Chúng
ta lần tràng hạt 108 lần trong khi niệm Phật, là quyết tâm đoạn trừ 108
món phiền não mà mình đã tạo trong ba đời. Đoạn trừ 108 món phiền não
cũng có nghĩa là làm cho sáu căn thanh tịnh.
Phật
giáo nhìn vào vũ trụ nhân sinh, không phải là duy vật, không phải duy
tâm, cũng không phải là duy thần. Mà Phật giáo nhìn vào sự hình thành
của con người ở ba trạng thái kết hợp nhau là tâm, sinh và vật lý. Hay
nói bằng danh từ Phật học là sự duyên hợp của ngũ uẩn, tứ đại; hoặc căn,
trần và thức. Căn là nói về sinh lý, trần là vật lý, và thức là tâm
lý. Căn, trần và thức tụ hội nhau để tồn tại. Nếu lìa một chỉ còn hai
thì thế giới sẽ không tồn tại. Vậy căn, trần, thức là gì?
Căn
là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là: sắc, thanh, hương, vị,
xúc và pháp. Thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân
thức và ý thức. Từ nơi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Thức
tạo tác vọng động, tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để trôi lăn trong sáu
nẻo luân hồi. Dụ như mắt nhìn thấy sắc đẹp của một người (nam hoặc nữ),
liền khởi tâm say đắm, từ nơi đắm mê sắc đẹp mà tạo nên hành nghiệp. Cho
đến tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, thân chạm xúc những chỗ trơn
láng mềm mại, ý suy nghĩ ghét, thương, hận, thù…Lục căn là công cụ sai
khiến của lục thức để tạo tác hành nghiệp thiện hoặc ác. Từ nơi hành
nghiệp tích tụ chứa nhóm mang đi trong sáu nẻo luân hồi, từ quá khứ đến
hiện tại, và, sẽ tiếp diễn trong tương lai; để chịu khổ trong vòng luân
hồi.
Quá khứ do sáu căn
không thanh tịnh, chạy theo trần cảnh khởi lên đắm trước tạo
nghiệp: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Và trong đời vị lai ta lại
cũng theo con đường cũ tạo nghiệp sanh tử tham, sân,… nầy mà đi.
Từ
nơi mắt thấy sắc tạo nên sáu món căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn,
nghi, ác kiến; cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, mỗi căn đều tạo
nên sáu phiền não căn bản giống nhau: tham, sân, si, mạn, nghi, ác
kiến. Mỗi căn chúng ta có sáu thứ căn bản phiền não, và; như vậy, sáu
giác quan đã tạo nên 36 thứ phiền não trong đời sống thường ngày.
Do
đó, như trên đã nói cuộc đời của chúng ta liên tục nối tiếp trong ba
đời từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Như vậy, trong ba đời ta đã
tạo thành 108 thứ phiền não để làm hành trang trong đoạn đường sanh tử
không cùng tận. Cho nên, bây giờ chúng ta lần tràng hạt 108 lần trong
khi niệm Phật, là quyết tâm đoạn trừ 108 món phiền não mà mình đã tạo
trong ba đời. Đoạn trừ 108 món phiền não cũng có nghĩa là làm cho sáu
căn thanh tịnh.
Sáu căn từ
trước đến nay chạy theo sáu trần, khởi lên sáu món phiền não căn
bản: tham, sân, si,….bây giờ ta lần tràng hạt niệm Phật, là ngăn cản
không cho sáu căn vọng động chạy theo cảnh trần, và, giúp cho sáu căn
quay về với tự tánh. Sáu căn cảm nhận sáu trần sanh ra sáu thức, thức
vọng động tạo nghiệp luân lưu trong vòng sống chết. Lần tràng niệm Phật
là không cho căn nhiễm với trần; căn không nhiễm trần tức căn thanh
tịnh, căn đã tịnh thì nghiệp không còn, nghiệp đã dứt sanh tử đoạn
diệt. Ấy gọi là giải thoát, hoặc vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A
Di Đà.
Chuỗi
dùng làm vật trang sức xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn minh của
nhân loại là vật tượng trưng cho sự quí phái, dùng làm trang sức cho vua
chúa và các bậc quyền quí ngày xưa. Chuỗi Tràng có trong Phật Giáo từ
thời đức Phật còn tại thế "Kinh Pháp Hoa" trong Phẩm Phổ Môn có nói về
việc Ngài Vô Tận Ý cởi Chuỗi Anh Lạc giá trị trăm nghìn lượng vàng dâng
lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo.
Vua
Ấn Độ Tỳ Lưu Ly thỉnh Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp môn diệc trừ phiền
não, Phật dạy nhà vua dùng hạt một loại cây gọi là “Vô Hoạn Tử” hay còn
gọi là “Bồ Đề Tử” xâu thành chuỗi để niệm danh hiệu Phật thì sẽ tiêu
trừ mọi phiền não.
Trong Kinh Phật dạy: “Nếu như muốn tiêu trừ
các phiền não chướng, nên xâu chuỗi 108, luôn đem theo bên mình, hoặc đi
đứng nằm ngồi, lần chuỗi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, lần chuỗi trì
niệm danh hiệu Phật càng nhiều càng tốt. Nếu như mãn 20 vạn biến thì có
thể đạt đến Thân Tâm Bất Loạn.”
Chuỗi tràng Phật Giáo có bao nhiêu
hạt được quy định rõ ràng và số lượng của hạt chuỗi đều mang một hàm ý
nhất định. Chuỗi đại tràng có 108 hạt số liệu tượng trưng cho sự niệm
tụng để dứt trừ 108 loại Phiền não.
Chuỗi trung tràng có 54 hạt
biểu thị hành giả Phật Giáo tu trì phải tuân thủ các pháp Thập Trụ,
Thập Hạnh, Thập Tín, Thập Hồi Hướng và bốn Pháp Thiện Căn. Chuỗi tiểu
tràng gồm có 27 hạt tượng trưng cho mười tám Pháp Học Nhân và chín Pháp
Vô Học.
Chuỗi 21 hạt hàm ý Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và
Ngũ Trí Phật. chuỗi 18 hạt tượng trưng cho Bát Chánh Đạo và Thập Hiệu
Phật, còn tượng trưng cho 18 vị A La Hán. Chuỗi 16 hạt tượng trưng cho
Thập Địa và Lục Ba La Mật. Chuỗi 14 hạt tượng trưng cho mười bốn Vô Úy
của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chuỗi 12 hạt tượng trưng cho mười hai
Nhân Duyên. Chuỗi 9 hạt tượng trưng cho Cửu Phẩm Liên Hoa. Ngoài ra còn
chuỗi 1080 hạt, 42 hạt và chuỗi Mật Tông có chỗ dùng 110 hạt.
Chuỗi
được dùng rất nhiều chất liệu để làm, thường thấy nhất như chuỗi kết
bằng hạt Bồ Đề, hạt Kim Cang, ngoài chuỗi hạt còn được dùng chất liệu là
thất bảo để làm. Như Vàng, Ngọc, Lưu Ly, San Hô, Hổ Phách..v.v… những
chuỗi tràng được làm bằng chất liệu quý thường là do các thí chủ học
hạnh bố thí của Bồ Tát Vô Tận Ý mà phát tâm cúng dường cho tượng Phật
hoặc các bậc Trưởng Lão Đạo cao Đức trọng trong Phật Giáo.
Chuỗi còn là tín vật cho việc truyền thừa, kỷ vật. Vì vậy chuỗi tràng
trong Phật Giáo ngoài công năng là pháp khí tu hành ra còn là bảo vật
của Tam Bảo, tín vật của sự truyền Pháp và là pháp vật chứa đựng công
đức, cũng như thần lực rất cao vì tích tụ sự tu trì, công đức của các
bậc tu hành.
Đức Tâm