HỎI:Theo
khoa học, tướng mạo đẹp, xấu v.v… của một con người là do ảnh hưởng của
gien di truyền. Trong khi đó, quan điểm của Phật giáo thì cho rằng con
người hiện tại là kết quả của luật nhân quả. Xin cho biết những ảnh
hưởng nhân quả lên tướng trạng và giải thích rõ hơn về quan điểm này.
ĐÁP:
Thuyết
nhân quả là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Phạm trù nhân
quả rất rộng lớn, đa dạng, tương quan mật thiết và tác động lẫn nhau
trong thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì thế, để hiểu một cách sâu sắc
và toàn triệt về nhân quả, nhất là quả dị thục thì ngoài việc nghiên
cứu về phương diện lý thuyết cần phải thể nghiệm nhân quả bằng tuệ giác,
kinh nghiệm nội tại thông qua thiền định như các bậc Thanh, bởi quả dị
thục của nghiệp là một trong bốn phạm trù mà con người không thể tư duy
được (Kinh Tăng Chi Bộ I, phẩm Bổn pháp).
Nhân
quả nói đầy đủ là nhân-duyên-quả. Nhân là nguyên nhân chính, duyên là
những nguyên nhân phụ, quả là kết quả. Tiến trình từ nhân đến quả rất
phức tạp: nhân quá khứ trổ quả hiện tại; nhân quá khứ trổ quả vị lai.
Trong đó, duyên (nhân phụ) đóng vai trò rất quan trọng, chi phối mãnh
liệt đến quả, có khả năng làm lệch hướng kết quả so với nhân ban đầu. Do
vậy, nhận thức nhân quả phải dựa trên nền tảng, tương quan duyên khởi,
mỗi hiện tượng vừa là kết quả vừa là nguyên nhân, luôn chi phối lẫn nhau
vô cùng tận.
Con
người, theo Phật giáo là một hợp thể của vật chất và tinh thần (năm
uẩn). Nó là kết quả của quá trình vận động nhân quả-nghiệp báo. Quá
trình vẫn động này không đơn thuần là nhân nào quả nấy mà cả một chuỗi
nhân-duyên-quả tương tác qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau trùng
trùng điệp điệp để hình thành chúng sanh. Hai phương diện thân và tâm
(hình dáng và tính cách nói riêng) của một cá nhân là sự phản ánh trung
thực nhân quả-nghiệp báo của người ấy đồng thời nhân quả liên tục ảnh
hưởng và chi phối trực tiếp đến thân tâm, từng phút giây trong hiện tại.
Đành
rằng trong kinh điển Phật giáo có đề cập đến những loại nhân quả có
tính tương ứng nhất định như: “Quá đam mê sắc dục đời sau sẽ làm chim
sẻ, bồ câu; quá si mê đời sau sẽ làm lợn, dê, hay trêu ghẹo người đời
sau làm khỉ, vượn…” (Kinh Địa Tạng) hoặc “Người nào nhiều nóng giận,
phẫn nộ đời sau chịu xấu xí, người nào không nóng giận, phẫn nộ đời sau
được đẹp đẽ…” (Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ III). Vì nghiệp nhân
của mỗi người đều có thiện ác lẫn lộn nên có quả báo thiện ác, tốt xấu
xen lẫn như: Có người đẹp mà nghèo, có người xấu lại thông minh; có
người giàu lại nhiều bệnh; có giai đoạn thì cực khổ rồi giai đoạn khác
lại hanh thông v.v… Chỉ có một số ít người tốt đẹp hoặc xấu ác hoàn
toàn.
Tuy
nhiên, tất cả những gì xảy đến cho con người không phải hoàn toàn dựa
vào nghiệp nhân quá khứ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp nhân trong
hiện tại (nghiệp mới). Bởi nghiệp mới có khả năng chuyển hoá những
nghiệp cũ trong quá khứ, thậm chí có thể chấm dứt dòng sanh tử. Mặt
khác, một nghiệp nhân chưa hẳn đưa đến quả dị thục do thiếu duyên chẳng
hạn. Vì thế, “không thể nào lập được một bản liệt kê đối chiếu giữa các
loại nhân và quả bởi vì nhân và quả đều là duyên sinh mang ý nghĩa bất
định như các pháp hữu vi khác” (Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận,
Nhân quả, tr.247)
Do
đó, vấn đề tướng mạo đẹp xấu của con người, theo Phật giáo là kết quả
của những nghiệp nhân trong quá khứ và hiện tại. Tuy vậy, không nên nhận
thức đơn thuần theo cách nhân nào quả nấy một cách cố định mà cần nhận
thức nhân quả trong tương quan trùng trùng duyên khởi đồng thời phải
thấy được vài tro tích cực của nghiệp mới trong nỗ lực chuyển hoá nghiệp
cũ.
Về
phương diện khoa học, gien di truyền (AND) quyết định hình dáng đẹp xấu
của con người là kết quả nghiên cứu khoa học, được chứng minh cụ thể và
điều này không có gì mâu thuẫn với thuyết nhân quả. Bởi nếu xem bộ gien
là nhân thì những gì được bộ gien thiết lập chính là quả. Tuy nhiên,
nếu chỉ dựa vào nguyên lý vật chất duy nhất là gien di truyền để quyết
định tướng tạng đẹp xấu của con người trong suốt đời thì chưa đủ.
Đơn
cử có gia đình người cha da đen, mẹ da trắng sinh ra ba người con, một
da trắng đẹp đã và hai da đen xấu xí. Ba người con này có chung một bộ
gien di truyền nhưng do tính chất trội và lặn mà có người đẹp người
xấu.vậy ai hoặc cái gì chi phối việc “trội,lặn” của gien? Do trời hay số
phận? Phật giáo khẳng định do nhân quả-nghiệp báo của chính người ấy.
Ví dụ khác, hai người sanh đôi giống hệt (trường hợp một nhân tách làm
hai) nhưng vì hoàn cảnh nên từ nhỏ mỗi người sống một nơi. Hai mươi năm
sau gặp lại, người A cao to, khoẻ mạnh, thông minh và người B nhỏ
thấp,gầy yếu,chậm lụt.
Người
B vẫn mang trong mình bộ gien tốt nhưng do môi trường sống quá thiếu
thốn nên không phát triển đúng mức. Vậy thì bộ gien tốt vẫn chưa quyết
định hoàn toàn đến tướng trạng con người! Trường hợp khác, một người có
gien đẹp đẽ, thông minh lớn lên được như ý nhưng không may bị tai nạn,
trở thành tật nguyền, tàn phế. Trong khi có người sinh ra bị sứt môi
nhưng lớn lên đủ duyên lành phẫu thuật trở lại bình thường. Vậy thì
trong thời điểm hiện tại ai xấu, ai hạnh phúc, ai khổ đau?
Mặt
khác, con người ngoài thân thể vật chất còn có tinh thần. Gien di
truyền không quy định được tính cách, tâm lý vốn sanh diệt trong từng
sát na. Do vậy, gien di truyền chỉ là nhân quả của một giai đoạn, mang
tính thứ yếu, là một duyên trong việc quyết định tướng trạng hay thân
phận của đời người. Chính nhân quả-nghiệp báo của cá nhân mới quyết định
trọn vẹn đến các phương diện của đời sống.
Theo Tổ tư vấn/giacngo.vn