09/06/2012 18:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 43386
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong cuộc sống, phàm làm một việc gì chúng ta đều cần có một niềm tin. Niềm tin tạo cho ta một sự hứng khởi và quyết tâm, một sự nổ lực, một niềm hy vọng hướng đến. Có niềm tin, xem như đi nửa chặng đường của sự thành công.

Về mặt tâm linh cũng vậy, Kinh Niết Bàn đã nói rằng ‘người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ dàng tăng trưởng vô minh mờ ám, người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới làm cội gốc tu hành’ (Trích trong Kinh Lời Vàng, trang 20). Ở một đoạn khác, kinh này cũng nói rằng ‘những người đa nghi đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng thành công; vì nghi pháp chẳng học đặng,... nghi mình thì không thể học được (Luận Thành Thật - được trích dẫn trong Kinh Lời Vàng).

Những nghi ngờ ấy tức là không tin Phật, không tin pháp, không tin Tăng, cũng không tin Thánh giới mà đức Phật đã chế, không tin người, không tin mình. Sự giảỉ nghi được giải tỏa và cụ thể hóa bằng hình ảnh đứa con ông trưởng giả trong phẩm ‘Tín Giải’ của Kinh Pháp Hoa.

Không phải đọc mà cảm giác như đang nghe, nghe nỗi niềm ray rứt của một người cha trước sự cạn cợt, thấp kém của đứa con, đã thả trôi cả cuộc đời gặp chăng hay chớ, không thấy được hướng đi cho mình qua lời tự tình thấm đậm tình thương của đức Bổn Sư trước căn cơ hạ liệt của chúng sanh.

Hai mươi năm, năm mươi năm, cả một đời người chen chúc giữa hồng trần, nổi trôi trong ba cõi, sáu đường, gã cùng tử vẫn ở nguyên chỗ cũ, vẫn ở trong vòng lẩn quẩn, khư khư ôm giữ những gì mình có, tâm trí hạ liệt vẫn chưa chuyển hóa được, vẫn chưa thể khai mở được tuệ giác sẵn có nơi nguồn tâm. 

Vậy đó, niềm tin là yếu tố cốt lõi trong vấn đề học Phật. Không có niềm tin, sẽ thiếu cơ duyên tiếp cận, trở về bản tánh thanh tịnh vốn có của mình. Lòng tin vững vàng sẽ cho ta một ý chí để đạt được mục đích tối thượng đó là giải thoát luân hồi lục đạo. Có niềm tin đã khó, giữ vững niềm tin lại càng khó hơn, bởi không ai thấu suốt được mọi điều. Con người thường nhìn thấy chỉ được cái pháp hiện tượng ở bên ngoài mà không thể hiểu thấu và thấy được bản chất bên trong; vì thế cho nên quan niệm chung chung hoặc như ‘vơ đũa cả bó’ rồi nắm lấy hiện tượng mà suy luận, diễn giải, ngụy biện hòng bảo vệ cho cách hành xử, thái độ của mình; đồng thời chê bai, coi thường người khác, kết quả dẫn tới suy giảm niềm tin. Có thật hiểu mới có niềm tin vững chắc, nếu không hiểu chỉ là tin mù, dần dần trở thành cuồng tín.

Lòng tin không kiên định rất dễ bị lung lay bởi sự cám dỗ của tiền bạc, danh sắc, ... vật chất được ngụy trang dưới nhiều chiêu bài và nhiều hình thức. Chúng sinh ‘người trần mắt thịt’ luôn dã tâm mưu cầu lợi lạc cho tự kỷ, mà không nhìn xa, trông rộng, không có niềm tin sâu sắc, sự am hiểu không thấu đáo, nên ra cơ sự như vầy. Thật tiếc lắm thay!

Không phải ngẫu nhiên mà qua bấy nhiêu năm gã cùng tử mới nắm giữ được vật báu do cha mình để lại. Phần tôi, bao năm tháng nhọc nhằn lo toan, nay tôi lại tìm thấy tôi trong người con ấy, mãi bám víu và bằng lòng với những thấp bé đời thường, mà cho đó là hạnh phúc, là nguồn sống của mình, mãi nắm giữ không thoát ra được. Và hôm nay, khi viết bài ‘Tản mạn về niềm tin’ tôi mới thực sự bắt đầu...

Xin thành kính tri ân Đấng đại từ đại bi đã cho con niềm tin vào con đường giải thoát.

M.T

http://www.lieuquanhue.vn/index.php/6/6180.html

Âm lịch

Ảnh đẹp