19/02/2011 18:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 2884
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giám đốc Thái Hà Books - Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phụng Hà.
Nhân dịp chính thức gia nhập Mạng Doanh nhân - Trí thức 11111.vef.vn, chúng tôi có buổi trò chuyện đầy thú vị với ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà về chủ đề đầy tâm huyết của ông: “Doanh nhân, trí thức và văn hóa đọc”  


Chào mừng ông đã chính thức gia nhập mạng doanh nhân và trí thức Việt Nam 11111.vef.vn!

Tôi rất vui mừng vì chúng ta đã chính thức cho ra mắt mạng dành cho cộng đồng doanh nhân và trí thức. Nếu mạng này không phát triển được thì đó là lỗi của tất cả chúng ta, lỗi của doanh nhân và trí thức Việt Nam.

Tại sao chúng ta không tự nghĩ và tạo ra sân chơi cho chính mình? Tôi luôn nghĩ, trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước không phải chỉ phụ thuộc về chính phủ hay nhà nước mà phụ thuộc vào giới doanh nhân và trí thức Việt Nam, vào mỗi chúng ta.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mạng Doanh nhân Tri thức 11111.vef.vn sẽ là một sân chơi khác biệt, thật sự mạnh. Tôi càng tin hơn khi ngày ra mắt mạng là ngày gắn với 5 con số 1, tức No 1. Còn theo âm lịch đó là ngày 08/12 – ngày Đức Phật thành đạo.

 

Người Việt Nam có thực sự ham đọc sách?

Xin cảm ơn những sự ủng hộ của ông đối với mạng 11111.vef.vn! Ngay bây giờ tôi sẽ quay lại chủ đề của ngày hôm nay về “Doanh nhân, trí thức và văn hóa đọc”. Tôi có một thắc mắc rằng chúng ta nhắc nhiều đến cụm từ “văn hóa đọc”, nhưng có lẽ nó vẫn là một định nghĩa khó thống nhất?

Trước hết, chúng ta cần làm rõ khái niệm văn hóa đọc và trả lời câu hỏi “Văn hóa đọc có quan trọng hay không?” và tại sao người ta lại nói mãi về văn hóa đọc như thế? Cá nhân tôi cho đã nói rất nhiều lần rằng: “Có một loại tài sản duy nhất trên thế gian này khi bạn cho đi không hề mất đi, mà còn được thêm. Đó là tri thức”. Mà như chúng ta biết, trên 80% tri thức đến từ mắt. Tức là phải đọc để có kiến thức.

Theo tôi, văn hóa đọc giống như một tam giác gồm ba đỉnh: thói quen đọc sách; sở thích, cách chọn sách và kỹ năng đọc sách. Quan trọng nhất là thói quen đọc sách. Người không đọc sách hoặc ít đọc sách thì không thể nói là có văn hóa đọc. Cũng nên nhắc đên văn hóa đọc của một gia đình, một cơ quan hay doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia.

 

Quy chiếu vào ba đỉnh tam giác hình thành lên văn hóa đọc như ông vừa nói, vậy thì “hình dạng” Văn hóa đọc của nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ta lại quay lại bài toán Việt Nam đã có văn hóa đọc chưa? Một con số để cung cấp thêm rằng, trước năm 1975, cả nước Việt Nam (bao gồm cả miền bắc và miền nam) có được 4.000 đầu sách. Năm 2005 xuất bản khoảng 20.000 đầu sách, tổng lượng xuất bản là 250 triệu bản. Con số thống kê mới nhất của năm 2009, chính xác Việt Nam xuất bản 24.589 đầu sách với 273.583.000 bản. Như vậy, số lượng đầu sách và bản in ngày nay của chúng ra lớn nhiều so với trước năm 1975. Tuy nhiên, những còn số này vẫn ít khi so với dân số Việt Nam, bởi vì mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách, khoảng 7 tờ báo và mua trung bình 3,3 cuốn sách/năm.

Một thông tin nữa bạn cũng cần biết và phải lưu ý rằng, trên 80% sách của nước ta là sách giáo khoa. Vậy thì tính ra, mỗi một năm, người dân Việt Nam chỉ mua có 0,6 cuốn sách. Quá ít! Nếu cứ tình trạng này thì chúng ta có nguy cơ “sản xuất” ra các em học sinh “học gạo”, thiên về lý thuyết. Vì vậy, nói người Việt Nam ham học sách và văn hóa đọc của Việt Nam đang có là chưa đúng! Văn hóa đọc chỉ tồn tại trong 1 bộ phận nhỏ dân cư, trong một số ít gia đình và cơ quan mà thôi. Chủ yếu tập trung vào 20% dân thành thị, còn 80% dân nông thôn rất ít đọc sách.

 

Khi Doanh nhân ham đọc sách

Ông đánh giá như thế nào về thói quen đọc sách của tầng lớp Doanh nhân, những người tiền phong trong công cuộc làm giàu cho đất nước hiện nay? Tôi thấy một điểm đáng mừng là có rất nhiều doanh nhân Việt Nam chịu khó đọc sách. Nhưng cũng đáng tiếc là một số nhà lãnh đạo họ cho rằng vì mải làm ăn quá mà không có thời gian đọc sách. Điều đó là không đúng! Một trong những điểm yếu của doanh nhân Việt Nam là chưa có tầm nhìn.

Cá nhân tôi cho rằng doanh nhân Việt Nam cần có 2 thứ mà chúng ta cần phải học từ thế giới đó là: tạo lập tầm nhìn và đào tạo đội ngũ kế cận. Sách là đúc kết tinh túy của người tài trên thế giới. Tôi xin lấy ví dụ về cuốn sách “Think and grow rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu”, Napoleon Hills đã bỏ ra 30 năm nghiên cứu 500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ hay vua Minh Trị của nước Nhật đã cho dịch toàn bộ những công trình khoa học, những tác phẩm lớn nhất của thế giới để phổ biến cho toàn dân. Minh Trị là ông vua có công lớn nhất nước Nhật. Ông đã làm thay đổi nước Nhật bằng tri thức.

Nếu như giám đốc các doanh nghiệp làm gương đọc sách thì các cấp dưới làm gương cho chính con cháu mình nữa. Dạy tốt nhất là làm gương! Ở Việt Nam, tôi thấy có những tấm gương như anh Nguyễn Thành Nam TGĐ FPT hay anh Quang TBT của báo Khoa học và Đời sống,… mua và tặng rất nhiều sách.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, một trong những lý do họ không hứng thú với sách là do họ đang dần mất niềm tin vào thông tin cũng như chất lượng những đầu sách đang được bày bán rất nhiều hiện nay trên thị trường. Ông có phản biện gì về quan điểm này không?

Thực ra là đúng! Cũng rất đáng tiếc là hiện nay có một vài nhà xuất bản, công ty sách, nhà sách chưa có trách nhiệm trong việc làm sách. Lẽ ra họ phải thực hiện nhiệm vụ chọn sách cho độc giả thì một số nơi chưa làm được điều đó trọn vẹn. Điều này dẫn đến nhiều người không biết mua gì trong rừng sách đang bày trên các tiệm sách! Một trong những bước đầu tiên các doanh nhân cần làm là chọn sách. Nên lưu ý xem ai xuất bảnNếu chọn sách của các đơn vị uy tín NXB Trẻ, Tri thức, Kim Đồng, First News,… thì bạn đã yên tâm rồi. Những đơn vị này chọn, dịch, biên tập rất nghiêm túc.

Trước khi mua sách các doanh nhân cũng nên xem thêm về tác giả, tên sách, đọc các tay gấp, bìa 4, lời giới thiệu, mục lục để biết thêm về cuốn sách. Nên chọn lọc sách để mua và đọc. Và xem có áp dụng gì vào cuộc sống của mình hay không.

 

Sách đắt hay không đắt?

Vậy đối với những người trí thức- sức sống của dân tộc, liệu văn hóa đọc của họ có khả quan hơn không, thưa ông?

Giới trí thức ở đây tôi muốn nói đến các bạn sinh viên, những trí thức trẻ, tương lai của đất nước. Theo khảo sát của cá nhân tôi trong hơn 50 buổi nói chuyện với sinh viên trên cả nước (quy mô từ: 200 - 1.000 em) có 68,75% các bạn sinh viên không thường xuyên đọc sách. Đây là bài toán đáng báo động!

Tuy nhiên, điểm mừng là sau những buổi nói chuyện đó thì các bạn đã thay đổi tư duy, và rất nhiều em đã đầu tư vào sách và tri thức, bởi các em không “spend money” mà “invest money” cho tương lai của họ.

 

Có một thực tế là sinh viên ít đọc sách vì tiền mua sách quá đắt, ông nghĩ sao?

Đúng! Với sinh viên tiền mua sách là không nhỏ. Tôi hiểu và thông cảm cho sinh viên. Tuy nhiên nếu nói tiền mua sách không đắt cũng là đúng! Để có được một cuốn sách bao gồm rất nhiều công đoạn mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, dàn trang, chế bản, in ấn, … Ngoài ra cuốn sách đến tay độc giả còn qua các công ty phát hành sách, các nhà sách nữa. Phí phát hành cũng không nhỏ! Mình phải phân tích giá thành sách từ đâu và những khoản chi phí nào tạo ra giá cuốn sách thì sẽ thấy không hề đắt! Nếu tôi chọn cho mình giải pháp của nhiều bạn sinh viên- trí thức tương lại hiện giờ là lựa chọn mua sách lậu, bởi vì nội dung bên trong đều như nhau nhưng số tiền bỏ ra thì ít hơn hẳn.

 

Theo ông, cách đầu tư giữ nguyên giá trị nhưng lại hiệu quả hơn này liệu có ảnh hường đến văn hóa đọc hay không?

Mua sách lậu thức là một hình ăn cắp. Ở đây là ăn cắp tri thức! Tuy nhiên, tôi rất hiểu và thông cảm với sinh viên. Còn nếu doanh nhân, trên thực tế, họ chẳng bao giờ mua sách lậu cả. Theo nghiên cứu của tôi từ cấp lãnh đạo phòng trở lên không mua sách lậu. Mua sách lậu cũng cần cẩn thận vì nội dung có thể bị sai lệch hoặc thay đổi. Thứ hai, chất lượng sách không bao giờ bằng sách xịn. Thứ ba là giá thành chưa chắc đã rẻ vì nhiều nhiều khi, những sách lậu đã được tăng giá bìa lên. Sau đó lại bán giảm cho bạn vài chục phần trăm nhưng thực chất có khi bạn vẫn bị mua giá cao hơn sách xịn. Như vậy các bạn lại bị lừa rồi!

Tôi thấy là sách lậu chỉ hoành hành ở phía Bắc, trong Nam rất ít sách lậu. Thông tin rất đáng mừng là Fahasa và Phương Nam mở những nhà sách nguyên giá bìa ở Hà Nội và bán sách vẫn tốt, doanh thu rất cao. Điều đó chứng tỏ là mọi người bây giờ cũng không có tư tưởng mua sách lậu nhiều như chúng ta vẫn nghĩ.

 

Vâng, xin cám ơn ông và hy vọng những thông tin thú vị như thế này sẽ thường xuyên xuất hiện tại Doanh nhân Trí thức 11111.vef.vn

Phương Thúy

Nguồn: http://11111.vef.vn/topblog/article/45/158

Nguon: http://11111.vef.vn/topblog/article/45/158


Âm lịch

Ảnh đẹp