Khi mới bắt đầu tập thiền quán tâm từ, metta, có một kinh nghiệm đã giúp
tôi thấy rõ được tâm thức mình, cũng như cách tôi liên hệ với những
người chung quanh.
Lúc ấy, tôi được hướng dẫn thực tập ban rải
tình thương của mình đến một người dưng (a neutral person), mặc dù lúc
đó tôi cũng không hiểu rõ "người dưng" là như thế nào. Thầy của tôi,
ngài Anagarika Munindra, chỉ nói rằng tôi hãy chọn một người nào gần
đây, người mà tôi không thương cũng không ghét.
Lúc ấy tôi đang sống ở Ấn Độ, và trong tu viện nhỏ nơi tôi trú ngụ
có một ông lão làm vườn. Tôi gặp ông ta mỗi ngày, nhưng thật sự tôi chưa
bao giờ nghĩ gì về ông. Ông chỉ là một người mà tôi nhìn thấy mỗi khi
đi ngang qua. Và tôi giật mình khi ý thức được rằng, có biết bao nhiêu
người như vậy chung quanh tôi, những người mà tôi hoàn toàn không thương
cũng không ghét. Khám phá đó tự nó cũng là một sự giác ngộ cho tôi.
Và
rồi trong nhiều tuần liên tiếp, đều đặn mỗi ngày, trong lúc ngồi thiền
tôi bắt đầu quán tưởng về ông lão làm vườn, và niệm thầm những câu như
“Mong cho ông được an vui, mong cho ông được khỏe mạnh, mong cho ông
không bị khổ đau.” Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy một sự ấm áp
và thân thiện đối với ông lão, và mỗi khi tôi đi ngang ông con tim tôi
mở rộng ra.
Và đó cũng là một kinh nghiệm rất quan trọng trên con
đường thực tập của tôi. Tôi khám phá được rằng, cảm tình của tôi đối
với một người nào đều tùy thuộc vào chính tôi, mà thật ra, tình cảm ấy
hoàn toàn không hề dính dáng gì đến người kia, đến thái độ của họ, hay
vào hoàn cảnh. Ông lão làm vườn trước sau vẫn vậy không thay đổi.
Ông
không hề đổi cách ông làm việc hay thái độ đối với tôi. Nhưng vì tôi có
một cái nhìn mới, và một sự thực tập, con tim tôi bắt đầu mở rộng ra
với một sự cảm thông chân thành và quý mến.
Và điều này cũng giúp
tôi học được một bài học quan trọng về năng lượng có mặt của tâm từ. Vì
tình thương này không hề tùy thuộc vào bất cứ một cá tính nào của người
kia, nên nó sẽ không dễ biến đổi thành thù ghét, hờn giận hay là bực
dọc, như là các loại tình thương có điều kiện khác. Tình thương vô điều
kiện này được phát xuất từ một con tim rộng lượng.
Chúng ta ai
cũng có thể cảm nhận được thứ tình thương này, nhưng có thể ta sợ hoặc
nghĩ rằng nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của mình. Nhưng tâm từ, metta,
không phải là những năng lực dành riêng cho các bậc như là Đức Đạt-lai
Lạt-ma, Mother Teresa, hoặc một hạng người xa xôi nào đó. Chúng ta ai
cũng có thể thực tập và phát triển, và đều có khả năng thương yêu theo
đường lối ấy.
Làm sao ta có thể mở rộng con tim mình ra trước những khổ đau? Tuệ giác nào có thể làm phát khởi một tâm từ trong ta?
Có
một sự thật rất đơn giản và sâu sắc là hạnh phúc chân thật không hề
phát xuất từ sự thu góp, hoặc tích chứa cho nhiều những cảm giác vui
thú. Bạn hãy thử nhìn lại cuộc đời mình đi, với những cảm giác dễ chịu,
những sự kiện vui thích mà mình đã kinh nghiệm, chúng có mang lại cho ta
một hạnh phúc nào vĩnh viễn chăng? Chúng ta biết chắc là không, bởi vì
tự chúng cũng không thể có mặt lâu dài được.
Xã hội và văn hóa
chúng ta lúc nào cũng vun bồi cho một niềm tin rằng hạnh phúc của ta
được phát xuất từ những cảm giác vui thích của mình. Có lần tôi xem một
trang quảng cáo thuốc lá, có hình của một đôi nam nữ rất đẹp đứng trong
một khung cảnh như thiên đàng, với điếu thuốc trên tay. Bên dưới là dòng
chữ “Không có gì ngăn trở được thú vui của tôi.” Và đó không phải chỉ
là lời quảng cáo cho thuốc lá mà thôi, thật ra nó có mặt khắp nơi trong
mọi khía cạnh của cuộc sống. Có được cái này và bạn sẽ có hạnh phúc, có
được cái kia thì bạn sẽ có một niềm vui.
Một điều rất nguy hiểm
là niềm tin này - hạnh phúc chân thật chỉ có thể phát xuất từ những cảm
giác vui thích - sẽ khiến ta trở nên khép kín với những gì mang lại cho
ta sự khó chịu. Nhưng nếu ta đóng chặt con tim mình trước khổ đau, thì
ta cũng tự lấp kín nguồn suối thương yêu của chính mình.
Tuệ giác
của thiền tập sẽ giúp ta thấy rằng, hạnh phúc hoàn toàn không hề tùy
thuộc vào những cảm giác dễ chịu của ta. Nhưng nếu vậy thì hạnh phúc
chân thật bắt nguồn từ đâu? Và đó cũng là một câu hỏi chính của thiền
tập.
Thiền tập là một nghệ thuật sống, một nghệ thuật tương quan
với những gì có mặt trong ta và chung quanh ta. Mỗi khi ta có những cảm
xúc như buồn hay vui, giận hờn hay thương yêu, sợ hãi hay can đảm… bao
giờ cũng có rất nhiều cách khác nhau để ta quan hệ với chúng. Ta có bị
vướng mắc không? Ta có nhận chúng là mình không? Tâm ta có rộng lớn đủ
để chấp nhận chúng không, hay đang bị chúng sai sử?
Tâm ta cũng
giống như một bầu trời rộng lớn, một không gian bao la. Mọi vật có thể
khởi lên trong đó, nhưng không gian ấy vẫn không hề bị ảnh hưởng. Với
công phu thiền tập tâm ta có thể được giống như bầu trời ấy, không hề bị
lôi cuốn hay dính mắc vào một hiện tượng nào hết. Với một tâm như vậy,
chắc chắn ta sẽ an trú trong hạnh phúc, vì nó không hề bị thay đổi hay
chi phối bởi những điều kiện. Không có một hạnh phúc nào cao tột hơn là
niềm an lạc. Và sẽ có lúc ta cảm nhận được sự thật ấy.
Điều quan
trọng ta cần nhớ là hãy xem tâm từ như một sự thực tập. Có lúc ta cảm
thấy thương yêu, và sẽ có lúc không. Cũng có những lúc niềm đau nỗi khổ
to lớn quá, ta cũng cần phải bước lui lại một chút, khép kín lại một
chút, để mình không bị tràn ngập. Những lúc ấy, ta cần tạo cho mình một
khoảng không gian để có thể lấy lại được sự quân bình và an ổn. Và với
một năng lượng mới, ta lại có thể mở rộng con tim mình ra. Mỗi lần thực
tập tâm từ là mỗi lần năng lượng thương yêu trong ta được lớn mạnh thêm.
Trong
thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, vấn đề quan trọng không
phải là ta có một kinh nghiệm đặc biệt nào. Vấn đề quan trọng là ta thực
tập tiếp nhận chúng như thế nào! Nếu ta biết đối xử với chúng cho khôn
khéo, cho dù bất cứ đó là gì, tâm ta sẽ mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm
của cuộc sống. Và tuệ giác ấy sẽ nuôi dưỡng và làm lớn mạnh tâm từ
trong ta.
Đức Đạt-lai Lạt-ma nói: “Chúng ta chỉ là những người
khách ghé thăm hành tinh này. Chúng ta ở đây nhiều lắm thì cũng chín
mươi, hoặc trăm năm là cùng. Trong thời gian ấy, ta hãy gắng làm gì cho
hữu ích, mang lại những gì là tốt lành cho cuộc đời bằng cuộc sống của
mình.
Hãy tập cho mình có một sự an lạc, và chia sẻ niềm an lạc
ấy đến với người chung quanh. Và nếu ta đóng góp được hạnh phúc cho kẻ
khác, ta sẽ thấy được mục đích của cuộc đời này, ý nghĩa của cuộc sống
này.”
Điều đó rất là đơn giản. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời
gian thật ngắn ngủi. Chúng ta có thể làm điều gì tốt lành với cuộc sống
của mình không? Ta có thể tạo cho mình một niềm an lạc và san sẻ hạnh
phúc ấy với người khác được chăng? Và khi ta đóng góp thêm cho hạnh phúc
của kẻ khác, ta sẽ thấy được mục đích và ý nghĩa của cuộc đời này. Công
việc của ta là vậy. Và đó cũng là một thử thách của ta.
Joseph Goldstein
Hiện Trú (dịch)
http://thienviendaidang.net