Một trong vài cuốn kinh
lưu hành đầu tiên ở Việt Nam (Giao Chỉ) là do một người Việt là sư Khương Tăng
Hội dịch. Kinh này có thể được dịch ở
Đông Ngô, nhưng chắc chắn ngài có gởi về quê hương ngài để lưu hành. Bản kinh
đó là Lục Độ Tập Kinh, nói về sáu độ, tức là sáu ba-la-mật. Từ khởi thủy
Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu bằng con đường Bồ-tát hạnh, để xuất hiện những
triều đại Bồ-tát như Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn (đời Lý), Trần Thái Tông
và Trần Nhân Tông (đời Trần), và con đường ấy kéo dài cho đến ngày nay, mặc cho
bao nhiêu thịnh suy của đất nước.
I. Từ ngọn đến gốc
Ba-la-mật đầu tiên là Bố
thí. Bố thí thì rõ ràng là sự tích tập phước đức rồi. Ba-la-mật cuối cùng là
Trí huệ (hay phiên âm từ tiếng Sanscrit là Bát-nhã). Cực bên này là phước đức
do bố thí bởi lòng bi. Cực bên kia là trí huệ do thực hành trí huệ quán chiếu
tánh Không. Bốn ba-la-mật giữa là Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn và Thiền định đều
có sự giao hòa giữa phước đức và trí huệ.
Khi đã tròn đủ sáu
ba-la-mật, vị ấy có đầy đủ phước đức và trí huệ. Tâm của vị ấy là sự hợp nhất của
trí huệ và đại bi.
Sự hoàn thiện phước đức
và trí huệ của sáu ba-la-mật đều dựa vào luật nhân quả.
1. Bố thí ba-la-mật:
Bố thí có vẻ là việc dễ làm nhất. Chưa có ai chưa từng cho hay biếu tặng người
khác một cái gì. Ngay trong đời sống bình thường, bố thí là một bổn phận làm
nên đời sống: cha mẹ bố thí cho con cái tiền lương, công sức, sức khỏe của
mình. Cha mẹ bố thí cho con cái, và cũng nhận được từ con cái niềm vui, ý nghĩa
làm cha mẹ. Trong kinh tế thị trường, sản xuất, buôn bán, trao đổi là cho và nhận.
Nếu mọi người không muốn cho ai cái gì hết và nhận lại cái gì hết thì xã hội
cũng không có. Trong bố thí, người ta nhận ra người khác, ai cũng muốn vui sướng
và tránh khổ đau như mình. Đó là lòng từ bi.
Bố thí gồm tài thí, cho
tiền và vật; vô úy thí, cho sự không sợ hãi, chẳng hạn ngăn không cho một con
chó rượt một em bé. Và pháp thí, cho chánh pháp, mà dễ thấy là sự thuyết pháp.
Theo luật nhân quả, bố
thí thì tâm thường hoan hỷ, không có khổ do sợ hãi thiếu thốn, sanh ở đâu cũng được
giàu có, địa vị lớn, bạn bè giúp đỡ, quyến thuộc danh giá…
Bố thí là ba-la-mật đầu
tiên. Ở trong hàng thánh thì bậc Sơ địa chủ yếu tu Bố thí ba-la-mật, còn Trí huệ
Ba-la-mật được tu chủ yếu ở địa thứ sáu Hiện tiền địa. Nhưng bố thí không phải
chỉ ở giai đoạn đầu của con đường Bồ-tát, sau đó được bỏ đi. Chẳng hạn bố thí
pháp thì phải ở địa thứ chín, Thiện huệ địa, mới hoàn hảo. Bố thí có mặt trong
các ba-la-mật khác. Chẳng hạn thiền định (ba-la-mật thứ năm) xong thì người ta
hồi hướng, nghĩa là bố thí công đức ấy cho những người khác.
Bố thí có mặt khắp đầu và
cuối con đường. Bố thí không chỉ là nguyên nhân mà còn là kết quả của giác ngộ.
Vì bố thí là một biểu lộ của đại bi, mà mục đích của Bồ-tát là tròn đủ hai cái,
trí huệ và đại bi.
2. Giữ giới ba-la-mật:
Giữ giới làm cho thân tâm trong sạch bằng cách không phạm vào điều xấu ác (nhiếp
luật nghi giới). Giữ giới là làm những điệu thiện (nhiếp thiện pháp giới). Giữ
giới là làm lợi ích tốt đẹp cho những người khác (nhiêu ích hữu tình giới).
Do giới mà có thân thể tốt
đẹp, tâm trí sáng suốt, được sanh vào nơi cao cấp.
Giữ giới như vậy là tạo ra một xã hội thiện lành an
vui.
3. Nhẫn nhục ba-la-mật: Thực hành nhẫn thì được
phước như có thân thể khỏe mạnh, không bệnh tật, không có người chống đối thù
oán, được nhiều người giúp đỡ nghe theo, quyến thuộc lớn (vì nhẫn thì có nhiều
người theo)…
Nhẫn là chịu đựng một cách bình an những điều không muốn
nhận mà người khác bắt mình phải nhận. Nhưng nếu nhận như vậy mà cho lại lòng từ
bi thì được phước của từ bi.
Phối hợp với trí, nhẫn sẽ dẫn đến giải thoát, tức là
vô sanh pháp nhẫn.
Ba ba-la-mật đầu này có nhiều hàm lượng của phước, người
xưa gọi là Tăng thượng sinh đạo, con đường của đời sống thịnh vượng
trong ba cõi thế gian.
Ba ba-la-mật sau được gọi là Quyết định thắng đạo,
con đường đi đến trí huệ, giải thoát.
4. Tinh tấn Ba-la-mật: Tinh tấn thông cả hai đầu
phước đức và trí huệ. Người ta có thể tinh tấn trong việc làm lợi ích cho người
như bố thí. Người ta cũng có thể tinh tấn trong việc quán chiếu của Trí huệ
Bát-nhã, tức là thắp sáng ngọn đèn trí huệ.
Tinh tấn làm tăng thêm thích thú, hoan hỷ, an vui, vì
tinh tấn trong điều thiện thì các điều xấu ác không còn nhiễu loạn phá hoại.
5. Thiền định Ba-la-mật: Thiền định làm tâm an ổn,
tĩnh lặng. Trí huệ quán sát nương vào sự tĩnh lặng này mà hoạt động.
Thiền định làm cho thân thể khỏe mạnh, trong tâm thì
những phiền não bị nép phục, do đó thân tâm được an vui (lợi mình), và tâm
thanh tịnh an vui thì không muốn gây lo buồn, tổn hại cho người, trái lại, tâm
đủ khỏe mạnh để làm lợi lạc cho người khác (lợi người).
6. Trí huệ (Bát-nhã) Ba-la-mật: Sự sử dụng trí
huệ liên tục quán sát đưa chúng ta đến giải thoát. Giải thoát là cởi bỏ những ràng
buộc tự mình trói lấy mình do chấp ngã và chấp pháp. Vì trí huệ quán sát khiến
dần dần chúng ta thấy được các sự vật và chính ta đều do duyên sanh, nên chúng
không tự hữu, không có tự tánh, và do đó là tánh Không.
Chính trí huệ soi thấy trực tiếp và triệt để tánh
Không đưa đến giải thoát. Hơn nữa, giải thoát ngay khi đang bố thí, giữ giới,
nhẫn nhục… nghĩa là không bị trói buộc vào việc bố thí hay làm điều thiện, vào
đối tượng được bố thí, và vào phước đức của bố thí. Giải thoát ngay khi đang
hành động là một đặc điểm của Trí huệ ba-la-mật.
Trí huệ này là nền tảng, là căn bản của đạo Phật. Vì bố
thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tập trung, thậm chí đến mức khổ hạnh, những
tôn giáo khác đều có. Sự khác biệt duy nhất giữa Phật giáo và các tôn giáo khác
là mọi hành vi tôn giáo, kể cả cử hành khóa lễ, sám hối…, tất cả những hành động
này được làm với trí huệ soi thấy tánh Không, được làm trong tánh Không.
Chúng ta cần thấy sự quan trọng đặc biệt của Trí huệ
ba-la-mật. Chính trí huệ này làm cho năm hạnh kia thành “ba-la-mật”. Ba-la-mật
nghĩa là “rốt ráo, giải thoát, đến bờ bên kia, hoàn toàn”. Chính tánh Không làm
cho năm hạnh trước thành rốt ráo, giải thoát, hoàn toàn, nghĩa là thành năm
ba-la-mật. Thế nên hệ thống kinh Bát-nhã, tuy luôn luôn nói đầy đủ cả sáu
ba-la-mật, nhưng vẫn nhấn mạnh và nói nhiều nhất đến Trí huệ ba-la-mật. Vì thế,
những bộ kinh đó có tên chung là Bát-nhã ba-la-mật, tức là Trí huệ ba-la-mật.
Kinh Kim Cương, thuộc về hệ thống kinh Bát-nhã,
có nói: “Bồ-tát không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí… Nếu Bồ-tát
không trụ tướng mà bố thí, thì phước đức ấy là không thể tính đếm đo lường”.
Nếu không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí
thì người ấy trong khi bố thí đã ở trong tánh Không, mà tánh Không là phước đức
vô lượng vô biên, không thể đo lường.
Từ đoạn kinh này chúng ta có thể thấy ra ba con đường.
Trụ nơi sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí, đó là con đường của người đời, của
đời sống thế gian, của phước đức hữu hạn vì thuộc thế gian. Không trụ
nơi sắc thanh hương vị xúc pháp nhưng cũng không tạo phước đức, không bố thí,
đó là con đường của Thanh Văn, chỉ nhắm đến giải thoát. Không trụ nơi sắc thanh
hương vị xúc pháp nhưng vẫn bố thí, vẫn không bỏ phước đức bằng cách làm lợi lạc
cho người khác, đó là con đường Bồ-tát. Đây là con đường hợp nhất phước và trí,
con đường đưa phước đức hữu hạn thành phước đức vô hạn của tánh Không.
II. Từ gốc đến ngọn
Khi đã thực hành được quán chiếu Bát-nhã, nghĩa là
quán chiếu tánh Không, thì Trí huệ ba-la-mật trở thành cội gốc, nền tảng của
năm ba-la-mật trước, bởi vì tánh Không là Nền tảng, cũng là Con đường và Quả của
thực hành Đại thừa.
Khi ấy bố thí, giữ giới, nhẫn nhục… đều nương dựa vào,
y cứ vào, an trụ trong Trí huệ Bát-nhã:
“Này Xá Lợi Phất! Có đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã
ba-la-mật an trụ trong Bố thí ba-la-mật để thanh tịnh Nhất thiết chủng trí, vì
rốt ráo rỗng không chẳng sanh tâm tham tiếc vậy.
Này Xá Lợi Phất! Có đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã
ba-la-mật an trụ trong Giữ giới ba-la-mật để thanh tịnh Nhất thiết chủng trí,
vì rốt ráo rỗng không chẳng dính mắc nơi có tội cùng không tội vậy.
Này Xá Lợi Phất! Có đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã
ba-la-mật an trụ trong Nhẫn nhục ba-la-mật để thanh tịnh Nhất thiết chủng trí,
vì rốt ráo rỗng không chẳng sân hận vậy.
Này Xá Lợi Phất! Có đại Bồ-tát lúc thực hành Bát nhã
ba-la-mật an trụ trong Tinh tấn ba-la-mật để thanh tịnh Nhất thiết chủng trí,
vì rốt ráo rỗng không, thân tâm luôn tinh tấn chẳng trễ nãi thôi nghỉ vậy.
Này Xá Lợi Phất! Có đại Bồ-tát lúc thực hành Bát nhã
ba-la-mật an trụ trong Thiền định ba-la-mật để thanh tịnh Nhất thiết chủng trí,
vì rốt ráo rỗng không chẳng loạn động chẳng say mê thiền vị vậy”. (Kinh
Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, phẩm Vãng sanh).
Nhờ y cứ trên thực hành Bát-nhã, an trụ trong tánh
Không mà năm ba-la-mật trở thành vô lượng vô biên:
“Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thực hành Bát nhã
ba-la-mật này làm vô đẳng đẳng bố thí, đầy đủ vô đẳng đẳng bố thí ba-la-mật, được
vô đẳng đẳng thân và vô đẳng đẳng pháp. Đây chính là Vô thượng chánh đẳng chánh
giác. Như Bố thí ba-la-mật, năm Ba-la-mật kia cũng như vậy.
Đức Thế Tôn cũng vốn đã thực hành Bát nhã ba-la-mật
này mà đầy đủ sáu ba-la-mật, được vô đẳng đẳng pháp, được vô đẳng đẳng sắc thọ
tưởng hành thức, thành Phật, chuyển vô đẳng đẳng pháp luân” (Phẩm Tán thán
ba-la-mật).
Bát nhã ba-la-mật được ca ngợi vì Bát nhã ba-la-mật
chính là tánh Không, tức là Nền tảng, Con đường và Quả. Ở đây chỉ xin trích ra
một số câu trong phẩm Ca ngợi khắp trăm ba-la-mật:
“Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Vô biên ba-la-mật là Bát
nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì như hư
không vô biên vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bình
đẳng ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì các pháp
bình đẳng vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Ly
ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì rốt ráo
rỗng không vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bất
hoại ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì tất cả
pháp bất khả đắc vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bất
khả thuyết ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì giác
quán bất khả đắc vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bất
diệt ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì tất cả
pháp bất sanh vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bất động
ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì pháp
tánh thường trụ vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Tịch
diệt ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì tướng của
tất cả pháp bất khả đắc vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Vô
phiền não ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì phân biệt
nhớ tưởng là hư vọng vậy.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Vô
chúng sanh ba-la-mật là Bát nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói: Vì chúng
sanh vô sở hữu vậy”.
Từ cội gốc hay nền tảng
Bát-nhã này, người tu Bồ-tát hạnh hoàn thiện năm ba-la-mật kia:
“Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát
từ lúc mới phát tâm hành Bố thí ba-la-mật, đúng với tâm Nhất thiết trí mà bố
thí cho Phật hoặc Độc giác Phật hoặc Thanh văn, hoặc cho người hay loài chẳng
phải người. Đại Bồ-tát này lúc ấy chẳng
sanh tưởng niệm bố thí, chẳng sanh tưởng niệm lãnh thọ. Tại sao thế? Vì quán tất
cả pháp tự tướng Không, không sanh, không có tướng cố định, không có chỗ chuyển
động, mà nhập vào thật tướng của các pháp. Đó là tướng vô tác vô khởi của tất cả
các pháp.
Đại Bồ-tát ấy dùng sức phương tiện này làm cho thiện
căn thêm lớn. Vì thiện căn thêm lớn mà hành Bố thí ba-la-mật, tịnh Phật quốc độ
thành tựu chúng sanh, bố thí mà chẳng hưởng thọ quả báo thế gian. Đại Bồ-tát chỉ
vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh mà hành Bố thí ba-la-mật” (Phẩm Trồng thiện
căn).
Ba ba-la-mật đầu chủ về phước, ba ba-la-mật sau chủ về
trí.
Nhờ sáu ba-la-mật nhiếp nhập lẫn nhau (phẩm Lục độ
tương nhiếp) mà người ta đi trên con đường Bồ-tát đạo. Vì phước là cứu giúp
chúng sanh nên Bồ-tát không trụ Niết-bàn; vì trí là soi thấy tánh Không của tất
cả các pháp cho nên Bồ-tát không trụ trong sanh tử.
Con đường Bồ-tát không phải chỉ là sự giải thoát cho
mình, mà còn lợi lạc cho người. Con đường Bồ-tát không phải là giải thoát khỏi
tất cả pháp, mà là tự tại ở trong tất cả pháp:
“Đại Bồ-tát hành sáu ba-la-mật thì đầy đủ tất cả các
thiện căn, sẽ được Vô thượng Bồ-đề. Đại Bồ-tát phải quán sắc chẳng hợp chẳng
tan, thọ tưởng hành thức chẳng hợp chẳng tan, cho đến Nhất thiết chủng trí chẳng
hợp chẳng tan. Đại Bồ-tát phải suy nghĩ như vầy: Tôi chẳng nên trụ trong sắc thọ
tưởng hành thức cho đến trụ trong Nhất thiết chủng trí. Vì sao thế? Vì sắc
không chỗ trụ, vì thọ tưởng hành thức không chỗ trụ, cho đến Nhất thiết chủng
trí cũng không chỗ trụ.
Đại Bồ-tát dùng pháp vô trụ tập hành sáu ba-la-mật thì
sẽ được Vô thượng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát muốn tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng
sanh thì phải học Bát nhã ba-la-mật. Học Bát nhã ba-la-mật thì được tự tại ở
trong tất cả các pháp” (Phẩm Đại phương tiện).
Kinh điển Phật giáo thường nói, đạo Phật là con đường
tốt đẹp hoàn hảo ở chặng đầu, tốt đẹp hoàn hảo ở chặng giữa, và tốt đẹp hoàn hảo
ở chặng cuối cùng. Tốt đẹp hoàn hảo ở chặng cuối cùng cũng như tốt đẹp hoàn hảo
ở chặng đầu nghĩa là cái gì có ở chặng cuối cùng cũng phải có ở chặng đầu. Cái
tốt đẹp hoàn hảo ở chặng cuối cùng cũng phải có ở chặng đầu, cái ấy là tánh
Không. Tánh Không và sự quán chiếu tánh Không, tức là Bát nhã ba-la-mật, đã có
ngay từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng. Thế nên, con đường Bát nhã
ba-la-mật là sự khai triển cho đến viên mãn cái đã có ngay từ bước đầu tiên vậy.
Văn hóa Phật giáo số 165