21/02/2012 14:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 138807
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Năm 1951, quê tôi gọi là Năm Cháy Làng. Một cuộc trả thù khủng khiếp giội xuống đầu lũ dân đen vô tội. Đạn đại bác và súng cối bắn xối xả. Tiếp đó là quân Pháp vào làng càn quét. Nhà cửa bị đốt sạch. Nhưng riêng đình chùa thì không kẻ nào xâm phạm. Nhưng rất lạ lùng là không có ai chết. Và lạ nhất là có một quả đạn súng cối đâm thủng tường sau chùa, găm vào bệ dưới chỗ ông Bụt ngồi, nhưng không nổ. Dân chúng càng tin vào sự linh thiêng của thần Phật.


Làng tôi cũng như bao làng, có ngôi chùa nhỏ bốn mùa hương khói. Lối vào có cái ao trồng hoa súng. Quanh chùa cây cối sum sê. Chùa rất rêu phong cổ kính. Mái ngói cong cong. Nóc chùa có đắp rồng chầu nguyệt. Trên đỉnh có bảng chữ nho ghi ba chữ: "Trúc Lâm Tự". Trong chùa ngoài đức Phật, đức Ông, đức thánh Trần… còn có thờ một vị nữ thánh không nơi nào có. Dân làng vẫn gọi là đức Thánh Bà. Trong chùa có đến hai tượng đức Thánh Bà (nguyên nhân việc này sẽ nói ở dưới). Nhưng hỏi đấy là ai thì không ai biết cả. Chỉ có truyền thuyết về đức Thánh Bà người người đều nhớ.

Nguyên xưa kia trời làm lụt lội (quê tôi gần sông Hồng), sóng nước mênh mông, có cây gỗ lớn trôi… ngược dòng! Một người đàn bà làng Sại (tức làng tôi) và một người đàn ông làng Chiệc (cách làng tôi vài dặm) vớt được, kéo vào bãi đất rộng, gọi là bãi Hạ Mã thì cây gỗ gãy làm đôi. Người đàn ông làng Chiệc mang nửa gốc về làng tạc tượng đức Thánh Ông, còn người đàn bà làng Sại mang nửa ngọn về tạc tượng đức Thánh Bà, đều để thờ ở chùa làng mình. Vì cùng sinh ra từ một gốc, nên hai làng là anh em. Trai gái hai làng không bao giờ lấy nhau. Cây gỗ ấy là gỗ mít, vậy dân quê vẫn kiêng từ „mít”, quả mít thì gọi là quả „thơm”. Hai tục lệ đến nay vẫn còn giữ được. Nhưng chuyện ấy xẩy ra tự bao giờ? Cha tôi kể, ngày nhỏ có hỏi cụ tội. Cụ trả lời: „Không biết từ đời nào. Tao xưa đã hỏi ông tao, nhưng ông tao cũng bảo thế”!

Đình chùa làng tôi tương đối cổ. Vữa xây vẫn còn làm theo phương pháp cổ truyền, trộn đường mía với vôi, chứ chưa biết dùng xi măng. Tiếc rằng ngày xưa chữ nghĩa chẳng có. Không ai ghi chép lại rõ ràng là xây năm nào. Chỉ nghe các cụ kể, thời bấy giờ tiền nhân tôi làm lý trưởng. Làng có một người họ Lê làm nghề buôn gỗ. Dân làng đặt mua gỗ của ông xây đình. Xây đình xong vẫn thừa nhiều gỗ, họ Lê đem ra xây lại chùa. Đến khi thanh toán, làng chỉ trả tiền gỗ xây đình, vì văn tự hợp đồng chỉ viết thế. Họ Lê nhất định  không chịu. "Muốn lấy lại gỗ thì ra mà dỡ chùa" – dân làng lý sự. Nhưng chùa chiền xây rồi thì ai dám dỡ. Họ Lê liền đi kiện. Thời xưa có câu "một đời kiện, ba đời thù". Họ Lê cuối cùng thua kiện, phải bỏ làng mà chạy. Mãi đến tận đời cháu mới có một chi hồi hương.

Tương truyền chùa làng tôi nổi tiếng là thiêng. Những năm hạn hán, làng Chiệc và làng Sại anh em cầu mưa (thời ấy gọi là cầu đảo). Dân hai làng rước Đức Thánh Ông và Đức Thánh Bà đến gò Hạ Mã ngày xưa cúng tế. Sau đó thì trời bao giờ cũng đổ mưa. Các cụ kể rằng, có lần làng tôi mưa như đổ nước, trong khi mấy làng vô phúc bên kia sông vẫn nắng chang chang, được mỗi cái chân cầu vồng cắm  xuống!

Một năm vỡ đường, nước ngập cả chùa. Có mấy đứa trẻ con đi mò cá, vào chùa, trèo lên bệ ngồi nghỉ, rồi vô ý đánh đổ Đức Thánh Bà. Tượng trôi ra sông, dạt vào làng bên. Thế là sinh ra tiếng đồn đại rằng làng Sại có kẻ bê tượng quẳng ra sông. Thời ấy người Pháp đã sang ta. Đạo Thiên Chúa đã tương đối thịnh hành. Làng Sại có một vài nhà nhà bỏ tín ngưỡng của tổ tông, mang đức chúa Giê Xu về thờ. Người đứng đầu đạo gọi là ông Trùm. Nhưng  trên làng Chiệc có một người làm đến chức tuần phủ. Được tin dưới "làng em" có kẻ bê bụt quẳng ra sông thì luận rằng: "Chỉ có mấy thằng theo Giê Xu mới dám bê phật quẳng xuống sông, chứ ngoài ra ai có gan làm việc đó". Liền nổi giận, dẫn lính tuần xuống làng Sại, tìm ông Trùm đạo để đánh. Bắt được thủ phạm, trói lại, đánh gần chết rồi thì hóa ra không phải thủ phạm. Quan tuần phủ bắt phải em ông Trùm. Còn ông Trùm sợ quá, trốn biệt tăm tích. Sau này chết ở đâu cũng không ai rõ. Làng từ đó hết đạo Thiên Chúa.

Lại kể đến việc tượng Đức Thánh Bà trôi sang làng bên cạnh. Dân ở đấy vớt được thì không trả, mà mang ngay vào chùa làng mình thờ. Làng Sại không đòi được, phải tạc tượng mới. Nhưng một thời gian sau, ở làng vớt được tượng sinh ra toàn chuyện quái gở, người và súc vật chết dịch như đổ tường, và tất nhiên cho rằng đấy là thánh vật. Liền đưa tượng đức Thánh Bà vào khám rước trả. Họ sợ đến mức không dám lấy khám về, thành thử đã không được thánh còn thiệt cả khám. Tham lam thần thánh đâu có được. Chùa làng tôi có hai tượng đức Thánh Bà là vì thế.

Năm 1951, quê tôi gọi là Năm Cháy Làng. Bấy giờ Ta còn đánh nhau với Tây. Cách làng tôi không xa, khoảng hơn một cây số theo đường chim bay, có bốt của Tây. Một hôm có thằng lính dõng (người Việt thuộc quân đội Pháp) lảng vảng vào làng. Các cụ kể rằng thực ra nó đi chim gái. Bấy giờ có mấy ông Việt Minh phục kích bắn chết. Các ngài bắn chết kẻ địch rồi rút chạy. Thế là một cuộc trả thù khủng khiếp giội xuống đầu lũ dân đen vô tội. Đạn đại bác và súng cối bắn xối xả. Tiếp đó là quân Pháp vào làng càn quét. Nhà cửa bị đốt sạch. Nhưng riêng đình chùa thì không kẻ nào xâm phạm. Nhưng rất lạ lùng là không có ai chết. Và lạ nhất là có một quả đạn súng cối đâm thủng tường sau chùa, găm vào bệ dưới chỗ ông Bụt ngồi, nhưng không nổ. Dân chúng càng tin vào sự linh thiêng của thần Phật.

Ảnh minh họa

Khi cách mạng thành công, nhân dân ta một lòng theo Đảng, Bác. Chính quyền mới phát động phong trào chống mê tín dị đoan. Trong vùng đình chùa miếu mạo bị phá hủy gần hết. Những ngôi còn lại biến thành kho tàng, trường học, nhà mẫu giáo…. Chùa quê ngoại tôi bị đào đến tận chân móng, tượng Phật lẳng cả xuống sông. Riêng đình chùa làng tôi vẫn trơ trơ. Bởi vì thiêng như vậy thì mấy ông cách mạng theo chủ nghĩa vô thần cũng khiếp sợ mà không dám động đến. Mãi sau này ngôi đình bị sụt mất gian hậu cung. Được chính quyền bật đèn xanh, nhiều người ra phá lấy gạch, ngói, gỗ, đá về dùng.

Năm phá đình ông nội tôi đã ốm nặng chỉ nằm trên giường, không đi lại được. Nghe tin thì bảo con cháu rằng: "Đình chùa, nếu người ta bảo xây thì xây, bảo đóng góp thì đóng góp. Còn bảo phá thì không đứa nào được động đến". Vì thế gia đình tôi không ai can thiệp vào việc đó cả. Một thời gian sau xảy ra nhiều việc lạ lùng. Mấy người tích cực nhất trong việc phá đình đều chết bất đắc kỳ tử. Có người ung thư mà chết, có người bị xe cán chết, có người tự nhiên mọc bướu ở cổ rồi chết, lại có người vẫn khỏe mạnh, vừa sáng ra vẫn lừa vịt ngoài đồng, quá trưa đã thấy bảo chết rồi, không rõ bệnh gì. Chẳng biết có phải họ bị thần thánh vật hay không, nhưng người ta cứ nói thế. Những ai lấy của đình đều khiếp đảm mà mang trả hết.

Năm 1982 nhà nước lại phát động phong trào chống mê tín dị đoan. Bọn thày tướng, thày cúng, bói toán, nhẩy đồng… đều bị bắt giam hết. Chùa làng Sại cũng trong danh sách phải phá. Cha tôi đi bộ đội về phục viên, nhưng vì không có đảng viên, nên ở xã chỉ được làm đến trưởng ban văn hóa (vẫn gọi đùa là ban "cờ đèn kèn trống"). Nhưng như vậy cũng là to lắm rồi. Cha tôi là trưởng ban văn hóa duy nhất trong tỉnh không có đảng. Là người trực tiếp chịu trách nhiệm phá chùa, nhưng cha tôi hết lòng bảo vệ. Bọn cán bộ trên tỉnh, huyện về hạch sách thì cha tôi hoặc tránh mặt, hoặc chống chế, hoặc tỏ cho họ hiểu sẽ làm việc này việc kia, nhưng thực ra không làm…Chùa lại được tai qua nạn khỏi.

Thời thế thay đổi. Khoảng gần hai thập niên lại đây, nơi nơi đình chùa miếu mạo đều được kiến thiết mở mang, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đình làng tôi tất nhiên cũng được dân chúng góp công góp của khôi phục. Bấy giờ tôi còn lưu lạc ở châu Âu, chưa thể về. Ông nội tôi đã mất. Cha tôi vẫn còn hận với dân làng về việc phá đình, không nghe lời ông tôi tham ra đóng góp. Dân chúng vì thế mà bàn tán. Cha tôi nghe tin, ra đình tuyên bố: "Đình chùa làng này là do ông cha tôi xây nên. Các người đã tự tiện phá đi thì phải tự xây lại. Không can hệ gì đến gia đình tôi cả". Mọi người nghe nói đều im bặt. Đình xây lại có to hơn, nhưng không được đẹp như xưa.

Tôi mãi vài năm sau mới được được hồi hương lần đầu. Ra chùa nhìn cảnh vật vẫn như cũ thì lấy làm cảm động. Chỉ có đền Mẫu Liễu Hạnh mới được xây thêm bên cạnh (nghe nói có nhẩy đồng). Trong chùa còn lập bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa rất tiếc là đã quá ọp ẹp, rất cần được tu sửa gấp. Tôi đã bàn với cha tôi: "Nhà mình nên công đức sửa sang lại chùa". Cha tôi nói: "Việc ấy hãy thư thả". Lý do là vì chùa không có sư. Những người trông nom chùa không được cả mười phần chu đáo. Ngoài ra cha tôi không đồng ý với việc mang Mẫu Liễu Hạnh vào chùa. Muốn thờ Mẫu Liễu Hạnh nên xây đền chỗ khác. Một là vì chùa làng từ xưa không bao giờ có việc nhẩy đồng. Hai là theo truyền thuyết cũ  - truyền thuyết mới dường như đã bị bàn tay vô hình nào đó lược bớt – chúa Liễu Hạnh thuộc loại giăng gió. Đem bà vào chùa ở với đức Phật Thích Ca sao cho tiện? Thực ra việc ấy nhiều nơi đã làm, và không phải từ bây giờ. Âu cũng là điểm kém tế nhị vậy.

Ngày tháng thoi đưa. Giả sử chùa được thần thánh linh thiêng che chở, tránh được những cái ngu dốt của người đời thì cũng không cưỡng lại được sự hủy hoại của thời gian. Cuối cùng thì chùa cũng sắp đổ. Kèo cột bị mối mọt đục rỗng, phải lấy gỗ chống lại. Đương lúc dân làng lúng túng thì đón được sư. Nữ thày là người tu hành từ Huế ra, gương mặt từ bi hiền hậu, giọng nói dễ thương, tuổi còn rất trẻ. Bà con phấn khởi, thi nhau đóng góp xây chùa. Cha tôi trong số ít người bách niên giai lão nhất làng, lại còn cả hai ông bà, nên được mời ra đặt chân móng. Và bắt đầu bằng việc xây lại ngôi nhà tổ đẹp đẽ khang trang. Nhưng dân quê rất nghèo, đóng góp chỉ có hạn. Xây chưa xong, ngân quỹ đã cạn kiệt. Đương tưởng phải bỏ công trình thì bỗng nhiên được một khoản tài trợ đáng kể. Nguồn tài trợ ấy là do… gia đình tôi công đức.

Tết năm nay nhân dân phấn khởi. Nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho cả làng. Tôi cũng về quê ăn Tết, nhưng hôm ấy không ra chùa. Chỉ nghe nói sư phụ đặt gia đình tôi lên đầu danh sách. Không muốn thiên hạ nghị dị, tôi bảo mẹ tôi phiền sư phụ đưa tên họ gia đình tôi xuống phía dưới. "Nhà mình công đức không phải vì cái danh kiểu ấy. Công đức là công đức chứ không cần cầu khẩn đổi lại bất cứ điều gì" – tôi nói. Mẹ tôi lên chùa về, bảo đã nhờ sư phụ việc ấy. Sư phụ gật đầu đồng ý. Nhưng hôm sau nghe nói sư phụ vẫn cứ đọc nhà tôi đầu tiên. Nếu vậy thì cũng là hết nhẽ.

Tôi xa quê từ năm mười bốn tuổi và càng ngày càng xa. Giờ thì mái tóc đã điểm sương. Thỉnh thoảng về thăm quê, lũ trẻ mới lớn không biết là người làng. Quê hương đã hoàn toàn thay đổi. Cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng dòng sông quê hương ô nhiễm, cánh cò xưa không thấy, lũy tre xanh cũng chẳng còn. Chỉ có cảnh chùa là còn vướng vất một chút ít hình bóng quê hương của thời thơ ấu.

Trương Đình Toe

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-giao-va-doi-song/chuyen-chua-ke-ve-su-thieng-cua-mai-chua-lang-toi.html


Âm lịch

Ảnh đẹp