11/02/2012 20:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 117058
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hòa thượng Hui Li có biệt danh là Cỏ Độc hay Quỷ Dữ do người địa phương đặt cho ngài trong những ngày đầu ngài đem Phật pháp tới Nam Phi.


 “Tôi bị kết án bởi dân địa phương, chính quyền, và những người thuộc những tôn giáo khác. Tất cả họ không biết Phật giáo nghĩa là gì, và chưa từng thấy một vị sư, hay một tu sĩ PG trong chiếc y vàng trước đây”, Hòa thượng nói.

Ngài gặp rất nhiều sự chống đối của nhà thờ và dân chúng địa phương về việc xây dựng một ngôi chùa PG tại thị trấn Bronkhorstspruit, gần thành phố Pretoria, Nam Phi.

ảnh 1-hocthien.jpg

Trẻ em châu Phi học tập và thực hành Thiền

Tuy nhiên, Hòa thượng vẫn cứng rắn và kiên trì tiếp tục dựng xây ngôi chùa, bất chấp lời đe dọa ngôi chùa sẽ bị chính quyền tịch biên.

“Tôi phải luôn bình tĩnh và kiên nhẫn và lúc nào cũng đối xử mọi người tử tế thì tôi mới vượt qua tất cả những trở ngại này”, ngài nói trong buổi phỏng vấn bằng email.

Để chứng minh sự chân thành của mình để thu phục lòng người, Hòa thượng Hui Li đã tiến hành những cuộc từ thiện, giúp đỡ người nghèo và bệnh tật bằng cách phân phát quần áo, thực phẩm và thuốc men.

Là “vị tu sĩ châu Phi”, ngài đã phát nguyện cúng dường năm kiếp sống để phát triển và truyền bá đạo Phật ở châu Phi.

Hòa thượng sinh ở tỉnh Pintong, Đài Loan năm 1955. Cha mẹ ngài là nông dân nghèo. Ngôi trường ngài học ở cạnh bên một nghĩa trang. Những đám tang để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc nơi ngài, ngài hiểu được cuộc đời này là giả tạm.

Vào năm 1987 ngài trở thành đệ tử của thầy Hsin Yun, người sáng lập Tăng đoàn PG Fo Guang Shan, và thọ giới một năm sau đó.

Năm 1992, để hoàn thành tâm nguyện của thầy là xây một ngôi chùa Fo Guang Shan trên mỗi lục địa, Hòa thượng Hui Li tình nguyện đến Phi châu để xây dựng một ngôi chùa PG Đại thừa trên xứ sở Phi châu.

Ngài đến Phi châu, hoàn toàn xa lạ, và phải mất nhiều tuần đi đây đó khắp nơi, gặp nhiều trở ngại để thấy được rõ hơn một cái nhìn toàn cảnh về đất nước Phi châu. Bước đầu, ngài mắc bệnh sốt rét, nhưng ngài không hề giảm quyết tâm phục vụ châu Phi.

“Nếu bạn không bệnh sốt rét, bạn không thể có giấy thông hành để làm việc tại Phi châu”, ngài nói vui.

Năm 1994, trường Cao đẳng Phật học đầu tiên ở châu Phi được mở tại chùa Nan Hua, thị trấn Bronkhorstspruit, dạy về kinh điển PG và thực hành tu tập dành cho giới thanh thiếu niên nhằm mục đích qua giáo dục PG giúp họ giảm bớt đi những vấn đề trong cuộc sống.

Khi viếng thăm quốc gia Malawi vào năm 1998 để quyên cúng một số xe lăn, Hòa thượng biết được 40% dân số mắc căn bệnh thế kỷ HIV và hơn một triệu trẻ em mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Ngài biết rằng sẽ có cả một thế hệ trẻ mồ côi. Chúng sẽ lớn lên mà không có sự giáo dục của cha mẹ. Vì thế những Trung tâm Chăm sóc Amitofo ra đời (ACC).

huili.jpg

HT. Hui Li tại Trung tâm Chăm sóc Amitofo

Hòa thượng từ chối trụ trì chùa Nan Hua vào năm 2001 để giành hết thời gian của mình cho công tác tại Phi châu, nhận lãnh biệt danh lần này là “Albert Schweitzer - nhà nhân đạo của PG Đại thừa”.

Nhờ đàm phán thành công với Đệ nhất Phu nhân của Malawi, một mảnh đất bên ngoài quận Blantyre, phía nam Malawi, được cúng dường cho dự án của ngài.

Việc xây dựng một Trung tâm ACC bắt đầu vào năm 2003. Những mạnh thường quân rộng lượng, chủ yếu từ Đài Loan, ủng hộ ngài về mặt tài chính. Khoảng năm 2005, hoàn tất giai đoạn đầu và 120 trẻ em từ 3 đến 12 tuổi đã dọn đến Trung tâm. Khoảng năm 2008, Trung tâm Chăm sóc Malawi đã trông coi khoảng 300 trẻ mồ côi và trẻ chỉ có cha hoặc mẹ.

Hiện nay có một trường dự bị tọa lạc trong một dãy nhà của khu ký túc xá, chờ cho đến khi xây dựng một ngôi trường cho khoảng 500 trẻ em học tập. Kế đến là một trường trung học và một trung tâm hướng nghiệp. Có một phòng khám được điều hành bởi hai người bảo dưỡng, những y tá có đủ trình độ, và những tình nguyện viên nước ngoài.

Võ thuật là kỹ năng đặc biệt được dạy ở Trung tâm Chăm sóc Blantyre và cũng là một chương trình trao đổi văn hóa. Khoảng 100 em tập luyện võ thuật dưới sự hướng dẫn của những vị thầy từ chùa Thiếu Lâm Tự, Trung Quốc, để thấm nhuần kỷ luật, độ bền và sức tập trung.

Các em dự lễ mỗi sáng rồi học Phật pháp.

ACC cũng giúp đỡ những tổ chức của các cộng đồng khác quanh khu vực, cấp dưỡng trên 2.000 trẻ em và hơn 1.500 người lớn.

ACC có các chi nhánh tại Zimbabwe, Swaziland, Lesotho, và Cameroon. Tiếp theo sẽ có kế hoạch thiết lập những trung tâm ở Zambia và Tanzania.

ACC cần khoảng 12 triệu USD/năm để đạt được mục tiêu của mình.

Thủy Ngọc (Theo buddhistchannel.tv)


Âm lịch

Ảnh đẹp