26/09/2010 18:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 5108
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong những hang lớn trên núi Đá Bia (Phú Yên), có một gia đình 13 người, nhỏ nhất mới 10 tuổi, trú ngụ. Họ phát nguyện tụng kinh niệm Phật tu trì, tập leo núi, ăn rau rừng để chữa bệnh cho mẹ.

Núi Đá Bia có tên chữ là Thạch Bi Sơn, nằm trong dãy Đại Lãnh ở huyện Đông Hòa, Phú Yên, cao 706 mét so với mặt nước biển. Núi nằm doi ra sát mặt biển tạo thành những mỏm đá mà từ biển nhìn vào giống những hình thù kỳ dị như đầu sư tử, đầu rồng. Trên chóp đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao, quanh năm mây trắng che phủ. Đứng dưới chân tảng đá, phải ngửa mặt mới trông thấy tầng chót vót đỉnh cao.

Ấy thế mà trên đỉnh cao chót vót này lại có một gia đình đến tập tu từ hơn 4 tháng qua. Đại gia đình này chỉ có hai anh em xuất gia mang pháp danh Minh Đăng, Bảo Đăng, còn lại (bao gồm cha mẹ, anh chị, cháu...) đều tu hành tại nhà theo phái Nam tông Minh sư đạo.

* Cuộc sống thanh tịnh trên đỉnh núi cao

Đưa VnExpress.net vượt đỉnh non quanh năm mây phủ, rồi men theo sườn núi phía Bắc về nơi nghỉ của cả nhà, chú Bảo Đăng xoa tay sảng khoái: "Cả nhà từ huyện Đông Hòa lên núi tu trì là mong chữa chứng bệnh nan y của mẹ". Câu chuyện của người tu hành cứ thế mở ra trong không khí trong lành mát lạnh của đỉnh núi.

Bữa cơm trong hang đá với rau rừng, muối é. Ảnh: Thiên Lý

Hồi tháng 3 âm lịch năm nay, thấy mẹ già bị nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, hen suyễn, đau cột sống..., cả nhà nghĩ rằng chắc không khí trong lành trên núi sẽ giúp bà khỏe mạnh hơn nên quyết định chia nhau cõng bà lên núi Đá Bia.

Chú Bảo Đăng kể: Ngày lên núi tu trì rất khó khăn, vì lúc đó mẹ bị bệnh đi không nổi phải dìu, cõng, còn Bảo Đăng và Minh Đăng thì phát nguyện cứ đi ba bước là lạy một lạy (tam bộ nhất bái), cứ thế mà lên tới đỉnh núi. Ban đầu, cả nhà tá túc tạm trong những hang đá nhỏ ẩn ở đỉnh núi, dần dà mới tìm được hang đá tương đối rộng để lưu trú, sắp xếp chỗ ăn nghỉ, nấu nướng.

Đường núi đến nơi ăn nghỉ của cả gia đình Bảo Đăng quanh co, thỉnh thoảng bị chắn ngang những tảng đá to đùng, có lúc vướng phải những vòng dây xanh lòng thòng của rừng nguyên sinh. Cuối cùng cũng đến. Đó là một hang đá khá rộng. Bên ngoài, chỗ rộng nhất dành để sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, lót sàn bằng cây rừng. Phía trong có một hang đá khác, nhỏ hơn, làm nơi thờ Phật, để kinh sách và tụng niệm. Có một góc nhỏ giữa những khối đá lớn khuất gió được dùng làm bếp.

Công việc hàng ngày của họ là tụng kinh, niệm Phật và tập thể dục bằng những dụng cụ đơn giản như gậy, “chổi xoa bóp” và leo núi. Lương thực, thực phẩm chủ yếu là rau rừng hoặc họ mang hạt giống ở nhà lên gieo nhưng tuyệt đối không phá rừng, uống nước suối. Thỉnh thoảng họ mới xuống núi để mua gạo và những thức cần thiết.

Người mẹ già hơn 70 tuổi của Bảo Đăng cười hóm hỉnh nói, có lẽ nhờ khí trời và chế độ ăn thanh đạm, tập thể dục thường xuyên trên đỉnh núi mà bà đã khỏe ra như người bình thường. "Cứ mỗi sáng cả nhà thức dậy sớm khi mặt trời còn chưa mọc, ra đỉnh núi tập thể dục với gậy, hít thở không khí rồi vào tụng kinh niệm Phật", bà cụ cho biết. Bà bảo rằng, bây giờ bà đã có thể đi lại bình thường, không ngất xỉu như trước nữa, thậm chí còn có thể lên xuống đỉnh núi để lấy nước suối về dùng.

Cả nhà hôm ấy mời cơm trưa khách bằng một bữa cơm trắng với muối é và rau rừng đạm bạc, nhưng ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Bữa cơm thanh đạm được dọn ra giữa lòng hang đá, mỗi người ngồi xếp bằng thế hoa sen theo hàng dài đối diện nhau, ấm cúng không khí gia đình.

Thiên Lý (Vnexpress)

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp