Các
em Polly, Mandana, Franziska và Adrian, tất cả đều trong độ tuổi từ bảy
đến chín tuổi, đang chạy đuổi nhau quanh hội trường và nô đùa ầm ĩ,
khiến thầy Werner Heidenreich đang mất dần kiên nhẫn, mặc dù thầy biết
tịnh tâm thiền định.
Bắt đầu một tiết học Phật giáo tại Trường Quốc tế Friedensschule
Trường Quốc tế Friedensschule (còn gọi là Trường Hòa bình Quốc tế)
tại Cologne, đang dạy môn Phật giáo như một môn chính thức trong chương
trình học, và giáo viên là thầy Heidenreich. Thầy cũng là người quản lý
trung tâm Phật giáo StadtRaum tại Cologne.
Vào lúc này, thầy Heidenreich đang cố gắng tập cho các em nhắm mắt,
giữ im lặng, lắng nghe hơi thở, cảm thấy bụng hóp vào và phình ra, và
cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay và cảm giác châm chích ở bàn chân. Nói
cách khác, các em đang học thiền.
Thiền định là một nghệ thuật
Đám trẻ được chia thành từng nhóm dựa vào khả năng thiền định dễ hay khó.
Một em nói: “Bạn chỉ cần tập trung. Nếu nằm hay ngồi, bạn nên giữ im
lặng và không cử động. Bạn không phải suy nghĩ gì; chỉ cần mở rộng tâm
trí”.
Còn em Adrian
lại cho rằng cần phải học thiền: “Bạn phải học cách tập trung. Bạn có
thể ngồi thiền mà trong đầu còn lởn vởn nhiều suy nghĩ, nhưng bạn chỉ có
thể thiền ngồi giỏi khi bạn không còn nghĩ gì cả”.
Môn học “Không nghĩ gì cả” quả thật là một môn lạ lẫm chưa từng có! Học sinh các lớp đều có thể tham gia lớp học Thiền của Trường Hòa Bình Quốc Tế ở Cologne.
Và đây là trường duy nhất ở Bắc Rhine-Westphalia - đông dân nhất trong
16 tiểu bang của nước Đức - có dạy môn Tôn giáo trong chương trình học
chính thức: Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa
giáo, và đạo Tin Lành. Mỗi lớp học 2 giờ mỗi tuần.
Nhưng làm thế nào để dạy Phật giáo cho trẻ em? Dạy mà không có sách
giáo khoa, và không có một chương trình học có quy định? Thầy
Heidenreich đã dạy lớp này ba năm rồi. Đối với thầy, đây là một sự thử
nghiệm liên tục.
Điều còn khó khăn là phải làm sao để kết hợp giữa lý
thuyết suông với cuộc sống hàng ngày của các em. Thầy Heidenreich chia
sẻ: “Học sinh cần học cách giữ tâm trí thanh tịnh và học cách chánh
niệm, nhưng quan trọng là các em phải có khả năng áp dụng những điều đó
vào lúc ngồi làm bài tập ở nhà, hay khi ngồi chơi games trên máy tính”. |
“Trước hết, bạn phải suy nghĩ kỹ mục tiêu của việc học Thiền là gì?
Chúng ta đang cố gắng đạt đến cái gì? Một học sinh nên học cái gì, và
học sinh ấy nên tiến triển như thế nào?” Thầy nói thêm: “Nói thật, tôi
cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này”.
Thầy nói rằng những bài học của mình phải cân bằng giữa việc khuyến
khích phát triển cá nhân, đồng thời cung cấp thông tin và dạy cách hiểu
biết, thông cảm.
Lý thuyết và chánh niệm
Có tiếng chũm chọe vang lên. “Nguyện cầu các bạn thân tâm an lạc và
hoan hỷ”. Thầy Heidenreich nói xong, thì bắt đầu tham thiền. Tiếng chũm
chọe lại vang lên.
Thầy bắt đầu mỗi bài học bằng sự im lặng thiền định, tập trung vào cơ
thể. Kế đến là thiền định về lòng từ bi. Đây là bài thực tập Phật giáo
truyền thống.
Thầy giải thích: “Trước tiên chúng ta bắt đầu thiền định về lòng từ
bi cho chính mình, sau đó cho gia đình, rồi cho bạn bè, và cuối cùng là
cho cả thế giới. Đây là phần tối quan trọng trong đời sống”.
Mặc dù đôi khi việc ngồi thiền hay nằm yên là khó khăn, cả bốn học sinh của thầy đều hăng hái nói chúng rất thích thiền.
Sau giờ thiền, học sinh ngồi vào một bàn tròn để thảo luận về đề tài
một ngôi chùa Phật giáo. Chùa là như thế nào? Nó khác với nhà thờ Thiên
Chúa ra sao? Những bài học Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo… được giảng dạy một
cách có hệ thống, và dễ dàng hòa nhập vào giáo trình.
Thủy Ngọc (Theo TheBuddhistChannel)