24/11/2012 10:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 189469
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Tiếp tục buổi làm việc chiều 23-11-2012, các đại biểu đã trình bày tham luận trước toàn đại hội. Trong gần 30 tham luận gửi về tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng cùng ý kiến đóng góp của chư tôn đức đại biểu được nêu lên. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi chỉ xin trích đăng một vài ý kiến tiêu biểu, như những nét son tươi thắm được gửi gắm từ những người con Phật ở khắp mọi miền…



2_249429691.jpg

1. Trong những năm gần đây, hàng ngũ Tăng Ni phát triển rất lớn mạnh. Nhiều giới đàn được tổ chức để truyền trao giới luật cho người xuất gia có đủ giới đức để tu hành. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều giới đàn còn dễ dãi trong việc xét chọn và khảo hạch, nên có một số giới tử, nhất là giới tử thọ đại giới, chưa đủ điều kiện và phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo vẫn được thọ giới rất dễ dàng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều tai hại cho danh thể Tăng già, làm suy giảm lòng kính tín Tam bảo của hàng Phật tử tại gia. Chính vì để giảm bớt tình trạng này, chúng tôi xin đề nghị Ban Tăng sự Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo địa phương khi tổ chức giới đàn cần nên duyệt xét kỹ.
(Trích tham luận của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận)

2. Một trong những thử thách to lớn khiến các nhà giáo dục Phật giáo luôn ưu tư đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ của thời đại ngày nay đối với vấn đề tu học của người xuất gia trẻ. Một khi đời sống vật chất dồi dào, công nghệ giải trí quá phổ biến, các Tăng Ni sinh trong các trường Phật học dễ bị phân tâm trong học tập, không có định hướng và không nhận thức rõ tầm quan trọng trong lý tưởng học Phật của mình. Chính trong bối cảnh đó, vai trò của nền giáo dục Phật giáo càng thể hiện tính thiết thực hơn trong việc cung ứng những giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng của thời đại, tạo nên sự quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Bình Định luôn quan tâm đến việc trau dồi lý tưởng tu học, giữ gìn nếp sống phạm hạnh người xuất gia, nhất là các Tăng Ni sinh đang theo học Trường Trung cấp Phật học Bình Định.
(Trích tham luận của Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Bình Định)

16_742196168.jpg

3. Ban Nghi lễ của các tỉnh thành nên soạn một cuốn Nghi lễ thông dụng phù hợp với địa phương tỉnh mình, gửi về Ban Nghi lễ Trung ương thẩm tường. Trên cơ sở đó, Ban Nghi lễ Trung ương biên soạn cuốn Nghi lễ thông dụng các miền và cuốn Nghi lễ thông dụng toàn quốc. Làm như vậy, không chỉ bảo lưu được cái riêng của từng địa phương mà còn hướng đến cái chung thống nhất trên nguyên tắc lưu giữ các đặc trưng từng vùng, từng miền.
(Trích tham luận của Ban Nghi lễ Trung ương)

4. Hơn 30 năm GHPGVN thành lập, tới thời điểm này Giáo hội vẫn chưa có bản kinh Nhật tụng thiền môn bằng Quốc văn chung cho các chùa và Phật tử trong nước. Rải rác có kinh Nhật tụng do thầy Nhật Từ biên soạn, thầy Chân Tính biên soạn cho Phật tử chùa Hoằng Pháp đọc tụng. Nhưng cũng chỉ là cách tự phát của mỗi chùa, chứ Giáo hội vẫn chưa có bản kinh Thiền môn nhật tụng do Ban Nghi lễ Trung ương biên soạn áp dụng chung cho các chùa toàn quốc. Chính điều đó dẫn đến tình trạng Phật tử chùa này qua chùa kia tụng không được, hoặc bỡ ngỡ không hòa nhập được. Sức mạnh của Giáo hội là ở chỗ: “Tất cả là một, một là tất cả”.
(Trích tham luận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai)

7._440102914.jpg

5. Gia đình Phật tử phải gắn bó chặt chẽ với Giáo hội, tham mưu cho Giáo hội những vấn đề về thanh, thiếu niên; thực hiện tốt cầu nối giữa Phật tử và chư Tăng Ni. Gia đình Phật tử là cánh tay phải của Giáo hội trong nhiệm vụ “hoằng pháp độ sinh”.
(Trích tham luận của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương)

6. Trong các kỳ hội nghị thường niên và đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, ngoài những hoạt động mang tính truyền thống như bấy lâu nay (khai mạc, bế mạc, báo cáo thành quả, định hướng chung chung…), thiết nghĩ chư tôn đức trong Hội đồng Trị sự nên dành một khoảng thời gian nhất định cho mỗi ban ngành Trung ương để nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đề ra chính sách phát triển các ban ngành trong nhiệm kỳ tới. Cách làm việc này sẽ giúp chúng ta tích cực hơn trong việc tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cải đổi cách làm việc đặt nặng hình thức thay vì nội dung.
(Trích tham luận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương)

7. Ngày nay, nhu cầu học Phật của Phật tử tại gia ngày càng tăng nhiều, và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người con Phật. Tuy nhiên, các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên cả nước nói chung, Phật giáo tỉnh Tiền Giang nói riêng, chưa có nhiều lớp học giáo lý theo từng cấp dành cho Phật tử, do chưa có điều kiện để tổ chức, đa số đều tập trung ở các thành phố. Đây là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc của Giáo hội. Do vậy, rất mong chư tôn đức tìm ra giải pháp tối ưu, nhằm cân bằng và đáp ứng nhu cầu cấp thiết đã nêu trên.
(Trích tham luận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang)

17_247071490.jpg

8. Thách thức lớn do thời đại đặt ra đối với Tăng Ni Phật giáo Việt Nam còn là những hạn chế về thông tin đối với các hoạt động của Phật giáo thế giới. Điều này cũng làm hạn chế tầm nhìn, nếp nghĩ, trong việc đặt quan hệ đối tác, hợp tác và tổ chức những hội thảo về Phật giáo nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập với Phật giáo thế giới. Khá nhiều mạng thông tin điện tử (website) Phật giáo như GHPGVN, Đạo Phật ngày nay, Thư viện Hoa sen, Phattuvietnam.net,… cung cấp nhiều nguồn tin tức mới về Phật giáo trên thế giới, nhưng số người đọc nó chưa phải là nhiều, đặc biệt là đối với những Tăng Ni có tuổi. Không kể một số Tăng Ni trẻ có trình độ ngoại ngữ và vi tính thông thạo, một số khác chưa quan tâm nhiều đến việc cập nhật thông tin qua mạng và chưa cảm thấy cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ để đọc thêm sách báo nước ngoài.
(Trích tham luận của Văn phòng I Trung ương GHPGVN)

9. Chúng tôi có một vài đề xuất định hướng về công tác hoằng pháp trong thế kỷ XXI như sau:

Công tác hoằng pháp phải được nhìn nhận và chăm lo ở quy mô rộng lớn, không những ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Lâu nay chúng ta mới chú trọng công tác hoằng pháp ở trong nước; công tác hoằng pháp ở nước ngoài mới như cưỡi ngựa xem hoa, mang tính hình thức. Bởi vì, hiện nay có một bộ phận không nhỏ đồng bào Việt kiều ở nước ngoài, trong tương lai, số người đi công tác, làm ăn sinh sống ở ngoài nước sẽ không ngừng tăng lên. Phải có một lực lượng Tăng Ni đủ trình độ, năng lực đảm đương được “sứ mệnh” hoằng pháp ngoài biên giới quốc gia.

Công tác hoằng pháp không những bằng tiếng Việt, mà phải có một bộ phận Tăng Ni biết hoằng pháp bằng các ngôn ngữ khác nhau để có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài và phục vụ Phật tử là người nước ngoài đến Việt Nam công tác, du lịch hoặc làm ăn, sinh sống lâu dài.

Công tác hoằng pháp phải quan tâm tới tất cả các dân tộc, các ngành nghề và các tầng lớp xã hội. Nước ta có 54 dân tộc anh em, nhưng đạo Phật mới phát triển chủ yếu trong đồng bào Kinh, Khmer và một số dân tộc thiểu số khác, còn nhiều dân tộc vẫn chưa biết đến đạo Phật. Muốn giải quyết từ gốc vấn đề này, Giáo hội phải có kế hoạch đào tạo Tăng tài là người các dân tộc thiểu số hoặc các Tăng Ni người Kinh phải hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số thì mới có khả năng hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.
(Trích tham luận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa)

Nhiên Như tổng hợp

http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2012/11/23/3F4059/


Âm lịch

Ảnh đẹp