Đoàn có chín người, ba nam, sáu nữ. Đi đến đâu thầy Pháp Tịnh cũng
thuê 5 phòng: hai thầy một phòng, bốn cô hai phòng, cậu trẻ nhất đoàn,
thư ký của tôi, cũng là con nuôi của tôi, được sắp xếp ở cùng phòng với
tôi (để lo cho má). Riêng cô Minh Thái một mình một phòng vì là "Trung tâm ăn uống của đoàn".
Hôm nào cũng vậy, trước khi đoàn giải tán đi ngủ, thầy Pháp Tịnh
thông báo lịch chiêm bái và giờ xuất phát của ngày hôm sau. Tối nay tôi
được biết, sáng mai 5h đoàn khởi hành đi chiêm bái một số di tích liên
quan đến sự nghiệp tu tập của Đức Phật. Những di tích này trong vòng bán
kính 100km, tính từ Bồ Đề Đạo Tràng. Xuất phát lúc 5h, nghĩa là mọi
sinh hoạt cá nhân, ăn sáng, phải xong trước 4h55 phút.
Con nhà chùa quen dậy sớm, không ai gọi ai, quý thầy, quý cô lần lượt
thức giấc. Riêng phòng cô Minh Thái đỏ đèn từ 2h30 sáng. Ngại đoàn ăn
bên ngoài không đảm bảo sức khỏe và vệ sinh, cô dậy sớm để lo thức ăn
sáng cho cả đoàn và còn bới theo cho đoàn ăn trưa. Chẳng ai dám phân
công, tự cô Minh Thái giành. Cô nấu ăn với tâm trạng an vui. Tôi phục cô
lắm.
Mỗi phòng hai người, nhưng nhà vệ sinh có một, ai dậy sớm thì sử dụng
trước, người còn lại chạy qua phụ cô Minh Thái nấu ăn; tôi cũng theo hụ
hợ. Trong khi làm việc, phần nào nặng nhọc, dơ tay, mất nhiều công, các
cô dành làm; phần nào nhẹ nhàng, sạch sẽ, các cô mới cho Phật tử chúng
tôi đụng tay. Dù không phụ giúp được gì, tôi vẫn thích xà quần bên cạnh
các cô vì vừa vui, vừa đầm ấm.
Từ hồi nào tới giờ tôi quen nghe khẩu hiệu "Mình vì mọi người, mọi
người vì mình", nghe riết thành có lý. Nay, tôi học được thêm hạnh sống
của con Phật "Mình vì mọi người", chẳng bận lòng trông mong "Mọi người
vì mình".
Mà đúng vậy, một khi ta đã phát tâm "có đi", mắc gì trông chờ ai đó "có lại" với mình cho mệt!
Sáng nay cô Minh Thái cho đoàn ăn hủ tiếu nước, có thêm rau tươi, cà
chua, dưa leo, nấm, ớt, chanh. Hai Phật tử còn thêm rong biển vào tô hủ
tiếu cho có thêm chất bổ dưỡng, riêng tôi ngại nặng mùi, không rớ tới.
Khi ăn, do bàn ghế không đủ, người ngồi trên giường, kẻ đứng dưới đất,
nhưng không vì thế mà nghi thức chấp tay niệm Phật trước khi ăn thiếu
trang nghiêm.
Đang ăn thì đoàn nghe vị Sư thầy hỏi vui một sư cô, "Cô có rảnh
không? rảnh thì lấy dùm cọng rau dính trên mặt xuống". Ni kia vội vàng
lấy tay xoa mặt lia lịa. Tôi "để bụng". Lát sau, đợi Sư thầy quên quên,
tôi hỏi, "Thầy có rảnh không?". Mới hỏi tới đó Sư thầy đã nhanh tay phủi
phủi từ trán xuống cằm; cả đoàn cười đến đau bụng. Thật ra mặt Sư thầy
không có dính gì, tôi chỉ muốn giúp "gỡ" bàn thua của sư cô kia thôi.
Từ buổi sáng nay, những buổi ăn sau của đoàn, ai cũng chuẩn bị tinh thần bị hỏi "Có rảnh không?".
Những điểm Phật tích cách nhau khá xa, đi cả ngày đường, lại ít nơi
có hàng quán, vì vậy đoàn phải bới cơm theo để ăn trưa. Nơi ăn, đoàn
thường thay đổi cho sinh động. Có hôm ngồi trong vườn xoài mát rượi, có
bữa ngồi trên bãi cỏ xanh tươi, có ngày ngồi tại điểm đoàn đến tham
quan.
Thầy Pháp Tịnh muốn đoàn có nơi ngồi ăn tốt, cảnh đẹp nhất, vì vậy
chọn chỗ rất lâu. Khi thầy Pháp Tịnh "ừ", cô Minh Thái mới trải chiếu.
Nếu như chúng tôi, những người chưa xuất gia, đi mệt thấy chiếu là ngồi
liền, thì quý thầy, quý cô lại không như vậy. Trong đoàn tôi có sáu
người xuất gia, hai thầy và bốn cô; trong đó có hai Ni sư lớn tuổi hơn
hai thầy và, thời gian tu cũng lâu hơn (nói cho dễ hiểu là thâm niên và chức vụ tu cũng lớn hơn).
Thế nhưng tất cả bốn cô bao giờ cũng chọn chỗ tốt nhất mời hai thầy
ngồi trước, cách mời rất cung kính và xưng "con". Khi ăn, uống, quý cô
thường bới chổ cơm mềm, lựa cọng rau ngon, nhường trái cây tươi cho hai
thầy; còn lại mới tới mình. Con nhà chùa không áp dụng văn hóa "phụ nữ
là số một!".
Cô Phật tử trẻ của đoàn quan sát quý sư cô hầu hai thầy, nhất là hai
Ni sư lớn tuổi, liền đặt câu hỏi "Tại sao?". Thầy Pháp Tịnh trả lời,
"Ngày mai đoàn chiêm bái tháp Ngài A Nan, có nhân chứng, vật chứng, thầy
sẽ giải đáp". Hồi hộp à nghen.
|
Sương sớm Nepal |
Chiếu đã trải, mọi người đã yên vị, cô Minh Thái bắt đầu bày biện: Một nồi cơm (điện) đầy gần tới nắp, một thẩu canh (thường là canh chua ăn liền), rau luộc (rất nhiều),
nấm kho tiêu, phù chúc rim giòn, nước tương, ớt, muối mè đậu phộng,
trái cây nhiều loại, nước gạo lức nóng; ai thích ăn gì, xin mời. Trước
khi ăn chúng tôi không bao giờ quên nghi thức niệm Phật.
Thực đơn của tôi, trưa nào cũng vậy: 1/3 bát cơm, rắc nhiều đậu phộng
với mè rang, một gắp lớn rau luộc, thêm hai trái chuối và hai trái táo
cắt nhỏ, trộn đều, ăn. Với lượng thức ăn như vậy là nhiều gấp ba mỗi bữa
ăn bên nhà của tôi, thế mà có bữa tôi còn thòm thèm.
Sau những buổi ăn bụi với đoàn tôi ngộ ra, cao lương mỹ vị chưa chắc đã ngon, ăn uống đạm bạc chưa chắc đã khổ.
Thầy Pháp Tịnh, "tổng công trình sư" của chuyến chiêm bái. Vóc dáng
của thầy thuộc loại "có da có thịt". Để chuyến đi được hanh thông, nhiều
buổi tối chúng tôi đã nghỉ rồi mà thầy vẫn còn thức làm việc với đối
tác để chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai của đoàn. Vì vậy để đủ sức khỏe,
mỗi buổi ăn thầy thường ăn nhiều bát (lớn hơn cái chén một chút). Và chuyện ăn của thầy luôn là đề tài vui nhộn của đoàn.
Khi ăn, bát đầu tiên thầy vừa nói vừa cười, "Bát này vì sự nghiệp tu
học của bản thân". Bát thứ hai, thầy khôi hài, "Bát này vì chuyến chiêm
bái của đoàn". Bát thứ ba, thầy chưa nói, đã có người nói hớt rất hóm
hỉnh, "Bát này thầy ăn để khỏi còi xương!". Cả đoàn cười ngặt nghẽo.
Từ hôm nay trở đi, nếu bữa nào đoàn ăn cơm còn dư lại chút đỉnh,
không dám đổ bỏ, người này ép người kia, "Ráng ăn để khỏi còi xương".
Đường xa, có hôm đoàn phải ngồi trên xe cả ngày, cô Minh Thái thấy Sư
thầy mệt mỏi, nhắc, "Thầy chợp mắt một chút cho khỏe, tới nơi con
thưa". Sư thầy (chắc là giữ kẻ) trả lời, "Thầy không quen ngủ
ngày". Lát nữa, chịu hết xiết, thầy ngủ thiếp. Chỉ chờ có thế là đoàn
chụp ảnh để làm "vật chứng". Nhưng, không phải một mình thầy ngủ ngày,
cho nên, trong đoàn ai cũng có một tấm ảnh chụp lúc đang ngủ trên xe.
Gần ngày về, để tổng kết chuyến đi, tôi đề nghị với đoàn, tổ chức một
cuộc thi "ảnh ngủ ngày đẹp nhất". Mọi người đồng tình hưởng ứng. Thế là
ảnh ngủ ngày của từng thành viên được đoàn đem ra ngắm nghía. Lại thêm
những trận cười giòn giã.
Chung sống với Tăng ni có nhiều điều làm tôi ngạc nhiên: Thức ăn đem theo thì nhiều, nhưng chủ yếu dành cho ba Phật tử (nhất là tôi), và để cúng dường Tăng ni sinh đang theo học tại Ấn Độ (tôi được biết đời sống của những du học sinh thuộc giới tu hành rất cơ cực),
còn thì quý thầy, quý ni ăn uống rất tiết chế. Hành lý đoàn đem theo
thì quá tải, nhưng hành lý cá nhân của quý thầy, quý cô chỉ vừa một tay
nải khoác bên vai. Ngủ cũng vậy, tưởng ở chùa mới phải dậy sớm để tụng
kinh, nhưng chỉ mới 3h sáng là cả đoàn đã lục đục.
Tôi liền thắc mắc, một sư cô trả lời, "Tăng ni làm theo lời Phật dạy "tam thường bất túc". Cô giải thích thật kỹ (theo ngôn ngữ nhà chùa),
nhưng khả năng lĩnh hội của tôi chỉ ở mức này: Tam thường bất túc nghĩa
là, ăn vừa đủ, mặc vừa đủ, ngủ vừa đủ. Tóm lại, Phật không muốn con
mình trở thành nô lệ cho sự hưởng thụ của bản thân.
Nhiều ngày có điều kiện sinh hoạt chung với Tăng ni, tôi để ý, trong
làm việc cũng như nói năng, gần như ai cũng giữ sự từ tốn, bao dung, hòa
hợp, nhẫn nhịn, uy nghi,... Thấy vậy tôi buộc miệng khen "Con ai mà cốt
cách quý phái dữ vậy ta?". Một cô vừa nheo mắt vừa nhoẽn miệng tươi
cười, "Con Phật chớ con ai".
Nghe vậy tôi đáp, "Ngó bộ hơi bị chảnh à nghen", nhưng sau khi suy
nghĩ kỹ tôi thấy "không chảnh chút nào". Trước khi đi tu, Phật là con
Vua, Ngài đã được giáo dục bởi một nếp nhà uy nghi, cốt cách. Và vì đã
từng là con Vua, Ngài đủ điều kiện đi đến tận cùng của sự hưởng thụ để
rồi nhận ra sự rỗng không của nó.
Là con Vua, Ngài dạy cho Tăng ni uy nghi cốt cách của nề nếp Hoàng
gia. Là Phật, Ngài dạy cho con mình không tham đắm vào vọng tưởng, hão
huyền.
Tạ Thị Ngọc Thảo (Theo vef.vn - Vietnamnet)