25/07/2012 16:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 76020
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi gặp chướng thì người ta thường… ngại; phải chăng vì thế mà từ “chướng ngại” mới ra đời?
Tôi ngờ như thế vì cũng từng dùng cách ấy để giải thích cho những từ như “giàu sang” (ờ thì giàu, có tiền nhiều, người ta sẽ biết cách chăm chút, làm cho mình sang lên, chả là “người đẹp vì lụa” là gì); nghèo hèn (ờ thì nghèo nên có muốn làm gì đó cho ai cũng không có điều kiện,

thậm chí phải ngửa tay xin xỏ, sống tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng, thậm chí nghèo quá, đói quá sanh ra tham lam, cướp giựt; chả là người ta đã nói “bần cùng sanh đạo tặc” là gì)…

Cứ thế mà suy, mà ngẫm để rồi từ đó thấm cái ý “có thực mới vực được đạo” hoặc “vật chất quyết định ý thức” trong triết học hiện đại…

Vượt chướng ngại.jpg

Học Phật, ta sẽ biết cách vượt qua chướng ngại một cách vững chãi - Ảnh minh họa

Tất nhiên, không phải con người nào, ai trong xã hội này cũng đều đi theo quỹ đạo thuận chiều, yếu đuối của lý lẽ ấy. Bởi cũng có người nghèo nhưng thanh cao, nên mới có từ thanh bần; cũng có người giàu nhưng lại hèn hạ, bòn rút của người nghèo khó, thấp cổ bé miệng nên mới có từ ti tiện… Và cũng có người gặp chướng nhưng không ngại, vượt qua và đi tới, thậm chí còn nhờ vào cái chướng ấy làm động lực để tiến bộ hơn trong cuộc đời, thành công trên con đường tu tập, chuyển hóa. Thế nên mới có cụm từ “nghịch tăng thượng duyên”, nghĩa là gặp chướng nhưng sanh ra năng lượng vững chãi, thúc đẩy sự thành tựu nhanh hơn, tròn đầy, ý nghĩa hơn.

Dân gian gọi đó là “cái khó ló cái khôn”, bởi khi bị đưa tới đường cùng, đối mặt với sanh tử thì con người ta trở nên thông minh, mẫn cán hơn trong tư duy, hành động. Và thực tế, có chuyện những người nữ dân công, trong tình thế chạy giặc đã có thể khuân vác hàng tạ, chạy băng băng không nề chi, trong khi nếu bình thường thì “chân yếu tay mềm”.

Đức Phật của chúng ta là một bậc hiền triết, đạt được trí tuệ xuất thế gian. Công hạnh tu tập của Ngài đã vượt thắng được ma quân và chướng ngại rất nhiều. Vượt thắng hoàn cảnh xuất thân (chăn êm nệm ấm, vợ đẹp con ngoan, quyền uy tối thượng…) để xuất gia đã là một sự “vượt chướng ngại vật” rất dũng mãnh của một bậc xuất sĩ. Những danh, sắc, quyền lực, tiền tài… ấy khối người mong ước thì Ngài lại từ bỏ. Đó là lựa chọn, là vượt chướng vì lòng thương tưởng chúng sinh, thao thức tìm đường giải thoát. Đến đây, chúng ta sẽ trực ngộ ra rằng, chướng ngại không phải chỉ có những nghịch duyên, sự trái khuấy của cuộc sống, của lòng người đầy dẫy tham-sân-si trút lên mình mà còn là của những điều quá tốt đẹp như quyền lực, sắc đẹp, tài sản, danh vọng… Những thứ đó có thể tồn tại dưới dạng vi tế hoặc thô, đầu độc tâm con người rất kinh khủng.

Chúng ta nhớ chuyện của Ngài Ngộ Đạt Quốc sư (duyên khởi của Thủy sám pháp)? Mười đời tu miên mật để rồi chỉ vì khởi lên tâm vui mừng khi được nhận một vật quý vua ban đã phải chịu nghiệp (mối hận theo trả thù suốt 10 đời). Chướng là chỗ đó, khởi lên tâm luyến ái, dính mắc thì sẽ liền đổ nghiệp, biểu hiện của việc tổn phước đức. Chướng bởi những sự sung sướng, hanh thông là cái chướng đương nhiên, thường gặp và khó qua, kiểu như “anh hùng khó qua ải mỹ nhân” vậy. Chính vì vậy mà những bậc thầy khi dạy đệ tử thường rất cẩn trọng trong việc giao công việc, giao quán xuyến những vị trí có thể sinh ra quyền lực, danh vọng, tiền bạc… hoặc chư Tổ thường không vội vàng để học trò mình “nhập thế” khi sự “ngộ đạo” chưa tới nơi tới chốn. Bởi, nếu quá dễ dàng khi đạt được những giá trị thì kiêu mạn và chấp ngã sẽ tăng; nếu chưa “thấm tương chao” hòa lẫn vào đời làm việc thì dễ nhiễm ô thế tục, phá nát đời tu trước đó - vốn khiêm hạ, tinh tấn…

Tuy nhiên, trong vòng xoáy ấy, nếu hành giả vượt qua chướng này thì level của vị ấy sẽ tăng lên, cái đó được gọi là kinh nghiệm vượt qua thử thách.

Đức Phật cũng từng vượt qua những chướng (sự cám dỗ) của ma quân, giả danh người thân-thương, hiện tướng sắc-dục để mời gọi khi Ngài ngồi dưới cội Bồ đề quán niệm trong 49 ngày trước khi thành tựu ngôi vị Chánh đẳng Chánh giác (quả vị Phật). Hay, ngài Trần Huyền Trang, pháp sư Trung Hoa trong Tây Du Ký cũng là biểu tượng của người vượt chướng như vậy.

Ở đây ta thấy, bên cạnh chướng êm ái thì cái chướng khổ đau cũng dễ làm lùi bước, thậm chí bỏ cuộc của nhiều người, trong mọi sự nghiệp.

ẢNH FACE1.jpg

Bước qua những khúc quanh của cuộc đời,
vì phía trước vẫn là con đường, rất mênh mông - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Chướng trong học hành, trong sự nghiệp, trong tình yêu… Những khúc quanh của cuộc sống không hanh thông, thiếu thuận lợi (vốn dĩ do nghiệp chướng đã tạo) thường đưa đẩy người ta vào con đường thối chí, trở nên mất hết niềm tin, bất cần… Đó là một phản ứng mang tên tha hóa, thậm chí để vượt chướng ấy người ta đã dùng cách luồn lách hoặc sử dụng kỹ xảo để phù phép, biến hóa và bước qua trong sự lương lẹo, lạng lách của mình. Nếu nhìn bằng đôi mắt đạo Phật sẽ thấy người ấy đã có nghiệp còn tạo thêm tội nghiệp, tương lai chắc chắn chướng sẽ càng to hơn. Cụ thể, hiện tượng người ta mua bằng cấp, rồi đến mua quan chức, tham nhũng và dùng tiền bất chính ấy để bao biện, bảo vệ mình thì trước sau gì cũng gặp họa lớn. Minh chứng từ Tàu sang ta, từ Âu sang Mỹ không phải ít, chỉ cần mỗi sáng đọc báo hoặc bậc tivi, radio lên sẽ đọc, nghe, thấy liền.

Gặp chướng ngại mà vượt qua, tức là chướng mà không ngại thì sẽ gặp phúc; dân gian cho rằng như thế nhưng người ta không lý giải được nguyên nhân. Đến khi học Phật, mình quán chiếu và thấy rằng người gặp hoạn nạn không thối thất là thể hiện cái tâm dũng mãnh, sự vững chãi… Chính hạt giống mạnh mẽ trong tâm thức vừa tưới tẩm, nẩy nở ấy chính là nguyên nhân dẫn tới thành tựu đạo nghiệp cũng như mọi thành tựu khác trong cuộc sống. Đó là nhân quả, là đương nhiên.

Chúng ta phải vượt chướng ngại trong hoan hỷ, nhất là những chướng ngại vốn do oán cừu mà sanh. Như khi mình tu tập, làm việc thiện hoặc làm những công việc mưu sinh thường ngày mà cứ bị người ta chống báng. Đó là điều dễ gây ra nỗi sân hận, thù hằn, và nếu mình tưới tẩm điều này lâu ngày thì hạt giống vị tha, từ bi trong mình sẽ lặn mất tăm. Do vậy, gặp chướng, ở một khía cạnh nào đó, phải quán chiếu ngay, rằng, người gây chướng cho mình là chủ nợ tới đòi, mình từng vay, phải trả, và trả trong hoan hỷ. Đồng thời, họ cũng tới để rèn mình thành người biết nhẫn nhục, biết tha thứ, biết khoan dung, độ lượng, biết thương những người không dễ thương…

Bao giờ mình thành tựu được pháp hành như vậy thì mình sẽ thấy rất nhẹ nhõm. Người ta đến cười vui, xưng tụng mình mình cũng vui mà người ta tới nặng nhẹ mình mình cũng vui, và không quên cảm ơn. Khi đó là mình đã phá chấp, mình không còn chấp bởi lời khen, tiếng chê - kết quả của việc quán chiếu chướng ngại và rủi ro, đau khổ trong cuộc đời mà mình gặp, do ai đó tạo ra, dành “tặng” mình. Đức Phật chính là bậc đã làm điều này một cách mô phạm, suốt cả cuộc đời hoằng pháp của Ngài, nhất là khi Đề Bà Đạt Đa, người anh em trong dòng tộc, cũng là anh em trong cội nguồn tâm linh đã bao phen hãm hại, tìm đủ phương cách hạ nhục Ngài. Thế mà Ngài vẫn vui vẻ, hoan hỷ cảm ơn và trân trọng gọi Đề Bà Đạt Đa là “thiện tri thức của ta”.

Đối với phàm phu, không dễ làm như vậy, nhưng muốn làm được thì phải tập dần dần, từ chướng nhỏ tới chướng lớn, từ người này tới người khác, họ gây cho mình khổ đau, mình thương, mình cảm ơn, và tha thứ… Cứ thế, chướng ngại đối với mình là lò luyện tâm, và người đòi nợ hay người ác hãm hại mình trở thành người truyền cho mình sức mạnh để tiến tu, để vững chãi, thong dong…

Lưu Đình Long (ĐPNN)

Âm lịch

Ảnh đẹp