Trưởng lão Mahinda trả lời, Phật pháp chỉ mới được gieo trồng, còn để bám rễ
vững chắc ở mảnh đất này thì cần đến một người ở chính Srilanka, có cha mẹ là
người Sinhale, học tập Luật (Vinaya) ở Srilanka và giảng giải nó ở Srilanka.
Tức muốn nói rằng, để Phật pháp hưng thịnh được ở Srilanka, thì cần đến chính
người Sri
Sau khi Trưởng lão Mahinda, con trai của vua A Dục, truyền bá Phật pháp đến
Srilanka và thực hiện một số việc liên quan đến việc truyền bá Phật pháp, vị
vua trị vì đảo quốc này đã hỏi Trưởng lão rằng, có phải Tăng đoàn đã được thiết
lập vững chắc ở đảo quốc này rồi không.
Trưởng lão Mahinda trả lời, Phật pháp chỉ mới được gieo trồng, còn để bám rễ
vững chắc ở mảnh đất này thì cần đến một người ở chính Srilanka, có cha mẹ là
người Sinhale, học tập Luật (Vinaya) ở Srilanka và giảng giải nó ở Srilanka.
Tức muốn nói rằng, để Phật pháp hưng thịnh được ở Srilanka, thì cần đến chính
người Srilanka xuất gia và truyền bá Phật pháp.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một trong các bản kinh được chuyển dịch sớm nhất
sang Hán ngữ, và cũng được xem là bản kinh mở đầu cho việc truyền bá Phật pháp
sang Trung Hoa. Kinh Tứ Thập Nhị Chương ngắn gọn, nhưng đã nói lên được những
vấn đề cốt tuỷ của Phật giáo, và được xem là dễ dàng thích ứng với văn hoá
Trung Hoa.
Những phái đoàn truyền bá Phật pháp sang nước khác dưới thời vua A Dục được cho
là thành công, điều này nhờ vào những người truyền bá Phật pháp đã được huấn
luyện và có sự chuẩn bị kỹ về “chuyên môn” cũng như được sự hỗ trợ mạnh mẽ của
nhà vua. Những người mang Phật pháp đến Trung Á và Trung Hoa sau đó, cũng được
trang bị kỹ, không chỉ thành thạo về Phật pháp mà cũng giỏi về ngôn ngữ, địa
lý, chiêm tinh, số học, y khoa và thậm chí cả pháp thuật…
Qua những điều được đề cập này, chúng ta thầy rằng người xưa khi truyền bá Phật
pháp đến một vùng đất mới, trước tiên họ tính đến một “cẩm nang” Phật pháp phù
hợp với “dân trí” của vùng đất đó, và thứ đến để Phật pháp phát triển bền vững
được ở vùng đất mới, phải cần đến chính người dân ở vùng đất đó đảm trách công
việc này.
Chúng ta nói một vài chuyện xa xưa để suy nghĩ về việc truyền bá Phật pháp cho
người Thượng ở Việt Nam
hiện nay. Việc truyền bá Phật pháp cho người Thượng hiện nay, cũng không thể
không noi theo những gì người xưa đã làm: cần một quyển sách Phật pháp dành
riêng cho người Thượng; và huấn luyện để người Thượng tiếp nối vai trò hoằng
pháp, hoặc chí ít là có một người ở trong cộng đồng bản làng nắm vai trò giữ
đạo cho người trong bản sau khi họ đã quy y.
Những năm gần đây, chúng ta vui mừng vì thỉnh thoảng nghe nơi này nơi kia có
những buổi lễ quy y tập thể cho đồng bào người Thượng, có những ngôi chùa đã tổ
chức khoá tu cho người Thượng và cũng có những quý thầy đã vào các bản làng để
làm từ thiện. Nhưng có một điều chúng ta dễ nhận thấy là Phật giáo đã thiếu
những bước chuẩn bị căn bản khi truyền bá Phật pháp cho cộng đồng này. Việc
truyền bá Phật pháp cho người Thượng trong những năm qua, nhìn vào thấy rõ tính
“phong trào”, bên cạnh còn cho thấy nó phát xuất do sự tác động từ phía bên
ngoài vì những lý do nào đó, hơn là phát xuất từ chính bên trong Phật giáo.
Bởi vì không có sự chuẩn bị kỹ, làm theo cảm hứng và thụ động, cho nên dù đôi
khi ta nghe có ban này ngành nọ được thành lập để truyền bá Phật pháp cho cộng
đồng người Thượng, thì những hoạt động mà chúng ta thấy được chỉ mang tính nhất
thời, đối phó, và rồi chúng ta không hề biết cộng đồng người Thượng sau khi quy
y đã sinh hoạt Phật pháp như thế nào, và việc quy y có đem lại những lợi ích gì
cho họ trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống xã hội. Và chúng ta cũng
không biết có bao nhiêu người Thượng tiếp tục là Phật tử sau khi quy y, và ai
là người tiếp tục “chăm lo” đời sống tâm linh cho cộng đồng này.
Theo thiển ý của tôi, việc truyền bá Phật pháp cho người Thượng trong những năm
gần đây, trước hết, đã thiếu đi điều căn bản quan trọng nhất, đó là việc tìm
hiểu “căn cơ” của cộng đồng này để soạn thảo một cuốn sách Phật pháp thích hợp
cho họ. Chúng ta nói về việc truyền bá Phật pháp cho người Thượng, vậy chúng ta
đã giảng những Phật pháp gì cho họ? Liệu người Thượng có hiểu được các giáo
pháp như Vô thường, Khổ, Vô ngã, Tánh không, Niết-bàn, Phật tính…? Căn bản hơn,
họ có thể lãnh hội được những điều như tam quy, ngũ giới, thập thiện, nhân quả…?
Đối với cộng đồng người Thượng, cho dù họ có một vốn liếng khá về tiếng Việt,
hoặc người truyền bá Phật pháp có thể nói được tiếng của họ, thì việc giảng
giải Phật pháp dong dài là một việc làm vô bổ. Bởi vì, đối với cộng đồng người
Thượng hiện nay, “nhận thức” của họ về tôn giáo còn rất giản đơn. Và nhiều vấn
đề “triết học” có thể quen thuộc với người Kinh, nhưng đối với người Thượng lại
không dễ dàng để tiếp nhận. Và có những điều nếu chúng ta nói cho họ nghe, chỉ
có mất thời gian mà chắc chắc họ sẽ không hiểu được gì.
Tôi xin kể lại một câu chuyện thế này. Mẹ của tôi tu tập Bát quan trai tại một
ngôi chùa ở thị trấn huyện. Và tôi nghe bà kể lại rằng ở đạo tràng này có
khoảng 30 người là dân tộc thiểu số, và hầu hết họ là người trẻ. Cơ duyên để họ
tham dự đạo tràng này là do một cô Phật tử người Kinh hướng dẫn. Cô Phật tử này
có chồng là người Thượng. Sau khi lấy chồng và “xuất giá tòng phu”, cô đã vào
trong bản (của chồng) sống, và chính cô là người đã “hoá độ” chồng và khuyến
hoá những người Thượng trẻ tuổi kia trở thành Phật tử và mỗi nửa tháng ra ngôi
chùa ở thị trấn tham dự khoá tu Bát quan trai một lần.
Tôi không rõ cô Phật tử đã nói những Phật pháp gì cho những người Thượng này.
Nhưng tôi nghe mẹ tôi kể rằng, khi tham dự khoá tu, nhưng người Thượng này rất
thành tâm, nhưng có điều mỗi khi đạo tràng tụng kinh thì họ chỉ ngồi chắp tay…
im lặng vì không tụng đọc được, và khi nghe thầy thuyết giảng họ cũng không
hiểu gì cả. Vậy thì tại sao họ theo Phật giáo? Họ theo vì điều gì? Và việc theo
như vậy có được lâu dài không?
Lại một chuyện khác liên quan đến bản thân tôi. Năm rồi tôi về quê làm lại giấy
chứng minh nhân dân. Tại nơi làm giấy chứng minh nhân dân, trong khi chờ đến
lượt mình, tôi đã điền hộ giấy tờ cho những anh chị người Thượng cũng đến làm
giấy chứng minh nhân dân, bởi vì họ không biết chữ, mặc dù họ nói được tiếng
Việt.
Tôi kể một vài chuyện lan man trước khi nói đến việc thuyết giảng những Phật
pháp gì cho người Thượng. Theo tôi, như vừa mới nói ở trên, để truyền bá Phật
pháp cho người Thượng, trước hết cần phải biên soạn một quyển sách Phật pháp
ngắn gọn. Và quyển sách Phật pháp này trước hết là dành cho người truyền bá, và
sau đó là cho đối tượng được truyền bá. Cuốn sách này được viết dưới dạng sám
kệ, rõ ràng, dễ đọc và dễ thuộc. Cuốn sách sẽ là những gì người truyền đạo sẽ
nói với người Thượng, nhưng cũng là một dạng sám nguyện dành cho người Thượng
ngay ở tại buôn làng của họ. Nội dung của cuốn sách này có thể bao gồm hai điểm
chính sau:
Xây dựng hình ảnh đức Phật.
Những Phật tử “hiểu đạo” thường hiểu rằng đức Phật là một bậc Đạo sư, một người
thầy dẫn đạo chứ Ngài không phải thần linh có khả năng ban phước hay giáng hoạ
cho ai. Những đệ tử của Ngài, nếu muốn đạt được giác ngộ giải thoát thì nên tu
học theo giáo pháp của Ngài và tự mình thắp đuốc lên mà đi…
Đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, một bậc giáo chủ như vậy sẽ không làm họ
thoả mãn. Khi chúng ta tặng cho họ một bức ảnh/tượng Phật, chúng ta sẽ nói gì
với họ về việc treo hoặc thờ bức ảnh/tượng ấy? Nói dong dài về tiểu sử của Ngài
từ đản sanh đến niết-bàn, rồi sau đó kết luận rằng Ngài là bậc Đạo sư chỉ đường
và các vị nên tu theo lời dạy của Ngài nếu các vị muốn giải thoát, chứ Ngài
không có khả năng giáng hoạ hay ban phước cho ai? Hay là chúng ta nói với họ
rằng, các vị hãy thờ đức Phật này. Ngài sẽ giúp cho các vị an ổn, nếu các vị chịu
khó làm ăn và không làm điều xấu ác?
Theo tôi, nói ngắn gọn, với đồng bào người Thượng, đức Phật phải là một đấng
thiêng liêng, không phải như thần linh thì cũng phải gần với ông Bụt trong dân
gian Việt Nam. Ngài sẽ không giáng hoạ và trừng phạt ai, nhưng Ngài sẽ giúp đỡ
người tốt. Theo và thờ Ngài trong nhà thì những điều tốt lành sẽ đến.
Tóm lại, hình ảnh đức Phật trong cuốn sách này vừa là một đấng bi trí vẹn toàn,
nhưng cũng phải là người có khả năng cứu độ chúng sanh. Và đức Phật phải vượt
qua Giàng (trời) của họ.
Tôi cũng xin mở ngoặc để nói thêm rằng, đọc những dòng này chắc có người sẽ cho
tôi muốn xây dựng một hình ảnh đức Phật “thần quyền” cho cộng đồng người
Thượng. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng, Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam
đầu tiên cũng dưới dạng một tôn giáo “thần quyền”. Và cũng thử làm một cuộc “điều
tra xã hội” xem, có bao nhiêu Phật tử đến chùa mà không cầu Phật “gia hộ”. Thực
ra, hình ảnh một đức Phật siêu nhiên đã hiện diện trong kinh sách Phật giáo,
không chỉ trong kinh điển Đại thừa mà cũng ở trong Phật giáo Theravada.
Phật Pháp căn bản
Phật pháp căn bản ở đây không phải là những giáo pháp như Tứ đế, Thập nhị nhân
duyên, Ngũ uẩn.v.v.. Bởi vì những giáo pháp mà ta xem là căn bản này, người
Thượng sẽ không hiểu được. Những giáo pháp căn bản mà tôi muốn nói ở đây là
những nguyên tắc sống và đạo đức cụ thể mà chúng ta rút ra từ kinh sách.
Thứ nhất chúng ta cần phải nói về ba quy y và năm giới. Những giới như không
uống rượu và không trộm cặp là cần thiết cho người Thượng hiện nay. Người
Thượng trước đây họ rất thật thà, nay do sống gần người Kinh, cũng sinh tật
trộm cắp. Còn uống rượu dẫn đến gây tai nạn xe máy do người Thượng gây ra, cũng
rất phổ biến hiện nay. Về giới không sát sinh, cần nên nhấn mạnh vào việc không
được giết người. Nói không sát sanh chung chung thì người Thượng sẽ không theo được.
Ở vùng tôi đã có hiện tượng người Thượng giết người cướp của, điều mà trước đây
không bao giờ xảy ra.
Tiếp theo chúng ta sẽ bổ sung thêm những nguyên tắc sống khác mà chúng ta có
thể tìm thấy trong nhiều kinh sách, chẳng hạn như: phải siêng năng làm việc;
phải thương yêu giúp đỡ vợ con (cần nhấn mạnh điều này); phải nuôi nấng cha mẹ
già, không bài bạc…
Cũng cần nói về giáo lý nhân quả, nghiệp báo cho họ. Nói ngắn gọn rằng nếu làm
điều tốt, cần cù siêng năng thì họ sẽ gặp điều tốt, sẽ được chư Phật gia hộ.
Nếu biếng nhác và làm điều ác thì họ sẽ gặp quả xấu. Và như tôi đã nói, những
nguyên tắc này nên được viết dưới dạng sám nguyện, dù là thơ hay văn xuôi, để
sau một thời gian nghe hoặc đọc theo, họ có thể thuộc lòng.
Về đối tượng mà người truyền đạo trước hết cần nhắm đến là các vị trưởng bản,
và những người trẻ có thể đọc được chữ quốc ngữ, hoặc những người nghe sành
tiếng Việt. Việc truyền đạo đến một cộng đồng văn hoá mới, nếu người truyền bá
biết được chữ và tiếng nói của họ là điều rất ưu thế. Nhưng trong điều kiện không
có người thành thạo ngôn ngữ của họ để đảm trách công việc này, thì việc tranh
thủ những người biết chữ quốc ngữ và sành tiếng Việt là điều cần ưu tiên. Và
tôi cũng xin nói thêm, có một số cộng đồng dân tộc thiểu số có ngôn ngữ riêng,
nhưng họ không có chữ viết. Ví dụ như cộng đồng Vân Kiều ở xứ của tôi.
Tôi không rõ ở các nơi khác như thế nào, riêng những gì tôi biết được ở xứ tôi,
những người Tin Lành khi truyền đạo, trước hết họ đều nhằm vào các vị trưởng
bản và những người “sáng giá” ở trong cộng đồng. Việc “hoá độ” được người đứng
đầu và những người có ảnh hưởng ở trong bản làng, sẽ tạo điều kiện tốt cho việc
giáo hoá những người khác. Và những buổi lễ quy y cho đồng bào người Thượng, sẽ
là tốt hơn nếu được tổ chức tại một gia đình của buôn làng, và gia đình này nên
trở thành điểm sinh hoạt Phật pháp về sau của bản. Điều này cũng giống như các
làng kinh tế mới trước đây (ở vùng tôi), thường “mượn” nhà của một Phật tử nào
đó làm địa điểm sinh hoạt Phật pháp khi họ chưa xây được chùa hay niệm Phật
đường. Việc vận động cả một cộng đồng người Thượng đông đảo kéo về thị xã hay
thành phố để quy y tập thể, điều có thể tạo được “tiếng vang”, và có thể tốt ở
một góc độ nào đó. Nhưng cũng sẽ trở thành bi hài là sau khi quy y ở một hội
trường to đùng nào đó ở thành phố, các tân Phật tử nhận tiền, gạo, xe đạp… rồi
trở về buôn làng và trở thành tín đồ của tôn giáo khác.
Đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, khi đem đến cho họ một niềm tin tôn giáo
mới, cũng cần phải nghĩ đến việc thay đổi một số điều kiện sống nào đó của họ.
Điều kiện sống của người Thượng hiện nay nói chung là rất tệ và thua kém rất
nhiều so với người Kinh. Nhưng rõ ràng là không dễ để thay đổi triệt để những
điều kiện sống tồi tệ của một bản làng người Thượng. Tuy nhiên, nếu việc hoằng
pháp có sự hỗ trợ của nhiều người và có những chương trình hoạt động hiệu quả,
có thể cải đổi được một số vấn đề nào đó.
Ví dụ, nếu việc hoằng pháp được kết hợp với việc làm từ thiện, và một vài “công
tác xã hội” khác chẳng hạn như “tư vấn” về việc vệ sinh nguồn nước, giữ sạch
đẹp buôn làng, chăm sóc sức khoẻ, hướng dẫn các loại cây trồng và cách trồng
trọt… và hơn hết là truyền bá những nguyên tắc đạo đức Phật giáo, thì ngoài
việc chúng ta đem lại cho họ một đời sống tâm linh mới, cũng đang phát triển
một phần nào đó “đời sống xã hội” của họ. Việc làm từ thiện đối với người
Thượng, cũng như đối với người Kinh, hẳn không nên nhắm mắt đem tiền của ban
phát để họ thay đổi chế độ ăn uống trong một vài ngày, điều mà đôi khi ta tưởng
là đang “ban vui cứu khổ” hay xoá bớt bất công, nhưng lại đang tạo nên sự bất công
mới.
Ở trước chỉ là một vài suy nghĩ cá nhân, và những ý kiến này không phải là
những đề xuất. Mà đề xuất cho ai? (và nghĩ mình cũng chẳng đủ khả năng để đề
xuất cho ai). Những dòng này, nếu có ai đọc được thì chỉ nên coi như những
“chia sẻ”, và nếu thấy nó có chút nào đó hợp lý thì cùng nhau nghiên cứu thêm
để tìm ra một mô hình truyền bá Phật pháp bền vững hơn cho cộng đồng người
Thượng.
Việc truyền bá Phật pháp cho cộng động người Thượng bằng cách thâm nhập sâu vào
trong các bản làng hẳn sẽ gặp trở ngại, bởi các bản làng người Thượng thường được
coi là những địa điểm “nhạy cảm”. Việc các nhóm tự vào các bản làng hoằng pháp
cộng với các hoạt động từ thiện và xã hội là không dễ được chấp nhận, nhất là
khi các nhóm làm việc độc lập và không thông qua một ban ngành hay tổ chức
chính thức nào.
Nhưng với tình hình hiện nay, thì các chùa gần các buôn làng hoặc các Phật tử
nên tự tập hợp lại thành nhóm và tự làm lấy công việc này, dù có thể là khó
khăn. Chờ đợi các ban ngành hay tổ chức chính thức của Phật giáo thực hiện công
việc này một cách bài bản, thì có khi dân chúng của các bản làng đã trở thành tín
đồ của các tôn giáo khác hết rồi. Sự thực, ở tỉnh tôi (và rất nhiều tỉnh khác),
đã không có bất kỳ hoạt động hoằng pháp nào của các ban ngành giáo hội địa
phương cho các buôn làng trong địa bàn, ngoại trừ thỉnh thoảng có một vài chùa
hay các nhóm Phật tử ở đâu đó đến “bố thí” và rồi rời ngay sau đó. Và thường
các đoàn từ thiện cũng không vào tận trong các bản làng để cứu tế, mà họ chỉ
tập trung tại uỷ ban xã hay một ngôi chùa nào đó và mời đồng bào người Thượng
đến nhận tài vật.
Mọi việc đã quá muộn. Nhưng nếu cố gắng thì có thể vớt vát được phần nào!