Chia sẻ và có tấm lòng
Chớ thân cận bạn ác Chớ thân kẻ tiểu nhân Hãy thân người bạn lành Hãy thân bậc thượng nhân. (Kinh Pháp Cú, câu78)
Bạn
bè ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều. Vì vậy, việc chọn bạn để kết giao
sẽ quyết định đến sự tiến bộ của chúng ta. Qua kinh nghiệm của chính bản
thân, chúng ta có thể thấy được mức độ tác động của bạn bè đối với
chúng ta như thế nào. Hãy nhớ lại những khi chúng ta bị rơi vào tình
trạng rối khổ và chiêm nghiệm xem những lúc ấy do chúng ta kết thân với
những người bạn không xứng đáng nên đã chuốc lấy những rắc rối, đau khổ
đó như thế nào. Tương tự như vậy, hãy nhìn lại những hạnh phúc và những
hiểu biết mà chúng ta có được do sự thân cận với những người bạn có
lòng.
Những
phẩm chất nào để nhận biết đó là người bạn tốt? Những người nào chúng
ta nên tránh né? Ðể ngắn gọn, chúng tôi xin trình bày một đoạn trích từ
kinh Thiện Sanh nói về tình bạn. Xem xét từng điểm và suy nghĩ
trong mối liên hệ đến những sự việc cụ thể trong cuộc đời, chúng ta sẽ
có được một hiểu biết rõ ràng về những mối quan hệ bè bạn của chúng ta.
Mặc
dầu những điểm sau đây chỉ cho thấy những phẩm cách mà chúng ta cần xem
người bạn của chúng ta có hay không; điều không kém quan trọng là chúng
ta cũng phải kiểm tra xem bản thân mình có hay không có những phẩm cách
này. Ðây là cách hướng dẫn rất thực tiễn, chỉ cho chúng ta những tính
cách nào tự thân chúng ta cần nên diệt trừ và những phẩm cách nào tự
thân chúng ta cần nên trau dồi. Nhờ vậy, những người tốt sẽ tìm đến
chúng ta để cùng làm bạn tốt với nhau.
Bạn xấu có bốn hạng, những người này thật ra là kẻ cừu địch giả vờ làm bạn đó thôi:
1. Loại bạn đến với chúng ta tay không và khi đi thì trong tay phải có. Ðó là những kẻ:
- Thăm chúng ta với ý định lấy đi cái gì đó.
- Tặng chúng ta ít thôi và mong muốn nhận lại nhiều.
- Chỉ giúp chúng ta khi bản thân họ đang bị nguy hiểm.
- Liên hệ với chúng ta chỉ vì những động cơ vị kỷ.
2. Loại bạn đầu môi chót lưỡi và loại tình bạn mỏng như cánh chuồn. Ðó là những kẻ:
- Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về quá khứ.
- Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về tương lai.
- Tìm cách đạt được những lợi ích từ chúng ta bằng cách xung phong giúp đỡ những lúc chúng ta không cần sự giúp đỡ.
- Những khi chúng ta cần giúp đỡ thì họ nêu lên nhiều lý do để thoái thác và không chịu ra tay.
3. Loại bạn nịnh hót và giả vờ quan tâm, săn sóc chúng ta. Ðó là những kẻ:
- Khích lệ chúng ta khi chúng ta làm những điều không tốt.
- Ngăn cản chúng ta khi chúng ta làm những điều tốt.
- Ở trước mặt thì khen ngợi chúng ta.
- Ở sau lưng thì chỉ trích chúng ta.
4. Loại bạn đưa chúng ta đến chỗ sa đọa. Ðó là những kẻ:
- Làm người đồng hành với chúng ta trong các buổi ăn chơi, hút sách.
- Lang thang ngoài phố với chúng ta trong đêm hôm tăm tối.
- Cùng đi xem với chúng ta những buổi biểu diễn không lành mạnh.
- Ði chơi cờ bạc với chúng ta.
Có
những quan hệ bằng hữu cởi mở và thân thiết với những hạng người như
trên thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn, rắc rối. Tốt hơn là chúng ta
nên giữ một khoảng cách an toàn nhưng không nên chỉ trích họ. Mặc dầu có
thể cho rằng một hành động nào đó là không tốt, chúng ta không thể nói
người đã làm hành động đó là một người độc ác, không thể dung thứ. Vẫn
có lòng bi mẫn và có những mong ước tốt đẹp đối với người đó, nhưng
chúng ta nhất định không chịu đồng hành vì chúng ta biết rằng nếu đồng
hành với người như vậy chúng ta sẽ phải đi về một hướng mà chúng ta
không muốn đi.
Cũng
theo cách trên, Ðức Phật miêu tả những phẩm chất của người bạn tốt. Ðó
là những người mà chúng ta có thể tin tưởng và nương tựa. Nhờ vào việc
kết thân với những người như vậy, chúng ta sẽ có hạnh phúc và sẽ tiến
bộ. Ðiều quan trọng không kém việc tìm những người bạn có những phẩm
chất cao thượng là chúng ta cũng phải tự tu tập những phẩm chất cao
thượng nơi tự thân.
Bốn dạng bạn có lòng tốt là:
1. Người bạn giúp đỡ chúng ta. Ðó là những người:
- Nhắc nhở mỗi khi chúng ta cẩu thả hoặc lơ đễnh.
- Bảo vệ tài sản của chúng ta.
- Che chở và an ủi chúng ta trong những lúc chúng ta sợ hãi.
- Giúp đỡ nhiều hơn mức độ mà chúng ta yêu cầu.
2. Người bạn quan tâm tới chúng ta trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Ðó là những người:
- Tin cẩn chúng ta.
- Giữ kín những tâm sự riêng tư mà chúng ta đã thố lộ.
- Không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta lâm nạn.
- Có thể hy sinh thân mạng cho chúng ta.
3. Người bạn khích lệ chúng ta đi theo đường chánh đạo và làm cho chúng ta trở nên người tốt hơn. Ðó là những người:
- Phản đối khi chúng ta làm những việc quấy ác.
- Khích lệ khi chúng ta làm những việc lành thiện.
- Tạo điều kiện cho chúng ta nghe những lời dạy hữu ích.
- Chỉ cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc.
4. Người bạn có lòng bi mẫn và cảm thông. Ðó là những người:
- Cảm thông cho chúng ta những khi chúng ta thất bại.
- Hân hoan đối với những thành công và phát đạt của chúng ta mà không ganh tỵ.
- Phản bác những ai nói xấu chúng ta.
- Tán thưởng những ai nói tốt chúng ta.
Mặc
dầu những điều được trình bày ở trên rất sơ lược và chúng ta có thể có
cảm giác rằng đó là những điều chúng ta đã học từ lâu rồi, từ khi còn
bé; nhưng điều quan trọng là hãy suy xét lại những mối quan hệ bằng hữu,
những hành động của chúng ta đối với tình bằng hữu để đánh giá lại mức
độ mà chúng ta đã thực hiện những lời khuyên ở trên như thế nào. Nhờ vào
việc ghi nhớ và áp dụng những lời dạy ở trên vào những hoàn cảnh cụ thể
trong đời sống, chúng ta sẽ biết rõ ràng hơn về bản thân của mình và sẽ
có được một định hướng rõ ràng hơn để tu tiến.
Thương yêu và chấp thủ
Người
ta không hiểu làm sao mà hai lời dạy có vẻ trái ngược - lời dạy về
không chấp thủ và lời dạy về lòng thương yêu của Ðức Phật - không bị mâu
thuẫn với nhau. Làm sao chúng ta có thể yêu mến một người mà không cảm
thấy dính mắc với người ấy?
Không
chấp thủ là một trạng thái thăng bằng của tâm thức, nhờ đó chúng ta
không phóng đại những phẩm chất của những người mà chúng ta thương mến.
Nhờ một cách nhìn chính xác hơn về người thân mà những vọng tưởng phi
thực tế và cả sự chấp thủ của chúng ta tan dần đi. Như vậy, chúng ta
thương yêu người khác vì họ là họ chứ không phải vì những điều mà họ đã
làm được cho chúng ta. Tấm lòng không còn tính chất thiên vị của chúng
ta sẽ mở rộng đến tất cả mọi người, mong rằng mọi người đều có hạnh phúc
chỉ vì mọi người là những con người cụ thể như vậy. Tình cảm ấm áp
trước kia chỉ dành cho một số người nào đó bây giờ có thể mở rộng cho
nhiều người.
Tuy
nhiên, những người có nhiều điểm giống nhau sẽ dễ dàng trò chuyện hay
trao đổi quan điểm với nhau. Chúng ta dễ hiểu biết và dễ giúp nhau tiến
bộ. Có lẽ chúng ta dành nhiều thì giờ với những người này hơn là với
những người khác. Vì vậy, họ là bạn của chúng ta mà không cần đến sự
vướng mắc hay chấp thủ. Cần nhắc rằng, điểm trọng tâm của tình bạn như
vậy là để cùng nhau tiến bộ chứ không phải để làm thỏa mãn những mong
muốn vị kỷ của chúng ta.
Không
phải dễ gì mà chúng ta thoát khỏi thói quen chấp thủ. Vì vậy, thoạt
đầu, tình bạn của chúng ta là một hợp thể gồm sự chấp thủ và tình thương
yêu chân thật. Nhưng khi chúng ta nhận thức được rằng sự chấp thủ là
lỗi lầm thì chúng ta sẽ cố gắng loại trừ nó. Sự chấp thủ lúc ấy không
còn tạo nên những rắc rối trong tình bằng hữu giữa chúng ta. Phẩm chất
của tình bằng hữu như vậy sẽ càng lúc càng được nâng cao.
Giúp đỡ bạn bè
Ðiều
quan trọng là chúng ta cần phải nhạy cảm đối với những nhu cầu và những
mong muốn của bạn. Ðiều này phải gắn liền với việc tôn trọng phẩm cách
riêng của cá nhân người ấy. Chúng ta cũng phải từ bỏ thói quen vị kỷ và
thói quen mệnh lệnh sau mỗi khi làm được điều gì cho người khác. Ngay
khi chúng ta suy nghĩ nhiều về tư lợi và lơ là với lợi ích chung của
tình bạn thì những rắc rối bắt đầu phát sinh.
Ðôi
khi chúng ta rơi vào trạng thái tâm lý “ta được gì? ta được gì?” và
nhìn bất cứ người nào và bất cứ vật gì cũng theo chiều hướng là ta được
gì từ người ấy, vật ấy. Lơ đễnh hay vô ý thức đối với những tác động tốt
hay xấu của chúng ta đối với người khác, nhưng chúng ta lại có ý thức
rất mạnh mẽ đối với những lợi ích hay những tai hại mà người khác có thể
làm cho mình. Thái độ tâm lý như vậy luôn luôn tạo nên những rắc rối
giữa ta với người; dù người khác có tốt cách mấy và làm bao nhiêu việc
cho chúng ta thì chúng ta cũng không cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta sẽ trở
nên cáu kỉnh, không thỏa mãn và làm cho mình, cho những người chung
quanh trở nên khốn khổ.
Trạng
thái tâm lý “ta được gì? ta được gì?” trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta
bước vào một gian phòng có nhiều người lạ mà ta chưa từng biết mặt. Khi
ấy phải chăng chúng ta thường suy nghĩ: “Ta cần làm gì để những người
này được lợi lạc? Những người này cần những gì? Ta có thể giải tỏa được
những đau khổ nào cho họ?” Chúng ta cần trung thực để nhận ra rằng,
thông thường, cách nhìn vị tha như vậy rất mờ nhạt trong tâm mình, thay
vào đó chúng ta bị đắm chìm vào những tính toán: “Ai là người có thể
giúp cho mình? Những người này có làm hại và hạ bệ ta không? Ồ, người
trông rất sang trọng đằng kia sẽ ưa thích ta không?”.
Sẽ
thú vị nếu chúng ta dừng lại một phút trước khi bước vào những nơi đang
có nhiều người để quán niệm: “Trong kiếp sống này và trong nhiều kiếp
sống trước, tất cả mọi người đã có lòng tốt đối với ta. Giờ đây ta có cơ
hội để đối xử tốt lại với họ. Gương mặt của những người này dù có khác
nhau như thế nào đi nữa thì họ đều giống nhau ở chỗ là nhiều lần họ cảm
thấy bất an và muốn được người khác nhận ra phẩm chất đích thực của họ.
Họ mong muốn được thừa nhận rằng họ là những cá nhân xứng đáng. Giờ đây
ta sẽ sử dụng thời gian này hiện diện với họ và làm cho họ tất cả những
gì mà ta có thể làm được”. Những cảm giác mà chúng ta có được trong
những cuộc phỏng vấn, trong những buổi tiệc vui và trong những buổi họp
mặt sẽ rất khác so với những giai đoạn trước đây, nếu chúng ta siêng
năng thực tập quán niệm như thế.
Dần
dần chúng ta sẽ hình thành nên thái độ tâm lý “cho và cho”, tức là
thường hay suy nghĩ về những gì mà chúng ta có thể cho người khác. Khi
có thái độ như vậy, những vấn đề khó khăn sẽ không có vẻ to lớn nữa, và
chúng ta cảm thấy hạnh phúc với bất cứ người nào hiện diện. Do đó, những
người khác cảm thấy có hạnh phúc và mến mộ chúng ta và chúng ta có một
sự an vui tận tâm hồn, thấy đời sống trần gian có nhiều ý nghĩa.
Nhạy
cảm đối với những vui buồn của người khác phải bao hàm việc ý thức được
khi nào mới nên nói và nên nói chuyện gì. Ðừng hoang phí thì giờ của
người khác bằng những câu chuyện quàng xiên vô bổ. Ðiều này tưởng chừng
như dễ làm nhưng thật sự không dễ như chúng ta tưởng. Coi chừng trường
hợp chúng ta tự nghĩ rằng chuyện gì đó là quan trọng và thú vị, trong
khi người kia lại không nghĩ như vậy. Có ý tứ về những tính cách riêng,
tư ý và khuynh hướng của người khác khiến chúng ta trở nên chín chắn
hơn.
Trở
nên chín chắn và rộng lượng không nhất thiết có nghĩa là kiềm hãm sự
phát triển cá nhân của chúng ta để chỉ làm những điều mà người khác
muốn. Chúng ta phải nhận ra được sự khác biệt giữa một bên là thái độ tử
tế với người khác phát xuất từ lòng lân mẫn chân tình đối với họ và một
bên là phủ nhận giá trị của tự thân, làm điều mà người ta muốn chúng ta
làm với mục đích là được lòng mọi người. Trước khi có được một tấm lòng
lân mẫn, chúng ta phải có được một tư cách biết tự trọng.
Mặt
khác, lòng tự trọng không giống tánh vị kỷ. Trong khi lòng tự trọng
giúp chúng ta nhận ra được nhân vị của bản thân thì lòng vị kỷ khiến
chúng ta đeo đuổi theo những hạnh phúc của cá nhân mình, xem chúng là
quan trọng hơn tất cả hạnh phúc của người khác. Muốn tìm một điểm thăng
bằng giữa sự tự phủ nhận bản thân và tánh vị kỷ thì hãy thiết lập lại sự
bình đẳng cơ bản của chúng ta với tất cả những người khác: Tất cả đều
tìm kiếm hạnh phúc và tránh xa những rối khổ. Tất cả đều có những phẩm
chất tốt đẹp và những nhược điểm. Tất cả mọi người trên đời đều đáng
được tôn trọng vì tất cả mọi người đều là những sinh thể có linh tánh.
Áp lực trang lứa
Áp
lực trang lứa có nghĩa là đông đảo người cùng độ tuổi với chúng ta đều
làm một điều gì đó và họ yêu cầu chúng ta làm giống như họ, khiến chúng
ta bị áp lực phải nghe theo để tránh tình trạng bị cô lập hay bị xem là
lập dị hoặc bị số đông chống đối, ghét bỏ. Ðó là ý nghĩa của từ ‘áp lực
trang lứa’ được dùng ở đây.
Mặc
dầu chúng ta thường nghĩ rằng, áp lực của những người cùng một thế hệ
hay đồng song chỉ xảy ra trong giới trẻ, thật ra nó tác động tới chúng
ta bất kể tuổi tác và bất kể chúng ta kết giao với ai. Không ai cảm thấy
vui vẻ khi bị chê trách hay bị hiểu lầm; bất kỳ ai cũng đều muốn người
khác nghĩ tốt về mình. Mặc dầu biết rằng không nên chú ý tới khi có
người giễu cợt hay chỉ trích, chúng ta vẫn cảm thấy lo lắng về những
điều mà người kia có thể đã nói về mình. Ðể ngầm tự bảo vệ, chúng ta
tham gia vào những hoạt động của tập thể những người cùng trang lứa để
tạo mối dây thân hữu và tránh được sự đối chọi của số đông.
Cốt
lõi vấn đề là lòng tự tin của chúng ta. Khi dựa vào lời khen của người
khác để cảm thấy an ổn thì tình trạng tâm lý của chúng ta cứ phải dao
động theo những điều gì mà người ta khen hay chê. Chúng ta trở nên rất
dễ bị tổn thương và rất dễ bị tác động vì không biết rõ chúng ta nương
tựa vào cái gì, tin vào cái gì và có biết rõ đi nữa thì chúng ta cũng
không có đủ tự tin và dám bộc bạch trước mặt mọi người.
Chúng
ta cần phải suy nghĩ sâu sắc một sự thật là người ta khen chúng ta tốt
thì lời khen ngợi đó thật ra không làm cho chúng ta tốt, người ta chê
chúng ta xấu thì lời chê bai đó thật ra cũng chẳng làm cho chúng ta xấu.
Khen ngợi và chê bai chỉ là những ảnh tượng và những tư ý của người
khác; chúng không thuộc về chúng ta. Chúng ta cần phải tự xem xét thái
độ và hành vi mà chúng ta đã thể hiện để có được một cái nhìn chân thực
về cá nhân mình. Bằng cách đó, chúng ta có thể tự thẩm định những ưu thế
và những nhược điểm của bản thân.
Nếu
một người nào đó chỉ chính xác được những chỗ yếu kém và sai lầm của
mình thì cũng chẳng có gì phải căng thẳng. Chuyện đó không khác gì
chuyện người ta nói rằng: “Có cái mũi nằm giữa khuôn mặt của bạn”. Thật
ra, cái mũi đã nằm đó tự thuở nào rồi, ai cũng thấy. Cố gắng giấu đi
những sai lầm của mình là điều sai lầm và vô ích. Khi người nào đó nói
ra sự thật mà ai cũng thấy, thế mà chúng ta cảm thấy bị xúc phạm thì quả
thật vô lý. Việc đơn giản là thú nhận rằng chúng ta phạm sai lầm và
thành thật xin lỗi, thế thôi.
Ngược
lại, nếu một người nào đó giễu cợt rằng có một cái lỗ tai lừa mọc trên
đầu thì chúng ta cũng không nên cảm thấy bị xúc phạm, vì rõ ràng rằng
người đó phạm sai lầm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta bị chỉ trích về
một chuyện mà mình thật sự không làm hoặc là ai đó thổi phồng điều sai
trái mà chúng ta thật sự có làm ở mức độ nhỏ hơn thì cũng không cần phải
tức giận. Ðiều mà người ấy nói là không đúng, thế thôi.
Tất
cả chúng ta đều có những phẩm tính tốt đẹp, và điều quan trọng là hãy
phát huy nó. Tuy nhiên, ngạo mạn về những tài năng và những thành tựu
của chúng ta là phi lý, vì những tài năng và những thành tựu đó có được
là do lòng tốt của nhiều người. Nếu không ai dạy bảo cũng không ai giúp
đỡ thì chúng ta đã không thành công như thế. Khi chúng ta có khả năng
thừa nhận những sai lầm của mình mà không bực phiền thì chúng ta cũng có
khả năng tiếp nhận lời khen ngợi mà không kiêu ngạo. Ðức Phật đã dạy:
Như tảng đá kiên cố, Không gió nào lay động; Cũng vậy, giữa khen chê, Người trí không lay động. (Kinh Pháp Cú, câu 81)
Dù
cho bị người chê trách hay được người khen ngợi, nếu giữ được sự quân
bình tâm lý thì chúng ta đều có thể đánh giá và học hỏi từ những điều mà
người ta khen chê. Và nhờ đó chúng ta có được một hình ảnh thực sự và
rõ ràng hơn về bản thân. Ðược như vậy, chúng ta sẽ vững vàng hơn trong
việc đối phó với những áp lực trang lứa vô bổ. Một yếu tố khác nữa giúp
chúng ta thêm tự tin là sự nhạy bén về những giá trị đạo đức. Khi nhạy
bén về mặt đạo đức thì chúng ta không bị mù mờ và nhận ra được những
tình huống có chứa mầm mống sa đọa. Và như vậy, chúng ta sẽ không là nạn
nhân của những áp lực nguy hại của người khác, dù họ là số đông. Nếu
suy nghĩ sâu xa về những điểm ưu thắng và những điểm bại hoại của một
hành động nào đó, chúng ta sẽ rạch ròi trong những quyết định để bảo vệ
những giá trị đạo đức. Ngay cả khi người ta chỉ trích hay bêu riếu vì
chúng ta không tham gia vào những hoạt động không lành mạnh của họ thì
trạng thái tâm lý của chúng ta vẫn vững vàng, vì biết rằng điều mà chúng
ta đang làm là đúng đắn. Ðể có được một sức tự tin vững chắc và có
chiều sâu về những giá trị đạo đức, chúng ta phải suy tư và quán xét rất
nhiều.
Giãi bày những giận hờn
Ðôi
khi chúng ta cần phải giãi bày những giận hờn đối với bạn bè. Làm sao
chúng ta có thể làm được việc này một cách tốt đẹp mà không làm nặng nề
bạn bè với những khó khăn, bực dọc và những cảm giác có hại cho chúng
ta. Ðôi khi chúng ta cần phải “Tuôn hết ra,” và một người bạn tốt sẽ là
người biết lắng nghe với một tấm lòng rộng mở và thương yêu.
Trình
bày những nỗi khó khăn của mình cho những người thân yêu nghe thì tốt.
Nhưng chẳng tốt chút nào nếu chúng ta tống một mớ bòng bong những cảm
xúc của mình lên tấm lòng bạn khiến cho bạn hoang mang và rối mù. Chúng
ta cũng chẳng nên kể lể những khổ sở của mình cho bạn bè chỉ để họ thông
cảm và đồng ý rằng ai đó đã bất nhẫn và tệ bạc đối với chúng ta. Làm
như vậy chỉ khiến cho sự tự thương cảm của chúng ta thêm trầm trọng và
vấn đề vẫn còn y nguyên!
Bước
đầu là thừa nhận và chấp nhận rằng chúng ta có nỗi khổ, có cảm giác
buồn khổ hay bị mất định hướng; bước thứ hai là giải tỏa chúng. Một
trong những phương sách là tìm đến bạn bè tâm sự để được những lời
khuyên chân thật và có tính cách xây dựng. Chúng ta sẽ đón nhận những
lời bình luận của bạn bè ngay cả khi bạn bè nói rằng chúng ta đã phạm
sai lầm và chính chúng ta là người gây nên nỗi khổ đó. Bạn bè giúp chúng
ta bằng cách nói cho chúng ta biết mỗi khi chúng ta thổi phồng câu
chuyện, thổi phồng một chi tiết nào đó, hay mỗi khi chúng ta cố chấp.
Người bạn chân thật sẽ không nói rằng chúng ta đúng đắn khi sự thật là
chúng ta đã sai lầm và qua đó sẽ giúp chúng ta trong việc xác định đâu
là vấn đề và giải quyết chúng.
Biết
được giá trị của việc kết giao bằng hữu tốt, chúng ta sẽ chọn lựa những
người bạn có ảnh hưởng tốt đối với bản thân. Hơn nữa, chúng ta cũng
phải cố gắng làm giảm tối đa những điều sai quấy của bản thân và rèn
luyện để thăng tiến những phẩm chất tốt đẹp để có thể trở thành người
bạn tốt đối với người khác. n
(Theo Thupten Chodron - Taming the Monkey Mind)
Thích Minh Thành
Nguyệt San Giác Ngộ 184