27/12/2013 16:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 1630
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mục đích cuối cùng của hành giả tu học Phật pháp là giác ngộ, giải thoát hay còn gọi là Niết-bàn. Đức Phật được gọi là Đấng Giác ngộ (the Enlightened One) bởi Ngài chứng ngộ được chân lý (Tứ diệu đế). Từ đó, Ngài đã dành cả cuộc đời để truyền bá giáo pháp hay chân lý ấy nhằm hướng dẫn hầu giúp nhân loại cũng chứng đạt quả vị như Ngài. Các thế hệ đệ tử chính thức và không chính thức[1]

 

học và hành theo giáo pháp của Ngài đều mong mỏi chứng đắc quả vị giác ngộ nhưng không phải ai cũng đạt được như ý. Có thể nói, nguyên nhân tổng quát của nó là do thiếu tinh thần ‘tự giác’ trong việc hành trì đúng lời Phật dạy. ‘Tự giác’ là yếu tố quyết định sự thành bại của một hành giả tu tập và nó được Đức Phật khuyên dạy trong nhiều bài kinh. Thế nhưng, ‘tự giác’ trong Phật giáo phải được hiểu như thế nào? Có phải ‘tự giác’ là vô điều kiện? Trong sự nỗ lực, bài viết sẽ trình bày quan điểm rằng: ‘Tự giác’ không phải là vô điều kiện mà ngược lại nó luôn cần có điều kiện thúc đẩy dù điều kiện đó là nội tại hay ngoại duyên.

Về từ ‘tự giác’

Theo từ điển tiếng Việt, một trong hai nghĩa của từ ‘tự giác’ là “không cần ai nhắc nhở, tự biết, tự ý thức được mà làm”[2]. ‘Tự giác’ trái nghĩa với ‘tự phát’ tức chỉ hành động thiếu cân nhắc, không có tổ chức. Trong Phật giáo, ‘tự giác’ là cấp bậc đầu tiên trong ba cấp bậc gồm tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn của một vị Phật[3]. ‘Tự giác’ ở đây chỉ sự giác ngộ hay Niết-bàn của Đức Phật do tự Ngài tu tập chứng đắc. Theo nghĩa này, ‘tự giác’ là tự bản thân mỗi người tu tập giác ngộ chứ không phải do ai đó đem sự giác ngộ cho mình. Phật giáo luôn chủ trương tính‘tự giác’ như kinh Pháp cú số 276 viết: “Các người hãy tự mình nỗ lực, Như Lai chỉ là bậc dẫn đường”. Vì thế, Đức Phật không bao giờ tự gọi là ‘Đấng Cứu Thế’ hay ‘Thần Linh’ có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình[4]. Dù vậy theo sử liệu Phật giáo, trước khi thành đạo Thái tử Sĩ/Tất Đạt Đa (Siddharatha) đã bị thúc giục bởi những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài khiến Ngài tự ý thức quyết chí xuất gia, tầm sư học đạo và cuối cùng đạt quả vị Phật. Nói cách khác, ‘tự giác’ của Đức Phật, theo nghĩa tự ý thức nỗ lực tu tập và tự chứng Niết-bàn, là một quá trình có sự tác động của nhiều yếu tố như là những điều kiện cần thiết.

‘Tự giác’ luôn có điều kiện trợ duyên

‘Tự giác’ là trạng thái tâm lý hành động tự ý thức có điều kiện. Theo lý duyên khởi[5], tất cả mọi sự vật hiện tượng xảy ra đều có nhân duyên nên sự ‘tự giác’ cũng không ngoại lệ. Nói cách khác, không phải tự nhiên người ta tự giác mà nó phải có động cơ bên trong và hoàn cảnh bên ngoài tác động. Để minh chứng điều này, trường hợp của Đức Phật là một ví dụ điển hình nhất.

Lịch sử Phật giáo miêu tả Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra và lớn lên trong điều kiện xa hoa về vật chất cũng như được chăm sóc rất chu đáo về mọi mặt nhưng Ngài vẫn nhận ra đó là những thứ vui thú tạm bợ. Do đó, thái tử thường trầm tư, suy nghĩ về kiếp sống. Chính lòng từ bi cứu độ chúng sanh và sự khổ đau của nhân loại là điều kiện làm cho thái tử trầm tư, ý thức về kiếp sống và nuôi dưỡng ý chí xuất gia tìm đạo. Lòng thao thức muốn xuất gia tìm con đường thoát khổ đau cứ lớn dần trong tâm thái tử. Thế rồi, sau những lần ra ngoài qua bốn cửa thành, thái tử đã nhìn thấy bốn hình ảnh gây ấn tượng, cảm xúc trái ngược nhau trong lòng thái tử bao gồm hình ảnh một cụ lão già nua, một người bịnh rên la, một thây ma hôi thối và một đạo sĩ trang nghiêm khả kính[6]. Nếu như ba hình ảnh trước làm cho thái tử đau buồn thương cảm thì hình ảnh cuối cùng làm lóe lên tia sáng về con đường giải thoát trong Ngài. Có thể nói, bốn hình ảnh này là điều kiện ngoại duyên thúc giục thái tử xuất gia. Như vậy, sự ‘tự giác’ xuất gia tìm đạo giải thoát của Đức Phật là do lòng từ bi (nội tại) và nỗi khổ đau của nhân loại (hoàn cảnh bên ngoài). Nếu không có những điều kiện này, sẽ không có việc thái tử thao thức tìm đường giải thoát và sẽ không có Đức Phật giác ngộ hoàn toàn.

Sự ngộ nhận về ‘tự giác’

Thế nhưng, nhiều người vẫn còn hiểu sai hay ngộ nhận về ‘tự giác’. Từ định nghĩa trên, ‘tự giác’ thường được hiểu theo chữ đâu nghĩa đó. Nghĩa là, nghĩa ‘không cần ai nhắc nhở’ và ‘tự biết phải làm gì’ thường được chú trọng và các yếu tố hay điều kiện khác thường bị phớt lờ. Từ đó, có sự ngộ nhận rằng ‘tự giác’ là không cần trợ giúp, không cần tổ chức, không cần nội quy, không cần giới luật. Trong khi đó, những yếu tố ấy lại là điều kiện không thể thiếu, là những trợ duyên cần thiết cho ‘tự giác’. Ở đây, sự chứng ngộ của các Thánh đệ tử Phật và giới luật Phật giáo sẽ được đề cập như là ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề.

Trước hết, sự ‘tự giác’ của các đệ tử Đức Phật là nhờ vào trợ duyên của Ngài. Theo lịch sử Phật giáo, trong một thời gian ngắn sau khi thành đạo, Đức Phật đã có hơn 1.250 đệ tử xuất gia. Các lớp đệ tử đầu như năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna), Da Xá (Yasa), ba anh em Ca Diếp (Kassapa), và đặc biệt là hai Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Mahamogallana) đều là những bậc A-la-hán. Tất cả họ được cho là theo Phật vì bị thuyết phục bởi chính Đức Phật và giáo pháp của Ngài[7]. Nghĩa là dù chính các Ngài đã có động cơ và tự nỗ lực hành trì chứng quả Thánh nhưng sự ‘tự giác’ ấy nếu không có Đức Phật là người hướng dẫn thì các Ngài cũng không có được thành quả như vậy.  

Về sau, giới luật được định chế như là điều kiện trợ duyên cho sự ‘tự giác’. Ta biết rằng, thời gian đầu Đức Phật không chế giới vì Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp. Tuy nhiên khi Tăng đoàn đông đảo và hội nhập vào xã hội phức tạp, một số thành viên đã có những hành vi không hợp đạo đức. Cứ mỗi trường hợp sai trái Đức Phật chế định giới và hình phạt phù hợp để bảo vệ uy tín Tăng đoàn về sau[8]. Rõ ràng, một số thành viên trong Tăng đoàn không ‘tự giác’ hành trì lời Phật dạy nên Đức Phật phải chế giới. Giới luật như thế phải được hiểu là điều kiện trợ duyên cần thiết để bắt buộc các thành viên của Tăng đoàn trở về ‘tự giác.’ Cũng nhờ giới luật mà Tăng đoàn dù trải qua thăng trầm và tồn tại nhiều nơi khác nhau vẫn có thể duy trì đến ngày hôm nay.

Hai ví dụ vừa nêu cho thấy ‘tự giác’ vô điều kiện là không tưởng và khẳng định các trợ duyên bao gồm tạo cảm hứng, khuyến khích, khuyên bảo, giới pháp và kỷ luật là những điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho sự ‘tự giác’.

Tính ‘tự giác’ trong sự tu tập của tín đồ Phật giáo ở Việt Nam

Ở mỗi cấp độ khác nhau, tính ‘tự giác’ và điều kiện của nó cũng khác nhau. Vào thời Phật, Đức Phật và các vị Thánh đệ tử ít nhiều đều có động cơ tìm cầu giải thoát. Động cơ ấy là chất xúc tác cho sự ‘tự giác’ của các Ngài trong quá trình tu tập, chứng quả Niết-bàn. Vì động cơ mạnh nên tính ‘tự giác’ cao và khi được trợ duyên nó phát huy hiệu quả. Thời nay, dù tín đồ Phật giáo cũng phát tâm tu tập nhưng vì động cơ không đủ mạnh và thường bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nên tính ‘tự giác’ thường bị thử thách. Đặc biệt, tính ‘tự giác’ trong sự tu tập của hàng cư sĩ càng bị thách đố.

Có thể nói người cư sĩ không thể ‘tự giác’ đến với đạo Phật nếu không có điều kiện trợ duyên. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn dắt người ta đến với Phật giáo và trở thành Phật tử. Có thể họ đến với Phật giáo vì muốn tìm hiểu, yêu thích, hay nghiên cứu Phật pháp. Có thể vì thấy được giá trị đạo Phật nên họ muốn theo tu tập. Hay thậm chí có thể họ đến với Phật giáo để an ủi, lễ bái cầu nguyện trong những lúc đau buồn vì khủng hoảng tinh thần hay biến cố gia đình… Tất cả những lý do đó được xem là điều kiện trợ duyên cho sự ‘tự giác’ tìm đến đạo Phật của họ. Tuy nhiên để họ có thể ‘tự giác’ tiếp tục tu tập Phật pháp, họ rất cần nhiều trợ duyên khác nữa, nhất là sự hướng dẫn của Tăng Ni thật tu thật học.

Thực tế, tính ‘tự giác’ tu học của người Phật tử Việt Nam còn rất hạn chế. Để minh chứng điều này, ta có thể dựa vào ba yếu tố cơ bản bao gồm ý thức duy trì Phật giáo, sự hiểu biết giáo pháp để áp dụng tu tập và kết quả của sự tu tập. Thứ nhất, người cư sĩ còn thiếu ‘tự giác’ bảo vệ và duy trì Phật giáo. Cụ thể, nhiều gia đình có truyền thống Phật giáo nhưng con cái không quy y, không đi chùa, không biết giáo lý và dễ dàng cải đạo. Thứ hai, có rất ít cư sĩ ‘tự giác’ học giáo pháp để hiểu và biết cách áp dụng hành trì. Số người hiểu giáo pháp đã hạn chế, mà số người siêng hành trì cũng không hơn. Cứ lấy hai ngày rằm và mồng một mỗi tháng làm tiêu điểm thì có thể biết. Con số Phật tử ăn chay và đến chùa lạy Phật sám hối, hay sám hối ở nhà quá ít so với số tín đồ Phật giáo. Còn nếu tính số người Phật tử hành trì bố thí, tụng kinh, ngồi thiền hằng ngày thì lại càng ít. Thứ ba, kết quả của sự tu tập cũng rất khiêm tốn. Có người biện luận rằng ‘tu tại tâm’ và ‘tự giác’ tu chứ đâu cần đến chùa, ăn chay... Nếu điều đó đúng thì đa số tín đồ đã thuần thành, hiểu và hành đúng tinh thần Phật giáo, không dễ bỏ đạo; các đạo tràng đã trang nghiêm hơn; xã hội đã ổn định hơn. Thực tế đã chứng minh ngược lại.

Lời kết

‘Tự giác’ là yếu tố quyết định sự thành bại của một người nhưng nó luôn còn có trợ duyên. Sự ‘tự giác’ của Đức Phật và các bậc Thánh đệ tử được trợ duyên bởi động cơ giải thoát và lòng từ bi cứu độ chúng sanh rộng lớn. Với hàng phàm phu, các trợ duyên không thể thiếu cho sự ‘tự giác’ của họ là giới luật, sự khuyên răn, sách tấn, và thậm chí khen thưởng. Không có yếu tố trợ duyên, tính ‘tự giác’ trong con người khó bảo đảm lâu bền.

Trải qua thời kỳ chiến tranh, sự thay đổi ngôn ngữ, và thiếu bậc đạo sư chỉ dẫn, người Phật tử Việt Nam có thời dường như mù tịt về giáo lý và chỉ chú trọng thực hành tín ngưỡng. Dẫu biết rằng thực hành tín ngưỡng không phải là không có lợi ích nhưng Phật giáo không thể chỉ dừng lại ở đó. Phật giáo phải rất cần những tín đồ hiểu và hành lời Phật dạy. Sự ngộ nhận về ‘tự giác’ tu tập đã làm cho Phật giáo nhiều lúc trở thành tự phát, thiếu tổ chức và thiếu kế hoạch cụ thể. Do đó, tạo điều kiện trợ duyên để cho mỗi Phật tử ‘tự giác’ tu tập và giữ gìn Phật giáo là điều rất quan trọng quyết định sự tồn vong của đạo Phật. Để người cư sĩ ‘tự giác’ tu học, các bậc đạo sư phải thường xuyên hướng dẫn giáo pháp, trợ giúp tinh thần và sách tấn họ. Tóm lại, ‘tự giác’ là phẩm chất đặc biệt và thiết yếu của Phật giáo. Tạo điều kiện cho phẩm chất ấy phát triển cũng có nghĩa là chúng ta đang đóng góp cho sự nghiệp phát triển Phật giáo.

 

 

 



[1] Tức là những vị chưa quy y Tam bảo.

[2] Từ điển tiếng Việt, bản online (http://rongmotamhon.net/mainpage/tudien_tiengviet_0_8.html#1).

[3] HT Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, bản online (http://www.tangthuphathoc.net/phathoc/phathocphothong-1.1.htm).

[4] Phạm Kinh Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, bản online (http://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&pp01.htm).

[5] Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt. (Trong kinh Phật tự thuyết, Tiểu bộ I).

[6] Phạm Kinh Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, bản online (http://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&pp01.htm).

[7] http://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&pp07.htm.

[8] http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/vin/

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=5140&SubID=2&ID=2


Âm lịch

Ảnh đẹp