15/11/2011 07:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 96296
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhớ lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa vừa rồi, khi đọc danh sách các ứng viên được đăng tải trên một báo lớn, tôi giật mình nhận ra rằng trong số hơn 700 người ra ứng cử, ngoài một số rất ít những vị ứng viên vốn là các chức phẩm thuộc các tôn giáo đang có mặt trong đời sống xã

hội nước ta, phần đông các ứng viên còn lại đều khai vào mục tôn giáo là “không”. Duy nhất tôi khai là “lương”, có vẻ cô độc và lạc lõng !

Có cử tri trẻ khi xem lý lịch của tôi hỏi “lương là gì ?”. Tôi đùa, là “thích tăng lương vậy!”. Nhưng thực ra, chỉ cách đây vài chục năm, gần như hầu hết những người không theo Đạo Thiên chúa (và một số tôn giáo khác) khi khai lý lịch hay giấy tờ nhân thân đều tự coi mình là “lương”. Theo lịch sử, từ triều Nguyễn, đó là cách gọi chính thống, những ai không theo “giáo” (Thiên Chúa giáo) đều gọi là “lương”, bất kể có theo tôn giáo nào khác (chủ yếu là Phật giáo) hay không theo tôn giáo nào cả,  nhưng đều có tín ngưỡng.

Sau này, có lẽ là cái thời mà người ta quan tâm đến triết học duy vật hay duy tâm, vô thần hay hữu thần nên quan niệm “lương” hay “giáo” không dùng nữa mà thay bằng “có tôn giáo” (gồm nhiều tôn giáo cụ thể) và “không tôn giáo”.  Đa số “không tôn giáo”. Có dịp ra nước ngoài, gặp người sở tại hay người Việt sống ở nước ngoài, giới thiệu mình là người “không tôn giáo”, họ cho là kỳ quá, kỳ ở đây là kỳ dị và có thể còn tệ hơn thế nữa.

Hình như với họ, con người phải có đức tin. Đành rằng có đức tin thế tục (không tôn giáo) như tin vào lẽ phải (những giá trị đạo đức) hay tin vào những lý tưởng chính trị, nhưng thường cái đó không bền, chưa hết đời người đã thấy lung lay, đổ vỡ. Đức tin tôn giáo mang ý nghĩa tâm linh, dường như bền vững hơn nhờ hệ thống giáo lý, bề dày lịch sử và cộng đồng tín đồ ngày càng  đông và càng có kỷ luật...

Nhiều đời nhà tôi có bàn thờ Phật, thi thoảng cũng đi lễ chùa vào ngày rằm hay Tết, nghề nghiệp khiến tôi cũng hay đến những di tích tôn giáo, chủ yếu là đền chùa miếu mạo và có nhiều dịp cũng làm Phật sự, có niềm tin vào tâm linh... Nhưng tôi chưa dám nhận rằng mình là Phật tử, hay nói đúng hơn tôi vẫn băn khoăn không biết mình đã được coi là Phật tử chưa, vì kinh kệ  không thuộc, lễ lạt không đều, ăn chay cốt để cho khác miệng và trong lòng còn nhiều sân si, ham muốn...

Giãi bày như thế là để kể lại việc mới đây được hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh tụ tâm linh của Truyền thừa Phật giáo Đại Thừa - Kim Cương Thừa Drukpa trong chuyến viếng thăm của Ngài và Tăng đoàn Truyền thừa tới nước ta. Ngài đến buổi sáng thì ngay buổi tối tôi đã có may mắn được gặp Ngài. Biết rằng đây là lần thứ tư Ngài đến Việt Nam, nhưng với tôi đây mới là lần đầu hạnh ngộ một Bậc Thầy Phật giáo quốc tế như vậy.

Trước đó, tôi đã từng được xem nội dung giao lưu trực tuyến trên “Tuần Việt Nam” của Vietnamnet hồi đầu năm ngoái với lời dẫn rất ý nhị của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những diễn giảng thật xúc tích của Ngài được cô lại thành chủ đề “Hãy chuyển hóa sân hận thành yêu thương”. Rồi lại được đọc những lời bình thật sôi nổi, bàn từ danh xưng đến tông phái rồi đời sống tôn giáo với niềm tin và cả những nghi ngại của người đọc. Trước lúc gặp lại được đọc sách của Ngài được dịch ra tiếng Việt có nhan đề là “Hành trình tâm linh siêu việt” mới được ấn bản và phát hành.

Vì thế khi gặp Ngài trong khung cảnh một khách sạn lớn bên Hồ Tây, chứng kiến sự sùng kính của các Phật tử xếp hàng đến đỉnh lễ và cung thỉnh giáo pháp từ Ngài, được chứng kiến những nghi thức trang trọng nhưng đơn giản, lại được thỉnh hỏi và nghe Ngài ban giải mới ngộ ra được nhiều điều đáng để bụng.

Được giới thiệu rằng con người bằng xương bằng thịt, đeo kính và có một nụ cười rất thân thiện lại ngồi ngay kề, thỉnh thoảng còn thân mật cầm tay mình và nói bằng tiếng Anh thông thường như mọi người nước ngoài mình thường gặp kia chính là “bậc hóa thân chuyển thế sáng lập và đứng đầu Truyền thừa Drupka thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa có lịch sử khởi nguồn cách đây gần 1000 năm, từ đức Napora - một trong 84 vị Đại thành tựu giả Ấn Độ (tức là tương đương với thời đức Lý Công Uẩn định đô Thăng Long), và cũng là bậc được kính ngưỡng là hóa thân của Đức Quan Âm trên cõi nhân gian” thực tình trong lòng chẳng thể coi ngay là thật.

Nhưng lại cũng có điều chẳng thể không tin khi được biết mới từ năm ngoái đến năm nay, Ngài đã từng được Thái tử Charles nước Anh mời tham gia Ủy ban giải thưởng “Trái Đất” với tư cách người sáng lập phong trào “Sống để Yêu thương” (Live to Love); Ngài cũng từng được Tổng thống Ấn Độ khen tặng và tri ân vì những sáng kiến của Ngài góp phần vào việc bảo vệ môi trường ở quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này; rồi năm 2010, Ngài còn được Liên Hiệp Quốc trao tặng Giải thưởng cao quý “Vì Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ” trong đó ngoài từ thiện, môi trường lại có cả vấn đề bảo vệ di sản nữa... Những việc này thì hiển hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế nên chẳng thể không tin...

Song, ấn tượng đọng lại khi tiếp xúc với một đấng luôn được nói tới như một hóa thân siêu việt như Pháp Vương lại chính là những cái gì rất đời thường thể hiện trong những thông điệp của một lãnh tụ tâm linh vô cùng gần gũi, hiện đại. Điều được Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là trước tiên phải coi Đạo Phật là một triết học về đời sống chứ không phải là một tôn giáo thông thường, là giáo pháp hướng về tâm linh nhưng không chỉ để tư duy mà cuối cùng là phải để thực hành.

Ngài viết rằng : “Đạo Phật là một triết lý sống cần phải đưa vào thực hành trong đời sống hàng ngày. Sự thực hành ấy phải dựa trên nền tảng triết lý không chấp nhận tư tưởng cho rằng có một đấng tạo hóa đang chi phối cuộc đời bạn và có khả năng làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn hay xấu đi. Thay vì tin có một đấng tạo hoá toàn năng, bạn nên tin vào chính bản thân và trưởng dưỡng trí tuệ bên trong chính mình. Đây là phương pháp đúng đắn để tiếp cận Phật pháp”.

Ngài cũng dạy rằng Đức Phật chỉ có thể chỉ ra con đường đưa đến giác ngộ, còn mọi người phải tự bước đi trên con đường đó bằng chính đôi chân của mình. Đức Phật không thể trừng phạt hay ban phát phúc quả cho ai, mà chỉ ra rằng mỗi người tự quyết định bằng luật nhân quả do chính mình làm ra. Chỉ có điều cái nhân quả ấy không chỉ ở trọn một đời mà nó luân hồi qua nhiều kiếp.

Tôi hỏi về mối quan tâm đến môi trường xuất phát từ đâu thì Ngài nói rằng mọi sinh linh đều có thể chuyển kiếp cho nhau, nếu ý thức được điều đó thì con người sẽ biết cách ứng xử một cách tôn trọng đối với muôn loài, với thiên nhiên và nếu như thế thì những tai họa từ thiên nhiên, kể cả sự biến đổi khí hậu đang đe dọa cả trái đất mà Việt Nam ở một trong những tâm điểm đã và sẽ không diễn ra. Sự sống trong đó có loài người xuất hiện từ rất lâu rồi, nhưng các tôn giáo cũng chỉ là mới xuất hiện so với chiều dài của lịch sử. Phật giáo nói chung và Truyền thừa của Ngài là những nỗ lực để con người giác ngộ tự khắc phục cái tiền kiếp của mình hướng tới cái thiện mà lòng yêu thương chính là sức mạnh... Hướng về môi trường chính là cách để xây tận gốc cái chính quả mà con người hướng tới mà con người phải được hiểu là mỗi người cần phải có nỗ lực của riêng mình.

Ngài nói rằng thời gian không nhiều và con đường giác ngộ là suốt đời, nhưng nó sẽ trở nên đơn giản nếu ta biết rằng tất cả thành bại phụ thuộc vào chính ta... Và cứ thế ta sẽ giải đáp được tất cả những gì ta gặp trên đời...

Tôi thuật lại không biết có đúng với ý Ngài nói trong lần gặp ngắn ngủi ấy không. Nhưng nếu đúng như thế thì tôi cũng thấy thanh thản và nhận ra rằng Pháp Vương suy cho cùng cũng chỉ là một người rất bình thường nhưng kiên trì một cách phi thường để dẫn dắt mọi người thành những đồng đạo của mình, phấn đấu cho những cái tưởng như rất bình thường nhưng để trở thành con người bình thường chẳng dễ chút nào.

Chào Đức Pháp Vương, rời khách sạn trở về lại gặp cảnh hỗn loạn tắc đường. Bao nhiêu con người, bao nhiêu xe cộ chen chúc lấn đẩy nhau chỉ mong mình nhanh hơn một chút để rồi cùng chịu khổ. Chợt nghĩ, một mình đi xe đúng luật thật chẳng khó nhưng để mọi người đi vào luật lệ lại chẳng dễ chút nào. Nhìn ai nét mặt cũng cau có, thoáng cả những ánh mắt giận dữ như sẵn sàng lao vào nhau để giành lấy phần đường.

Giá như có ai làm cho tất cả những khuôn mặt ấy đều nở nụ cười, mọi người nhìn nhau trong sự yêu thương thì chắc con đường sẽ thông thoát. Giữa lúc này, khó có ai trong họ đứng lên kêu gọi hô hào để làm được điều đó. Chỉ có thể mỗi một người và ngày càng có nhiều người hơn biết nở nụ cười thân ái... Có lẽ Pháp Vương cũng nghĩ như tôi, vì thế mà Ngài, hay nói đúng hơn là nối gót 11 hóa thân trước đó của Ngài và có thể còn có các vị hóa thân chuyển thế tiếp theo của Ngài sẽ tiếp tục nỗ lực trọn đời để thực hiện tâm nguyện giúp mọi người hiểu ra được cái lẽ thông thường đó.


Dương Trung Quốc (Nguồn: Báo Lao  Động)


Âm lịch

Ảnh đẹp