18/03/2011 12:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 2704
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Đạo Phật là đạo của tâm. Chỉ có tâm mà thôi. Ai thực hành và phòng hộ tâm là người đó đang thực hành Phật giáo". ( Thiền sư Ajahn Chah). "Tham lam biếng nhác, tự ái kiêu căng, ngu si hờn giận, ganh ghét đố kị, 

chấp thủ thị phi... là những tường thành kiên cố cản trở chúng ta phát vô thượng tâm, ngăn cản chúng ta thâm nhập kinh tạng, xúi giục chúng ta phản bội đại chúng. Vì thế, muốn hết thảy không ngại thì trước tiên phải chuyển hóa phiền não trong tâm mình. Tâm phiền não thì bất cứ điều gì cũng trở thành chướng ngại, bé xé ra to".

Sự thực hẳn chẳng có bao nhiêu người thực hành và phòng hộ tâm mà không từng tìm hiểu đạo Phật. Kiến thức tâm học Phật giáo vô cùng phong phú cả về số lượng lẫn chiều sâu. Muốn khám phá và chuyển hóa tâm, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải trở thành một Phật tử. Đạo lý Tam quy giúp chúng ta bắt đầu hành trình trở thành này. Quay trở về với Phật, Pháp, Tăng - nơi nương tựa bình yên và vĩnh cửu nhất trần gian, sẽ mở đầu nếp sống tri thức mới. Nếp sống này thực ra không mới. Nói mới là vì nó bị quên lãng từ vô lượng kiếp, nay nhờ Tam bảo giúp ta nhớ lại và sống với. Là cánh cửa khép kín bao kiếp sống lãng du trong vô minh phiền não, quy y Tam bảo khai mở cuộc đời tràn ngập tình thương và hiểu biết. Đó là lý do tiêu đề bài viết: Quy y - Mở đầu nếp sống tri thức mới.

quyy-2.gif

Giáo lý Tam quy y liên quan trực tiếp đến pháp số Tam bảo. Với sự kết hợp hoàn hảo cùng Ngũ giới, Tam quy được xem là pháp ngữ không thể thiếu trong nghi thức phát nguyện trở thành tín đồ Phật giáo chính thức. Với ý nghĩa đó, Tam quy luôn luôn được Phật tử trân trọng trì tụng trong bất cứ nghi lễ Phật giáo nào, như một lời dặn dò, khích lệ và tri ân. Chúng tôi sẽ giải thích Tam quy thông qua chính văn trong nghi thức tụng niệm hàng ngày. Dưới sự giới hạn tri thức và chiều dài văn bản, cho phép chúng tôi phác thảo những điểm chính yếu và tỏ bày một vài suy nghĩ riêng tư về giáo lý Tam quy này như một sự san sẻ chân thành.

Chính văn Hán Việt trong nghi thức tụng niệm, Tam quy được trình bày một cách ngắn gọn như sau:

Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.

Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.

Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.

Và được chuyển ngữ một cách quen thuộc:

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

Quy y Tam bảo nghĩa là chúng ta tự nguyện đi theo Đức Phật trên con đường tìm kiếm hạnh phúc an vui cho chính mình và mọi người. Bởi vậy, không vì lý do nào chính đáng, cao thượng, sâu xa và thực tiễn hơn khi chúng ta biết trở về và nương tựa vào bậc phước trí vẹn toàn. Đó là nguyên nhân chúng ta quy y Phật. Nói cách khác, con về nương tựa Phật vì Ngài là Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. Đưa đường gì? - đường tập hợp phước đức và phát huy trí tuệ. Chỉ lối gì? - lối tình thương và hiểu biết. Thế gian còn đường nào sáng đẹp hơn đường từ bi, trí tuệ không? Phật dạy làm phước không phải chỉ để hy vọng tận hưởng quả báo tốt đẹp. Ngài khuyên phát huy trí tuệ chẳng phải để khôn lanh, quỷ quyệt hơn người khác. Phước và trí ấy phải nhắm mục đích đến tự giác giác tha, xây dựng nụ cười, lau khô nước mắt. Cho nên, phước ấy là phước vô lậu chứ không phải phước hữu lậu của nhân thiên; trí ấy là nhất thế chủng trí, chứ không phải nhất thiết trí, đạo chủng trí, thế gian trí, càng khác xa thế trí biện thông. Trí của Phật là trí tuệ như biển, và nhờ trí ấy, Ngài thống lý được đại chúng trời người, đặc biệt là tự tại với tất cả-nhất thiết vô ngại.

Tại sao chúng ta quy y Pháp? Đơn giản, vì Pháp là lời dạy chân thật của bậc phước trí vẹn toàn nói ra. Vì thế, Pháp ấy toàn bích phần đầu, phần giữa và phần sau. Pháp Phật vô giá trong không gian và thời gian. Vừa là hệ thống những phương pháp giúp chúng sanh thể nhập đại đạo, Pháp cũng là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta phát vô thượng tâm. Hoàng đế Võ Tắc Thiên, Trung Hoa đã ca tụng Pháp ấy: vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ. Vô thượng bởi trong thế gian này không có phương pháp nào giải quyết khổ đau tuyệt vời hơn, dứt khoát hơn, triệt để hơn, toàn diện hơn, thực tiễn hơn và hòa bình hơn Pháp của Phật. Thậm thâm vì Pháp là những phương pháp hóa giải ham muốn: quy y pháp, ly dục tôn. Pháp là vi diệu vì quy y Pháp là học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa tâm tánh để điều phục những cám dỗ và hệ lụy của các dục. Dục ấy, cơ bản là ngũ dục: tài - tiền bạc, tài sản vật chất; sắc - ái tình nam nữ; danh - tiếng tăm; thực - ăn mặc; thụy - ngủ nghỉ, hưởng thụ. Cao hơn, dục chính là thói quen xấu, phiền não và vô minh. Đừng ngạc nhiên vì sao Pháp của Phật thường trái ngược với xu hướng, sở thích phàm phu chúng ta. Muốn giải thoát khổ đau thì phải đi ngược lại những nguyên nhân của nó. Không có sự lựa chọn nào khác. Đã, đang và sẽ có những người can đảm chọn con đường trái ngược phàm tình ấy để hiện thực hóa giáo lý Đức Phật. Họ là Tăng.

quyy-1.gif

Vì sao chúng ta nương tựa Tăng? Đầu tiên, Tăng là một tập thể đoàn kết, hòa hợp sống theo Chánh pháp. Tăng là đoàn thể có tổ chức, có lý tưởng, có nhiệm vụ cao cả nhất thế gian. Tăng thay Phật lưu truyền giáo pháp nên Tăng là chúng Trung tôn - tập thể đáng tôn kính nhất trời người. Tăng đáng kính vì đây là đoàn thể duy nhất nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Sau khi Phật niết bàn, hình ảnh Tăng-già được nâng lên như Phật: Tăng đáo Phật lai. Thứ đến, chỉ có Tăng mới đủ thẩm quyền hướng dẫn chúng ta thực hành Pháp. Do tuân theo một số điều kiện đặc biệt, người xuất gia hiểu sâu, hành đúng và có kinh nghiệm về giáo pháp. Mức độ thâm nhập kinh tạngthể giải đại đạo của họ đáng được Phật tử tại gia nương tựa. Không ai có thể thay Tăng trong trách nhiệm duy trì mạng mạch đạo Phật. Bởi vì, chiêm ngưỡng hình dáng của Tăng, chúng ta thấy hình ảnh Đức Phật; noi theo hành động của Tăng, chúng ta nếm trải được vị ngọt Chánh pháp. Hơn nữa, Tăng thân soi sáng, dắt dìu và nâng đỡ chúng ta trên con đường tu tập. Tăng là đoàn thể những người đã và đang phát vô thượng tâm để thể giải đại đạo, với mong muốn thâm nhập kinh tạng nhằm sở hữu trí tuệ như hải. Chỉ chừng đó thôi cũng đã quá nhiều lý do khiến chúng ta suốt đời quy y Tăng.

Bằng vào bố cục hợp lý, ngôn từ cô đọng thâm thúy, Tam quy có tất cả 48 chữ trải đều cho 3 câu. Trong đây nhiều lần sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ: tự quy yđương nguyện chúng sanh đều nhắc lại 3 lần. Dầu đã nỗ lực hết sức, bản dịch Việt vẫn chưa chuyển tải đầy đủ diệu nghĩa Tam quy, nhất là câu đầu. Ta thấy, hai câu đầu khuyến khích tự lợi, câu sau dặn dò lợi tha. Nghĩa là quy y Phật và Pháp nhấn mạnh sự tự lợi. Nghĩa là chúng ta nguyện noi gương Phật thực hành theo Pháp. Cụ thể, nghiên cứu học hỏi và thực hành giáo lý nhằm phát huy trí tuệ như biển. Nhờ trí này, chúng ta dũng mãnh phát tâm vô thượng và kiên trì thể giải đại đạo. Quy y Tăng nhấn mạnh lợi tha. Chữ thống lý đại chúng chứng tỏ điều này. Tuy nhiên, nhất thiết vô ngại không chỉ dành cho lợi tha và phát tâm bồ đề đâu chỉ riêng tự lợi. Vì thế, Tam quy y nhắc nhở: tự lợi và lợi tha luôn hòa quyện, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Sau đây sẽ giải thích chi tiết thâm nghĩa từng nội dung nổi bật của Tam quy.

Tự: chữ này mở đầu điệp khúc quy y và được nhắc lại 3 lần, tần số nhiều nhất, tương đương với quy yđương nguyện chúng sanh. Điều này đã trực tiếp khẳng định vai trò và ý nghĩa của nó. Trước tiên, chúng ta nên phân biệt tha quy ytự quy y. Chưa bao giờ tha quy y được nhắc đến trong đạo Phật. Tự, nghĩa là chúng ta tự giác, tự ý thức phát nguyện quy y. Đôi khi nhờ người khác giới thiệu, hướng dẫn, song bất cứ trường hợp nào, phải chính chúng ta đọc lời phát nguyện quy y. Không ai làm thay cho chúng ta việc này. Vì thế, tự ở đây nhấn mạnh sự kiện chính chúng ta, chính mình, mỗi người, mỗi cá nhân đến và sống theo Phật giáo. Điều này nói lên tính chủ động, tính trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân khi quy y Tam bảo. Tiếp theo, tự nghĩa là của mình, sở hửu của bản thân mình. Sau khi quy y, trong lòng chúng ta sẽ hình thành Tam bảo cho riêng mình, và trở thành của mình. Tam bảo ấy tùy thuộc vào quan điểm, ý thức và sự học tập, thực hành giáo lý. Càng thực tập đúng Chánh pháp bao nhiêu, Tam bảo trong mỗi chúng ta càng tỏa sáng, cao lớn, vững chãi và rõ ràng bấy nhiêu. Cuối cùng, tự nghĩa là tự giác, tự ý thức, tự biết, tự hành động, tự thể nghiệm. Tự quy y nghĩa là chúng ta phải tự giác suốt đời nương tựa Tam bảo. Khi nương tựa rồi, mỗi người tự ý thức sống theo Chánh pháp. Chúng ta tự biết phải làm gì khi mình tự hào mình là Phật tử. Hành động theo lời Phật dạy bao nhiêu, chúng ta tự kinh nghiệm an lạc hạnh phúc bấy nhiêu. Chiêm nghiệm thêm, tự giác ấy luôn dẫn đầu trong chuỗi hành động của chư Phật: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự quy y nhắc nhở chúng ta hãy biết nhìn vào chính mình nhiều hơn. Hơn một lần, chữ tự này khẳng định như đinh đóng cột: tu hành là vấn đề nỗ lực cá nhân.

quyy-3.gif

Thể giải đại đạo: thể nhập và kinh nghiệm toàn bộ sự thật cuộc đời và ngoài cuộc đời, thế gian và xuất thế gian. Xin đừng nhầm lẫn và phát âm sai giữa thể giải và thề giải. Đại đạo, đầu tiên phải là kim ngôn của Phật nói. Kho tàng những lời vàng ngọc này, cũng là chân lý rốt ráo, sự thật bản thân và cuộc đời, là vô thượng chánh đẳng chánh giác, tuôn ra từ nguồn suối trí tuệ của Phật. Ở cấp độ cơ bản, thể là lắng nghe và tiếp nhận những điều Phật dạy; giải là hiểu lời dạy ấy. Những lời Phật dạy có sự phân chia theo đối tượng nghe, hoàn cảnh nói và điều kiện tư tưởng triết học mang tính lịch sử. Vì thế, chúng ta cần học thêm nguyên tắc tứ y và tứ tất đàn1 mới có thể hiểu một cách toàn diện, tránh được các nghi ngờ và hiểu lầm đáng tiếc. Sự lắng nghe và tiếp nhận ấy mang nhiều hình thức: đọc tụng kinh văn, nghe thuyết pháp, tự tìm hiểu qua sách báo, truyền thanh truyền hình. Ở cấp độ cao hơn, thể giải là lấy tư tưởng Phật giáo làm lẽ sống. Không phải tư tưởng triết học như các triết gia tranh huyền đàm diệu, lời Phật dạy là kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của chúng ta. Hãy dùng ánh sáng Chánh pháp soi sáng và dẫn đường toàn bộ khối óc và đôi tay. Được như vậy, không còn là ước mơ, lý tưởng, lý thuyết nữa, đại đạo là hành động. Phật giáo là hành động theo tâm từ bi và trí tuệ.

Phát vô thượng tâm: phát khởi ý thức tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Phát vô thượng tâm là cách nói khác phát bồ đề tâm. Chữ phát ấy bao gồm phát sinh, phát khởi, phát hiện, phát triển, phát minh. Xưa chưa biết tham là khổ, nay phát sinh lòng mến đạo, theo thầy nghe pháp, phát hiện ham muốn nhiều thì khổ não cũng nhiều. Từ đó, ý thức ít muốn và biết đủ nảy mầm và lớn nhanh, phát giác trong ta có sẵn kho tàng hạnh phúc. Vô thượng tâm là tâm nguyện rộng lớn, bồ đề tâm, tâm từ bi hỷ xả. Vô thượng tâm là những tấm lòng không bị cản ngăn bởi thời-không gian, siêu việt bản ngã vô minh, quốc gia chủng tộc, màu cờ sắc áo. Tâm ấy rộng lớn như hư không, mênh mông như biển cả. Nói một cách đơn giản, vô thượng tâm là thiện tâm, lòng tốt. Sâu xa hơn, vô thượng tâm là thiện tâm hướng đến Phật trí.

Thâm nhập kinh tạng: thẩm thấu và hiểu một cách sâu sắc những lời dạy của Phật được ghi chép lại hoặc không ghi chép lại trong kinh, luật và luận. Hiểu cả những điều đã nói, đang nói, sẽ nói và không nói. Tam tạng kinh điển dù thiên kinh vạn quyển, đều nhằm mục đích chỉ bày sự thật và phương pháp sống với sự thật ấy. Nói cách khác, thâm nhập kinh tạng không gì khác hơn là bước đầu tiên của sự thể nhập đại đạo. Biết áp dụng những lời dạy ấy vào trong thực tế cuộc sống của chính mình và người khác. Thâm nhập kinh tạng là nhân, trí tuệ như hải là quả.

Trí tuệ như hải: trí tuệ không có ngằn mé, vô lượng về mọi chiều hướng và phẩm chất, ví dụ như đại dương bao la. Đó là trí của Phật, nhất thiết chủng trí. Vận dụng cái trí ấy vào từng hành động để loại bỏ khổ đau, thiết lập hạnh phúc cho mình và người. Sở hữu trí tuệ này là dễ dàng thể giải đại đạo, dũng mãnh phát vô thượng tâmthống lý đại chúng một cách sáng suốt.

Thống lý đại chúng: hướng dẫn mọi người đi theo con đường tươi sáng như Phật đã đi. Với trí tuệ mênh mông như đại dương, thống lý đại chúng là dìu dắt, nâng đỡ, khuyến khích tha nhân thực hành theo lời Phật dạy. Thống lý là cách nói khác của chữ hoằng pháp. Đây là trọng trách của người xuất gia - Tăng. Hoằng dương Chánh pháp không có nghĩa quản lý bằng pháp trị, áp đặt tư tưởng mà tùy duyên hóa độ, hướng dẫn mọi người bằng đức trị. Vận dụng vô thượng tâm, nương ánh sáng trí tuệ như biển mới có thể chuyển hóa một cách yên ổn kẻ thù thành người thân, độc ác biến thành hiền lành, bạo ngược thành nhân đức, chia rẽ thành thống nhất. Được chỉ huy bởi tâm trí sáng suốt, hành động của chúng ta chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh vô song từ tinh thần đoàn kết, từ ý chí thống nhất. Vì lý do đó, câu cuối cùng khẳng định: nhất thiết vô ngại.

Nhất thiết vô ngại: không thế lực nào có thể trở ngại tinh thần tu tập và ý chí quyết tâm ấy. Có Trí tuệ Phật thì không gì cản trở mình tu hành. Có Từ bi Phật nên ai cũng tán thành ta hành thiện. Sức mạnh chính trị, thế mạnh kinh tế không ngăn được sự lan truyền đạo Phật. Súng ống, gươm đao trở nên vô dụng dưới tình thương, hiểu biết và bất bạo động. Sự thật lịch sử đã chứng minh điều này. Chướng ngại to lớn nhất, sâu kín nhất, âm ỉ nhất không ở bên ngoài, nó nằm chính trong tâm mỗi người chúng ta. Tham lam biếng nhác, tự ái kiêu căng, ngu si hờn giận, ganh ghét đố kị, chấp thủ thị phi... là những tường thành kiên cố cản trở chúng ta phát vô thượng tâm, ngăn cản chúng ta thâm nhập kinh tạng, xúi giục chúng ta phản bội đại chúng. Vì thế, muốn hết thảy không ngại thì trước tiên phải chuyển hóa phiền não trong tâm mình. Tâm phiền não thì bất cứ điều gì cũng trở thành chướng ngại, bé xé ra to. Tâm thanh tịnh thì chướng ngại lớn biến thành nhỏ, nhỏ biến thành không. Chuyển hóa tâm tánh, thay đổi quan niệm sống trở thành mấu chốt của sự tu tập. Câu đương nguyện chúng sanh nhắc lại 3 lần nhằm nhấn mạnh ý nghĩa chuyển hóa này.

Đương nguyện chúng sanh: trước tiên ý thức mình là đối tượng của lời nguyện này. Chúng sanh là chính ta đây. Nguyện cho chính mình biết trở về và nương tựa vĩnh viễn vào Phật, Pháp, Tăng. Tự hứa với lòng mình trung thành theo sự chỉ đường của Phật bằng cách thực hành theo Pháp và noi gương Tăng. Cầu mong cho bản thân tinh tiến phát tâm rộng lớn, siêng năng học hỏi kinh luận và sống hòa hợp đoàn kết với nhau. Mình làm được như vậy rồi sau đó mới tiếp tục khuyến khích, giúp đỡ và cầu nguyện người khác thực hiện giống như mình. Sau khi hiểu như vậy rồi, chúng ta còn phải ý thức rằng chúng sanh vốn có khả năng và sẽ làm Phật. Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Đã và sẽ ấy chỉ khác nhau ở chỗ phát tâmthâm nhập mà thôi.

Quy y: trở về và nương tựa hoặc nương tựa ngược trở lại ngay chính mình. Đây là nghĩa chính. Đối tượng nương tựa ban đầu là Phật, Pháp, Tăng. Song từ bản chất, Tam bảo tự tâm mới thực sự là đối tượng của chúng ta. Vì vậy, quy y bước đầu là quay toàn bộ tâm trí, hành động và lời nói vào Tam bảo. Việc làm này có nghĩa là, điều phối tất cả thân, khẩu và ý của chúng ta thích ứng với Chánh pháp. Hãy biến tam nghiệp thành công cụ của những lời Phật dạy. Nói cách khác, chúng ta sống với tinh thần ly dục (Pháp) để phát huy cội nguồn phước đức và trí tuệ siêu việt trong ta (Phật), theo đường lối của những bậc đáng tôn kính của trời người (Tăng). Sau khi thực hành thuần thục, chúng ta sẽ nhận thức sâu sắc: Phật, Pháp, Tăng không tách rời chúng ta. Tam bảo là hơi thở, là cuộc sống, là một cái gì đó hiện hữu thực sự trong từng nhịp sống của ta. Quy y không phải hướng ngoại tìm cầu nữa, mà là hướng nội chuyển hóa. Trong nhà có ngọc thôi tìm kiếm, một thiền sư Việt Nam đã mạnh dạn phát biểu như thế. Vì lý do đó, Phật dạy tự quy y. Tự nguyện xoay toàn bộ thân tâm hướng về Phật pháp nên quy y không giới hạn con người hay con vật - không gian, một đời một kiếp - thời gian. Vợ đẹp con thơ, nhà cao cửa rộng, chúng chỉ là chốn nương tựa tạm thời, mong manh trong một đời người. Từ bi trí tuệ, phước đức thiện tâm, những thánh tài này chắc chắn vĩnh viễn theo mãi chúng ta qua vô lượng kiếp. Tại sao chúng ta không sáng suốt buông bỏ chốn giả tạm, phù du, phiền phức, thấp kém để nắm bắt và leo lên nơi thanh cao, vĩnh cửu, yên ổn? Do vậy, quy y không hề mang tính lý tưởng phiêu bồng mà hoàn toàn có ý nghĩa lý trí hiện thực kinh nghiệm. Quy y là kết thúc nếp sống mê mờ cũ để bắt đầu đời sống tri thức mới. Quy y Phật nghĩa là chúng ta đã quy y Pháp và quy y Tăng. Đừng bao giờ tách biệt Phật, Pháp, Tăng. Vì, ba hiện hữu trong một và một có mặt trong ba. Cho nên, ai nói chỉ quy y Nhị bảo, Phật và Pháp, mà không quy y Tăng, người ấy chưa hề quy y. Đặt toàn bộ đời sống của mình vào Phật pháp, đó là ý nghĩa rốt ráo của hai chữ quy y.

Với ý nghĩa đó, quy y trở thành xuất phát điểm và cũng là mục đích cuối cùng của sự nghiệp tu hành. Xuất phát bằng sự nương tựa xuất thế gian Tam bảo để cuối cùng thể nhập vào tự tánh Tam bảo hay đồng thể Tam bảo. Đó là toàn bộ lộ trình tu hành của chúng ta. Lộ trình này không mang tính thời gian và không gian. Bất cứ ở đâu và lúc nào, chúng ta cũng đều có thể trở về và sống với ba ngôi báu trong tâm. Bao giờ con người còn tự ý thức về Tam bảo trong ta và ngoài ta, khi ấy Phật giáo vẫn còn hiện hữu. Quy y, nương tựa không làm chúng ta yếu mềm vì chúng ta đang phụ thác thắng nhân phương năng quảng ích (ký thác đời mình vào nhân tố tối thượng, mới có năng lực tạo được ích lợi rộng lớn). Trở về nương tựa tự tánh Tam bảo rõ ràng giúp ta tự tại với tâm và tự tại với cảnh. Bởi vậy, mỗi khi ngân vang điệp khúc Tam quy y, chúng ta hãy vận dụng toàn bộ tâm trí, phát huy tất cả năng lực tinh thần nguyện noi gương Phật-đà và Tăng-già, những người đã và đang thực hiện con đường thoát khổ - Pháp. Trong thế giới bất toàn, giả tạm và khổ đau này, còn nơi nào toàn bích, vĩnh cửu và an vui hơn Tam bảo? Trở về và nương tựa Phật, Pháp, Tăng là sự lựa chọn khôn ngoan, là hành động sáng suốt. Khôn ngoan vì mang đến nụ cười, hòa bình và hạnh phúc thực sự. Sáng suốt bởi đó là kết quả của tình thương và hiểu biết. Mỗi lần xưng niệm Tam quy là một lần tạ ơn Tam bảo. Chúng ta đang có hướng đi tươi sáng (Pháp) theo mục đích rõ ràng (Phật), bên cạnh những người bạn hiền lương (Tăng). Cầu nguyện chúng ta phát huy niềm tin và hành động chính đáng như lời phát biểu sau đây:

Càng nghiên cứu và thực hành giáo lý bao nhiêu, tôi càng tin và kính Tam bảo bấy nhiêu.

Càng tin kính Tam bảo bao nhiêu, tôi càng nghiên cứu và thực hành giáo lý bấy nhiêu.

(1) Tứ tất đàn: thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn. Tứ y: y pháp bất y nhân, y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức.

http://phathoc.net


Âm lịch

Ảnh đẹp