“Đây là người quán sát
Nơi các pháp ngôn giáo
Mà hay bình đẳng nói
Thường trụ tánh bình đẳng.
Đây là người quán sát
Nơi các pháp ngôn giáo
Như lý hay thấy biết
Bèn được khéo tương ưng…
Thuần một không trái cãi
Dứt tranh luận, tương ưng
Thành tựu tam muội ấy
Như lý mà an trụ.
Trong nghĩa lý các pháp
Như lý chuyên tu tập
Thấy được các cửa pháp
Đây là người thấy pháp.
Tu hành là tương ưng và an trụ trong pháp tánh. Tương ưng là thấy biết đúng như lý, như chân lý. Để có thể “thấy Pháp” thì phải quán sát như lý, đúng theo chân lý tánh Không, ánh sáng, và như huyễn. Đây là ba phương diện, ba chiều kích của thực tại, cả mặt biểu lộ và không biểu lộ.
Quán tánh Không để tương ưng và an trụ trong Pháp thân tánh Không. Ở đây chỉ trích ra một ít đoạn về quán tánh Không.
“Bạch Thế Tôn! Con cũng chẳng thấy nhẫn đến có chút pháp nào ở trong, ở ngoài, ở trung gian mà có thể hướng đến được, thân cận được. Đã không có chút pháp nào để hướng đến được, thân cận được, thì ở trong ấy con an lập cái gì?
Bạch Thế Tôn! Con cũng chẳng thấy quá khứ hiện tại vị lai để làm chỗ an lập. Nếu chỗ an lập đã vô sở hữu, con có thể an lập ở chỗ nào?”.
Không thấy có chút pháp nào tức là thấy Vô tướng. Không thấy quá khứ hiện tại vị lai làm chỗ an lập tức là thấy Vô niệm. Đây là cái Tại đây, không có tướng, không có không gian nên mở khắp tất cả nơi chốn; là cái Bây giờ, không có tưởng niệm nên không có thời gian, trùm suốt ba thời.
“Các Đại Bồ-tát nơi nghĩa lý pháp mà an trụ. An trụ như vậy là an trụ nơi vô trụ, không có chỗ an trụ mà an trụ, thấy tất cả pháp không có chỗ phân biệt. An trụ nơi hạnh vô phân biệt như vậy, dùng hạnh như vậy thấy tất cả pháp không có chỗ động thì an trụ nơi lý Chân như, tương ưng với Chân như bất động, tương ưng với lý Chân như vốn không nắm giữ”.
Tâm không phân biệt thì thấy tất cả pháp không động, đó là an trụ Chân như hay tánh Không bất động.
Thấy các pháp vô sanh, đó là thấy tánh Không vô sanh. Và vô sanh cũng là vô niệm, tất cả pháp vốn không chỗ động: “Dùng ấn vô sanh ấn tất cả các pháp, nên các Đại Bồ-tát phải nhập vào ấn môn sanh chánh trí thấy vô sanh. Dùng ấn vô niệm ấn tất cả các pháp, nên các Đại Bồ-tát phải nhập vào ấn môn vô phân biệt chân thật bình đẳng”.
Tu hành như vậy trong từng niệm niệm, thì trong từng niệm niệm hành giả tương ưng và an trụ tánh Không.
Về ánh sáng các pháp, kinh nói như sau: “Này Vô Biên Huệ! Các Đại Bồ-tát ở nơi môn tất cả pháp vô chướng ngại, môn chẳng hòa hiệp, môn vượt khỏi mọi đoạn kiến thường kiến, môn bờ mé vô biên, vì xa lìavậy, vì tịch diệt vậy, vì dừng dứt vậy, vì trong mát vậy. Các Đại Bồ-tát ở nơi ấn môn tất cả pháp ấy tùy học tùy nhập. Vì khéo tu hành các pháp môn ấy mà được tam muội hải ấn, ấn tất cả pháp. Các Đại Bồ-tát khéo tu hành, an trụ nơi tam muội hải ấn ấn tất cả pháp, quan sát tất cả pháp mà có thể phát sanh vô lượng vô biên ánh sáng đại pháp”.
Tam muội hải ấn ấn lên tất cả pháp khiến tất cả pháp tịch diệt, và khi tất cả pháp tịch diệt thì ánh sáng tất cả pháp hiển lộ. Nói cách khác, tam muội hải ấn, cũng tức là tâm, vừa là tánh Không tịch diệt, vừa là ánh sáng các pháp, mà người xưa gọi là Không-Minh vậy.
Bồ-tát vì đại bi mà sống trong sanh tử, trong thế gian khổ, vô thường, bất tịnh… xoay vần bởi nghiệp của chúng sanh, nhưng vì mặc mũ giáp thấy các pháp là như huyễn nên Bồ-tát không bị nhiễm ô bởi khổ đau, bởi nghiệp của chúng sanh. Thí như người mặc giáp đi vào chốn binh đao khói lửa để cứu người nhưng không bị tổn hại bởi gươm giáo; thí như người mặc bộ áo chống vi trùng thì vào nơi dịch bệnh mà không bị nhiễm bệnh. Không bị nhiễm ô bởi vì thế giới, chúng sanh, nghiệp của chúng sanh đều như huyễn. Nghiệp là hành động, tức sự chuyển động của thân, khẩu, tâm ý; Bồ-tát thì không bị nhiễm ô bởi nghiệp, vì Bồ-tát thấy các pháp đều không động, vì như huyễn:
Các uẩn không có thật
Tự tánh bổn lai Không
Tánh Không nên vô tướng
Tất cả không có khởi.
Các uẩn xa lìa tướng
Lìa tướng thì vô sanh
Không sanh thì không diệt
Tướng các uẩn như vậy.
Cõi dục, cõi vô sắc
Tất cả do duyên khởi
Tự tánh bổn lai Không
Vô tướng cũng vô thể…
Vì thấy pháp hư vọng
Gọi đó là chánh quán
Ánh sáng chẳng nghĩ bàn
Vô biên và vô lượng.
Quán thấy các pháp như huyễn, đó là “phương tiện thiện xảo” của đại trí và đại bi của Bồ-tát ở trong sanh tử. Tất cả các pháp, tất cả thế giới, chúng sanh đều như huyễn, đây là pháp giới bất động hay “pháp giới phương tiện thiện xảo” của Bồ-tát. Chính trong sanh tử nghiệp lực chuyển động của chúng sanh, Bồ-tát giải thoát vì thấy pháp giới bất động:
Thấy tất cả các pháp
Và nghĩa lý các pháp
Như hư không trong sạch
Như ảnh, bóng trong gương
Bình đẳng không dơ nhiễm
Pháp giới không có sanh
Không có mạng, có già
Không chết, không nổi chìm
Cũng không có ra khỏi.
Pháp giới chẳng nghĩ bàn
Không đến cũng không đi
Pháp giới chẳng phải uẩn
Chẳng phải giới và xứ
Cũng chẳng rời giới, xứ
Thật không có chỗ động
Pháp giới thường như như.
Bồ-tát đối với sanh tử, với chúng sanh không mệt mỏi, không oán trách, vì đại bi của Bồ-tát là đại bi của tánh Không, của ánh sáng các pháp không phân biệt. Với tánh Không, với ánh sáng các pháp không phân biệt, đại bi của Bồ-tát thấy chúng sanh và nghiệp của chúng sanh như huyễn, do đó cứu độ mà thấy người được cứu độ, hành động cứu độ và người đang cứu độ là như huyễn. Thế nên càng làm việc cứu độ thì càng thâm nhập Pháp thân tánh Không, càng giải thoát.
“Vì mỗi chúng sanh, mỗi mỗi tâm hành, mỗi mỗi lưu chuyển cùng tận bờ sanh tử, nên các Đại Bồ-tát cầm thuốc trí huệ, chẳng lìa bỏ mũ giáp, có thể kiên cố mặc đại mũ giáp, mặc vô lượng mũ giáp…, mặc mũ giáp biết không có chúng sanh, mặc mũ giáp biết tự tánh (như huyễn) của chúng sanh, mặc mũ giáp biết tất cả các pháp vô sở đắc, mặc mũ giáp biết tự tánh các pháp vô sở đắc”.
Trong cùng một thế giới, chúng sanh thì thấy đầy dẫy khổ đau, sanh già bệnh chết, nổi chìm biến động theo nghiệp và tiếp tục tạo nghiệp nổi chìm biến động, còn Bồ-tát thì mặc mũ giáp quán thấy Không, quán thấy ánh sáng vô phân biệt, quán thấy huyễn nên Bồ-tát thấy đó là pháp giới giải thoát “không có tướng khác, bình đẳng, thuần một”, “pháp giới bất động như như”.
Người thì bị các tướng ràng buộc, đó là sanh tử. Người không bị các tướng và danh tự ràng buộc, đây là tự do. Tự do ấy không chỉ ở nơi pháp giới, mà tự do ở nơi mỗi một pháp, tràn ngập nơi mỗi một pháp, vì tướng của mỗi một pháp là sự biểu lộ của tự do:
Ông xem tất cả pháp
Chảy vào trong pháp giới
Các pháp đồng pháp giới
Nghĩa lý đều bình đẳng.
Lại xem nơi pháp giới
Chảy vào trong các pháp
Pháp giới đồng các pháp
Nghĩa lý cũng bình đẳng.
Mặc giáp tánh Không như vậy bởi vì đại bi:
Chúng sanh khổ sanh tử
Bức ngặt chẳng an ổn
Tôi thường làm cứu hộ
Mặc giáp trụ vô biên.
Vô biên khổ sanh tử
Tôi khiến giải thoát được
Lưới ái kiến trói buộc
Tất cả đều sẽ đứt.
Với lưới phiền não này
Làm đứt được tất cả
Sức tinh tấn kiên cố
Dũng mãnh mà mặc giáp.
Nguyễn Thế Đăng | Văn Hóa Phật Giáo 01-06-2017