14/06/2017 18:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 1695
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I/ TỔNG QUAN

Phổ thông theo tinh thần kinh tạng Nikāya[1] đức Thế Tôn trình bày bảy loại vợ, đó là: “Vợ như kẻ giết người, vợ như kẻ trộm cắp, vợ như người chủ, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ[2],



 điều này có thể đọc được ở trong kinh Bhariyā, thuộc  Abyākatavaggo (phẩmKhông tuyên bố) trong Anguttara Nikāya (Tăng chi bộ kinh) và chuyện tiền thân của nàng Sujāta trongKhuddaka Nikāya (Tiểu bộ kinh).


niem-dinhcuong
Tranh "Niệm" cố Họa Sĩ Đinh Cường

Trong bài viết này sẽ giới thiệu bảy loại vợ khác theo tinh thần Abidharma và các văn bản hệ Luật tạng hiện có trong Đại Tạng Kinh, đối chiếu với mười loại vợ theo Luật Tạng Bí-sô của văn điển Pāli và các thư tịch liên hệ, qua đó để thấy được những điểm đặc biệt trong tục lệ hay văn hóa hôn lễ ở Ấn Độ thời đức Phật.

Về cách phân tích thành bảy loại vợ,  A-tì-đạt-ma Pháp uẩn túc luận[3] trình bày như sau:

“Một là, vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước;

Hai là, vợ được mua bằng tài vật;

Ba là, vợ cướp được do chinh phạt;

Bốn là, vợ sống chung do sự tự nguyện;

Năm là, vợ sống chung vì thức ăn và y phục;

Sáu là, vợ sống chung do hợp tác mưu sinh;

Bảy là, vợ sống chung thoáng chốc”[4].

Đem bảy loại vợ này so sánh với Luật tạng Bí-sô thuộc văn hệ Pāli, thì trong đó trình bày có mười hạng vợ, được kể như sau:

1/ Vợ được mua bằng tài sản.

2/ Vợ sống chung do tự nguyện.

3/ Vợ sống chung vì tài vật.

4/ Vợ sống chung vì y phục.

5/ Vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước.

6/ Vợ do nâng đỡ gánh nặng.

7/ Vợ hạng nữ tỳ.

8/ Vợ hạng nhân công/chấp tác.

9/ Vợ hạng tù binh.

10/ Vợ trong thoáng chốc”[5].

Lại đem đối chiếu với luật Thập tụng được truyền thừa bởi Sarvāstivāda (Nhất Thiết Hữu Bộ), luật này trình bày đàn ông có bảy loại vợ[6] và so sánh với bản dịch Tây Tạng của bản Mūlasarvāstivāda-vinayavastu mà trước đây Nanjio[7] chỉ ra là giống với bản Hán dịch luật Thập tụng nhưng không hoàn toàn đồng nhất với luật Thập tụng trong Hán tạng như Csoma đã phân tích trong tạp chí Asiatic Research (Nghiên cứu Á châu)[8], thì bảy loại vợ ở trong bản dịch Tây Tạng này khá tương đồng với minh văn trình bày trong luật Thập tụng thuộc Hán tạng.

Cho đến ngày nay, thủ bản Sanskrit của Mūlasarvāstivada-vinaya đã được phát hiện tại tại Bamiyan và Gilgit[9], sau đó đã công bố rộng rãi, mà B. Mukherjee cho rằng có liên hệ chặt chẽ với sự truyền thừa luật tạng ở vùng Kashmir[10], hiện tại Mūlasarvāstivada-vinaya được liệt vào Buddhist Sanskrit Texts No. 16[11], đoạn kinh văn tương cũng có đề cập đến bảy loại vợ như bản Hán dịch Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da[12] của Ngài Nghĩa Tịnh và Căn bản thuyết nhất thiết hữu Bí-sô ni bộ tỳ-nại-da[13] kèm theo bài tụng tóm tắt[14] và thêm mười trường hợp tư thông.

II/ NỘI DUNG CHI TIẾT

1/ Vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ đầu tiên là ‘thọ thủy phụ 授水婦’, từ Pāli gọi là odapattakinī: vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước, dịch như vậy là phỏng dịch theo chú giải Luật tạng Pāli[15]  dịch sát từ odapattakinī có nghĩa là ‘người đàn bà bưng bát nước’.

Về loại vợ đầu tiên này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước, nghĩa là cha mẹ của người con gái nhận bát nước của người nam, theo đó gả con gái cho người chủ bát nước kia, gọi là vợ được cưới theo nghi thức bưng bát nước”[16].

Hạng vợ này luật Thập tụng gọi ‘Thủy đắc’ và ghi nhận như sau: “Vợ cưới theo nghi thức bưng bát nước (thủy đắc 水得), nghĩa là người nam rót nước lên tay người nữ để xác nhận là vợ”[17].

So sánh với Luật tạng Bí-sô thuộc văn hệ Pāli cũng nói tương tự: “người nữ bưng bát nước, sau khi người nam trao cho bình nước, rồi nhận làm vợ”[18].

Về điểm này, Sớ giải (Ṭīkā) Luật tạng Bí-sô, Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích rõ: “Người vợ bưng bát nước, sau khi cả hai người nhúng hai tay vào trong một bát nước nói rằng: Hãy gắn bó như là nước này, đừng có chia lìa’ thì nàng được chấp nhận là vợ theo phong tục”[19].

Bản Luật tạng Sanskrit Mūlasarvāstivāda-vinayavastu[20], do ngài Nghĩa Tịnh dịch Hán, tựa đề là Căn bảnthuyết nhất hữu bộ Tỳ-nại-da, quyển 12[21] cũng nêu cụ thể: “Vợ cưới theo nghi thức bưng bát nước (Thủy thọ phụ 水授婦), nghĩa là không lấy tài vật, cha mẹ của người nữ lấy nước rót lên tay của người nữ và người nam kia, mà nói rằng: ‘Ta nay có con gái này cho làm vợ của ngươi, ngươi phải nên khéo tự phòng hộ, chớ để cho người khác có sự xâm phạm’, gọi là thủy thọ phụ”.

Và đem đối chiếu luật Tứ phần thuộc hệ Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ), ở đó có nói hơi khác: “Nô tỳ vì bị nước cuốn: được vớt lên khi bị nước cuốn[22], tức Tứ phần đọc thành chữ Pāli. dāsī: nữ tỳ, nô tỳ.

Cho nên, nhìn chung hạng vợ đầu tiên này được cưới theo tập tục hôn lễ của Ấn độ là người nữ phải bưng bát nước, rót nước lên tay hay nhúng tay vào bát nước như đã trình bày ở trên.

2/ Vợ được mua bằng tài vật.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ hai là Tài hóa phụ 財貨婦, từ này trong Luật tạng Bí-sô thuộc văn hệ Pāli gọi là dhanakkītā có nghĩa là mua (vợ) bằng tài sản hay tiền của.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận trình bày: “Vợ được mua bằng tài vật, nghĩa là có người đàn ông nào, dùng hoặc nhiều, hoặc ít tài vật, mua người nữ dẫn về làm vợ mình, gọi là vợ được mua bằng tài vật”[23].

Luật tạng Bí-sô của Pāli giải thích: “Vợ được mua bằng tài sản, nghĩa là sau khi mua bằng tài vật, (người đàn ông) giữ (cô ta) sống chung (giống như là vợ)”[24].

So sánh với Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da 12 (tr. 686b12) trình bày tương tự như luật Thập tụng 3 (tr. 18c16): “Vợ được mua bằng tài sản (索得 sách đắc), nghĩa là dùng hoặc ít hoặc nhiều tài vật tìm kiếm được (người con gái này), xác nhận là vợ v.v..”

Như thế, hạng vợ thứ hai này, được mua hay trao đổi bằng tài sản vật chất.

3/ Vợ cướp được do chinh phạt.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ ba là Quân lược phụ 軍掠婦, Pāli gọi là dhajāhaṭā phân tích ngữ học thành: dhaja + āhaṭa, có nghĩa là cướp được trong chiến tranh, khi dhajāhaṭā sử dụng như một adjective (tĩnh từ) có nghĩa là bị bắt trong chiến tranh, hay như một chiến lợi phẩm, cũng hàm nghĩa như một tù binh.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ cướp được do chinh phạt, nghĩa là có người đàn ông nào, nhân bởi lúc chinh phạt nước khác, cướp lấy người nữ dẫn về làm vợ mình; lại có vua chúa, nhân vì đánh bại quân địch, lấy những thứ mình muốn, còn lại đều bỏ hết; hoặc có người đàn ông nào bằng thế lực, bắt lấy người nữ dẫn về làm vợ mình v.v.. các loại tương tợ như vậy, gọi là quân lược phụ”[25].

Luật tạng Bí-sô của Pāli cho rằng loại vợ này giống như hạng tù bình: “vợ cướp được trong chiến tranh, nghĩa là nàng bị đem về như một tù binh[26].

Sớ giải Luật tạng Bí-sô của Pāli, mục này Ngài Buddhaghosa giải thích dhajāhaṭā như sau: “dhajāhaṭā nghĩa là, khi đoàn quân dương cờ đi đến chiếm cứ một khu vực và nàng bị bắt đem về, một người nào đó nhận nàng làm vợ nên được gọi là dhajāhaṭā[27].

Luật Thập tụng của Sarvāstivāda gọi ‘phá đắc’ và giải thích rằng: “破得 phá đắc, nghĩa là khi đánh phá nước khác, đoạt được (người nữ) xác nhận là vợ. Hoặc lại do đánh dẹp phản loạn của nước mình, đoạt được (người nữ), gọi là phá đắc”[28].

Bản Hán dịch Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da, Nghĩa Tịnh dịch là ‘王旗婦 vương kỳ phụ’ và giải thích gần như những điểm của luật Thập tụng[29].

Còn  luật Tứ phần thuộc hệ Dharmaguptaka gọi hạng vợ này là “biên phương đắc” tức đoạt được từ biên cương hay biên thùy, luật chép: “Nô tỳ được từ biên phương 邊方得: do sự cướp đoạt mà được”.[30]

Do đó, hạng vợ thứ ba này sống chung do bởi người nam cướp được trong lúc chiến tranh hay chinh phạt nước khác.

4/ Vợ sống chung do sự tự nguyện.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ tư là Ý lạc phụ 意樂婦, từ Pāli (=sanskrit) chandavāsinī: sự tự nguyện, phân tích ngữ học thành chandavāsī+inī, có nghĩa là vợ sống chung do tự nguyện, cũng hàm nghĩa là do thích ý, mong muốn.

Từ chandavāsinī này trong bản dịch Tây Tạng འདུལ་བ་གཞི Ḥdul-ba gshi (Luật bản sự) thuộc Tây Tạng Đại Tạng Kinh, thông trật đệ 1Ka-4ṅa, No. 01, trang 1b1-302a5, do dịch sư Tây Tạng Dpal-gyi lhun-po, và các vị dịch sư Ấn Độ: Sarvajñādeva, Vidyākaraprabha, Dharmākara, được hiệu đính  bởi: Vidyākaraprabha và Dpal-brtsegs, bản này dùng từ དད་སམ་དུ་འདུས་པ། dad sam du 'dus pa : ý hướng, tâm nguyện hay nguyện vọng, có gốc དད་: tin cậy, tin tưởng.

Từ 意樂 ý lạc, Sanskrit cũng nói là āśaya, thuộc loại từ hỗn chủng khó dịch, thành lập do động từ căn ā-√śī nên Huyền Tráng thường phiên âm là ‘a-thế-da’, có thể dịch là ước nguyện, ước muốn, sự vừa lòng, thích ý, tự nguyện, có khi cũng được dịch là thâm tâm.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ sống chung do sự tự nguyện, nghĩa là có người nữ nào, đối với nhà người con trai, bản thân tin tưởng yêu thích, nguyện ở đó làm vợ, gọi là vợ sống chung do sự tự nguyện”.[31]

Luật tạng Bí-sô của Pāli gọi hạng vợ này là giữ gìn cho mục đích tham muốn: “hạng làm vợ được giữ lấy cho mục đích ham muốn[32], tức là người yêu giữ lấy người yêu sống chung.

Luật Thập tụng của Sarvāstivāda gọi hạng vợ này là ‘tự lai đắc’, luật ghi như sau: “Tự lai đắc自來得, nghĩa là có người nữ nào, do tự mình một lòng dính mắc ái lạc, đi đến dâng hiến, xác nhận là vợ”[33].

Bản Hán dịch Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da gọi là ‘tự lạc phụ’ và giải thích rằng:  “tự lạc phụ 自樂婦, hạng làm vợ do thân hành đi đến chỗ người nam mình thích, nói: ‘Tôi vui lòng làm vợ của ông’, người nam đó liền dẫn về, gọi là tự lạc phụ.”[34]

Các vị truyền thừa Luật tạng thuộc Mahiśāsaka (Hóa địa bộ/Di-sa-tắc bộ) nói hạng vợ này sống chung do sở thích, cụ thể là Luật Ngũ phần ghi nhận rằng: “tự nhiệm 自任, người nữ sống chung vì sở thích”[35] .

Còn các vị truyền thừa luật Tứ phần thuộc hệ Dharmaguptaka, nói rằng hạng vợ này tự nguyện làm tỳ nữ: “nói là tỳ 婢 (Tỳ nữ), nghĩa là Tự nguyện làm tỳ nữ: vui lòng làm tỳ nữ cho người khác”, điều này cũng có thể tìm thấy trong Luật tạng Bí-sô của Pāli: “vợ hạng nô tỳ, vừa là nô tỳ vừa là vợ”[36].

Sớ giải Luật tạng Bí-sô của Pāli về “vợ hạng nữ tỳ” giải thích cụ thể như sau: “Nàng được thuê làm việc trong nhà. Người đàn ông không hài lòng với vợ của mình rồi san sẽ cuộc sống gia đình với nàng”.

Tổng quát mà nói hạng vợ thứ tư này sống chung do bởi tự nguyện, sở thích hay sự tin cậy.

5/ Vợ sống chung vì thức ăn và y phục.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ năm là Y thực phụ 衣食婦, Pāli gọi là paṭavāsinī, nghĩa là làm vợ sau khi cho áo.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ sống chung vì thức ăn và y phục, nghĩa là có người nữ nào, đối với nhà người nam, do vì thức ănvà y phục, nguyện ở đó làm vợ, gọi là vợ sống chung vì thức ăn và y phục.”[37]

Luật tạng Bí-sô của Pāli không đề cập đến thức ăn chỉ đề cập đến y phục: “hạng làm vợ được giữ lại sau khi được cho y phục.”[38]

Sớ giải Luật tạng Bí-sô của Pāli nói như sau: “Vợ sống chung vì y phục: đề cập đến người đàn bà nghèo trở thành vợ sau khi nhận lấy y phục cho dù chỉ là tấm áo choàng.”

Luật Tứ phần thuộc hệ Dharmaguptaka, tương đương với hạng vợ này là hạng vợ làm nô tỳ để kiếm được y phục, luật chép:  “Làm nô tỳ để kiếm được áo: được trả giá bằng y phục”[39].

Các vị truyền thừa Luật tạng của Sarvāstivāda đồng quan điểm với Pháp uẩn túc luậnluật Ngũ phần ghi nhận rằng: “Y thực đắc衣食得, nghĩa là người nữ, không có khả năng kiếm sống, do bởi ăn mặc, đi đến dâng hiến, xác nhận là vợ, gọi là y thực đắc”[40].

Còn Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da, Nghĩa Tịnh dịch hạng vợ này là ‘y thực phụ’, văn luật chép rõ: “衣食婦 y thực phụ, nếu có người nữ, đồng nữ nào, đi đến chỗ người nam kia, nói rằng: ‘Ông nếu chịu cung cấp cho ta ăn uống và y phục, ta sẽ làm vợ của ông’, đó gọi là y thực phụ”[41].

Như thế, hạng vợ thứ năm này sống chung vì để tìm cầu thức ăn và y phục.

6/ Vợ sống chung do hợp tác mưu sinh.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ sáu là đồng hoạt phụ 同活婦, trong Luật tạng Bí-sô của Pāli không có hạng vợ nào tương đương, thay vào đó là kammakārī: hạng vợ nhân công/chấp tác.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ sống chung do hợp tác mưu sinh, nghĩa là có người nữ nào, đến nhà người nam, nói với người nam rằng: ‘Tôi đem thân này, nguyện xin phó thác cho nhau, những gì là của tôi, của anh, cùng chung không khác, hỗ tương sinh tồn, cho đến cuối đời, mong mỏi có con cháu, để sau khi chết thừa tự cúng tế’, gọi là vợ sống chung do hợp tác mưu sinh”[42].

Ngài Nghĩa Tịnh, trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da dịch là ‘cộng hoạt phụ’, văn luật chép: “cộng hoạt phụ 共活婦, nghĩa là có người nữ, đồng nữ nào đi đến chỗ người nam, nói rằng: ‘Những gì là tài vật của ta và tài vật của ông, hợp chung lại một để cùng kiếm sống’, đó gọi là cộng hoạt phụ”[43].

Luật Tứ phần thuộc hệ Dharmaguptaka nói hạng vợ này do làm nghề nghiệp chung: “Nô tỳ do hợp tác: Đồng nghiệp 同業, cùng sinh hoạt nghề nghiệp chung nhưng chưa làm lễ để thành vợ chồng.”[44]

Còn Thập tụng luật được truyền tụng bởi Sarvāstivāda, thì nói rằng đây là hạng vợ do hiệp chung tiền củađể sống: “Hiệp sinh 合生, nghĩa là có người nữ nào nói với người nam: ‘Tài vật của ông có, tài vật của ta có, nếu sinh con trai, con gái sẽ cung dưỡng ta, v.v..’ gọi là hiệp sinh”[45].

Về điểm này, Luật tạng Bí-sô văn hệ Pāli không đồng, hạng vợ này Luật tạng Bí-sô của Pāli gọi là “vợ nhân công”, văn luật ghi nhận như sau: “Vợ hạng chấp tác/nhân công nghĩa là vừa là nhân công vừa là vợ”[46].

Nhìn chung, trừ Luật tạng Bí-sô văn hệ Pāli ra, hạng vợ này sống chung vì mục đích sinh tồn hay vì hiệp chung tài sản để sinh sống.

7/ Vợ sống chung trong thoáng chốc.

Các luận sư Abidharma gọi hạng vợ thứ cuối cùng này là Tu du phụ 須臾婦, từ ‘tu du’ Sanskrit gọi là muhūrta, Pāli gọi là muhutta, có nghĩa là thời gian rất ngắn, một thoáng, một lát, một thoáng qua.

Bản dịch Tây Tạng འདུལ་བ་གཞི Ḥdul-ba gshi (Luật bản sự) dùng ཡུད་ཙམ་ yud tsam, trong tiếng Tây Tạng từ ཡུད་ཙམ་ yud tsam dùng để chỉ cho 1/30 thời gian của một ngày, được dịch Anh là: moment/ instant, có nghĩa là chốc lát hay thoáng chốc, dùng để phiếm chỉ thời gian rất ngắn.

Về hạng vợ này, Pháp uẩn túc luận giải thích: “Vợ sống chung trong thoáng chốc, nghĩa là có người nữ nào yêu thích đối với người nam, tạm thời làm vợ, gọi là vợ sống chung trong thoáng chốc”[47].

Luật tạng Bí-sô của Pāli ghi nhận như sau: “Vợ trong chốc lát: nghĩa là đề cập đến cuộc tình thoáng qua.”[48]

Luật Thập tụng giải thích là vợ chồng do gặp nhau trong một thoáng qua: “tu du đắc 須臾得, nghĩa là cùng gặp gỡ nhau trong một lát, đó gọi là tu du đắc”[49].

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da gọi là làm vợ tạm thời, ngài Nghĩa tịnh dịch là “tu du”, đồng với cách dịch của ngài Huyền Tráng trong Pháp uẩn túc luận, văn chép: “tu du phụ, nghĩa là người đó tạm thời làm vợ, đó gọi là tu du phụ”[50].

Tóm lại, hạng vợ này sống chung chỉ trong thoáng chốc hay nhất thời.

III/TỔNG KẾT.

Như vậy theo Luật tạng Bí-sô của Pāli ghi nhận có mười loại vợ, mà sáu hạng tương đồng với Pháp uẩn túc luận, còn lại bốn  hạng khác không tương đồng với luận này, đó là: 

Vợ hạng nữ tỳ (như đã giải thích ở mục 4)

Vợ như nhân công (như đã giải thích ở mục 6).

Vợ do nâng đỡ gánh nặng, Luật tạng Bí-sô của Pāli nói như sau: “Vợ do nâng đỡ gánh nặng nghĩa là sau khi lấy xuống tấm đệm lót ở đầu (để mang vác), (người đàn ông) giữ (cô ấy) sống chung (giống như vợ)[51].  Phần sớ giải Luật tạng Bí-sô của Pāli giải thích chi tiết: “vợ do nâng đỡ gánh nặng, nghĩa là cô ấy là người kiếm củi, v.v... Sau khi lấy xuống từ đầu của cô ấy tấm đệm lót để đội vật nặng rồi đem về sống chung ở trong nhà.”

-Vợ sống chung vì tài vật: “Vợ sống chung vì tài vật nghĩa là sau khi biếu xén tài vật, (người đàn ông) giữ (nàng) sống chung (như là vợ).”[52]

Như vậy, qua các hạng vợ trên chúng ta thấy được phần nào tập quán về hôn lễ ở Ấn độ thời Phật khá đa dạng, Thế Tôn cũng dạy rằng đối với những hạng người nữ của nguời khác, tức những hang vợ vừa trình bày ở trên và những người nữ được giám hộ bởi người khác, mà bất kỳ người đàn ông nào “ở nơi không được phép hành, hành phi đối tượng mà lại giao hội, cho đến vợ mình, hành nơi phi đạo, phi lễ tiết, phi xứ, và phi thời, đều gọi là tà hành trong các dục”[53].


Vô trụ xứ am, mùa An cư Đinh Dậu
Phước Nguyên

[1] Nikāya do động từ Ni-kāya: thân, bộ phận, phần, hiệp tập thành bộ loại.

[2] Định cú Pāli, A. 10. BhariyāsuttaṃSatta kho imā, sujāte, purisassa bhariyāyo. Katamā satta? Vadhakasamā, corīsamā, ayyasamā, mātāsamā, bhaginīsamā, sakhīsamā, dāsīsamā.

[3] Dharmaskandha, 阿毘達磨法蘊足論  A-tì-đạt-ma  Pháp uẩn túc luận, truyền thuyết Tôn giả đại Mục-kiền-liên soạn, Huyền Tráng dịch, 12 quyển. T26 No 1537, nơi khác nói là do Ārya-Śāriputra, tức Tôn giảXá-lợi-phất soạn. Bản Skt. hiện có thể đọc ở Fragmente des Dharmaskandha. Ein Abhidharma-Text in Sanskrit aus Gilgit, Dietz, Siglinde und Siglinde Dietz: Verlag: Vandenhoeck & Ruprecht, (1984). Bản dịch Tây Tạng: chos kyi phung po'i mdo ཆོས་ཀྱི་ཕུང་པོ་, trong Narthang Kanjur: Mdo sde, Delhi, volume 66, mdo sde (wa), Pages 79 – 94.

[4] Xem bản dịch Việt Pháp uẩn túc luận, Phước Nguyên dịch và chú thích, đối chiếu với bản Sansktit và Tây Tạng dẫn ở trên, thuộc Phẩm 1. Học xứ, mục điều khoản tà hành trong các dục. Cf. Hán dịch, Pháp uẩn 1, tr. 0456b.

[5] Định cú Pāli, (vin. iii, tr.139): Dasa bhariyāyo – dhanakkītā chandavāsinī bhogavāsinī paṭavāsinī odapattakinī obhaṭacumbaṭā dāsī ca bhariyā ca kammakārī ca bhariyā ca dhajāhaṭā muhuttikā.

[6] Thập tụng 3, tr. 18c14: 索得 sách đắc, 水 得 thủy đắc, 破得 phá đắc, 自來得 tự lai đắc,以衣食得 dĩ y thực đắc, 合生得 hợp sanh đắc, 須臾得 tu du đắc.

[7] A Catalogue of the Buddhist Tripitaka, Authors, Bunyiu Nanjio, Lokesh Chandra. Publisher, Lokesh Chandra, 1980

[8] Bagchi, S ed., Buddhist Sanskrit Texts No. 16, Mūlasarvāstivāda-vinayavastu, Darbhanga: The Mithila Institute, 1967.

[9]  Cf. Journal Asiatique, v.220, 1932.

[10] Về chi tiết xin xem: Shih-sung-lu and the Reconstruction of the Original Sarvāstivāda VinayaA Research Journal of the Department of Buddhist Studies, University of Delhi, Vol XV, March, 1991, biên tậpSanghasen Singh. p. 46 – 51.

[11]  Asiatic Research, Vol. xx, see pp. 45ff.

[12] Quyển 12, tr. 0686b15: thủy thọ, tài phinh, vương kỳ, tư lạc, y thực, cộng hoạt, tu du.

[13] Quyển 5, T23n1443, tr. 0932a01.

[14]  Tụng tóm tắt, T24n1459, tr.0624b07.

[15]  Vin.A. iii, 555.

[16] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[17] Thập tụng 3, tr. 18c17: 水得者, 若人捉手以 水灌掌與女作婦, 是名水得.

[18] Định cú Pāli (Vin. iii. tr.139): odapattakinī nāma udakapattaṃ āmasitvā vāseti.

[19] Cf. Sāratthadīpanī-ṭīkā-1, của Pāli Text Society (PTS).

[20] Dutt, Nalinaksa ed., Gilgit Manuscripts, Vol III. Delhi : Sri Satguru Publications,1984. Cf. Bagchi, S ed., Buddhist Sanskrit Texts No. 16 Mūlasarvāstivāda-vinayavastu. Darbhanga: The Mithila Institute, 1967.

[21] Căn bản, ibid., tr.0686b23tt.

[22] Tứ phần 1, nói hơi khác, (tr.583b)

[23] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[24] Định cú Pāli (Vin. iii. tr.139): Dhanakkītā nāma dhanena kiṇitvā vāseti.

[25] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[26] Định cú Pāli (Vin. iii. tr.139): Dhajāhaṭā nāma karamarānītā vuccati.

[27] Định cú Pāli, Vin.A..iii, 555 (Ṭīkā).

[28] Thập tụng 3, tr.18c18.

[29] Căn bản 12 ibid, tr.0686b23.

[30] Tứ phần 1, tr. 583b.

[31] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[32] Định cú Pāli (Vin.iii. tr.139): chandavāsinī nāma piyo piyaṃ vāseti.

[33] Thập tụng 3tr. 18c19-c21.

[34] Căn bản 12, ibid. tr. 686b27.

[35] Ngũ phần 2, tr.0012c13.

[36] Định cú Pāli (Vin.iii.tr.139): dāsī ceva hoti bhariyā ca.

[37] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[38]  Định cú Pāli (Vin.iii.tr.139): paṭavāsinī nāma paṭaṃ datvā vāseti.

[39] Tứ phần 1, tr. 583b.

[40] Thập tụng 3, tr.18c21.

[41] Căn bản 12, ibid., tr.932a17.

[42] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[43] Căn bản 12, tr. 686c02.

[44] Tứ phần 1, tr. 583b.

[45] Thập tụng 3, tr. 18c23.

[46] Định cú Pāli  (Vin.iii.tr.139):  Kammakārī nāma kammakārī ceva hoti bhariyā ca.

[47] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.

[48] Vin.iii.tr.139: Muhuttikā nāma taṅkhaṇikā vuccati.

[49] Thập tụng 3, tr.18c24.

[50] Căn bản 12, tr.686c04.

[51]  Vin.iii.tr.139Obhaṭacumbaṭā nāma cumbaṭaṃ oropetvā vāseti.

[52] (Vin.iii.tr.139): Bhogavāsinī nāma bhogaṃ datvā vāseti.

[53] Xem bản dịch Việt, Pháp uẩn, ibid., phẩm 1. Học xứ.


Âm lịch

Ảnh đẹp