30/09/2011 07:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 94996
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhịp sống hối hả, gấp gáp, mất phương hướng diễn ra với giới trẻ thành phố như một thứ hội chứng đáng ngại. Tìm một nơi thanh lọc tâm hồn, tìm trạng thái thăng bằng đã không chỉ là nhu cầu của riêng người có tuổi, mà còn của những người rất trẻ, trong đó, có các "sao"...

Phía sau vòng xoáy ma mị...

Giới nghệ sỹ thường được biết tới với tất cả ánh hào quang, lộng lẫy, với tất cả sự ồn ào và đầy thị phi. Nhưng dường  như vì thế, tìm lại cho mình một chốn yên bình, một bản ngã đã trở thành lựa chọn của nhiều ca sỹ, nghệ sỹ.

Khán giả thường biết tới Minh Béo là một trong những nghệ sĩ hài gây cười có duyên trên sàn diễn nhưng ít người biết rằng anh là một Phật tử “chính hiệu”. Anh từng khẳng định với báo chí rằng: “Tôi là con nhà Phật nên tin rằng đem tiếng cười đến cho người khác cũng là tìm thấy hạnh phúc cho mình. Con người nếu sống mà đến với nhau bằng cái tình sẽ gắn bó với nhau lâu dài hơn”.

Anh nói, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng được yên bình và đạo Phật đã giúp tôi sống tốt hơn, ít ganh tỵ hơn. Nhờ đạo Phật mà tôi nhận ra tham sân si là những điều xấu, cần phải từ bỏ nó. Sự nghiệp ngày nay mà tôi có được cũng nhờ lời dạy của Đức Phật về nhẫn nại, chịu khó... Nhiều khi, tưởng chừng mình đã ngã gục trước những bon chen, sân si của cuộc sống vì lòng tin bị tổn thương. Nhưng sau đó tôi đi chùa đọc kinh và hiểu thêm về nhân quả. Cho nhiều hơn nhận mình sẽ thấy cuộc đời luôn thanh thản và nhẹ nhàng, anh chia sẻ.

Còn ca sỹ Hồ Quỳnh Hương thời gian gần đây cũng đã khác hẳn cô ca sỹ ồn ào của những ngày đầu bước chân vào làng giải trí. Cô cho biết: “Tôi theo đạo Phật, ăn chay trường và thường đọc kinh Phật nên tôi thường xuyên dành cho mình những khoảng lặng để dừng lại. Tôi đã đi qua cái thời chạy phăm phăm và bước qua cả những tổn thương của người khác. Tôi theo đạo Phật và học thiền hơn cũng là muốn mình dần xa rời thế giới của những hào nhoáng, phù phiếm...”.

Và ca sỹ Phương Thanh “máu lửa” cháy hết mình của những ngày xưa giờ cũng trở nên  đằm thắm, dịu dàng hơn vì cô tìm thấy sự yên bình nơi cửa Phật. Á hậu Trương Thị May cũng chia sẻ, cô là một trong hàng ngàn đệ tử ăn chay trường, sống và làm theo lời Phật dạy của sư phụ với pháp danh Tâm Lạc: “Có lẽ, cả đời này, tôi sẽ không bao giờ quên những bài học sư phụ đã dạy. Và điều làm tôi nhớ nhất là câu mà sư phụ từng nói: “Con ơi, làm gì thì làm, nhưng phải là người có đạo đức và nhân cách con nhé. Nếu không có đạo đức và nhân cách, cho dù con có thành công đến đâu con cũng không giúp ích gì cho xã hội”...

Và, bỏ phố tìm vui...

Trước những áp lực đời sống hiện đại, tốc độ và những đòi hỏi khẳng định không ngừng đang tạo ra những lối đi khác nhau. Không còn hứng thú với những chuyến phượt miên man cùng trời cuối đất, những bữa nhậu bất tận và công việc túi bụi, xu hướng người trẻ tìm đến với thiền, luyện tập Yoga, thậm chí theo những khóa tu trên chùa đang trở thành lựa chọn của nhiều người trẻ.

Tại chùa Bằng A (Hoàng Mai, Hà Nội) thời gian gần đây đã có những khóa tu dành cho các bạn trẻ, mỗi khóa thường từ 3 ngày tới 1 tuần.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập khóa học, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Trụ trì chùa Bằng A cho biết, ban đầu chỉ là một vài bạn trẻ tìm đến chùa chiền để giải tỏa căng thẳng và vãn cảnh chùa nhưng “điều tâm niệm mà tôi trăn trở từ lâu đó là làm thế nào để tạo dựng cho các em nhỏ bây giờ một sân chơi bổ ích lành mạnh, tránh xa những cám dỗ bên ngoài xã hội, bản thân các thầy trong chùa nghĩ rằng, các vấn nạn của xã hội ngày nay phát sinh nhiều. Các em thừa hưởng quá nhiều vật chất, trong khi cái cốt lõi là đạo đức thì dường như đang đi xuống” - thầy Bảo Nghiêm nói.

Nguyễn Cường (sinh viên Đại học Mỏ, Địa chất) vẫn thường hay cùng nhóm bạn tụ tập ăn nhậu. Ban đầu là những lúc rảnh, sau dần thành “nghiện”, uống vào là quậy phá. Sau những cuộc nhậu, Cường luôn day dứt, tự trách bản thân.

Trong một lần tình cờ đi chùa Gia Phúc (Đông Anh, Hà Nội) cùng anh bạn học khóa trên, Cường được biết đến một thế giới khác, bầu không khí khác. Tại chùa, mọi cảm giác đều trở nên nhẹ nhõm và khác hẳn với sự ồn ào của những buổi nhậu nhẹt “quên trời đất” với bạn bè.

Từ lần đó, nhóm bạn của Cường đã quyết định phải thay đổi: bớt nhậu nhẹt và từ từ bỏ hẳn, gắng chuyên tâm vào việc học hành. Thời gian rảnh, lên chùa và giúp nhà chùa làm công quả. Và có tận tay chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh, người già cô đơn, những người như Cường mới thấy cuộc sống đáng quý và không vô nghĩa như họ lầm tưởng.

Ngọc Anh, một du học sinh từ Pháp về cũng chia sẻ, mọi người cứ nghĩ đi tu, ngồi thiền là một việc gì đó trầm trọng, nhưng thực tế đó là những khoảng lặng mà mình cần dừng lại để sau đó bước tiếp. Và, đó cũng là một cách để mình vượt qua những hụt hẫng, tổn thương để khi nhìn lại mình thấy mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cuộc sống vốn quá nhiều bất ngờ không mong muốn...

Có thể nói, tìm một nơi chốn “ẩn náu” cho tâm hồn trước những cuộc đua bất tận của nhịp sống hiện đại là một cách cân bằng cuộc sống, không phải vì họ muốn xuống tóc với ước vọng xa xôi trở thành “chính quả” đắc đạo mà điều quan trọng đó là một cách làm mới mình, thanh lọc tâm hồn và sau đó họ trở về với những ngày thường tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết  và tự tin, để biết rằng cuộc đời luôn thanh thản và nhẹ nhàng cho dù giông bão ở trước mặt...

 

GS.Ngô Bảo Châu:

Đạo Phật giúp ta bình thản khi phần lớn cuộc đời còn ở phía trước

Trên blog của mình, trả lời câu hỏi đạo Phật có ảnh hưởng gì tới đời sống của bản thân, GS.Ngô Bảo Châu cho biết: “Có lẽ đó là sự nhận thức sâu sắc về giá trị của cuộc sống của con người cũng như của mọi sinh linh từ đó dẫn đến sự trân trọng cuộc sống của người khác và của chính mình. Có lẽ đó còn là một thái độ tương đối bình thản trước mọi biến cố của cuộc sống. Thường thì người ta đạt được sự bình thản này sau khi một phần lớn của đời mình đã trôi qua, văn hóa Phật giáo có thể giúp ta bình thản ngay cả khi một phần lớn của cuộc đời có lẽ còn ở phía trước. Có lẽ sự nhận thức về tính vô thường của thế giới và của cả con người đã giúp tôi rất nhiều để có một sự cân bằng trong cuộc sống. Một bên ta không thể buông xuôi trách nhiệm với xã hội, với những người thân thiết, với bản thân mình, một bên ta vẫn hiểu rằng cái quan trọng ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ không còn quan trọng nữa”.

Uyên Na 

Theo: Pháp luật Việt Nam







Âm lịch

Ảnh đẹp