10/02/2011 21:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 2921
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không khói hương nghi ngút cũng chẳng khệ nệ mâm lễ đầy xôi gà, giò oản, giới doanh nhân lặng lẽ đi chùa đầu năm để cầu sức khỏe và mong sự bình an trong tâm hồn.


Năm nào cũng vậy, vào sáng mùng 1 Tết, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng đến chùa Một Cột ở Thủ Đức. Sau đó, mùng 3 Tết, ông có mặt ở chùa Bà, Bình Dương. Ông Quỳnh đi chùa để cầu sức khỏe cho gia đình, mong công việc suôn sẻ, mọi việc hạnh thông. Đồng thời, ông không quên công đức và nhận tiền lì xì là một miếng vàng ở chùa Bà rồi cất vào trong ví giữ gìn cho cả năm.

Nhiều người coi việc lễ chùa là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Ngoisao.

Theo ông, lễ chùa đang trở thành thói quen của nhiều doanh nhân. Họ đến đây để mong tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Điều này còn thể hiện lòng thành với Phật và các vị tiền nhân. "Trong khói nhang nghi ngút, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn", ông Quỳnh nói.

Ông tiết lộ, rất nhiều bạn bè là doanh nhân cũng có thói quen đi chùa đầu năm. Không ít người trong túi luôn có cuốn sổ nhỏ lịch vạn niên hướng dẫn giờ nào làm việc gì, đi đâu thì tốt, khởi hành nên chọn hướng nào... "Nhiều doanh nhân thành đạt còn là đệ tử ruột của một ngôi chùa nào đó. Và họ cũng là đối tượng làm việc công đức và đóng góp xây dựng chùa chiền nhiều nhất", doanh nhân này cho biết.

Tại đền Ghềnh, Hà Nội chiều ngày mùng 6 Tết, nhiều tăng ni phật tử đã có mặt tại đây để tham dự buổi lễ cầu an. Đây là buổi lễ đầu năm mới do nhà sư chủ trì thực hiện cho du khách có nhu cầu. Trong số những người có mặt ở đây, nhiều người đang đảm nhận vai trò chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty. Cũng quỳ lạy và lẩm bẩm khấn vái, các doanh nhân này ở đây trong suốt một giờ đồng hồ.

Anh Quân - chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội cho hay, đây là năm thứ 4 anh có mặt ở đền này vào ngày đầu năm để dự lễ cầu an. "Nhiều lần tôi còn tham gia các buổi hầu đồng của các tín đồ khác. Sau mỗi buổi như vậy, thấy đầu óc thanh thản và nhẹ nhõm hơn. Tôi coi việc cúng lễ là một nét văn hóa truyền thống chứ không phải chuyện mê tín dị đoan", anh nói.

Ngoài đền Ghềnh, những ngày Rằm, mùng một đầu tháng, anh Quân cũng có thói quen tới đền Kim Liên, ở gần nhà mình để thắp hương, cầu khấn. Hai năm trước, khi còn công tác ở Đức, Tết đến không có cơ hội đi lễ chùa cầu an, anh cũng tranh thủ ghé vào chùa Linh Thứu, do người Việt xây ở Berlin. "Đôi khi, tôi đến chỉ là than thở một vài vấn đề vướng mắc trong công việc mà chưa thể giải quyết. Nói ra để cảm thấy nhẹ nhõm, sau đó ra về", anh Quân bộc bạch.

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", là quan niệm chung của nhiều doanh nhân khi dấn thân vào thương trường. "Có những điều xảy ra trong cuộc sống mà khoa học chưa thể giải thích được", Tổng giám đốc Indochina Airlines, Hà Hùng Dũng nói. Ông cho biết thành công của một con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tuy nhiên, ngay cả khi con người cố gắng hết sức mà không được sự trợ giúp của "ông Trời" thì cũng rất khó đạt được thành công.

Những ngày đầu năm, kế hoạch của phó giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh viễn thông ở Hà Nội dày đặc các cuộc viếng thăm chùa chiền. Sáng nay, ông kịp gửi tin nhắn cho cả chục người bạn thân thiết và thường xuyên cùng tham gia các chuyến lễ xa, để mời đi Yên Tử vào chiều mai. Theo lịch, kết thúc buổi làm việc vào chiều thứ 6 ông sẽ cùng bạn bè đi Yên Tử, sau đó về Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ Đền Trần (Nam Định) rồi về phủ Dày.

"Năm nào cũng vậy, đến mỗi nơi, tôi lại xin chút lộc rơi lộc vãi. Điều căn bản là tôi cầu cho mình, gia đình và những người xung quanh sự bình an, vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc. Đồng thời, tôi mong muốn công việc của mình được suôn sẻ hơn", vị phó giám đốc này nói.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, nhiều ông chủ doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch hành hương về chùa Bái Đính, Ninh Bình rồi đền Trần, Nam Định để dự lễ khai ấn vào đêm Rằm tháng Giêng. Sếp một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Hà Nội cho biết Rằm tháng Giêng năm nào cũng có cả nghìn người đổ về đền Trần để xin ấn. Để có được tấm ấn "xịn" in vào đúng giờ khắc vàng 12h đêm, nhiều người phải xếp hàng từ sớm và có lời với ban tổ chức từ trước. "Năm nay, tôi sẽ có mặt ở đền Trần từ sớm để mong có được chiếc ấn, cầu một năm công việc hanh thông, thăng quan tiến chức", ông nói.

Hồng Anh

Nguon:http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/02/doanh-nhan-nang-den-chua-dau-nam/


Âm lịch

Ảnh đẹp