02/07/2011 20:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 179951
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngạn ngữ trong Đạo đức kinh và Phật giáo thường sử dụng Long – Hổ để biểu thị công đức của những người tu hành: “ Đạo cao long hổ phục – Đức trọng quỷ thần kinh”.

Rồng đứng hàng thứ hai trong Thiên Long bát bộ bởi sức thần thông biến hóa của nó và là vua của biển sâu, thế giới nước chiếm 2/3 bề mặt địa cầu với nhiều bí mật; Hổ là chúa tể sơn lâm, vua trên rừng núi. Các vị sơn thần thường hóa hiện tướng Hổ để tuần du nơi cảnh giới của mình. Về căn bản của học thuật Phong thủy Thanh Long phía bên trái và Bạch hổ ở bên phải – Tả thanh long, hữu Bạch hổ. Rồng thì ở vị trí có nước và hổ phải ở trên khô cạn mới đúng. Phải nói hai linh vật này là biểu tượng mạnh và hung hãn nhất trong các loài (Trường hợp Rồng sợ Kim Xí điểu (Khẩn na la) xé thịt là do tính khắc chế truyền kiếp, nên khi gặp loài này thì rồng chỉ biết thu nhỏ lại để tẩu thoát)

Hôm nay bạn nhắn tin bảo cho tôi biết bạn muốn xây dựng một trang website Phật Giáo mới với tên gọi Phục Long mà tôi giật mình. Tôi không hiểu nguyên nhân cũng như động lực gì bạn lại tiếp tục muốn làm một trang báo mạng mới trong khi vừa mới xây dựng và đi vào hoàn thiện trang báo Gia Đình Phật Tử Từ Nghiêm. Chưa kịp nghe bạn giải thích, tôi đã ào ào ngăn cản bạn và khuyên bạn không nên tạo thêm nhiều trang báo trong thời điểm hiện tại mà theo tôi là đang có cả một rừng websites Phật Giáo đang hiện hữu trên xa lộ internet rồi. Chỉ với một trang báo Gia Đình Phật Tử Từ Nghiêm tôi đã thấy bạn quá khốn khổ, tội nghiệp đến chừng nào giờ tạo thêm trang Phục Long thì không biết bạn sẽ gánh làm sao nổi hết hai trang trong khi công việc làm ăn của bạn bận rộn đêm ngày. Tôi thương bạn và không muốn bạn khổ nên quyết can ngăn bạn liên tục khi bạn chưa có dịp tỏ bày ý tưởng cho tôi nghe.

            Đưa cho tôi xem giao diện mới của trang nhà Phục Long sau bao nhiêu đêm bạn thức trắng thiết kế và nghe tôi nói xong, bạn mới bảo tôi có thể ngồi nghe bạn giải bày được không? Tâm tôi lúc đó chỉ muốn nói và ngăn bạn nên chỉ mong bạn nghe tôi mà ngừng công việc đang làm. Tuy nhiên, tôi bất ngờ cũng như bàng hoàng khi bạn cho biết bạn làm trang Phục Long một phần cũng vì tôi. Bạn bảo trang gia đình Phật Tử Từ Nghiêm đã đi vào ổn định nên bạn muốn giao lại cho lớp đàn em kế thừa. Tuy nhiên, vì đó dù sao cũng là một trang của gia đình Phật Tử nên nội dung cũng có phần hạn hẹp theo khuôn khổ nguyên tắc của gia đình Phật Tử. Vì thế, bạn muốn làm một trang báo mới để tôi, một người không thuộc gia đình Phật tử và không biết nhiều về đạo pháp có thể thỏa sức vẫy vùng cũng  như kết nối nhiều bạn khác cùng đến đây tu học Phật pháp được tinh chuyên hơn để họ đỡ e ngại vì không dám đến trang báo của gia đình Phật Tử hay của một ngôi chùa nào đó.

            Nghe bạn nói vậy, tôi cảm động vô cùng nhưng tôi rất thương và lo cho bạn. Dù biết bạn thương tôi và tạo ra trang báo mới để tôi được làm những gì mình thích nhưng tôi không muốn vì chuyện này lại làm khổ bạn mình. Với cương vị là một giám đốc công ty, bạn tôi đã khổ lắm với bao nhiêu là núi công việc có tên và không tên bận rộn cả ngày. Vậy mà vừa xong công việc ở công ty, trở về nhà là công việc của một huynh trưởng gia đình Phật Tử và buổi tối là thời gian dành để làm website. Làm website bình thường hay báo bình thường đã mệt còn làm website Phật giáo càng mệt hơn. Tất cả mọi thứ bạn đều phải làm tất cả từ chuyện thiết kế, chỉnh sửa, điều hành, viết bài, dàn trang, tìm ảnh, bảo mật, trả lời thư từ đọc giả, đưa video, nhạc hay chuyển hàng loạt pháp âm. Người điều hành của một website lại chuyên tất cả các khâu khác thì tôi không hiểu bạn lấy đâu thời gian, tâm lực và trí lực để hoàn thiện nó trong khi bạn cũng chỉ có hai cái tay và một cái đầu.

            Với báo bình thường thì có thể đăng gì cũng được hay đưa ra những tin giật gân, tạo các vụ xì căng đan để thu hút đọc giả nhưng với báo Phật giáo thì không thể vậy được. Bài vở phải được tuyển chọn cẩn thận và tất cả đều là hướng đến cái tâm thanh tịnh cho người đọc.  Đã vậy mỗi đọc giả với một pháp môn tu hành và một sở thích khác nhau nên lời khen chê bình phẩm đủ kiểu làm bạn tôi ngày ngày phải tốn không biết bao nhiêu thời gian để trả lời, giải thích, đáp ứng, làm cho họ vui. Trong số những người bình phẩm, nhận xét này cũng có tôi và đôi khi tôi đã lấy đi một ít thời gian quý báu của bạn mình vì những lời nhận xét, ý kiến không đâu vào đâu nhưng bạn cũng bỏ thời gian ra giải thích cho tôi hiểu. Mọi người đến với trang báo đều có quyền ý kiến, đều có quyền đòi hỏi càng làm cho tôi lo cho bạn tôi hơn. Dù biết những yêu cầu của đọc giả là một tín hiệu vui vì họ có quan tâm đến trang nhà và các bài được đưa lên nhưng tôi biết đằng sau đó là cả một núi công việc để bạn tôi phải làm tất cả cũng chỉ mong mọi người biết và thực hành đạo pháp cho đúng.

            Giữa núi lời bình phẩm chỉ trích thì đôi khi cũng có lời khen ngợi làm bạn cũng vui ít nhiều. Tuy nhiên, niềm vui ấy lại là áp lực đặt lên đôi vai bạn tôi khi phải căng óc nghĩ suy xem sở thích của đọc giả như thế nào, căn cơ của họ ra sao và bài vở nên chỉnh sửa, nâng cấp làm sao giữa vô vàn lời pháp Phật để họ tiếp tục yêu thích, ủng hộ và cái quan trọng là sách tấn họ trong việc tu hành. Bạn cứ như con thoi chạy tới chạy lui, đầu óc lúc nào cũng căng lên như dây đàn và việc thức đêm thiếu ngủ là chuyện xảy ra như cơm bữa làm tôi lo cho bạn lắm. Tất cả mọi thứ cũng chỉ có một mình bạn làm tất cả bởi vì bạn không muốn người khác khổ và cũng thật ra không dễ gì để làm website Phật giáo. Nếu người không có tâm và niềm đam mê thì tôi nghĩ rằng họ sẽ chán nản và bỏ công việc làm website không sớm thì muộn vì chẳng ai muốn gánh việc tổn hại thân tâm tiền của vào người và còn phải nghe đủ thứ lời khen chê bình phẩm chẳng đâu vào đâu, đôi khi còn có sự chống phá của ngoại đạo. Rồi đến chuyện bảo mật, chỉnh sửa và phải làm việc đời thường liên tục để kiếm đủ kinh phí chi trả cho website khi không ai có thể giúp đỡ hay làm gì có cái gọi là quảng cáo như trên báo thường thì tôi không còn lời nào để khâm phục bạn mình.

            Tôi thầm nghĩ trang nhà của bạn chỉ nhỏ vậy mà bạn đã khổ vô cùng không biết những trang nhà Phật Giáo lớn khác với hàng núi bài vở cập nhật liên tục , tin tức thay đổi luân phiên, điều hành cả một guồng máy làm báo khổng lồ và vô vàn sự đòi hỏi khó tính của đọc giả không biết sẽ khổ biết chừng nào. Vậy mà các trang báo Phật giáo cứ mỗi ngày mỗi xuất hiện nhiều thì mới thấy tâm cúng dường làm vì Phật pháp của mọi người, trong đó có bạn tôi vĩ đại đến nhường nào. Bạn bảo với tôi dù làm rất khổ và mệt nhưng bạn vui lắm và đó chính là nơi giúp bạn giải trí, nghĩ ngơi sau những muộn phiền của cuộc sống. Còn dưới mắt tôi thì không biết đó là vui hay lại tiếp tục một sự hành xác khổ đau thân tâm mỏi mệt, cơ thể bạn ngày mỗi gầy mòn vì thức đêm quanh năm và làm việc quá nhiều. Một trang báo nhỏ tôi đã thấy bạn khổ lắm rồi giờ đòi mở thêm một trang báo mới với dung lượng và nội dung mở rộng hơn thì thời gian đâu bạn đi tìm bài, viết bài trong lúc chờ đợi và thu hút nhiều người đến giúp đỡ, hợp tác. Bạn bảo sẽ không sao vì bạn làm với tâm thành kính cúng dường thì chư Phật sẽ gia hộ cho bạn. Còn tôi, với một cái tâm hạn hẹp ích kỷ, tôi chỉ mong cầu cho chư Phật gia hộ cho bạn được khỏe mạnh, có chút thời gian cho bản thân mình và vui khỏe mà thôi còn chuyện trang báo có thế nào cũng không làm tôi quan tâm nhiều bằng sức khỏe và hạnh phúc của bạn.

            Dù nói và ngăn cản nhưng tôi rất xúc động với ý chí và nghị lực của bạn nên ủng hộ những công việc bạn đang làm và giúp đỡ bạn trong khả năng dù tôi chẳng biết sẽ giúp được gì hay chỉ quấy nhiễu bạn thì đúng hơn. Nếu việc tạo thêm trang nhà Phục Long làm cho bạn vui, hạnh phúc và dù sao đó cũng là một điều tốt thành tâm cúng dường lên chư Phật thì tôi sẽ giúp bạn hết mình. Nghe tôi nói vậy bạn cũng vui và hỏi ý kiến tôi trong việc chỉnh sửa trang báo dù tôi chẳng có kinh nghiệm gì. Điều đầu tiên tôi chất vấn là tại sao bạn lại đặt tên trang nhà là phuclong.net mà không phải là một tên Phật giáo nào đó cho thật hay và sống động, dễ thu hút đọc giả. Dưới cái nhìn thiển cận của tôi, tên Phục Long là không hay vì chẳng ai biết đó là website Phật Giáo và tôi còn nghĩ đó chẳng có liên quan gì đến Phật giáo cả. Thế là bạn lại bỏ thời gian ra giải thích và khai mở trí tuệ cho tôi về hai chữ Phục Long.

“Phục Long: Hai từ ghép trong danh xưng hai vị La hán Hàng Long – Phục Hổ.

            Ngạn ngữ trong Đạo đức kinh và Phật giáo thường sử dụng Long – Hổ để biểu thị công đức của những người tu hành: “ Đạo cao long hổ phục – Đức trọng quỷ thần kinh”. Loài Rồng đứng hàng thứ hai trong Thiên Long bát bộ bởi sức thần thông biến hóa của nó và là vua của biển sâu, thế giới nước chiếm 2/3 bề mặt địa cầu với nhiều bí mật; Hổ là chúa tể sơn lâm, vua trên rừng núi. Các vị sơn thần thường hóa hiện tướng Hổ để tuần du nơi cảnh giới của mình. Về căn bản của học thuật Phong thủy Thanh Long phía bên trái và Bạch hổ ở bên phải – Tả thanh long, hữu Bạch hổ. Rồng thì ở vị trí có nước và hổ phải ở trên khô cạn mới đúng. Phải nói hai linh vật này là biểu tượng mạnh và hung hãn nhất trong các loài (Trường hợp Rồng sợ Kim Xí điểu (Khẩn na la) xé thịt là do tính khắc chế truyền kiếp, nên khi gặp loài này thì rồng chỉ biết thu nhỏ lại để tẩu thoát)

            Hàng long, phục hổ là chế phục sức mạnh loài rồng và thuần hóa dã tính của loài hổ. Kinh Nhẫn nhục có dạy: “ Ánh sáng Nhẫn nhục mạnh hơn sức mạnh của mặt trời, mặt trăng. Rồng voi tuy gọi là mạnh nhưng so với ánh sáng Nhẫn nhục mười phần không bì được một” Chế ngự được cơn giận chính là thái độ hàng long; thường nhập Từ bi quán để hóa giải sự đối kháng tự thân làm hiển lộ công phu Vô Tránh tam muội thành đầm thắm hòa bình chính là công năng Phục hổ. Tu hành phải thường chiếu rọi vào tâm để hàng long, phục hổ. Từ ý tưởng này trang nhà Phục Long.net ra đời.”

            Bạn còn giải thích thêm cho tôi biết là trang Phục Long của bạn sẽ hoạt động theo phương châm đạo pháp và dân tộc, tất cả đều gắn liền với lợi ích của đất nước Việt Nam. Tên Phục Long với hình ảnh hàng long phục hổ còn gắn liền với truyền thuyết con rồng cháu tiên của người dân Việt Nam. Người Việt chúng ta tự hào là dòng giống con Lạc cháu rồng, con của cha Lạc Long Quân và của mẹ Âu Cơ sinh ra mười tám đời vua hùng dựng nên bờ cõi. Thêm vào đó, kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến của đất nước Việt Nam cũng từ truyền thuyết về rồng. Giờ trong Phật giáo thì rồng lại đứng hàng thứ hai trong Thiên Long Bát Bộ chuyên đi bảo vệ chánh pháp. Thì ra là như vậy. Không ngờ chỉ có hai chữ Phục Long mà lại ôm ấp, gắn liền với quá nhiều điển tích, ý nghĩa thâm sâu cả đạo và đời mà bạn trọn lòng thành kính muốn mang đến truyền tải chứ không phải như sự hiểu biết nông cạn mà tôi tưởng tượng và chỉ trích.

            Tôi hỏi bạn vậy tiêu chí và phương hướng hoạt động của trang báo của bạn là như thế nào. Bạn cho biết bạn không hy vọng gom cả thế giới vào một trang báo mà chỉ mong chắt lọc những tinh hoa của Phật giáo gắn liền với đời sống của mọi người và có thể giúp cho bất cứ ai dù là trình độ hay căn cơ tu học theo tông phái nào cũng cảm thấy gần gũi, tịnh thanh. Ở đây mọi người có thể đọc được kinh điển, các tin về Phật giáo nổi bật, nghe nhạc, nghe kinh, biết nấu các món chay, dinh dưỡng và sức khỏe cho bản thân mình và các nét văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Phật giáo trong và ngoài nước. Ở nơi đây sẽ là một trang báo ngắn gọn, cô đọng giúp mọi người cùng tu học Phật pháp, cùng đặt ra các câu hỏi và cùng trả lời, sách tấn lẫn nhau. Bạn muốn chắt lọc những gì bạn thích nhất về Phật giáo nhằm chia sẻ với mọi người và giúp cho các bạn khác, nhất là những bạn thiếu duyên bên tam bảo hay thiếu có kiến thức về Phật giáo như tôi không cảm thấy e ngại khi đến đây vì trang báo không thuộc về một ngôi chùa nào hay một vị thầy nào nên không phải câu nệ lễ nghĩa mà chỉ có bạn bè thân mật cùng trao đổi với nhau mà thôi. Đây là trang báo thấm tình đạo vị, chỉ có sẻ chia, học hỏi, giúp đỡ thân mật, nâng đỡ trong tình huynh đệ bạn bè chứ không phải giáo điều, dạy đời hay làm cho bạn đọc thấy e ngại sợ lo vì không quen đến một môi trường mới. Đặc biệt cứ mỗi đêm, bạn lại tìm một câu chuyện Phật giáo hay và bổ ích nhất để đăng tải cho mọi người đọc như trong truyện ngàn lẻ một đêm và đưa họ đi vào giấc ngủ với một chút suy nghĩ gì đó để chuyển tâm mình làm điều phúc thiện khi ánh bình minh ló dạng đón chào một ngày mới tươi đẹp ở phía trước.

            Nghe bạn nói vậy, tâm ích kỷ của tôi chuyển từ thương và lo sang cảm phục bạn không nói nên lời và cũng mong mình làm được chút gì đó tốt đẹp hơn theo gương của bạn. Tại sao bạn cũng chỉ có một cái đầu, hai cái tay và 24h đồng hồ như tôi mà bạn lại làm được nhiều việc có ý nghĩa như vậy. Nếu là bản thân, tôi chắc sẽ không bao giờ chịu làm và với bao sự khó khăn như thế, cho một đứa dốt Phật pháp và chuyên than thở như tôi làm thì sẽ là “vạn sự khởi đầu la” hay là “vạn sự khởi đầu nan” nhưng “gian nan bắt đầu nản.” Thế mới thấy làm một website Phật giáo là rất khó đối với tôi và chắc là với rất nhiều người vì cần có sự đam mê, thành tâm, kiên trì và nhẫn nại cũng như chịu đựng. Người làm website Phật giáo không phải là làm dâu trăm họ mà là làm dâu cho vạn họ vạn loài và tâm làm việc phải mở rộng bao la sẵn sàng đón nhận tất cả hòng giúp chở che, dìu dắt tất cả mọi người. Làm website Phật Giáo thì phải chấp nhận hao tổn tất cả trí lực, tâm lực, và tài lực. Tiền của để xây dựng và điều hành website là nhiều vô cùng, chỉ có biết chi ra chứ chẳng có một nguồn nào thu vào. Khó khăn khổ sở là vậy nhưng tại sao chẳng ai kêu than và từ bỏ mà chỉ mong xây dựng và mở rộng thêm để khổ sở và tiêu tốn thêm nhỉ? Đơn giản là tất cả những người làm website Phật giáo họ đều có tâm đại bồ tát, tâm xả bỏ rất cao, xả thân cầu pháp để cúng dường lên ba ngôi tam bảo chứ không phải có tâm ích kỷ, lợi mình trước tiên như tôi.  Do đó, việc làm website với họ là bình thường, không có gì là lớn lao phải kêu la, chẳng có khó khăn gì và nếu có khó khăn thì đó cũng chỉ là những cảm nhận thoáng qua như một sóng tâm gió thoảng mây bay mà thôi.

            Bạn hiền à, mình thành thật xin lỗi bạn rất nhiều vì sự suy nghĩ phiếm diện và ngăn cản bạn trong việc hoằng pháp lợi sinh. Mình thật là tệ vì đã không giúp được gì cho bạn lại còn mang tâm ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình rồi áp lên cho bạn. Cảm ơn bạn với tâm đại từ đại bi giáo hóa, khai mở thêm cho mình và để mình được hoạt động vẫy vùng và có bạn cùng tu trên trang nhà mới Phục Long của bạn. Mình xin cuối đầu khâm phục cũng như ngưỡng mộ bạn trong tất cả những việc bạn đang làm vì đạo pháp và dân tộc. Thế mới thấy xung quanh mình bao nhiêu là chuyện đẹp chuyện vui thấm tình đạo vị lại rất nhiệm màu chứ không phải là chuyện Phật hiện ra tỏa hào quang, tạo phép thần thông mà người ta đồn thổi, mê tín dị đoan, quỳ lạy, cầu khẩn mới là màu nhiệm. Mỗi ngày được lên trang nhà và đọc một câu chuyện đêm khuya cũng giúp mình tịnh tâm học hỏi được chút ít gì làm hành trang cho chính mình trên con đường tu tập nên mình vui lắm.

            Đối với mình, bạn và những ai làm các trang báo Phật Giáo chính là những bồ tát hóa sanh, là những hóa thân của bồ tát đi vào đời giúp cứu độ tất cả các chúng sanh đang mê lầm u tối như mình. Được làm quen và trò chuyện với những người như bạn là một phước duyên nhiều đời nhiều kiếp mình có được làm mình vui và hạnh phúc lắm. Lúc nào mình cũng thầm mong sẽ làm được gì đó giúp đỡ cho bạn, nhất là trong công việc hoằng pháp lợi sinh bạn đang làm và để học được chút ít hạnh buông xả theo gương của bạn. Mình mong sao sẽ có đủ thiện duyên và trí tuệ để đỡ cho bạn phần nào gánh nặng bạn đang mang dù mình biết đối với bạn đó không phải là một gánh nặng mà là một thiên phước. Mình xin thành kính nguyện cầu chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư hiền thánh tăng sẽ luôn trì từ gia hộ cho bạn được thân tâm an lạc, hạnh phúc, khỏe mạnh để tiếp tục làm việc giúp đời, phụng sự đạo pháp và dân tộc như tiêu chí mà bạn đưa ra. Mình cũng xin nguyện cầu cho trang nhà phuclong.net của bạn và các trang báo Phật giáo khác tiếp tục được đơm hoa trổ nụ, phản chiếu ánh hào quang của chư Phật phổ độ soi rọi vào tất cả các ngõ ngách dù chật hẹp, bé nhỏ và tối tăm trên khắp cõi ta bà này nhằm khai mở tâm trí mê lầm cho những ai đang lặn ngụp khổ đau trên dòng tử sinh luân hồi, trong đó có mình nữa nha bạn.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng

Nguon: daophatngaynay.com


Âm lịch

Ảnh đẹp