26/06/2011 16:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 96702
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính thưa quí Phật tử,

Như đã thông báo cũng như phổ biến mà chúng tôi cố gắng đã trả lời về việc mà nó đã gây một ảnh hưởng rất lớn đối với người tu hành theo tông Tịnh Độ, giữa câu Phật hiệu " Nam Mô A Di Đà Phật" và " Nam Mô A Mi Đà Phật". 



Theo lịch sử của Phật giáo cũng như từ điển Hán - Việt của Phật Học chưa bao giờ có ghi là "A Mi Đà", chắc cũng có lẻ sẽ không lâu đâu, chúng ta sẽ tìm thấy rải rác đâu đó sẽ được nhóm người tự cho thánh hiệu của Đức Từ Phụ A Di Đà nên sửa đổi là A Mi Đà mới đúng, và chính tay họ sẽ tự đưa vào từ điển. Sự việc trước mắt như vậy rồi, mà có một số người lại vô tri hùa theo tư tưởng cải mới???

Như chúng tôi đã giải thích, Phật thì chẳng có tướng làm gì có danh, mà lại là A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật. Nếu chúng ta là người thực hành chơn chánh, thì với tâm thanh tịnh thì niệm câu Phật nào cũng là Phật thôi, chứ không hề sai khác. Ở thế gian thì trọng cái danh, nhưng trong Phật Pháp thì trọng cái tâm. Còn nữa, mong rằng những ai chủ trương nên cải mới câu Phật hiệu A Di Đà Phật thành A Mi Đà đừng bao giờ mượn chữ chơi chữ nữa nhé. Vì sao? Vì sẽ có người bảo rằng: " Nhất thiết do tâm tạo?". Nếu bảo như vậy, thì chính bản thân của người thực hành cũng đừng xưng niệm danh hiệu Phật, hành bái sám, tụng kinh....v.v... để làm gì cho phiền toái. Cứ làm những chuyện đảo điên và khi xong rồi thì "Nhất thiết do tâm tạo" thì được rồi. 

Đứa bé khi chào đời cũng phải theo thứ trình mà phát triển, từ bò, tập đi, rồi mới chạy, hoàn toàn không có thể nào chạy trước khi đi. Người mới học Phật cũng phải theo từng lớp mà hấp thụ tuỳ theo căn cơ của từng mỗi cá nhân mà chọn những pháp thích ứng cho chính bản thân, rồi tinh tấn hành trì. Nếu như đi đúng phương Pháp mà Đức Thế Tôn đã dạy thì may ra tâm mờ mịt kia sẽ được tỏa sáng đôi chút, chớ đâu thể nào có chuyện" Nhất thiết do tâm tạo". Người đồ tể sát sanh quá nhiều, khi nghe được người bảo hãy đọc "Nhất thiết do tâm tạo" là ông sẽ khỏi đọa vào đường ác. Quí vị có cho thật có đạo lý nầy? Người đồ tể kia nếu muốn được "Nhất thiết do tâm tạo" thì trước tiên người này phải hiểu thấu đáo câu "Nhất thiết do tâm tạo" mà quan trọng là ông ta phải biết cái tâm của mình đang ở đâu? Phải hiểu rõ ràng về cái tâm của ông ấy, thì may ra mới "Nhất thiết do tâm tạo". Còn chỉ biết đọc xuông theo người ta thì chúng tôi tin chắc rằng chỉ có thể là: "Nhất thiết do nghiệp lực" mà thôi.

Chúng tôi sẽ không nói nhiều về ở đâu đâu, những đạo lý thâm sâu như nói: "Nhất thiết do tâm tạo". Vì chúng tôi chưa lên bờ vẫn còn lênh đênh trên biển sanh tử thì phải ôm thuyền chứ không thể nào bỏ thuyền được. Nhưng nếu là người đã lên bờ thì thuyền cũng chỉ là vật chướng ngại mà thôi. Tuy nhiên, những ai tự cho mình đã lên bờ thì tất nhiên không cần thuyền nữa, nhưng xin nhớ một điều rằng, những người đang trên thuyền không như người đã lên bờ. Đừng bao giờ dùng phương pháp bỏ thuyền để dạy họ. Vì sao? Vì nếu không có thuyền, những người này sẽ rơi vào biển nghiệp, thật tội nghiệp thay. Xin hãy thận trọng.

Vấn đề thật giữa câu Phật hiệu A Di Đà và A Mi Đà thật là đơn giản, nhưng không biết tại sao có quá nhiều người lại hoang man và lo lắng (đối với người tu hành theo Tịnh Độ tông). Theo chúng tôi thì quí vị chưa có đủ lòng tin nơi Phật Pháp cũng như chưa có lòng tin đối với những bậc tiền bối đã đi trước. Lòng tin của quí vị chỉ là lòng tin tạm thời và lòng tin ấy phải theo một số đông thì quí vị mới cảm giác an toàn. Thử hỏi chỉ có bao nhiêu đó, thì sao quí vị muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc kia, để vĩnh viễn thoát khỏi vòng luân hồi? Muốn vãng sanh về thế giới kia, quí vị phải có lòng tin chắc chắn, phải hội đủ ba việc: TÍN, HẠNH, NGUYỆN, tròn đầy thì mới mong ra khỏi luân hồi. Thử nghĩ xem, Phật giáo đâu phải mới xuất hiện ở nước ta trong đôi mươi năm, nói cách khác tông Tịnh Độ đâu chỉ mới lập thành tông trong vài mươi năm, mà quí vị lại hoang man, mà Phật giáo và tông Tịnh Độ nói riêng đã là gốc rễ ăn sâu vào lòng của tín đồ Phật giáo, hay rộng ra là khắp mọi người. 

Chữ Buddha là tiếng Phạn mà phải gọi cho đủ là Buddhabhardra - Phật đà bạt đà la nghĩa là giác Hiền, tóm lại là người giác ngộ. Có người bỏ rất nhiều công sức cũng như thời gian để khảo cứu để chứng minh rằng Phật là sai mà phải là Bụt. Tuy nhiên quí vị thử hỏi mọi người bình thường chẳng biết gì Phật lý chữ Bụt là gì. Tôi tin chắc rằng họ sẽ trả lời; Bụt là một vị thần tiên râu tóc bạc phơ. Vì sao vậy? Vì từ Bụt, trong văn hóa Việt Nam cũng như trong tâm thức của người Việt từ Bụt chỉ để chỉ một vị thần tiên mà thôi. Nhưng hỏi về từ Phật thì ai ai cũng biết ngay là Phật giáo. Như vậy, dù là đúng hay sai cũng không cần thay đổi. 

Thầy Trí Tịnh bảo trong bài để biện minh cho ý tưởng mới của thầy, khi bảo: "Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Ðà Phật, khi chuyên niệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng". 

Xin hỏi ngay rằng niệm Phật để làm gì? Để cho vần với âm niệm hay để thoát luân hồi. Nếu như câu trả lời là để vần âm điệu thì hoàn toàn không gì để nói. Còn nếu câu trả lời là vì thoát sanh tử mà trì danh thì cần phải nói. Còn nữa, nếu thuận lòng là nên dùng từ BỤT thì phải niệm là Nam Mô A Mi Đà Bụt mới chính xác, thế thì sao lại đổi một từ mà giữ lại một từ mà không thể giữ nguyên như cũ như bao bậc tiền bối đã làm. Nếu cho chữ "DI" là sai thì hoàn toàn câu Phật A Di Đà phải đổi cho đúng chính xác hết. 

Câu Phật hiệu này được người Trung Hoa viết như vậy:南無阿彌陀佛 - Nam Mô A Di Đà Phật, mà ai ai nếu là tín đồ Phật giáo cũng đều biết đến. 

Nhưng hãy xem cho kỷ từ Mô (無) từ này không phải là VÔ (Không) sao? nếu nói là sai thì phải niệm như thế này: Nam Vô A Mi Đà Bụt. Nếu như bảo là sai mà sửa lại được như vậy thì hoàn toàn không có gì để nói. Nhưng ở đây chỉ sửa từ DI thành MI mà thôi. Rõ ràng là khi niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" thì từ DI này là chướng ngại cho âm điệu, vậy thì đây là sự chướng ngại từ nơi tâm, chớ hoàn toàn không phải chướng ngại do dùng sai danh từ. Quí vị bảo niệm Nam Mô A Mi Đà Phật nhanh hơn là niệm " Nam Mô A Di Đà Phật". Kỳ thật niệm Phật mà còn tâm tham ở đây nữa, phải nên biết, không phải niệm nhiều là được vãng sanh, mà người niệm ít thì không được vãng sanh. Phải nhớ cho kỹ điều này. Nếu như quí vị dùng tâm để niệm, xả bỏ vạn duyên chướng ngại, thì chỉ cần niệm 10 niệm cũng được vãng sanh. Ở đây không phải do nhiều hay ít mà được vãng sanh. Mà chú trọng nơi tâm lực của người hành trì. Tuy biết rằng, trong Kinh dạy, niệm danh hiệu của Đức Phật nhiều thì sẽ được sanh vào hoa sen lớn phẩm cao. Nhưng phải rõ rằng, đó là nói việc trì theo tâm lực của người đó. Quí vị niềm nhiều nhưng chẳng hiểu nghĩa của câu Phật hiệu thì cũng bằng không. Tâm tham, tam sân, tâm si, không xả thì niệm nhiều để làm gì? Nguyện thứ 18 có nói chỉ cần chúng sinh trong mười phương hết lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước của Ngài thì chỉ trong mười niệm, đều được vãng sanh. 

Lại nữa chữ Di Lặc - 彌 (trong thánh hiệu của Phật Di Lặc), đã nói chữ DI là sai thì phải đổi luôn chữ Di Lặc thành Mi Lặc mới đúng. Chớ sao lại đổi hiệu của đức Từ Phụ A Di Đà mà không đổi hiệu của Đương Lai hạ Sinh Di Lặc Phật?

Câu Phật Hiệu A Di Đà Phật, tiếng Phạn là: Namo Amitabha, mà người Trung hoa dịch âm là Namo A Mi Tuo Fo, nếu chúng ta dịch theo âm tiếng Phạn thì có thể dịch như vậy: Nam Mô A Mi Thà (Đà) Phật, còn nếu dịch theo âm Hán thì phải dịch Nam Vô A Di Đà Phật. Do đó, có lẻ cổ đức hòa dung cả hai nên thành Nam Mô A Di Đà Phật.

Ở trên chỉ để giải thích cho xác nghĩa của câu Phật hiệu. Chớ để tâm chú trọng vào việc đúng sai. Ở đây chúng tôi chỉ giải thích để qúi vị có cái nhìn khái niệm. Quan trọng ở đây là những người niệm Nam Mô A Di Đà Phật thuở xưa cũng như ngày nay có được thanh tịnh hay không và có được vãng sanh hay không mà thôi. Nếu như lịch sử đã chứng minh, sách vở đã ghi chép đều có, thì cần chi họa thêm chữ MI vào? Thật là dư thừa và tội lỗi. Tại sao? Vì gây hoang man cho không biết bao người, còn nữa những người chưa thấu suốt giáo lý, đem ra bàn cãi, tranh chấp ..v.v... quí vị nghĩ có phải tội lỗi không?

Thầy Trí Tịnh lại mang sự Phật chứng để biện minh không thể thuyết phục được nếu dùng Giáo lý của Phật để đo thì không hợp lý. Phải nên biết giáo lý của Phật Đà là một giáo lý giác ngộ, chẳng phải thần quyền hay mê tín. Khi bảo rằng

"Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn... "

Chúng tôi không dám bảo là không có thật hay có thật, mà chúng tôi chỉ nói theo nền giáo lý của Phật Đà. Nếu bảo là Phật cũng ấn chứng với ý nghĩ của thầy là nên dùng chữ Mi để thay cho chữ Di thì đức Phật còn là Đức Phật nữa không? Vậy thì những người niệm từ thưở xưa đến nay niệm Phật hiệu gì? Cũng như theo lịch sử những người niệm Phật vãng sanh thì chẳng phải Phật rước hay sao? Còn nếu nói không chấp vào danh tự, thì tại sao Đức Phật lại báo điềm lành cho nổi chữ A -mi trên trời xanh cùng với ý tưởng mới là cổ đức đã sai nên nay phải thay đổi. Trong khi đó, Đức Phật là bậc đại giác, vạn Pháp đều không, mà không cũng đều có. Thì tại sao lại còn phân biệt là có, không, sai và đúng ...v.v...., trong khi đó Ngài tất phải biết danh hiệu của Ngài là A Di Đà, Vì ai ai cũng niệm danh hiệu này, cho dù có sai, nhưng tâm thức của họ chính là đức Phật của thế giới Cực Lạc về Phương Tây. Quí vị thử nghĩ có mâu thuẫn không?

Lại nữa, nếu cho rằng có sức mầu nhiệm gia hộ của thánh chúng, mà chữ A-mi nổi lên trời xanh và chỉ nổi lên từ phương Tây, khi nhìn về phương khác khi không thấy chỉ thấy ở phương Tây. Nếu đã là điềm lành lẻ tất nhiên phải thấy bất luận ở phương nào, xin đừng bảo rằng vì Phương Tây là thế giới Cực Lạc. Vì Phật đâu còn mê như chúng sanh, và ích kỷ như vậy, nhìn về chỗ ở của mình thì thấy, khi nhìn về quốc độ khác thì không? trong Phật giáo đâu có đạo lý này.

Như chúng tôi đã nói, là không chú trọng vào đúng hay sai, mà là quan trọng ở nơi thật hành và quy cũ. Cổ đức từ xưa đã như vậy, bậy giờ cũng như vậy, vị lai cũng cố gắng như vậy, cần chi thay đổi để thêm rắc rối và gây ảnh hưởng đến nhiều người. 

Tóm lại, nếu ai tha thiết muốn thoát vòng sanh tử luân hồi, thì cố gắng giữ tâm của mìinh và theo cổ đức mà hành, chứ nên đem đề tài này ra phiếm diện, mỗ xẻ đúng sai. Vì tất cả đều là vô ích, chẳng giúp ích gì cho việc tiến tu cũng như việc cầu vãng sanh của mọi người. Mà hãy thật hành y như pháp, hội đủ Tam Lương, TÍN- HẠNH- NGUYỆN, để vĩnh viễn thoát ra khỏi vòng ma lực giăng bủa khắp mọi nơi.

Như đã trả lời, nhưng còn có nhiều Phật tử còn thắc mắc, nên gởi mail về hỏi. Do đó, chúng tôi một lần nữa cố gắng trả lời như trên, hy vọng rằng sẽ giúp ích được một số người nào đó, đang cũng có tâm hoang man và thắc mắc như vậy. 

Sau cùng, chúng tôi tha thiết kêu gọi quí vị, những ai đang hành và sẽ theo tông chỉ của Tịnh Độ thì hãy cứ yên tâm hành trì theo cổ đức, cứ việc niệm Phật hiệu là "Nam Mô A Di Đà Phật" hết lòng thành kính, tha thiết cầu vãng sanh, nếu như có một ai làm đúng như lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, hành thiện tránh ác, nhưng lại đọa lạc, không được vãng sanh vì niệm Phật hiệu sai, thì tôi nguyện gánh hết những tội lỗi mà hôm nay tôi cố gắng giải thích để duy trì Phật hiệu là "Nam Mô A Di Đà Phật" gây nghịch duyên cho người mới phát chánh tín cầu vãng sanh đối với Phật hiệu.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi mọi người rằng; cũng đừng đem đề tài này để bàn cãi nữa, vì sẽ không giúp ích gì cho việc tiến tu của mình. Ai làm sao thì cứ tùy họ vậy, còn đối với bản thân thì cứ y Pháp mà hành. Nếu như còn có người tự thắc mắc cho rằng nếu điều ấy là sai, thì sao lại có người theo v.v.... Thì hãy tự hỏi với mình rằng: " Hút thuốc thật sự có hại cho sức khỏe hay không? Sao lại có nhiều người dẫu biết là có hại mà vẫn cam tâm tình nguyện vướng vào". Tất cả cũng chỉ đều do nghiệp lực của mỗi cá nhân khác nhau mà thôi.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Nam Mô Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát!!

Trân trọng,

Tịnh Quang
  
 
 
A Di Đà Phật Hay A Mi Đà Phật?
  http://www.trangnghiemtinhdo.net/adidaphathayamidaphat.html                
            
 
 


Âm lịch

Ảnh đẹp