22/03/2012 21:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 116767
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Những ngôi chùa hiện diện ở Trường Sa vừa có ý nghĩa tâm linh vừa xác nhận chủ quyền của đất nước. Một tiếng chuông, một lời kinh tiếng kệ vang vọng trên mảnh đất thiêng liêng để cầu bình an cho những người con xa đất liền và cầu cho vong linh của các anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại với biển khơi được siêu thoát là cách chúng tôi thể hiện sự tri ân,

lòng thương tưởng với những người đã khuất cũng như những người dân và anh em chiến sĩ đang ngày đêm vật lộn với cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió khắc nghiệt”, Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong 6 vị tăng sĩ sắp ra tiếp quản các ngôi chùa ở Trường Sa chia sẻ.

Đại đức Thích Giác Nghĩa (43 tuổi, xuất gia hơn 30 năm), hiện trụ trì 2 ngôi chùa Vạn Đức và Phước Trí (Nha Trang) cùng đệ tử của mình là Đại đức Thích Ngộ Thành sẽ tiếp quản chùa tại thị trấn Trường Sa để hướng dẫn người dân tu học. Xúc động khi hồi tưởng những buổi lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh linh đã nằm lại với biển trong 3 chuyến đến Trường Sa, Đại đức Thích Giác Nghĩa nói, hành trang chuyến đi này, ông mang theo trọn vẹn chữ tâm, trách nhiệm và bổn phận của một công dân, một tăng sĩ đối với quê hương. Cha ông đã hy sinh để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng này, chúng tôi nguyện là những người kế tiếp cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự bình yên của đất nước. Trách nhiệm đó không chỉ của tăng ni Phật giáo mà còn là trách nhiệm của tất cả đạo hữu các tôn giáo và nhân dân Việt Nam với quyết tâm gìn giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại đức Thích Giác Nghĩa (người đi đầu) trong lễ cầu siêu tại Trường Sa.
Đại đức Thích Giác Nghĩa (người đi đầu) trong lễ cầu siêu tại Trường Sa.

Thượng tọa Thích Tâm Hiện (50 tuổi, tuổi đạo 40), hiện tu tại chùa Tân Long (huyện Diên Khánh) là người lớn tuổi nhất trong đoàn tăng sĩ ra tu hành tại Trường Sa chuyến này. Khi chúng tôi liên hệ, Thượng tọa Thích Tâm Hiện vắng mặt tại chùa. Qua điện thoại, thầy chia sẻ, “tôi biết về Trường Sa qua các chương trình thời sự, với tấm lòng dành cho Trường Sa, tôi phát nguyện tu hành lâu dài và hướng dẫn người dân ở Trường Sa tu học”.

 Đại đức Thích Đức Hỷ.
Đại đức Thích Đức Hỷ.

Với các vị tăng trẻ, chuyến đi Trường Sa này sẽ là dịp tốt để họ vừa hướng dẫn người dân tu học vừa tự tu tập, trau dồi. 29 tuổi đời với 8 tuổi đạo, Đại đức Thích Ngộ Thành là người trẻ nhất trong số các vị tăng sĩ sẽ ra Trường Sa dịp này. Thầy Thành tâm sự: Từ bao đời nay, tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Là một tăng sĩ trẻ, tôi muốn đóng góp cho dân tộc, cho quê hương. Đã hai lần được đến Trường Sa, lần này tôi phát nguyện ra hành đạo lâu dài ở Trường Sa để vừa chia sẻ những khó khăn với anh em chiến sĩ cùng người dân đang sống và làm nhiệm vụ trên biển đảo, vừa để trau dồi thêm giáo lý Phật giáo và tu thân sửa mình.

Đại đức Thích Ngộ Thành.
Đại đức Thích Ngộ Thành.

Chưa từng đến Trường Sa, Đại đức Thích Đạo Biện (35 tuổi đời, 12 năm tuổi đạo), hiện trụ trì tại chùa Long Thọ (thị xã Ninh Hòa) tỏ ra rất háo hức trước chuyến đi này. Đại đức Thích Đạo Biện sẽ tu hành tại chùa Sinh Tồn cùng Đại đức Thích Đức Hỷ, hiện trụ trì chùa Hưng Long (thị xã Ninh Hòa). Đại đức Thích Đạo Biện muốn mang lời dạy của Đức Phật đến với những người dân sống nơi đầu sóng, ngọn gió, dẫn dắt họ tu học để đem lại sự thanh thản, bình an cho tâm hồn. Đại đức Thích Đức Hỷ (32 tuổi đời, 7 tuổi đạo) cũng coi đây là cơ hội tu tập và góp sức giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc. “Tôi chưa một lần ra Trường Sa nhưng nghe nói nhiều đến mảnh đất linh thiêng này của Tổ quốc. Lần này, tôi đến tiếp quản chùa đảo Sinh Tồn cũng là sự kế thừa của các thế hệ đi trước. Hành trang của tôi cũng như bao tu sĩ khác là “tam y nhất bát” (ba chiếc áo cà sa và một bình bát) để nuôi dưỡng thân và tâm, vun bồi cho sự tu tập, đồng thời, hướng dẫn bà con ở đảo tu tập, hướng thiện”, thầy Hỷ chia sẻ.

Đại đức Thích Đạo Biện.
Đại đức Thích Đạo Biện.

Đại đức Thích Thánh Thành (33 tuổi đời, 20 năm tuổi đạo), hiện tu tại chùa Hội Phước (Nha Trang) sẽ cùng Thượng tọa Thích Tâm Hiện tiếp quản chùa Song Tử Tây. Thầy Thành có tâm nguyện tu hành lâu dài ở Trường Sa vì đó là nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống còn khó khăn, nhiều thử thách. Thầy Thành chia sẻ, “qua việc tu hành, tôi muốn góp sức cho đời sống tinh thần của quân dân trên đảo phong phú hơn”. Khi được hỏi, với khả năng tiếng Anh của mình, liệu ngoài việc tu hành, thầy có thể dạy thêm các em học sinh của xã đảo về ngoại ngữ, thầy Thành cười hiền lành: “Nếu người dân ở đó cần gì mà giúp đỡ được, tôi luôn sẵn lòng. Tôi sẵn sàng dạy tiếng Anh nếu các em học sinh có nhu cầu”.

 Đại đức Thích Thánh Thành.
Đại đức Thích Thánh Thành.

THIÊN DI

http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8512


Âm lịch

Ảnh đẹp