01/06/2012 13:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 118493
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chiều ngày 25/05/2012 (nhằm ngày 05/04/năm Nhâm Thìn), nhân chuyến Hoằng Pháp ở miền Bắc, nhóm Phật tử thanh niên Hà Nội đã đến thăm TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang tại biệt thự số 2 Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Các Phật tử đã có dịp trao đổi và trò chuyện với Thượng tọa xoay quanh chủ đề LÀM SAO ĐỂ THUYẾT GIẢNG HAY. Sau đây là những lời chia sẻ của Thượng tọa (TT) về đề tài trên:



 


Bảo Huệ: Xin kính chào Thượng Tọa (TT), thưa TT, trong những năm gần đây, TT được biết đến như một vị Giảng sư khá thành công trên con đường hoằng dương chánh Pháp. Con đường hoằng hóa của TT đã kinh qua rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, những bài giảng của TT đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Vậy thưa TT, xin TT cho chúng con được biết làm thế nào để có thể trở thành một người thuyết giảng hay?

TT: Muốn thuyết giảng hay thì ta cần nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là “Duyên phúc”, tức là người có duyên, có phúc từ nhiều đời và cả đời này. Ví dụ đời xưa ta đã từng kính trọng những bậc Thánh nên đời này ta có phúc; đời xưa ta đã từng gieo duyên lành với chúng sinh nên đời này được chúng sinh yêu mến; đời xưa ta từng giúp đỡ ai học hành nên đời này ta nhanh chóng tiếp thu được đạo lý; đời xưa ta từng ủng hộ các vị Giảng sư nên đời này việc giảng dạy của ta được suôn sẻ; đời xưa ta luôn luôn cố gắng để rũ được nhiều người đi nghe giảng nên đời này tự nhiên Pháp hội của ta được đông…Nghĩa là có rất nhiều yếu tố, nhưng mà theo đạo Phật thì Nhân quả vẫn luôn là cái gốc. Vì vậy một vị Giảng sư suốt cả cuộc đời mình không bao giờ được ngừng việc bồi tạo công đức lành. Từng trong ý nghĩ, từng trong lời nói, từng trong việc làm, cái gì cũng phải ráng làm thành phúc và chính cái phúc này mới có thể tạo thành một người có bản lĩnh thuyết giảng hay.
 
Bảo Huệ: Dạ, thưa TT, như chúng ta đã biết, xã hội luôn có sự phân hóa rõ rệt, mà trong đó có nhiều tầng lớp khác nhau cùng song song tồn tại, như: trí thức, lao động, bình dân, ca sĩ, nghệ sĩ… Thế nhưng dù đối với bất kỳ tầng lớp nào của xã hội thì những bài Pháp thoại vẫn luôn mang đến hiệu quả rõ rệt, dù ít - dù nhiều, người nghe qua đó tìm được sự đồng cảm và dễ dàng được cảm hóa. Vậy theo TT, thế nào là một bài giảng mà nhiều tầng lớp người nghe đều thích?
 
TT: Xã hội chia ra nhiều tầng lớp, nhưng nếu nói trên mức độ nhận thức thì ta tạm chia thành 2 hạng người, hạng bình dân và hạng trí thức. Một bài giảng để mà được mọi người chấp nhận thì ta gọi nó là bài giảng có vực phổ biến rộng. Trong một hội chúng thì thường thành phần của đối tượng nghe có thể bị bó hẹp. Nhưng khi bài đó được ghi âm, được phổ biến thành đĩa, thì ta không thể hình dung được người nào sẽ nghe, sẽ có những người cực kỳ trí thức nghe, hoặc là sẽ có những người cực kỳ bình dân nghe. Nếu bài giảng đó đi vào trong xã hội, sau buổi giảng chính mà được nhiều người chấp nhận thì ta xem đó là bài giảng có vực phổ biến rộng. Nhưng để đạt được tính chất đó, đạt được đặc điểm đó thì ta phải đáp ứng cả 2 hạng người. Ví dụ như người trí thức yêu cầu là phải có những điều mới lạ, độc đáo mà chính họ cũng chưa ngờ được, tức là nói những điều mà chính những người trí thức cũng chưa biết, làm cho họ thích thú và dĩ nhiên là phải hợp lý. Còn đối với người bình dân thì phải làm cho họ dễ hiểu.
 
Như vậy, một người Giảng sư mà muốn cho bài giảng của mình có vực phổ biến rộng thì phải vừa dễ hiểu với người bình dân, vừa mới lạ đối với người trí thức. Vừa dễ hiểu mà vừa mới lạ thì làm thành một bài giảng có vực phổ biến rộng. Nhưng có khi nó mới lạ với người tri thức mà cực kỳ khó hiểu đối với người bình dân, cũng có khi dễ hiểu đối với người bình dân thì rất nhàm chán với người tri thức. Hai cái đó mâu thuẩn nhau thì người thuyết giảng phải dung hòa, phải đạt được cả hai: vẫn là dễ hiểu với người bình dân và vẫn là mới lạ với người tri thức. Đây là điều khó nhưng một vị Giảng sư phải ráng làm cho được.
 
Bảo Huệ: Thưa TT, ngày nay, hằng tháng hằng tuần ở các ngôi chùa thường xuyên tổ chức những Pháp hội. Những Pháp hội này được mở ra với mục đích giáo hóa con người, nhắc nhở mọi người sống tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên không phải Pháp hội nào cũng có được sự thành công như mong muốn, không phải bài giảng nào cũng làm cho người ta thấy thú vị, yêu thích và xúc động. Cũng có những bài giảng làm người ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Vậy theo TT, tại sao có những bài giảng làm cho người ta mệt mỏi chán nản như vậy?
 
TT: Thường thì có ba yếu tố chính làm cho người nghe cảm thấy mệt mỏi, chán nản:
 
- Yếu tố thứ nhất là thời gian:
 
Người giảng nói dài quá, vượt hơn khả năng ngồi nghe của khán giả, của thính chúng. Ví dụ trong buổi lễ, quy định thời gian của một bài Pháp thoại chỉ 30 phút - 45 phút hay 1 tiếng, nhưng mà người Giảng sư giảng thành một tiếng, tiếng rưỡi, hai tiếng thì quá sức chịu đựng của người nghe. Thường người ta ngồi yên lặng một chỗ, không nhúc nhích, ráng lịch sự để nghe là một điều rất khó khăn. Con người lúc nào cũng thích nhúc nhích, hiếu động, cử động cơ thể, vì cơ thể nó đòi hỏi như vậy, để cho máu huyết lưu thông, không ai ngồi nghe chăm chú mãi được. Cho nên “Thời gian dài” là một điều hết sức bất lợi của một bài giảng.
 
Người Giảng sư phải khôn ngoan là biết chương trình lúc đó, đối tượng thính chúng lúc đó và ấn định cho mình thời gian, nên khi nói phải thường xuyên nhìn đồng hồ để biết mình giảng được bao lâu và chuẩn bị để kết thúc hợp lý.
 
- Yếu tố thứ hai là nội dung bài giảng phải có những ý tưởng đặc sắc, độc đáo, phong phú, mới lạ, sâu sắc mà ta gọi là hay. Cái chữ “hay” thì bao hàm nhiều nghĩa lắm, ta không có nói hết được, nhưng mà quan trọng là phải có một nội dung được chuẩn bị tốt trước đó. Nếu người đi giảng chỉ ỷ vào tài ứng khẩu của mình, cứ ai mời mà ỷ là mình ứng khẩu giỏi, nên tự nhiên leo lên bục giảng để nói thì chắc chắn sẽ nói đi nói lại những điều đã nói. Nếu trong lúc đó bất ngờ có một vài phát kiến thì cũng rất ít, bài giảng không bao giờ đặc sắc được.
 
Cho nên, nếu bài giảng được chuẩn bị, có thời gian để người giảng nghiên cứu đề tài, viết dàn ý thì người này sẽ có thời gian để phát hiện ra những điều mới lạ. Và chính trong khi giảng, cảm hứng của bài giảng cũng làm cho người Giảng sư ngay lúc đó phát hiện những điều mới, nhưng bảo đảm nhất là những điều phát kiến mới, dàn bài, nội dung đã được chuẩn bị trước, vẫn yên tâm hơn, nó giúp cho bài giảng hay hơn, đỡ nhàm chán hơn. Do đó yếu tố làm người ta dễ mệt mỏi, chán nản chính là nội dung rỗng, không có gì, nhàm chán, nói những điều ai cũng biết cả.
 
- Yếu tố thứ ba là sử dụng ngôn từ khó hiểu. Khi nghe một bài giảng mà không hiểu thì từ từ người nghe sẽ rơi vào trạng thái mê mờ rồi buồn ngủ ngay, làm cho cơ thể mệt mỏi, chán nản. Vậy nên từng câu từng chữ phải làm sao rất dễ hiểu đối với người nghe. Tuy nhiên còn tùy đối tượng người nghe nữa. Trước mắt, dù người nghe là những người uyên thâm Phật học đến cỡ nào hay họ là người không uyên thâm mà chỉ là những người sống bình thường thì ta vẫn phải có ngôn từ hết sức thích hợp. Hơn nữa nếu một Giảng sư có dự định ghi âm bài giảng của mình để phổ biến thì ngôn ngữ còn phải hết sức xã hội hóa, phải làm sao để tất cả quần chúng hiểu được. Còn quý thầy mình hay bị một nhược điểm là sau nhiều năm học trong các trường Phật học, ngôn ngữ chuyên môn của Phật học đã trở thành ngôn ngữ đời thường của quý thầy. Quý thầy cảm thấy rất gần gũi và dễ hiểu đối với những ngôn ngữ đó, nhưng đối với những Phật tử thì hoàn toàn rất xa lạ, bài giảng Phật tử nghe không hiểu. Chính vì ngôn từ khó hiểu, họ nghe một lát thì buồn ngủ, mệt mỏi và chán nản.
 
Tóm lại, có 3 điều làm cho người nghe giảng trở nên mệt mỏi chán nản, đó là giảng quá thời gian, thứ hai là nội dung không có gì đặc biệt và thứ ba là ngôn từ khó hiểu. Một vị Giảng sư phải tránh ba lỗi này.
 
Bảo Huệ: Thưa Thầy, bên cạnh những yếu tố trên thì ngôn ngữ cử chỉ có đóng vai trò gì quan trọng lắm không?
 
TT: Ngôn ngữ cử chỉ có tính phụ trợ, ngày xưa khi Đức Phật thuyết Pháp, chính Ngài cũng có cử chỉ của cánh tay. Và ngày nay, trong một số bức họa hoặc là những bức điêu khắc trên tường, ta còn ghi lại được cảnh Đức Phật đưa tay lên để làm cử chỉ minh họa thêm cho lời nói của mình. Bây giờ một nhà thuyết giảng cũng phải như vậy. Tuy nhiên là các nhà tu hành trong đạo Phật, ta không thể có những cử chỉ vung vít quá trớn, nó làm mất oai nghi, nên cử động của cánh tay phải vừa chừng và việc tay cầm micro là một cách để kiềm chế bớt. Micro định hướng cho âm thanh không bị tạp âm và nó cũng kiềm chế bớt một tay, ta chỉ còn một tay, nhẹ nhàng để minh họa thêm, cũng là một cái hay nhưng mà phải khéo. Hễ tâm ta tỉnh thì các cử chỉ đó ta có thể kiềm chế được.
 
Bảo Huệ: Vâng, thưa Thầy, như Thầy đã nói, một buổi pháp thoại thành công, một bài giảng thú vị, sâu sắc, ý nghĩa lôi cuốn thính chúng thì do nhiều yếu tố tạo thành như: thời gian hợp lý, ngôn từ dễ hiểu, ý tưởng và nội dung bài giảng phong phú đặc sắc. Vậy theo Thầy thì làm sao để có thể xây dựng được những ý tưởng đặc sắc cho một bài Pháp thoại?
TT: Nhiều người cứ lầm, tưởng là mình học nhiều đạo lý rồi có thể nói lại hay, hoàn toàn không. Dù ta có học cho hay rồi nói lại thì những điều đó, người Phật tử họ đọc sách, họ cũng biết rồi. Và khi ta nói lại cho đúng với sách thì lại cũng rất khó hiểu. Vì vậy:
 
- Thứ nhất, người giảng phải đi qua giai đoạn tu hành. Chính mình phải tu sửa rất là nhiều. Tu sửa trong đạo Phật chính là sửa những lỗi lầm và đồng thời có một công phu thuộc về tâm linh, đó là đi vào thiền định, nghĩa là vừa sửa lỗi lầm trong cuộc sống, vừa có công phu thiền định, nó tạo thành một uy lực, một đạo lực ngấm ngầm ở bên trong và nó sẽ tạo nên sức hút cho bài giảng. Như vậy từ nơi đạo lực tu hành, làm nên ý tưởng bài giảng.
 
Thứ hai, người Giảng sư cần phải có kiến thức uyên bác, biết ít quá mà nói thì bài giảng cũng không hay, không thú vị. Kiến thức đó vừa là kiến thức của đạo lý trong nội điển, trong kinh điển nhà Phật, vừa là kiến thức xã hội. Kiến thức xã hội có cái lợi là nó gắn liền với cuộc sống của mọi người và con người ta khi nghe thì thường quan tâm đến những điều có liên quan trực tiếp đến đời sống thực tế. Nói đạo lý dù hay gì thì hay mà nếu không dính líu hết đến cuộc sống thực tế thì vẫn làm cho người nghe thờ ơ.
 
Thế nên, một bài giảng hay và có nội dung thì yếu tố quyết định là vừa do sức tu của người thuyết giảng, vừa do kiến thức uyên bác của cả nội điển trong đạo Phật, của cả ngoại điển nơi xã hội và thế giới. Cái hay của người giảng là luôn luôn đối chiếu được đạo lý và cuộc sống thực, không bao giờ để tách rời. Và vì đối chiếu được đạo lý với cuộc sống thực, nên người nghe bị cuốn hút, bởi cuộc sống thực của họ như thế và Đạo Phật lý giải được hết,  khiến họ thích.
 
Bảo Huệ: Thưa TT, TT đã đi nhiều nơi, thuyết giảng nhiều chủ đề khác nhau. Vậy sau những lần hoằng hóa đó, TT có nhận xét gì về khả năng cũng như sự quan tâm của thính chúng, theo TT, người nghe quan tâm đến điều gì nhất?
 
TT: Những người làm Báo, những người Diễn giảng cũng đã đi tìm câu trả lời đó, là người nghe quan tâm điều gì? người đọc quan tâm điều gì để họ thỏa mãn? Có nhiều người cho rằng, những chuyện gì gợi lên sự tò mò thì sẽ làm người ta quan tâm, nhưng nếu chuyện tò mò đó chỉ là chuyện đời tư của một nghệ sĩ, ca sĩ hay chuyện giật gân thì đó là dạng của Báo lá cải, nó không có tính giáo dục, mà chuyện tò mò thì nghe mãi cũng chán.
 
Thường mới ban đầu người ta nghe chuyện tò mò. Nghe được chừng 6 tháng đến 1 năm, nhưng đến chừng 2 năm rồi, người ta phát hiện ra chuyện tò mò, chuyện lạ, chuyện giật gân đó không đưa đến tính giáo dục, không lợi lộc gì cả nên người ta chán rất nhanh.
 
Vậy điều mà người cần nghe là những bài giảng có thực sự giúp thay đổi cuộc sống người ta tốt hơn hay không, đây mới là điều quan trọng. Nghĩa là nếu thực hành theo bài giảng đó, cuộc đời người ta sẽ chuyển biến tốt hơn, đạo đức người ta tăng hơn, phúc người ta nhiều hơn, rồi người ta sẽ may mắn hơn, thành công hơn, thậm chí người ta sẽ chứng được những đạo quả cao siêu. Và những điều mà ta vừa nói như vậy chính là sự hứa hẹn.
 
Từ xưa đến nay, tất cả các Tôn giáo, kể cả những nhà chính trị, nhà làm kinh tế đều hứa hẹn khi nói, nhưng khác nhau thế này, có những người có thể để lại ảnh hưởng lâu dài cho công chúng chính là vì lời hứa của họ chân thật, nó không phải những lời hứa suông để được lòng nhất thời, mà nó là lời hứa chân thật. Nghĩa là người nghe được đạo lý, nghe được chân lý mà khi họ ứng dụng thì có kết quả. Vô hình chung người giảng đúng là đã cho người nghe một đạo lý, một chân lý và cũng cho người nghe một sự hứa hẹn tốt lành ở tương lai. Lời hứa hẹn đó dựa đúng vào đạo lý chân thật, nên khi người ta áp dụng thì có kết quả. Điều đó là điều mọi người quan tâm, mọi người chú ý và mọi người cảm động.
Bảo Huệ: Vâng thưa Thầy, để có thể có một Pháp hội thành công, một bài giảng để lại nhiều suy nghĩ và lợi ích cho thính chúng thì ngoài những yếu tố như ý tưởng đặc sắc, ngôn từ gần gũi, thời gian hợp lý thì cần xây dựng những tính chất thú vị. Vậy thưa Thầy, làm sao để có thể có được tính chất thú vị cho bài giảng?
 
TT: Khi nói về đạo lý, “lý” tức là lý luận, mà lý luận thì trừu tượng và cái trừu tượng đó làm tâm người nghe bắt đầu có cái mơ hồ. Từ mơ hồ tới mơ màng, tới buồn ngủ rất là gần. Vì vậy người ta phải cụ thể hóa những lý luận trừu tượng đó bằng những ví dụ sống động và bằng các câu chuyện kể.
 
- Thứ nhất, cái ví dụ thường thì là những câu chuyện không có thật, mà do người giảng đặt ra. Giả sử có một người đến gặp Thầy, người đó nói câu này… thì Thầy sẽ trả lời câu kia…”, đó là một dạng ví dụ giả định, nhưng cũng làm rõ lên cái lý luận.
 
Thứ hai nữa là câu chuyện kể, nó cũng có hai dạng, một là chuyện kể cóthật, từ những dữ liệu có thật và sức thuyết phục của nó rất là cao, nhưng không phải lúc nào cũng có quá nhiều chuyện thật để cho ta minh họa. Đôi khi các Giảng sư cũng bị thiếu nguồn chuyện kể, nên phải dùng đến những câu chuyện có tính cách ngụ ngôn. Ngụ ngôn là những câu chuyện không có thật nhưng cũng có kịch bản, nó dài dòng, rắc rối, hấp dẫn. Tuy chỉ là ngụ ngôn, khi nghe thì ai cũng biết đó là chuyện giả, nhưng mà rất thú vị vì nó cũng minh họa được cho đạo lý, ví dụ như La – Phông – Ten có bài con thỏ, con chồn, con rùa…, chẳng bao giờ có chuyện con rùa chạy đua với con thỏ cả, nhưng ông đã dựng lên câu chuyện như vậy và nó cũng trở thành một đạo lý giáo dục cho con người.
 
Như vậy để minh họa những lý luận trừu tượng, ta có những ví dụ, có những chuyện kể. Chuyện kể có hai dạng, đó là chuyện có thật và chuyện ngụ ngôn. Song song theo đó có một loại chuyện cực kỳ thú vị, đó là chuyện khôi hài mà trên thế giới người ta sưu tầm, người ta sáng tạo đủ hết. Có chuyện hài có thật nhưng có đến 99% chuyện khôi hài là chuyện bịa. Tuy nhiên nghe rất thú vị và phì cười, khiến buổi giảng sống động hơn.
 
Bảo Huệ: Thưa Thầy, để làm cho người nghe tiếp nhận được những đạo lý qua các bài giảng và thật sự nhập tâm với bài giảng thì cách dẫn dắt một bài giảng đóng vai trò rất quan trọng. Vậy xin Thầy chia sẻ cho chúng con về cách dẫn dắt người nghe đi từ đầu bài giảng đến cuối bài giảng như thế nào là hợp lý?
 
TT: Cái quan trọng của một bài giảng là tính logic cao, là sự hợp lý từ đầu đến cuối, nó như một cộng một là hai; hai cộng hai là bốn; bốn cộng hai là sáu; sáu cộng một là bảy; bảy cộng ba thành mười. Điều này có nghĩa nó là một logic chặt chẽ, không có một điểm hở, từ đầu đến cuối bài giảng. Chính vì chặt chẽ như vậy nên tâm người nghe luôn luôn bị dính vào đó, không bị điểm hở, mà nếu có điểm hở thì ta gọi đó là sự kết luận vội vàng.
Hiện nay, có nhiều trường dạy môn Logic Học. Mục tiêu của môn Logic Học là giúp cho con người không kết luận vội vàng một vấn đề, mà trước khi kết luận một vấn đề gì, người ta phải đi qua rất nhiều những chứng minh, đối chiếu, trải nghiệm, so sánh, dẫn chứng, v.v… và hết sức thuyết phục. Đó gọi là sự logic.
 
Một bài giảng cũng vậy, phải có được tính logic rất là cao. Ví dụ trước khi nói “Ông này thông minh là bởi ông hay làm những phúc này… phúc này….” thì đó mới là sự kết luận thôi chứ chưa phải logic. Logic là ta phải chứng minh. Nhân quả rất khó chứng minh nhưng ta vẫn tìm cách chứng minh sâu hơn, vừa có niềm tin vào tôn giáo, niềm tin vào Đức Phật, vừa phải có sự dẫn chứng, có sự lý luận… để xây dựng tính logic rất cao cho mỗi đạo lý ta đưa ra.
 
Thế nên khi đưa ra một đạo lý, ta không bao giờ được kết luận vội vàng. Ví dụ như ta nói “Nếu anh tụng câu thần chú này thì anh sẽ giàu sang” – cái đó gọi là một kết luận, mà kết luận đôi khi vội vàng nếu ta chưa có dẫn chứng kỹ. Bây giờ ta phải chứng minh là tại sao câu thần chú này lại giúp cho người đó kinh doanh thành công (Phải có chứng minh chứ không có nói áp đặt, vì áp đặt là thiếu logic). Ta không biết là có câu thần chú nào mà tụng xong thì làm cho người ta giàu lên hay không; ta không biết là có cách nào mà chỉ tụng niệm mà làm cho khi người ta chết, người ta được sinh về cõi lành.
 
Ta không biết! nhưng nếu như ai muốn nói điều đó thì phải chứng minh tính logic rất là cao. Và chính vì ta chứng minh được, mọi người đều thấy hợp lý thì đó sẽ là bài giảng hay. Còn nếu như ta áp đặt vội vàng, ta kết luận vội, không chóng thì chày, mọi người sẽ quay lưng với ta và bài giảng được xem là không giá trị, những người trí thức không bị thuyết phục. Nếu Giảng sư nào mà đã từng học giỏi toán từ nhỏ thì dễ tạo nên một bài giảng logic hơn, chặt chẽ hơn. Do đó, chúng ta đừng nghĩ người làm công việc văn hóa là lơ là với toán học, mà thật ra chính những người làm công việc văn hóa phải là những người giỏi toán thì công việc văn hóa của mình mới chặt chẽ được.
 
Bảo Huệ: Thưa Thầy, như đã nói, trước sự phân chia nhiều tầng lớp xã hội, trước nhu cầu khát khao tìm hiểu những giá trị chân thực nơi cuộc sống luôn biến động hôm nay, một người Giảng sư phải làm sao để chọn được những đề tài giảng mới mẻ mãi?
 
TT: Cái vất vả của một Giảng sư là tìm đề tài. Khi nhận được một lời mời, có khi là người mời đã gợi ý đề tài, ví dụ “Thưa thầy, hôm nay, ở đây chúng tôi có vấn đề cần quan tâm, nhờ thầy triển khai giùm”. Như vậy họ đã gợi ý đề tài, người Giảng sư không cần phải chọn lựa. Nhưng có khi người ta chỉ thích nghe giảng mà chẳng cần biết là đề tài gì, cứ nói “Thầy thích gì đó thì cứ giảng”. Trường hợp này người Giảng sư buộc phải tự chọn đề tài. Và việc chọn đề tài của Giảng sư là một vấn đề cực kỳ khó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì những người Giảng sư mới, trong 3 năm đầu không cần phải tạo ra đề tài mới mà giảng lại những bài giảng cũ của các bậc tiền bối đi trước.
 
Ví dụ ta thấy vị tiền bối giảng đề tài đó hay thì ta khi đi giảng cũng giảng lại bài đó nhưng phải nói rõ ràng là “Hôm nay ta giảng lại bài đó, của vị đó”. Như ca sĩ, khi họ đi hát, họ đâu có hát nhạc của họ, họ hát nhạc của các nhạc sĩ khác. Khi lên sân khấu, họ cũng nói rõ là hôm nay hát bài nào, của ai…Lúc đó, người ca sĩ hát thành công thì họ vẫn là người ca sĩ rất thành công, vẫn là ngôi sao, catse cao mà được công chúng ủng hộ. Giảng sư cũng vậy, vẫn cứ có quyền giảng bài giảng của một bậc tiền bối đi trước, nhưng khi ta giảng lại thì nội dung không bao giờ giống y hệt, sẽ có thêm cái gọi là phong cách, biến tấu, sắc thái, sáng tạo riêng của mình. Điều đặc biệt, những vị tiền bối đi trước đã giảng rồi, đôi khi trong bài giảng có điểm hở, mà ta giảng lại sau, ta có cơ hội để lấp đầy những khuyết điểm đó giùm cho các Ngài mà cũng là bày tỏ được bản lĩnh của mình.
 
Thế nên từ 3 – 5 năm đầu thì không cần phải chọn những đề tài mới. Cứ đi tìm những đề tài của những bậc tiền bối mà giảng, điều đó cũng bày tỏ lòng kính trọng của ta đối với các bậc tiền bối. Và qua 3 năm, 5 năm, khi phúc đã đủ rồi thì bỗng nhiên ta sẽ có những đề tài mới tự mình tạo nên được. Đó là nhân quả, như cái đà vậy đó, khi chúng ta nương theo sức của người xưa, đến lúc nào đó mình có thể cất cánh bay một mình được.
 
Bảo Huệ: Thưa Thầy, để có thể trở thành một người Giảng sư tốt; một người có thể hoằng truyền chánh Pháp và đạo lý giữa cuộc đời; một người có thể cảm hóa được bao nhiêu người khác thì nhất thiết phải có những yếu tố gì, hay nói cách khác, đạo đức chính của một Giảng sư là gì?
 
TT: Nói đạo đức thì nó mông lung. Đạo đức của con người, đạo đức của một Tu sĩ, đạo đức của một Cán bộ, đạo đức của một Kỹ sư, một Bác sĩ … rất nhiều. Mỗi người có một khía cạnh, cái chung, cái riêng, nhưng riêng một vị Giảng sư thì cần có đạo đức như thế này:
 
- Thứ nhất là phải thật lòng mong có người giảng hay hơn mình. Điều này rất là lạ, người ta nói “Con chim ghét nhau vì tiếng gáy” hay “Người ca sĩ chẳng bao giờ ưa nhau”… nhưng mà người Giảng sư là giảng đạo đức và là đạo đức giác ngộ của Phật, nên cần phải có đạo đức vượt hơn người thường. Trong thẳm sâu lòng mình, thật sự mong có người giảng hay hơn để cho chúng sinh được lợi ích. Ví dụ chúng ta giảng tốt rồi đó, nhưng cái tốt vẫn chưa bao giờ là hoàn hảo, phải có người làm tốt hơn nữa, mà đó là điều phải thật lòng. Điều đó giúp cho ta lúc nào cũng chờ đợi và sẵn sàng cho việc đến một lúc nào đó khi tuổi ta đã cao, chợt có người trẻ tuổi hơn nổi lên và rất thành công thì ta hết sức vui mừng. Có khi người đó là đệ tử của mình, có khi người đó chẳng dính líu gì tới mình cả, nhưng người đó đứng lên, làm được việc cho Phật pháp thì ta hết sức vui mừng và ủng hộ. Lúc đó ta cảm thấy mình có thể lui về để nhường lại cho lớp trẻ về sau. Đó là đạo đức thứ nhất, không bao giờ có cái độc quyền, độc tôn, độc đoán…
 
- Cái đạo đức thứ hai là phải thật lòng mong mọi người có đạo lý để tu hành cho chuẩn xác. Vì vậy khi giảng ta phải vì người mà giảng chứ không phải vì ta mà giảng. Và một người Giảng sư, khi đứng trên Pháp tòa mà trong lòng có cái muốn thầm kín là mong cho mình được mọi người yêu quý, mong cho bài giảng thành công để mình có giá trị, có danh tiếng thì đó là vì mình mà giảng. Đây là điều phi đạo đức, nhưng mà nó rất thầm kín, nếu không diệt trừ được thì ta là người không có đạo đức của một Giảng sư.
 
Cho nên khi ngồi trên bục giảng, người Giảng sư phải thật lòng mong người nghe có được đạo lý tốt để tu hành, chứ không phải vì mình để mình được danh tiếng gì cả. Đây là cái tâm rất là vi tế mà người Giảng sư phải tự kiểm soát lấy cho mình.
 
- Và cái thứ ba rất rõ ràng, đó là phải diệt trừ hết tâm háo danh, hơn thua trong lòng mình, vì khi một người đứng trên bục giảng cũng giống như người của công chúng. Danh tiếng cũng là một trong những cái quyến rũ, một ma lực đối với con người, ai cũng thèm khát được tiếng tăm, được nhiều người biết đến, được nhiều người quý trọng. Những thứ đó là ma lực hấp dẫn và khi thích điều đó là ta phạm sai lầm ngay. Thế nên, trong thẳm sâu của tâm hồn, một người Giảng sư phải hết sức cảnh giác, diệt trừ tâm háo danh của mình. Ta làm việc chỉ vì người, vì đạo mà thôi.
 
Bảo Huệ: Vâng, thưa Thầy, theo như Thầy đã dạy, muốn thuyết giảng hay thì cần có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là duyên phúc, vậy duyên phúc căn bản của một Giảng sư là gì?
 
TT: Ta vừa nói đến duyên phúc căn bản, ở đây là duyên phúc căn bản của một Giảng sư. Nhân quả để làm một Giảng sư thì nhiều nhưng mà có một yếu tố thế này, khi một người mà trong đạo Phật gọi là lợi khẩu (Người đó nói năng hay, khéo léo), có nghĩa là vùng não về ngôn ngữ, vùng não phán đoán, sáng tạo, vùng não kết nối logic hoạt động đều và đồng bộ. Tuy nhiên để cho những vùng não đó phát triển được thì phải có một sự kích ứng. Để có thể kích ứng được vùng não ăn nói phát triển thì điều rất lạ là nó xuất phát từ lao động chân tay.
Thế nên, người nào đã dùng việc lao động chân tay của mình để phục vụ cho những bậc Thánh Tăng, phục vụ cho các Chúng Tăng, phục vụ cho Đại chúng thì sau này vùng não ăn nói của người đó được kích ứng phát triển. Người đó bắt đầu ăn nói lưu loát, điều đó rất là lạ. Thường người ta vẫn tưởng học nhiều thì ăn hay nói giỏi. Không, chính những người họ âm thầm lao động, công quả vậy mà sau này lại ăn hay nói giỏi, mặc dù có thể nói mộc mạc, chất phác, nhưng mà nói lưu loát và người ta vẫn thích. Còn người chỉ học mà lười nhác, không chịu làm công việc chân tay để phục vụ Đại chúng, sau này có ăn nói văn vẻ, người ta vẫn nghe chán chán và nói không thuyết phục.
 
Nếu người nào được cả hai, vừa có trình độ văn hóa, vừa có công đức là lao động chân tay để phục vụ Đại chúng thì sau này được cái phúc ăn nói thuyết phục, nghe có vẻ trí thức, sang sang. Cho nên, một Giảng sư đừng bao giờ quên việc lao động chân tay, công quả, phục vụ Đại chúng.
 
Bảo Huệ: Thưa Thầy, trước khi trở thành một Giảng sư thì Thầy cũng đã trải qua một quá trình tu hành, học tập và thực tập giảng dạy, Thầy có thể chia sẻ một chút về việc thực tập giảng dạy của mình được không ạ?
 
TT: Thông thường, khi thuyết giảng, một mình ta nói rất là lâu, giống như độc thoại. Để có thể nói rất là lâu như vậy thì ta phải tập nói ngắn trước, mà có thể nói ngắn được thì ta phải tập đàm đạo. Làm sao có những cơ hội đến thăm mọi người và để tập đàm đạo về đạo lý.
 
Ví dụ ta đến thăm một gia chủ hoặc khi gia chủ đó đến chùa, ta mời ngồi nói chuyện về đạo lý, tức là người đó hỏi, ta đáp hoặc đôi khi ta hỏi, gợi ý lại để lắng nghe người đó nói quan điểm của mình và ta giải thích lại. Đó là những câu nói ngắn và được gợi ý của người hỏi thì là ta đang tập nói ngắn. Những thời đàm đạo như vậy mà thành công, đó là bước đầu thành công để sau này ta thuyết giảng, ta nói một mình, nói dài mà vẫn thành công. Còn nếu việc đàm đạo, nói ngắn, hỏi qua đáp lại vẫn chưa hay, chưa thuyết phục, chưa hấp dẫn thì ta chớ nên lên bục giảng nói một bài giảng dài, liên tục.
 
Cái thực tập căn bản của một vị Giảng sư chính là thực tập đàm đạo trước. Ví dụ ta gặp riêng hay gặp ít người để nói chuyện đạo lý thì nói ngắn và nhớ  phải kiềm chế, chớ bắt người ta ngồi đó mà nghe mình hỏi qua đáp lại hoài, sẽ rất là mệt. Ta cũng phải canh giờ để cho họ nghỉ ngơi. Cốt yếu hôm nay ta tập một ít, mai ta tập một ít, dần dần sẽ tăng khả năng thuyết giảng lên. Và đàm đạo vẫn là cái căn bản ban đầu cho một người Giảng sư thực hành việc thuyết giảng.
 
Tuy nhiên vì môi trường của việc đàm đạo ít người, nó khác môi trường diễn giảng đông người, do đó ta phải giữ bản lĩnh của người Giảng sư, đó là nhiều khi gặp đông người, nhiều khi gặp chỉ một người, gặp nơi chỗ riêng vắng vẻ và thậm chí có khi đó là người khác phái thì bản lĩnh của ta là gì?
 
- Là khi đàm đạo đạo lý, ta phải giữ lòng mình rất là chuẩn mực chỉ là đạo lý. Người nghe cảm thấy miệng mình nói đạo lý và cả con người mình toát lên đạo lý đàng hoàng chứ không có dấu hiệu của một cái gì lả lơi không đứng đắn. Miệng nói đạo lý, thân sống đạo lý và khiến cho người nói chuyện với ta cảm nhận được điều này rõ ràng. Sau này, khi ta đứng trên bục giảng, thì nó thành cái khối từ thân đến tâm toát ra đạo lý như vậy.
 
Bảo Huệ: Vâng, xin cảm ơn Thượng tọa về sự chia sẻ rất bổ ích ngày hôm nay. Xin kính chúc TT mạnh khỏe, thân tâm luôn an lạc và sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường hoằng truyền chánh Pháp, làm lợi lạc quần sinh./.
 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
 
Dưới đây là một số hình ảnh minh họa cho đề tài LÀM SAO ĐỂ THUYẾT GIẢNG HAY do TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình, nhân dịp trao đổi đàm đạo với nhóm Phật tử thanh niên Hà Nội:


Âm lịch

Ảnh đẹp