10/10/2011 08:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 233746
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Bất cứ thời đại nào thanh thiếu niên cũng là mầm non tương lai của tổ quốc và dân tộc, đạo Phật cũng thế.


Bởi vì thanh thiếu niên là lực lượng góp phần duy trì và phát triển đất nước và đạo pháp. Do đó công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ nhất là đối với thanh thiếu niên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất cần thiết.


Thực trạng thanh thiếu niên hiện nay

Với lứa tuổi thanh thiếu niên, một bộ phận không nhỏ hiện có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động. Họ không lễ phép với người lớn, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thiếu tình với bạn bè, quyến thuộc.

Tệ hơn, một số khác thích sống hưởng thụ, đam mê nếp sống nhục dục, ăn chơi trác táng, không lễ phép, không giữ gìn nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cha ông. Đại bộ phận thanh thiếu niên không có ý niệm về tội - phước, nhân - quả. Không ý thức được lẽ sống ở đời.

Rất đáng tiếc, nhận thức giá trị đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay  đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, đa số coi trọng vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy tiêu cực. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay, chạy theo lối sống hưởng thụ, cầu an, vọng ngoại, lai căng… mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức là nền tảng cơ bản của con người.

Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở thanh thiếu niên là bạo lực học đường, trước nay nạn bạo lực chỉ ở tầng lớp thanh thiếu niên ít học, thành phần lao động, hoặc những con người tha hóa khác… nhưng ngày nay bạo lực đã đi vào nơi "trồng người", biểu hiện ở những con người được coi là hiền lành, thông minh, có học.... Một giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu: "Bạo lực học đường nổi lên như một vấn nạn mới của giáo dục Việt Nam, khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên báo chí nhằm ngăn chặn sự lan tràn của hiện tượng này". Thông thường chúng ta quy trách nhiệm cho gia đình, nhà trường với luận điểm: các em còn nhỏ, tuổi còn trẻ chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm. Thực trạng đạo đức với lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh – sinh viên  hiện nay  đáng báo động,  các chuẩn mực đạo đức của giới trẻ dã đến mức đáng lo ngại.

Nhiệm vụ của Phật giáo với thanh thiếu niên

Phật giáo không hề đứng ngoài những vấn nạn của xã hội. Thực tế trong nhiều năm qua, Phật giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần vào chặn đứng sự suy đồi đạo đức trong thanh thiếu niên như: Phật giáo đã tổ chức Gia đình Phật tử tại các chùa, các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên v.v… nhằm giới thiệu những tấm gương mẫu mực, nếp sống hiền hòa hướng thiện, đạo đức của các bậc trưởng thượng; giới thiệu những nhân tố thành đạt của các bậc thiện tri thức, của các nhà doanh nghiệp, doanh nhân đến với các em. Từ đó, giúp thế hệ trẻ ngày nay am hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân - quả, tội - phước… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà, thầy cô và có trách nhiệm với xã hội.  

wwwTL (2).JPG

Sư cô Thích nữ Từ Thảo - Ảnh: Vũ Giang

Bởi vậy mà đề tài Phật giáo với thanh thiếu niên là một ưu tư sâu đậm cho những ai quan tâm đến lứa tuổi này. Để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp giáo dục với thanh thiếu niên, chúng ta phái có những chương trình sinh hoạt cụ thể, nhất là chương trình dành cho thanh thiếu niên, Hơn nữa nội dung giáo dục của chúng ta phải lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của thanh thiếu niên như cần cơm ăn, áo mặc, nước uống vv… Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong  tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nơi công sở, đồng nghiệp, bạn bè, lý tưởng sống , kỹ năng sống…còn nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn nửa.

Chính vì thế mà chúng ta cần có một mô hình và chương trình truyền bá chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử, cung cấp cho các họ những kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người theo tinh  thần Phật giáo. Mô hình này cũng đã được một số các chùa thực hiện trong những năm gần đây. Như vậy, vấn đề đặt ra chúng ta là những người trong thời đại ngày hôm nay, làm thế nào phát triển mạnh hơn nữa để thu hút giới trẻ quan tâm đến nền đạo đức tâm linh của Phật giáo. Sau đây tôi xin nêu đơn cử một vài biện pháp nhằm định hướng cho giới trẻ hiện nay

Hướng niềm tin cho giới trẻ

Nên thiết lập một niềm tin vững chải cho thế hệ trẻ là một yếu tố thiết thực cần phải thực hiện cấp thời. Bằng sự sáng tạo của mình, vận dụng để thiết lập cho thế hệ trẻ có một niềm tin vững chắc về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Để đạt được mục đích này,  không có cách nào hữu hiệu hơn là cần có sự phối hợp của gia đình với nhà chùa. Trước tiên là chúng ta hãy khuyến khích gia đình các Phật tử nên quan tâm đưa con em mình đến chùa thường xuyên để huân tập đức tin tâm linh ngay từ khi chúng còn nhỏ hơn là chờ đến khi chúng lớn. Đừng chờ cho con em mình đến tuổi trưởng thành mới cho tìm hiểu giáo lý.  Như thế chúng ta vô tình đánh mất cơ hội tiếp nhận đời sống tâm linh của chúng và vô tình tạo cho thế giới vật dục bên ngoài xâm nhập. Một khi giới trẻ đã có thói quen vọng ngoại rồi thì gia đình sẽ ít có cơ hội thành công trong việc hướng dẫn chúng tu tập đạo đức tâm linh.

 Hơn nữa nhà chùa cũng là nơi tạo một môi trường tốt cho các em trẻ sinh hoạt, bằng những buổi sinh hoạt kể chuyện Phật pháp, những bài ca vui tươi, cách cư xử với nhau… Khi những ấn tượng tốt ban đầu đã gieo vào cuộc đời tuổi trẻ thì chúng sẽ nhớ mãi, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. được như vậy thì nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng niềm tin và lối sống vững chải cho các thế hệ tương lai…

Rèn luyện đạo đức cho giới trẻ

Giới trẻ luôn mải mê chạy theo cuộc sống mà quên đi yếu tố đạo đức tâm linh. Đạo đức chính là nền tảng để xây dựng một con người, một khi nền tảng bị lung lay thì làm sao có thể kiến tạo được một con người rường cột cho xã hội ? Một khi bị khủng hoảng, giới trẻ sẽ không còn nơi nương dựa vững chắc, đó chính là lý do hình thành những tệ nạn trong xã hội, tiêu cực trong cuộc sống. Do vậy, vai trò của phật giáo rất là quan trọng trong đời sống xã hội, vì nó giử gìn và phát huy đạo đức ở từng con người, yêu cầu của Phật giáo là cần phải giáo dục cho giới trẻ có một trình độ hiểu biết tư duy phân biệt rõ, tốt xấu hư thực và có khả năng kiểm soát các hành vi của chính mình bằng những bài pháp sinh động, cụ thể và phù hợp với mọi lứa tuổi.  Cho nên đưa đạo Phật đến với tuổi trẻ, giúp cho các em tự tìm đường đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình. Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui khi theo đạo Phật, ứng dụng lời Phật dạy, luôn điều chỉnh hành vi và thái độ tiêu cực, để cho con người sống lạc quan và thấy rõ bản chất có ý nghĩa của cuộc đời, tuổi trẻ phải dũng mãnh sống hạnh phúc không bi quan, không bao giờ có tư tưởng đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ và phương pháp tu dưỡng và nhân cách sống của chính mình.

Phương pháp giáo dục cho giới trẻ

Tăng, Ni có vai trò thiết yếu không thể thiếu trong đời sống giới trẻ. Muốn vậy, chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ đó là hiểu rõ tâm tư tình cảm và nhu cầu của giới trẻ tùy từng độ tuổi và tùy theo căn cơ của các em. Một khi đã nắm rõ nhu cầu của giới trẻ rồi, bước tiếp theo chúng ta cần đưa ra nhiều loại hình sinh hoạt Phật giáo phong phú và đa dạng, cần dạy cho chúng các giáo lý căn bản của Phật giáo như: Luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo… Thanh thiếu niên là lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa của hôn nhân, nên chúng ta cần tổ chức những buỗi hội thảo về hạnh phúc gia đình cho các em tham dự, để cho các em nhận thức được gia đình chính là nền tảng xã hội.

Nên tổ chức những buổi tu học giả ngoại và cắm trại kết hợp với thi kiến thức Phật pháp… Trong Gia đình Phật tử, bộ môn trong Phật pháp là chính, nhưng luôn luôn được hỗ trợ bởi các môn học về hoạt động thanh niên , gồm có nhiều bộ môn như truyền tin, hội trại... là những bộ môn mà các em rất thích. Mô hình này nên mở rộng để thu hút giới trẻ. Một khi giới trẻ có ý niệm hướng về Phật pháp rồi, muốn tham gia các hoạt động của Phật giáo và muốn sống trong môi trường Phật giáo thì Tăng, Ni chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn giới trẻ tu học. Điều này đòi hỏi chúng ta là những người có tâm huyết, phải trang bị đầy đủ những kiến thức Phật học lẫn thế học nhất là kiến thức về tâm lý của thanh thiếu niên, đồng thời biết sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông hiện đại như: vi tính, internet… Các em sẽ bị dễ dàng cuốn hút từ những vị thầy năng động và chia sẻ những điều mà giới trẻ không thể thổ lộ cùng người thân trong gia đình. Hình ảnh cao đẹp này sẽ hướng các em đến chùa và sẽ là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy cho các em.

Một điều đặc biệt nữa là giáo dục cho những trẻ lang thang cơ nhỡ, hay những trẻ thuộc thành phần tệ nạn xã hội, nghiện ngập buông thả v.v…  thì Tăng, Ni chúng ta là những người có tấm lòng vị tha rộng mở, phải biết thấu hiểu lắng nghe và tha thứ cho những sai lầm của trẻ. Khi trẻ nhận được tình yêu thương không phân biệt và bắt đầu có niềm tin thì dạy cho chúng có khả năng nhận thức, phân biệt rõ phải trái, thiện ác tốt xấu… Sau khi trẻ đã có được nhận thức rồi điều quan trọng là chúng ta dạy cho chúng biết hướng thiện, sống đạo đức.

Với tinh thần: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” nhân đại hội hôm nay, tôi rất mong toàn thể Tăng Ni là những người mang tâm huyết hoằng truyền giáo pháp của đức thế tôn thì cần phải nổ lực nhiều hơn nữa, để đóng góp một phần nhỏ công sức của mình đối với xã hội trong việc đem đạo vào đời nhằm xây dựng con người có tình thương, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội theo phương châm: Đạo pháp gắn liền với dân tộc.

Thích nữ Từ Thảo

(*) Trích tham luận từ Đại hội Đại biểu Phật giáo Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tựa do GNO đặt.

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2011/10/09/5EE40A/


Âm lịch

Ảnh đẹp