhiệm của cả hai bên, trong đó người học trò cần phải đáp ứng một cách cởi mở với thầy để cho thầy có thể hoàn tất công việc dậy dỗ... là một quan niệm sai lầm. Ngược lại, liên hệ thầy-trò đó chỉ là con đường một chiều, chứ không phải là con đường hai chiều hay những việc làm song phương. Sự hiện diện của ông Thầy lúc nào cũng có ở đó, giống như một tia sáng, việc mà người học trò cần làm chỉ là mở mắt ra nhìn cái tia sáng và rất nhiều vật khác có thể thấy được dưới cái tia sáng do. Ông thầy đã không bắt buộc ánh sáng chiếu vào mắt ta; và ta cũng có thể nhắm mắt mãi mãi. Chắc chắn là tia sáng sẽ không đến gõ vào mí mắt ta và nói: “Làm ơn...làm ơn mở mắt ra, tôi muốn vào”. Ta có thể cứ nhắm mắt; nhưng tia sáng rất là dân chủ, nó sẽ bỏ mặc ta. Nhưng nếu mở mắt ra, ta sẽ thấy ánh sáng và cùng với nhiều thứ khác nữa.
Còn nữa, ta không thể nói là ánh sáng đã có làm việc gì đó cho ta. Chuyện gì đó đã “xảy đến” cho ta. Chuyện đó sẽ không “xẩy ra” nếu không có ánh sáng, cho nên sự hiện diện của ánh sáng chắc chắn là cần thiết...Nhưng chỉ có sự hiện diện, chứ không phải cái hành động, của ánh sáng là cần thiết. Người học trò phải làm tất cả mọi việc, và đây chính là cái đẹp của luật thiên nhiên.
Nếu không, ta sẽ trở thành một con bù nhìn trong tay của thầy. Khi đó ông thầy sẽ làm những gì mà thầy muốn làm. Khi đó thầy sẽ làm cho ta thành như một khuôn mẫu lý tưởng. Và Thầy sẽ hủy hoại cái cá tính độc đáo của ta; tiêu diệt sự tự do của ta. Không một ông thầy có tiếng tăm nào có thể làm như vậy được.
Ông Thầy có thể thay đổi ta, nhưng sự thay đổi đó rất đắt giá. Thầy có thể làm nhiều việc, nhưng chỉ càng lúc càng làm cho ta trở thành một nô lệ. Ta đã tìm đến với thầy để được giải phóng, và con đường ta đang đi này hình như sai lối.
Ông thầy chân chính sẽ tự làm cho mình sẵn sàng bằng nhiều cách. Ông dậy cho ta làm thế nào để có mặt và sẵn sàng, làm thế nào để được cởi mở, để được tiếp nhận... nhưng những việc đó tuỳ thuộc rất nhiều vào ta. Với sự hiện diện của một ông Thầy chân chính, hạt giống Phật tính trong ta có thể được nẩy mầm, và có triển vọng tăng trưởng. Hạt giống đó sẽ phát triển theo những phẩm năng cố hữu của riêng nó. Không có ảnh hưởng áp đặt nào từ bên ngoài vào.
Khi ông Thầy chân chính có mặt, tình thương yêu của Thầy cũng có mặt tại đó. Khi nào Thầy rời đi, người sẽ mang theo đi bóng dáng yêu thương này y như một bông hoa mang theo hương thơm tự nhiên. Dưới bóng mát của hào quang yêu thương này của thầy, hạt giống Phật tánh trong ta bắt đầu nẩy nở. Nhưng, Thầy sẽ không chạm tới ta, thầy sẽ để yên cho ta trở thành bất cứ cái gì mà ta có thể trở thành. Thầy chỉ là một sự trợ giúp thầm lặng, không liên hệ và vướng víu với nghiệp của ta. Tất nhiên, thầy cũng không tạo ra bất cứ một nghiệp mới nào, Thầy chuyển hoá ta mà không cần chạm tới ta.
Đây là sự mầu nhiệm của Vị Thầy chân chính.

Achema – Malaysia 2009

http://www.oldcottage.net/vuonthien/songthien/songthien.html

Âm lịch

Ảnh đẹp