16/06/2013 20:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 83817
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Câu hỏi này, nếu dành cho những ai chưa từng nghĩ tới cái chết thì sẽ… rất đáng sợ vì người ấy chỉ biết là mình đang sống, sức khỏe còn mạnh lành, dễ gì mà chết. Nếu câu hỏi được đặt cho những ai xem sự chết là điều “tối kỵ” hoặc còn “nặng nợ” trần gian, với danh, sắc, tài, thực, thùy (ngũ dục) vẫn còn nhiều đeo bám, ràng buộc thì chết quả nhiên đáng ghê, đáng sợ…



duc phat nhap niet ban.jpg

Tranh Phật giáo: Đức Phật nhập Niết-bàn

Về mặt tâm linh, theo tinh thần đạo Phật, thì chết không phải là hết, mà thần thức sẽ theo nghiệp mà chiêu cảm, tái sinh hoặc bị đọa địa ngục, hoặc được siêu sanh lên cõi lành tốt, Cực Lạc quốc độ… Tất nhiên, quá trình sống, tu dưỡng nội tâm chính là điều kiện tiên quyết cho tiến trình tái sinh hoặc vãng sinh của người đó. Chính vì vậy, sống là nhân chết là quả, theo đó, nhân lành lúc sống gieo tạo sẽ cho mình cái chết bình an.

Thực ra, chết không đáng sợ. Đối với những người đã… chán sống! Chính vì thế mà ta vẫn thường nghe, đọc, xem những tin tức về việc chọn lựa cái chết, tự động nói lời vĩnh biệt để rồi chết bằng cách tự tử của người lớn lẫn người nhỏ, không loại trừ độ tuổi.

Những cái chết bằng cách ấy thường để lại những nỗi day dứt nơi những người còn sống, và được gọi tên là nông nỗi, là cạn nghĩ, là dại dột… Nguyên do thì có nhiều, phán xét cho việc tự chết cũng có nhiều, tùy mỗi người, bởi ai cũng có điểm nhìn, hướng nhìn riêng, nên gọi tên cái thấy cũng khác.

Song, dù gì thì người chết cũng đã chết, cái quan trọng là làm sao để họ (thần thức) nhận diện một con đường đúng đắn cho lộ trình tương lai? Và, quan trọng là người ở lại, xã hội đương đại nhìn nhận nguyên nhân và có phương pháp trị liệu để nó không trở thành một thứ lựa chọn bình thường mà con người xem là “tối ưu” mỗi khi có những nỗi khổ, niềm đau.

Đa số, ai cũng cho rằng, những người tự chết là những người cực kỳ yếu đuối, do họ không có khả năng sống trong khổ đau, hay, có ý niệm sai lầm là chạy trốn khổ đau bằng cái chết, hay loại trừ khổ đau bằng cách chết, vì nghĩ, chết nếu đau chỉ một lần. Do thế giới quan chết là hết, là giải thoát nên người ta nghĩ rằng tự tử sẽ coi như chấm dứt, song, ở khía cạnh xã hội thì nó đâu có xong một cách dễ dàng như thế. Cái chết ấy tác động đến những người thân-thương, nỗi đau xót ngậm ngùi dài lâu, cùng những hệ lụy tác động lên tâm thức của những người sống cùng thời đại, tưới tẩm những nỗi bất an, học đòi sai quấy theo hành vi tự hoại của mình.

Về mặt tâm linh, theo tinh thần đạo Phật, thì chết không phải là hết, mà thần thức sẽ theo nghiệp mà chiêu cảm, tái sinh hoặc bị đọa địa ngục, hoặc được siêu sanh lên cõi lành tốt, Cực Lạc quốc độ… Tất nhiên, quá trình sống, tu dưỡng nội tâm chính là điều kiện tiên quyết cho tiến trình tái sinh hoặc vãng sinh của người đó. Chính vì vậy, sống là nhân chết là quả, theo đó, nhân lành lúc sống gieo tạo sẽ cho mình cái chết bình an.

Cổ nhân dạy, “sanh tử sự đại”, cả hai quá trình ấy nương nhau biểu hiện, khi mình đã sống một đời tử tế, không vướng bận tục lụy thế gian thì việc “xả báo thân tứ đại” (chết) mới thật sự an lạc. Đồng thời, mình phải thấy một con đường, nhận diện sâu sắc về tiến trình sanh-trụ-dị-diệt, vô thường, nhân quả thì mình sẽ thấy cái chết là hiển nhiên, và mình đi đến việc chết (tự nhiên) để bước tiếp trên lộ trình tu-học một cách hanh thông, tiến bộ. Cái chết đối với những người nhìn nhận được con đường như thế thì nhẹ như lông hồng, vì đã biết rõ con đường sanh-diệt đương nhiên, đến thì biết là đến, đi thì đi thôi, không có sợ hãi, ngại ngần.

Trở lại với việc chọn cái chết vì quá túng quẩn, do thất bại, do gặp những nghịch duyên nào đó, do bị phụ rẩy tình cảm… là cái chết mang theo nhiều uất ức, hận thù. Với cái tâm ấy thì tiến trình tái sinh sẽ phải gặp nhiều khổ đau, vì nhân như vậy, quả làm sao tốt lành được? Phật dạy, nhất thiết duy tâm tạo, chính là muốn chỉ mọi thứ sẽ bị dẫn dắt bởi tâm-ý con người. Nếu mình nghĩ rằng chết là hết hoặc chết để có cơ hội thành… ma mà báo thù thì cái tâm sai lầm ấy sẽ biến mình đi trong đường lầm lạc, đen tối. Đương nhiên, khổ là kết quả chắc chắn!

Nhiều cái chết nhẹ tựa lông hồng là của những bậc Thánh. Vì, các Ngài đã thấy rõ tứ đại vô thường. Và tu tập với những oai nghi cơ bản, hành đạo là lấy thân tứ đại làm pháp thân nên chết cũng là một bài pháp nếu cần.

Do vậy, mà từ 26 thế kỷ trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới hiện thân tứ đại và khi đến 80 tuổi, sau khi thấy việc hoằng pháp đã hoàn mãn thì Ngài xả báo thân trong ý niệm Như Lai đến-đi để các môn đệ không ỷ lại có Như Lai mà không lo chuyên tâm tu tập giải thoát. Điều đó, được ghi lại trong kinh Di giáo (HT.Thích Trí Quang dịch), như sau:

Lúc bấy giờ trong chúng, hàng đệ tử hữu học phải đối diện sự kiện Đức Phật sẽ vô dư Niết-bàn, đều bi cảm, đau xót. Hàng đệ tử mới vào đạo nghe những lời dạy cuối cùng đều được hóa độ, như trong đêm tối nhờ có ánh sáng, nên thấy đường đi. Các hàng đệ tử vô học đã dứt sạch các phiền não, vượt ra khỏi sanh tử, vẫn không ngăn được sự ngậm ngùi: “Tại sao Đức Thế Tôn vô dư Niết-bàn quá sớm!”. Lúc đó, Đức Phật vì thương bốn chúng nên dạy thêm rằng:

- Này các đệ tử, chớ có thảm sầu, đau xót. Dẫu Như Lai có sống thêm ở đời một kiếp nữa, rồi cũng phải đến ngày Niết-bàn. Hội ngộ mà không chia tay; kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được.

Đối với Như Lai, kinh nghiệm và pháp thức lợi mình, lợi người, Như Lai đều đã tuyên bố. Thật chẳng có lợi ích gì, nếu Như Lai sống lâu nơi đời mà các vị không thực hành chánh pháp. Những chúng sanh đáng độ, Như Lai đã độ hết. Những chúng sanh chưa được độ, Như Lai cũng đã tạo nhân duyên để họ được hóa độ. Từ nay trở đi, đệ tử của Như Lai hãy noi theo truyền thống chánh pháp mà thực hành. Đó là cách làm cho pháp thân Như Lai thường còn, và mãi mãi bất diệt ở thế gian. Như Lai vô dư Niết-bàn hay không, việc đó không quan trọng.

Này các đệ tử, các vị nên nhận thức rằng mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm. Cuộc đời là như thế, các vị phải nỗ lực tinh tấn để tự giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng tối si mê. Đời là một sự vận hành không kiên định. Như Lai vô dư Niết-bàn như bỏ đi một căn bệnh dữ. Đó là năm nhóm nhân tính, mang tính tội lỗi, tạm gọi là thân, vì thế, nó phải chịu sự chi phối không thương tiếc của già, bệnh và chết. Bậc tuệ trí khi thoát khỏi nó có cảm tưởng như là dẹp xong được bọn cướp. Như vậy, chết không đáng để hoan hỷ, an lạc hay sao?

duc Phật.jpg

Ảnh minh họa

Những bậc Thánh bao giờ cũng coi nhẹ sanh tử bởi các Ngài hiểu về thực tướng của các pháp, hiểu được “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” nên không sợ, thậm chí biết cách xả báo để truyền trao đạo màu, xốc dậy niềm tin, tinh thần cho chúng sinh.

Đến thời hiện đại, khi xảy ra pháp nạn năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo thì phong trào đấu tranh của Phật giáo diễn ra sâu rộng. Trong đó, dấu ấn nổi bật, làm chấn động thế giới là sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Hình ảnh Ngài vững chãi trong ngọn lửa ngùn ngụt cháy đã trở thành biểu tượng bất diệt của niềm tin và sự bất bạo động của Phật giáo, y giáo lời Phật dạy từ ngàn xưa.

Quyết định thiêu thân có nghĩa là quyết định chết, nhưng, sau cái chết ấy, sau ngọn lửa ấy Bồ-tát biết là sự sụp đổ của một chế độ độc tài và sự sống dậy của Phật giáo, của nhân bản con người cũng như sự trường tồn của giáo pháp nên Ngài không ngần ngại.

Đọc kinh Pháp Hoa, đến phẩm 23 - phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự ta thường xúc động vì cách cúng dường Phật của Bồ-tát Dược Vương trong kiếp quá khứ, lúc là Bồ-tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến. Cụ thể, Ngài đã từng nhiều lần lấy thân mình đốt cúng dường Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai. Từ đó, nhớ về Bồ-tát Thích Quảng Đức, người ngày đêm thọ trì kinh Pháp Hoa cũng chọn “vị pháp thiêu thân” làm bài pháp cuối cùng như một sự tiếp nối hạnh nguyện của Bồ-tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến, coi nhẹ chuyện sống-chết. Tuy là “bài pháp cuối cùng” nhưng thuyết từ năm mươi năm qua, đã in dấu vào núi sông, dân tộc, lòng người và cả thế giới về một “trái tim bất diệt” và ngọn lửa “tồi tà phụ chánh” của người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Những bậc Thánh bao giờ cũng coi nhẹ sanh tử bởi các Ngài hiểu về thực tướng của các pháp, hiểu được “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” nên không sợ, thậm chí biết cách xả báo để truyền trao đạo màu, xốc dậy niềm tin, tinh thần cho chúng sinh.

Nghĩ đến đây, ta thấy mình cần phải tu nhiều, học nhiều từ hành trạng của Phật, của chư vị Thánh Tăng, Tổ sư… để hiểu về sanh tử, để sống thì sống cho tử tế (biết làm lành, lánh dữ) và khi cái chết tới thì mình cứ mỉm cười chào nó, như là thay một chiếc áo cũ mục vậy. Điều này biết là sẽ khó đối với nhiều người, vì ta còn nặng nợ nhiều thứ, còn ham muốn nhiều, còn chưa tin chắc thật vào con đường mình đi, con hoang mang bởi nhiều lý do…

Thôi thì, cứ mỗi ngày một ít, suy nghiệm và thể nghiệm sự sanh tử đang diễn ra quanh mình, trong mình (từ những tế bào già chết) để biết mình của hôm nay là con người mới, được sanh ra bởi hàng triệu tế bào mới, được sống cho một ngày mới để rồi sẽ lại chết, sống muôn kiếp như thế. Cái quan trọng là hiện tại, mình có vui không, có đang nhớ Phật và hành Phật từ mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm hàng ngày không?

Có câu nói mà mọi người vẫn hay nói, rằng đi rồi sẽ tới, nên cứ từ từ mà đi, tùy sức mà đi. Hôm nay ta còn dính mắc nhiều thứ nên thấy cái chết nặng tựa Thái sơn, nhưng khi ta thấy mọi thứ ngũ dục kia là phù phiếm thì ta sẽ thấy chết sẽ nhẹ tựa lông hồng, vì không còn mang nặng âu lo, sợ hãi mất mát chi cả!

Lưu Đình Long
(Văn hóa Phật giáo VN)

Âm lịch

Ảnh đẹp