I. Kanthaka/ Kiền Trắc Mã (còn gọi: Kiền-đức, Càn-trắc, Khiên-đặc,
Ca-tha-ca) được cho rằng tồn tại vào thế kỷ thứ VI trước CN, ở Bihar và
Uttar Pradesh, Ấn Độ. Đó là con ngựa trắng dài 18 cubit (đơn vị đo chiều dài
ngày xưa bằng 45 cm 72). Kanthaka là con ngựa hay nhất trong hoàng cung của đức
vua Suddhodana và cũng là con ngựa yêu thích của thái tử Siddhartha, khi thái tử dạo chơi bên ngoài hoàng cung.
Tượng mô tả cuộc ra đi vĩ đại của Đức Phật. Tượng tại chùa Tà Pạ, Núi Tô, Tri Tôn, An Giang
Khi thái tử vừa chào đời, nhà tu hành khổ hạnh
Asita đã tiên đoán rằng thái tử Siddhartha sẽ từ bỏ ngai vàng để trở thành một vị
Phật khi chàng chứng kiến và suy ngẫm về những khổ đau trong cuộc sống con người.
Do đó, đức vua Suddhodana đã cho xây dựng một chuỗi cung điện rộng lớn, nguy nga,
lộng lẫy để ngăn không cho thái tử ngao du bên ngoài thành, nhưng mọi việc không diễn ra như vậy.
Kanthaka được sử dụng trong tất cả những
sự kiện trọng đại. Trước tiên, nó được mô tả trong các sự kiện chuẩn bị cho lễ
cưới của thái tử với Yasodhara, nàng công chúa xinh đẹp của người Sakya. Do tục
lệ của thị tộc Kshatriya Sakya, thái tử buộc phải chứng tỏ có những kỹ năng xứng
đáng của một chiến binh như cưỡi ngựa, cưỡi ngựa bắn cung và đấu kiếm trong các
cuộc thi. Trên lưng Kanthaka, thái tử đã đánh bại người anh em họ Devadatta
trong cuộc thi bắn cung, Anuruddha trong cuộc thi cưỡi ngựa và người anh em
cùng cha khác mẹ Nanda khi thi đấu kiếm.
Sau đám cưới, Kanthaka là con ngựa kéo
xe do Channa, người hầu cận đứng đầu hoàng gia điều khiển hộ tống thái tử
Siddhartha đi đây đó trong vùng Kapilavastu. Trong suốt những cuộc hành trình
trên xe ngựa Kanthaka, Channa đã giải thích cho thái tử cảnh tượng của một người
già, lớn tuổi; một người đau đớn vì bệnh tật; đám tang của một người chết; và
cuối cùng là nhà tu hành khổ hạnh, người đã từ bỏ cuộc sống trần tục để trở
thành một tu sĩ... Sau khi trở về cung điện thái tử đã suy ngẫm không thôi về
các cảnh tượng đó. Cuối cùng, ngài đã đi đến quyết định xuất gia và dùng
Kanthaka trốn khỏi cung điện khi người lính canh cuối cùng ngủ thiếp đi. Ban đầu
người hầu cận Channa đã phản kháng và cự tuyệt chấp nhận quyết định bỏ trốn của
thái tử, nhưng rồi Channa thắng yên Kanthaka chở thái tử, dẫn lối ra khỏi kinh
thành đến khu rừng bên bờ sông Anoma. Theo các kinh sách, Kanthaka đã nhảy sang
bờ bên kia sông. Cưỡi Kanthaka, Channa đã trở về cung điện trao cho đức vua
Suddhodana trang phục, quần áo, vũ khí và lọn tóc của thái tử(1). Một
dị bản phổ biến khác: thái tử cắt tóc, rồi tung lọn tóc lên trời, Đế Thiên
(Indra) đã hứng lấy lọn tóc đem cất giữ.
Cái chết của Kanthaka được mô tả khác
nhau theo từng văn bản: hoặc tìm thấy tại bờ sông Anoma hay trên đường trở về
Kapilavastu…(2).
Theo các kinh sách Phật giáo, Kanthaka
được tái sinh làm một người Bà-la-môn và đều đặn đến chú tâm nghe Đức Phật
Gautama giảng Pháp và đi đến giác ngộ. Cụ thể Phật bản hạnh tập kinh 20 ghi rõ, sau khi đưa thái tử xuất gia, Kiền
Trắc trở về thành buồn bã không ăn, chẳng bao lâu mạng chung, sanh lên cõi trời
thứ 33. Về sau, biết thái tử thành đạo, Kiền Trắc (bấy giờ là chư thiên), hạ
sanh xuống thành Na-ba, Trung Thiên Trúc, là con của một vị Bà-la-môn, lớn lên
vị này đến chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp, được giải thoát và nhập Niết-bàn.
Trong kinh Vimānavatthu có chép: Ngựa Kiền Trắc sinh ra một ngày với thái tử
Thích Ca, tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Khi thái tử định xuất gia, Ngài đến vỗ về con
ngựa và bảo nó đưa Ngài lên rừng, ngựa Kiền Trắc lấy làm hân hoan. Đưa Ngài lên
rừng rồi, lúc trở về, nó chẳng còn muốn sống nữa. Nó nhịn ăn và bèn thác và
sanh lên cõi trời Đạo Lợi. Ở cõi trời ấy, có đủ cung điện nguy nga và mọi sự
sung sướng, vị trời ấy cũng lấy tên là Kiền Trắc (Kantaka).
Một hôm, ngài Mục Kiền Liên, đại đệ tử của
Phật khi lên cõi trời Đao Lợi, có gặp vị trời Kiền Trắc. Vị trời ấy đã đến chào
Mục Kiền Liên và thuật lại đời mình khi làm con ngựa Kiền Trắc ở cung vua Tịnh Phạn.
Vị trời ấy có bạch rằng nhờ đưa Đức Thích Tôn đi xuất gia mà người đắc thêm rất
nhiều phước trí. Và vị trời ấy có bạch với Mục Kiền Liên, mượn ông thay mặt
mình mà đảnh lễ Đức Phật.
Miêu tả về Kanthaka cũng xuất hiện rộng
rãi trong mỹ thuật Phật giáo. Kanthaka hiện diện trên các bích họa, phù điêu,
tượng tròn về cuộc đời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni ở chùa tháp Khmer Nam bộ,
Campuchia, Lào, Thái Lan… Trong các bức phù điêu miêu tả việc thái tử cưỡi con Kiền
Trắc vượt thành xuất gia thì bức phù điêu hiện còn ở Amaravati/Amaravathi là
xưa nhất còn tồn tại hiện nay. Bức tranh đào được ở vùng Gandhara, phía trên vẽ
bốn vị trời nâng 4 chân Kiền Trắc, trời Đế Thích cầm lọng che thái tử ngồi trên
lưng ngựa và có nhiều người cung kính theo sau. Trong động thứ 2 của Linh Nham
Quật Tự ở Đại Đồng, Trung Quốc cũng còn những bức tranh loại này(3).
Những bản vẽ khác cũng được trưng bày trong các bảo tàng ở
London và Calcutta. Trong truyền thống Phật giáo Nam truyền, các tác phẩm thể hiện kỳ tích Cuộc
xuất gia vĩ đại này thường có một con chằn dữ dằn đứng trước đầu ngựa Kanthaka
cản việc xuất gia của thái tử. Đây là motif nghệ thuật phổ biến
II. Bạch mã trong tín niệm Phật giáo
Kiền Trắc Mã là
một con ngựa trắng/bạch mã mà bạch mã là con ngựa Balaha – một tiền thân của
Phật Thích Ca (Jataka/ Bổn sanh kinh)
và ở kiếp cuối cùng, là con ngựa Kiền Trắc, vật cỡi của thái tử Tất Đạt Đa
trong Cuộc ra đi vĩ đại. Họ ra đi lúc nửa đêm và đến rạng sáng thì tới cánh
rừng cách thành Ca-tỳ-la-vệ rất xa. Truyền thuyết kể rằng, họ đã vượt qua nhiều
vương quốc nhưng không một ai hay biết bởi bốn vó ngựa đã được chư thiên nâng
đỡ nên không phát ra tiếng động. Ngài xuống ngựa, khuyên dỗ Xa Nặc (Channa/
người giữ ngựa) đem ngựa trở về hoàng cung(4). Con ngựa trắng không
có người cỡi đã trở thành biểu tượng của chính Phật Thích Ca Mâu Ni. Motif này
cũng thấy trong tranh Đông Hồ: Con ngựa không có người cỡi mà lại có lọng che
rất trang nghiêm. Chính “khoảng trống” dưới mái lọng che (theo Phật thoại: trời
Đế Thích cầm lọng che cho thái tử Sakyamuni trên đường xuất gia) ấy là Đức Phật
(hay một đối tượng tôn kính thiêng liêng - đối với các tín ngưỡng khác)(5).
Cũng có thể
thấy nguồn gốc của nó (Kiền Trắc Mã) và Bạch mã của Phật giáo liên quan đến sự
kiện: năm 67, hai Thiền sư Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng chở
kinh Phật từ Tây Trúc sang Lạc Dương (Trung Quốc), đánh dấu việc khởi truyền
Phật pháp ở xứ Đông Độ(6). Ở đây, ngựa trắng biểu thị cho sự phổ hóa
Phật pháp.
Ngoài ra, theo Lương cao tăng truyện 1: Tương truyền nước Thiên Trúc có già-lam
tên Chiêu Đề, quốc vương nước đó đã ra lệnh triệt hạ các ngôi chùa, chỉ có chùa
Chiêu Đề chưa bị phá. Đêm đó, có con ngựa trắng đi vòng quanh tháp kêu hí buồn
bã, vua liền dừng việc phá hủy mà đổi tên chùa Chiêu Đề thành chùa Bạch Mã. Về
sau, các chùa khác khi lập nên cũng hay dùng tên này(7).
Ngoài ra, Thăng Long cổ tích khảo có chép truyền thuyết về con ngựa trắng
đã giúp Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long như sau: Lý Thái Tổ đắp thành mấy tháng
không xong. Một đêm nằm mộng thấy một con ngựa trắng nói tiếng người: “Mạch đất
Long Biên rất thiêng, nay đắp thành, mạch sẽ tắc... nên cho đào một cái cừ
thông sang sông Thiên Phù và Tô Lịch để mạch lưu thông, nếu không chỉ phí
công”. Tỉnh giấc, vua bèn làm như lời ngựa trắng. Thành xây được. Khi hoàn tất
có con ngựa trắng hiện cạnh thành. Quân sĩ đuổi đi, ngựa chạy đến đền Long Đỗ
thì mất dấu. Vua cho đó là hiện thân của thần Long Đỗ và phong là Bạch Mã đại
vương(8). Và theo Đại Việt sử
ký toàn thư lại có con “Bạch Long
thần mã” biết trước lúc nào vua ra đi. Dấu ấn Bạch mã trở nên rất sâu sắc
đối với văn hóa Đại Việt đời Lý, thậm chí ông vua Phật tử này đặt tên con trai
mình là Lý Phật Mã (tức Lý Thái Tông sau đó).
III. Kiền Trắc Mã, Bạch Mã và hình tượng con ngựa
Cũng là một con ngựa trắng như Kiền Trắc
Mã, Uchchaihshravas là con ngựa được coi là tổ của loài ngựa
và nổi bật trong các truyền thuyết, thánh điển Hindu. Ngựa Uchchaihshravas được
miêu tả là con ngựa bay, bảy đầu, có hai cánh, màu trắng tuyết. Uchchaihshravas
là con ngựa đầu tiên hiện ra từ sâu thẳm đại dương trong thần thoại khuấy biển
sữa. Nó là con ngựa tốt nhất trong những con ngựa, con ngựa đầu tiên/nguyên mẫu
và là vua của loài ngựa. Thần Indra, vị chúa tể cõi trời, vua của các chư thần/deva,
đã mang con ngựa thần thoại về cung trời của mình (cõi svarga). Sau đó, thần
Indra đã cất đi cặp cánh của Uchchaihshravas và cho nó xuống cõi người. Cặp
cánh bị lấy đi nhằm đảm bảo con ngựa ở lại nơi mặt đất (prithvi) và không bay
trở lại nơi cõi trời của thần Indra(9).
Uchchaihshravas trước tiên là vật cưỡi (vahana) của thần Indra, vị vua cõi trời. Nhưng
nó cũng được ghi chép là con ngựa của Bali. Vị vua của cõi âm ty (patala) đã sử
dụng nó để giành được những thứ mà trước kia không thể có được. Ngoài ra, Vishnu Purana cũng ghi chép rằng khi Prithu nhận ngôi vị là vị vua
đầu tiên của cõi đất thì vật được ban cho ngôi vị chịu trách nhiệm vương quyền
này là con ngựa Uchchaihshravas và sau đó nó đã trở thành vua của loài ngựa(10).
Như vậy, chúng ta thấy con ngựa Uchchaihshravas phần nào tương đồng với ngựa Kanthaka, chúng đều là những con bạch
mã thượng thủ, uy nghi, vật cưỡi của bậc chủ tể, ở đây là bậc chủ tể về mặt tâm
linh, tín ngưỡng.
Hình tượng con ngựa cũng có mối quan hệ
mật thiết đến các vị thần thiên tượng của Hindu như: cỗ xe của thần Mặt Trời
Surya kéo bởi một hay bảy con ngựa được ghi trong Rig-Veda mà theo một số nguồn tư liệu những con ngựa này có màu trắng
hay màu cầu vồng(11). Thêm nữa, cỗ xe thần Gió Vayu cũng được kéo bởi
hàng nghìn con ngựa. Hay thần Kalki/Kalkin, vị thần biểu trưng cho tương lai,
hóa thân thứ 10 của thần Vishnu là con ngựa trắng(12). Lại nữa, đó
là các thần Ashvin đầu ngựa liên quan với sự luân phiên đêm-ngày, là con trai của
Saranya - vị nữ thần của những đám mây, vợ của thần Mặt Trời Surya. Họ biểu
trưng cho ánh sáng chói lọi, sáng ngời của bình minh và hoàng hôn, hiện ra trên
bầu trời trước rạng đông trong cỗ xe ngựa bằng vàng, mang châu báu đến cho con
người, ngăn ngừa rủi ro, bất hạnh và bệnh tật. Cả hai đều là biểu tượng của mặt
trời và hiện thân cho Dharma (Pháp) và cho tri thức(13). Như vậy, chúng
ta thấy phần nào con ngựa cũng biểu trưng cho chu kỳ chuyển động của mặt trời, tức
sự chiếu sáng, nguồn ánh sáng mang lại sự sống cho vạn vật, tiêu trừ những tai
chứng, bệnh dịch. Chu kỳ của mặt trời như Bánh xe pháp chuyển động soi rọi tâm
thức vạn vật để rồi mang đến tri thức, thức tỉnh sự mê mù, lạc lối. Ánh sáng mặt
trời cũng như ánh sáng của sự hiểu biết, thông tuệ đưa con người đi đến giác ngộ.
Hình tượng con ngựa ở đây dường như cũng bao hàm cả ý nghĩa lớn lao này.
Tóm lại, con thiên mã màu trắng biểu thị
cho bản năng đã được kiểm soát, được làm chủ, được thăng hoa, theo luân
lý mới,
nó là thành quả cao quý nhất của con người. Con ngựa là vật cưỡi, là
phương tiện
vận chuyển, là con tàu, và số mệnh của nó không thể tách rời số mệnh con
người.
Ở tột đỉnh của mọi sự thăng hoa, thăng thượng, con ngựa trắng là hình
ảnh tượng
trưng cho sự uy nghi, là vật cưỡi của các anh hùng, các thánh nhân,
những người
lập nên những kỳ công tinh thần. Tất cả các nhân vật cứu thế đều cưỡi
những con
tuấn mã như thế và là vật cưỡi của Đức Phật trong Cuộc ra đi vĩ đại;
ngựa trắng cuối cùng, không có kỵ sĩ, đã trở thành biểu tượng của
bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni(14).
Huỳnh Thanh Bình
......................................
Chú thích
(1) (2) Malasakera, G.
P., Encyclopaedia of Buddhism, chính
phủ Sri Lanka xb, 1996.
(3) (6) (7) Thích
Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ
Quang (cảo bản), 1996.
(4) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP.HCM,
2011.
(5) Huỳnh Ngọc Trảng, Từ ngựa sắt Thánh Gióng đến Bạch Mã thái giám & Kiền Trắc Mã, nguyệt
san Giác Ngộ, số 135, tháng 6-2007, tr.46-53.
(8) Nguyễn Vinh Phúc,
1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, NXB Trẻ,
2010, tr.134.
(9)
(11) (13) Anna L. Dallapiccola, Dictionary of Hindu lore and legend,
Thames and Hudson xb, 2002.
(10)
Horace Hayman Wilson, Vishnu Purana:
cuốn I, chương IX, 1840, tái bản 2010.
(12)
John Dowson, Classical dictionary of
Hindu mythology and religion, geography, history, and literature, M.R.A.S.,
Rupa.Co., 2004.
(14) Jean Chevalier,
Alain Gheerbrant; Từ điển biểu tượng văn
hóa thế giới, NXB. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997.