hoan hỷ với điều thiện, biết tin sâu
nhân quả. Chúng ta luôn ý thức rằng, những việc làm, lời nói và ý nghĩ
của ngày hôm nay là chất liệu để tạo nên hạnh phúc hay khổ đau cho ngày
mai. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết tin tưởng vào khả năng chuyển hóa,
tức là ý thức con người sinh ra không phải bị đóng đinh trong một kết
quả đã định, ai khổ đau thì mãi khổ đau, ai hạnh phúc thì luôn hạnh
phúc. Mà chúng ta phải biết tu tập thiện nghiệp, huân tập thiện nghiệp,
nuôi lớn và phát triển thiện nghiệp, dùng tuệ giác để chuyển hóa những
khổ đau thành an lạc, chuyển hóa những bế tắc thành niềm hy vọng, chuyển
hóa phiền não thành bồ đề. Nếu ý thức được như vậy, thiết nghĩ cuộc đời
chúng ta sẽ có hướng đi mới, hướng đi của hạnh phúc và an lạc.
1. Dẫn nhập
Hạnh phúc và khổ đau không phải là đề
tài mới mẻ trên mọi diễn đàn của mọi thời đại, nhưng nó cũng sẽ không
bao giờ cũ đối với con người. Bởi con người luôn đang trên đường tiềm
kiếm hạnh phúc, càng tìm kiếm thì con người càng trăn trở và thổn thức
với biết bao câu hỏi tại sao…? Và làm thế nào…? Và dường như, sự ra đời
của mỗi con người đều mang theo những kết quả khác nhau, có người được
sinh ra trong hạnh phúc, lại cũng không ít người sinh ra trong sự bất
hạnh. Nếu hạnh phúc hay khổ đau của kiếp người là kết quả của những gì
đã làm trong quá khứ, thì liệu chúng ta có thể thay đổi được những kết
quả ấy trong kiếp sống hiện tại không? Lời giảng dạy của Đức Thế Tôn về
khổ đau và hạnh phúc, được ghi lại bàn bạc trong Kinh Tạng, ở đây tác
giả xin trích dẫn một bài kinh ngắn trong Tăng Nhất A Hàm, như một lời
giải đáp cụ thể nhất cho vấn đề trên.
2. Khổ và Vui
Trong “Tăng Nhất A Hàm” , Phẩm Khổ Lạc,
[i] Đức Thế Tôn đã khuyên dạy các thầy Tỳ kheo, có bốn hạng người xuất
hiện trên cuộc đời này. Thứ nhất, có người trước khổ, sau vui; Thứ hai,
có người trước vui sau khổ; Thứ ba, có người trước khổ sau khổ; Thứ tư,
có người trước vui, sau vui.
Để giải thích rỏ cho bốn hạng người trên, kinh văn đã luận giải như sau:
Thứ nhất: Hạng người trước khổ, sau vui
Thế nào là người trước khổ sau vui? Hoặc
có một người sinh nhà ti tiện, hoặc dòng sát nhân, hoặc giới thợ
thuyền, hoặc sinh nhà tà đạo, cùng các giới bần khổ khác, áo cơm không
đủ. Tuy họ sinh vào những nhà đó, nhưng người kia lại không có tà kiến,
thấy rằng có bố thí, có người nhận, có đời này, có đời sau, có Sa-môn,
Bà-la-môn, có cha, có mẹ, đời có A-la-hán, người lãnh thọ giáo pháp,
cũng có quả báo thiện ác. Nếu thấy có nhà nào rất giàu, thì họ biết đó
nhờ báo đức bố thí, báo không phóng dật ngày xưa. Hoặc họ lại thấy nhà
không áo cơm, biết những người này không tạo đức bố thí thường gặp bần
tiện. Nay ta lại gặp bần tiện, không có áo cơm, đều do ngày xưa không
tạo phước, mê hoặc người đời, hành pháp phóng dật. Duyên báo ác hạnh
này, nay gặp nghèo hèn áo cơm không đủ. Khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn tu
pháp thiện, người ấy liền hướng về sám hối, sửa đổi những việc làm xưa.
Nếu có của dư, đem chia cho người. Người này sau khi qua đời sinh về xứ
thiện, lên trời. Nếu sinh cõi người thì lắm tiền nhiều của báu, không
thiếu hụt. Hạng người này gọi là trước khổ sau vui.
Thứ hai: Hạng người trước vui sau khổ
Hạng người nào trước vui sau khổ? Ở đây,
hoặc có một người sinh vào nhà hào tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng
trưởng giả, hoặc nhà dòng họ lớn; hoặc sinh vào các nhà giàu sang, áo
cơm đầy đủ. Nhưng người đó thường ôm lòng tà kiến tương ưng cùng biên
kiến. Họ thấy như vầy, không có bố thí, không có người nhận, cũng không
có báo đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không có A-la-hán,
cũng không có người tác chứng, lại cũng không có báo thiện ác. Người đó
có những tà kiến như vậy. Khi thấy nhà giàu sang, họ nghĩ, người này lâu
nay vẫn có của báu này; người nam đã lâu vẫn là người nam, người nữ đã
lâu vẫn là người nữ, súc sanh đã lâu vẫn là súc sanh. Người ấy không
thích bố thí, không giữ giới luật. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn vâng giữ
giới, người này nổi sân nhuế nghĩ, người ấy hư nguỵ, nơi nào sẽ có phước
báo ứng?’ Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu được
làm người thì sinh vào nhà bần cùng, không có áo cơm, thân thể loã lồ,
cơm áo thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước vui sau khổ.
Thứ ba: Hạng người trước khổ sau khổ
Hạng người nào trước khổ sau khổ? Ở đây,
có người sinh vào gia đình bần tiện, hoặc dòng sát nhân, hoặc giới thợ
thuyền; hoặc sinh vào những gia đình hạ liệt, không có áo cơm. Nhưng
người này thân ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, nên họ thấy như
vầy, Không bố thí, không có người nhận, cũng không có báo thiện ác đời
này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không A-la-hán. Người ấy không
thích bố thí, không vâng giữ giới. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn, người ấy
liền nổi sân nhuế đối với các bậc Hiền thánh. Người này thấy người nghèo
thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy người giàu thì cho rằng đã vậy từ lâu;
thấy cha, xưa đã là cha; thấy mẹ, xưa đã là mẹ. Người này sau khi qua
đời sinh vào trong địa ngục. Nếu sinh cõi người thì rất là nghèo hèn, áo
cơm không đủ. Hạng người này gọi là trước khổ sau khổ.
Thứ tư: Hạng người trước vui sau vui
Thế nào là hạng người trước vui sau vui?
Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà giàu sang, hoặc dòng sát-lợi,
hoặc dòng bà-la-môn, hoặc sinh vào dòng quốc vương, hoặc sinh dòng
trưởng giả, cùng sinh vào gia đình lắm tiền nhiều của. Nơi sinh ra không
bị thiếu hụt. Người này sinh vào những nhà như vậy, nhưng người này lại
có chánh kiến không có tà kiến. Họ có cái thấy này: Có bố thí, có người
nhận, có đời này đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, cũng có báo thiện
ác, có cha có mẹ, đời có A-la-hán. Người này khi thấy gia đình giàu sang
lắm tiền nhiều của, liền nghĩ thầm, người này có được là nhờ ngày xưa
bố thí. Hoặc lại thấy nhà nghèo hèn thì nghĩ, người này trước kia do
không bố thí. Nay ta nên tuỳ thời bố thí, chớ để sau này sinh nhà nghèo
hèn. Vì vậy nên người này thường thích bố thí cho người. Người này nếu
thấy sa-môn đạo sĩ thì tuỳ thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, đồ
ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh; thảy đều bố thí hết. Nếu
sau khi mạng chung tất sinh xứ thiện lên trời. Nếu cõi người tất sinh
vào nhà giàu sang, lắm tiền nhiều của. Hạng người này gọi là trước vui
sau vui.
Qua cái nhìn thấu triệt và lời giảng
giải cụ thể của Bậc Giác Ngộ về sự xuất hiện của bốn hạng người ở đời,
chúng ta có thể nhận ra rằng, con người có mặt ở đời là do chiêu cảm của
nghiệp quá khứ, nhưng con người cũng có thể chuyển hóa nghiệp quá khứ
ngay trong hiện tại, bằng cách hướng đến điều thiện, hoan hỷ với điều
thiện, biết tin sâu nhân quả. Chúng ta luôn ý thức rằng, những việc làm,
lời nói và ý nghĩ của ngày hôm nay là chất liệu để tạo nên hạnh phúc
hay khổ đau cho ngày mai. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết tin tưởng vào
khả năng chuyển hóa, tức là ý thức con người sinh ra không phải bị đóng
đinh trong một kết quả đã định, ai khổ đau thì mãi khổ đau, ai hạnh phúc
thì luôn hạnh phúc. Mà chúng ta phải biết tu tập thiện nghiệp, huân tập
thiện nghiệp, nuôi lớn và phát triển thiện nghiệp, dùng tuệ giác để
chuyển hóa những khổ đau thành an lạc, chuyển hóa những bế tắc thành
niềm hy vọng, chuyển hóa phiền não thành bồ đề. Nếu ý thức được như vậy,
thiết nghĩ cuộc đời chúng ta sẽ có hướng đi mới, hướng đi của hạnh phúc
và an lạc.
3. Kết Luận
Khổ đau hay hạnh phúc luôn tồn tại và
chi phối trong mỗi con người. Chỉ có điều, hạnh phúc hay khổ đau ấy
không phải do ai ban tặng, cũng chẳng phải do một vị thần linh nào sắp
đặt cả, mà do chính mình tạo ra. Khi thân, khẩu, ý khởi lên ác nghiệp
thì con người sẽ gặt hái quả bất hạnh, bằng ngược lại…sẽ đưa con người
sống trong hạnh phúc an vui. Vì vậy, mỗi người hãy “tự mình là hòn đảo
của chính mình, nương tựa mình và nương tựa pháp”, nỗ lực hành trì thiện
pháp, chuyển hóa những hạnh nghiệp bất thiện từ trong tâm thức của
chính mình bằng ánh sáng của tuệ giác. Như vậy, con người sẽ không phải
cất công đi tìm kiếm hạnh phúc mà hạnh phúc vẫn luôn hiện hữu một cách
chân thật nhất ngay trong cuộc sống hiện tại này.
Virginia Beach 6.12.12
Thích Chúc Đại