Một người em đến nhà người
chị để mời đám cưới cô con gái. Nghe người chị nói mình vừa trải qua
cơn tăng huyết áp suýt bị tai biến, hiện việc đi lại còn khó khăn. Người
em chẳng một lời thăm hỏi sức khỏe, bệnh tình của chị mình, cứ đưa
thiệp mời đám cưới, nói chuyện đâu đâu rồi vô tư ra về. Không phải quan
hệ tình cảm chị em không tốt mà người em không quan tâm đến chị mình,
chỉ vì cái tính thờ ơ vô tâm mà như thế.
Người
vợ bị cảm lạnh, nằm kế bên chồng vừa sổ mũi vừa hắt hơi liên tục, người
chồng vẫn ngủ ngáy o o, thỉnh thoảng tiếng hắt hơi làm người chồng giật
mình tỉnh giấc, anh ta càu nhàu: “Suốt đêm cứ nhảy mũi hoài làm không ai
ngủ được!”, rồi anh ta ngủ tiếp.
Dân gian Việt
Nam có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Người xưa thường dạy
con cháu mình như thế, nhưng ngày nay dường như chẳng mấy ai quan tâm
điều này. Người ta không chỉ cần học chữ nghĩa, kiến thức văn hóa, khoa
học, mà còn cần phải học ăn uống, đi đứng, nói năng, học cách làm việc,
học cách cư xử, học cách chăm sóc bản thân và quan tâm người khác v.v...
Cái gì cũng cần phải học, chứ không phải chỉ học cách kiếm tiền, học
cách ăn chơi hưởng thụ... Đôi khi chính sự thiếu hiểu biết làm hại bản
thân và những người thân mà mình không hề nghĩ đến. Nếu mình không biết
quan tâm đến ai thì cũng chẳng ai quan tâm đến mình. Nếu con cái chẳng
học được gì ngoài sự thờ ơ, vô tâm của cha mẹ đối với những người thân
của mình và mọi người, thì khi lớn lên chúng sẽ không biết gì khác ngoài
việc dùng thái độ đó đối với cha mẹ chúng.
Các
bậc cha mẹ cần dạy con mình từ nhỏ phải biết cách tự chăm sóc bản thân
và biết cách quan tâm, chăm sóc những người thân xung quanh mình, gần
thì có ông bà cha mẹ, anh chị em, xa thì có bạn bè, chòm xóm láng giềng
những khi cần giúp đỡ. Có rất nhiều người không biết cách chăm sóc cho
người thân của mình do từ nhỏ không được chỉ dạy, không tập làm cho
quen. Ví dụ như, khi người thân bị nóng ho mà nấu thức ăn chiên xào
nhiều dầu mỡ; khi con cái bị viêm họng mà cho uống nước đá lạnh, ăn kem;
con bị cảm sốt, nhức đầu thì đè ra cạo gió rồi lấy chăn mền trùm kín;
thấy con mệt mỏi do sốt thì lấy thuốc bổ cho con uống vào… Kết quả của
cách chăm sóc như thế khiến người cần chăm sóc không khỏe mà còn mệt
thêm, chẳng những không hết bệnh mà bệnh càng nặng thêm. Đó đều do không
có hiểu biết về bệnh và không biết cách chăm sóc người bệnh.
Có
nhiều ông chồng sau giờ làm mặc tình la cà đó đây nhậu nhẹt, xem như
mình kiếm tiền về nhà là đã làm xong trách nhiệm, chẳng màng quan tâm
đến vợ con ở nhà, không hề nghĩ ở nhà có việc gì cần mình làm hay không,
vợ con có đang trông chờ mình về hay không, con cái mình đi học về
chưa, chúng học hành như thế nào rồi, mình nên thường xuyên tiếp xúc hỏi
han con cái để tình cảm cha con không lạt lẽo… Có nhiều bà vợ ngày nào
cũng bỏ khối thời gian cho việc trau chuốt làm đẹp hoặc đi mua sắm, làm
bà tám với bạn bè, nhưng lại lười vào bếp để chuẩn bị cho chồng con một
bữa ăn ngon, giặt ủi cho chồng con cái quần cái áo, hoặc thăm hỏi sức
khỏe, đời sống cha mẹ mình. Sự thờ ơ, vô tâm tạo ra nhiều điều đáng
buồn, đáng trách.
Nên dạy con trẻ biết thăm
hỏi ông bà cha mẹ, quan tâm lo lắng, chăm sóc ông bà cha mẹ khi ông bà
cha mẹ ốm đau, bệnh tật. Từ bé thơ, trẻ phải được cha mẹ dạy những câu
như: “Cha có khỏe không?”, “Mẹ có khỏe không?”, “Con thương cha mẹ
lắm!”, “Cha mẹ bị làm sao thế?” (Khi cha mẹ có biểu hiện bị bệnh hoặc
gặp phải chuyện gì). Nên dạy con trẻ biết lấy thuốc cho cha mẹ uống khi
cha mẹ bệnh (tất nhiên là cha mẹ chỉ cho con biết cần uống loại thuốc gì
hoặc đi mua thuốc gì); nấu cháo cho cha mẹ ăn, đưa cha mẹ đi bệnh viện,
phòng mạch, hoặc mời bác sĩ đến khám bệnh cho cha mẹ nếu như cha mẹ
không thể đi; biết lấy áo ấm cho cha mẹ khi thời tiết lạnh; biết lấy
nước cho cha mẹ uống và hỏi thăm khi cha mẹ đi làm về: “Cha mẹ có mệt
lắm không? Để con lấy nước cho cha mẹ uống”. Khi lên mâm cơm, nên dạy
con trẻ mời ông bà cha mẹ trước: “Con mời ông bà dùng cơm”, “Con mời cha
mẹ dùng cơm”. Cha mẹ có biểu hiện không vui, con cái phải quan tâm tìm
hiểu, hỏi cha mẹ xem mình có làm điều gì khiến cho cha mẹ buồn không hay
là cha mẹ không được khỏe? Cần phải dạy trẻ biết phụ giúp công việc gia
đình, xem làm việc nhà là trách nhiệm của mình chứ không phải là việc
không liên quan đến mình. Nên dạy trẻ phải biết quan tâm đến người khác
chứ không phải chỉ biết nhận sự quan tâm và những gì người khác làm cho
mình.
Phải dạy trẻ từ nhỏ về tình yêu thương,
về bổn phận, trách nhiệm, dạy trẻ nuôi dưỡng những tình cảm đạo đức và
hình thành những thói quen tốt, để khi lớn lên trẻ không là người sống
thờ ơ, vô tâm đối với những người thân xung quanh, đối với gia đình và
xã hội.