Đến
thôn Dạ Lê, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, hỏi
sư Chơn Hữu ai cũng biết. Vị sư trụ trì chùa Định Quang này không chỉ
xuất thân từ một đại ca giang hồ khét tiếng đã “rửa tay, gác kiếm” để
quy y cửa Phật, sám hối hướng thiện, mà dưới bóng bồ đề ông đã vận động,
quyên góp và đem hết tâm huyết làm việc để kiếm tiền cưu mang, dạy học
miễn phí cho hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...
Lớp học cho trẻ nghèo
Chúng
tôi đến chùa Định Quang vừa lúc tan học, sư Chơn Hữu bước ra đón khách,
song ông từ tốn nói: “Nếu anh muốn viết về cuộc sống hiện tại thì được.
Còn về quá khứ với tôi nó đã chết rồi, tôi giờ đây là người nhà Phật
chứ không còn là đại ca bang phái nào nữa”.
Và,
bắt đầu câu chuyện, sư Chơn Hữu trầm ngâm kể về “cái duyên” mở lớp học
với những đứa trẻ đường phố thiếu sự chăm sóc của cha mẹ mà ông đang cưu
mang...
Sư
Chơn Hữu nói rằng, nghĩ về tuổi thơ và một thời lầm lạc của mình, từ
khi về chùa Định Quang ông quyết định mở lớp học dạy thêm cho trẻ em
nghèo trong vùng, với mong muốn góp phần giúp cho các em sau này có được
tương lai ổn định, tránh bỏ bê việc học mà sa vào con đường tội lỗi.
Ông
lấy một phần khuôn viên nhà chùa làm nơi dạy học cho hơn 40 em. Lúc đầu
nhiều người cũng không tin tưởng nên chẳng mấy ai quan tâm. “Bà con
quanh đây đa phần đều rất nghèo, con cái phải theo cha mẹ đi kiếm ăn
ngay từ nhỏ. Tôi cùng với một số tăng ni phải đi vận động, thuyết phục
từng hộ suốt hàng mấy tháng trời… Rồi cuối cùng có một vài hộ nghe theo.
Tôi chọn môn học chủ đạo là tiếng Anh, vì đây là môn học rất phù hợp
cho cuộc sống hiện đại, hơn nữa bản thân tôi cũng có chút ít kiến thức
về ngoại ngữ. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, đến nay lớp học đã
có hơn 500 học viên, tất cả tôi đều dạy miễn phí...” – sư Chơn Hữu chia
sẻ.
Thoáng
nghe qua, cứ tưởng chùa Định Quang phải là một nơi rộng lớn với nguồn
kinh phí dồi dào để lớp học hoạt động. Thế nhưng, đây là một ngôi chùa
bị bỏ hoang từ năm 1950, không ai chăm sóc; mãi đến năm 2005, sư Chơn
Hữu trở về một tay tu sửa và phục dựng lại.
Lớp
học chỉ rộng độ 40m2, chiếm 1/3 không gian chùa. Lớp được phân theo 3
ca, dạy liên tục các ngày trong tuần. Ban đầu, các em phải ngồi đất để
học và tất cả chỉ một mình sư Chơn Hữu dạy từ sáng đến chiều… Đến nay
nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và một số cá nhân hảo tâm,
phòng học đã được bố trí bàn ghế đầy đủ, nền nhà được lát gạch, có đủ
quạt, điện, loa để phục vụ các em học tập. Ngoài ra, còn có thêm 5 giáo
viên (trong đó có 1 giáo viên người nước ngoài) đến từ các trung tâm
ngoại ngữ trên địa bàn TP Huế để phụ giúp.
Lớp học tình thương ở chùa Định Quang.
Không
những dạy miễn phí, nhằm khích lệ tinh thần ham học của các em, hàng
năm, sư Chơn Hữu còn tổ chức trao học bổng cho các em có thành tích xuất
sắc ở nhà trường và tiến bộ rõ nét.
Em
Nguyễn Thị Hiền (sinh viên năm 2 Trường Đại học Nông nghiệp Huế) tâm
sự: “Em biết ơn thầy Chơn Hữu nhiều lắm. Hồi em học lớp 11, trình độ
ngoại ngữ chỉ cỡ trung bình. Song, sau hơn 1 năm theo học, lực học của
em không những cải thiện rõ rệt, mà ngoại ngữ đã trở thành môn sở
trường. Rồi em vào đại học…”.
Cô
Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Newlife, TP Huế, cho
biết: “Việc làm của thầy Chơn Hữu khiến mọi người rất cảm động, bản thân
tôi cũng mong muốn cùng thầy giúp đỡ một phần cho các em, nên vẫn
thường tới dạy miễn phí cho chùa hàng tuần…”.
Gom góp tình thương...
Mở
lớp học cho trẻ em nghèo, điều đơn giản mà ai cũng biết, đó là làm sao
để có kinh phí duy trì nó tồn tại và hoạt động. Hỏi ra mới hay, trong
suốt mấy năm qua, bên cạnh sự đóng góp của bà con, xóm làng, sư Chơn Hữu
còn phải thường xuyên bán các tác phẩm nghệ thuật ảnh của mình để có
thêm kinh phí...
Được
biết, hiện tại sư Chơn Hữu đang là cộng tác viên cho Câu lạc bộ Nhiếp
ảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vì thế, ông còn được nhiều người biết đến với
tư cách là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Sư Chơn Hữu đã có 6 cuộc
triển lãm ảnh cá nhân, và nhiều tác phẩm được chọn đăng trên các tờ báo
lớn. Tất cả số tiền gom góp được, ông đều dành cho việc tu sửa chùa và
hỗ trợ lớp học tình thương.
Ông
tâm sự: “Để giúp cho các em có điều kiện thuận lợi trong học tập, tôi
đang cố gắng xúc tiến, vận động kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để có
điều kiện đưa vào giảng dạy hai môn học mới, đó là Tin học và Thiền...”.
Lý
giải về điều này, sư Chơn Hữu bộc bạch: “Tin học là môn học hiện nay đã
khá thông dụng không kém gì Anh văn. Tuy nhiên ở các vùng quê nghèo thì
đa số các em vẫn còn xa lạ, vì việc hỗ trợ máy móc cho môn học khá tốn
kém. Đó chính là động lực để tôi giúp đỡ các em. Còn với môn Thiền dù
còn khá xa lạ trong các trường học vì đây là môn chỉ có trong Phật giáo,
nhưng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới việc đưa Thiền vào các
trường học đã rất phổ biến… nhằm mục đích giúp cho tinh thần con người
thư thái, đạt hiệu quả cao trong công việc…”.
Từng
một thời sa ngã, và để bù đắp cho quá khứ, sư Chơn Hữu đã dành hết tình
thương cho các em nghèo, lang thang, cơ nhỡ, mong sao các em không giẫm
vào bước xe đổ một thời nông nổi của chính bản thân mình. Đó cũng chính
là bài học về giá trị cuộc sống mà ông muốn gửi gắm...
Nguyễn Tiến Nhất
Theo cand