Hoằng pháp trong thời kỳ hội nhập


ĐĐ.Thích Trí Hải (Trưởng BHP tỉnh Đồng Tháp)
06/10/2012 17:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 179715
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam từ thuở bình minh của kỷ nguyên. Phật giáo đã hòa quyện và tô thắm nguồn đạo lý dân tộc và đã trở thành một tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Dân tộc và Phật giáo tuy hai mà một, không thể tách rời ra được. Lịch sử đã chứng minh: 


Sự hưng thịnh tồn vong của dân tộc, chính là sự hưng thịnh tồn vong của Phật giáo. Vào những thời kỳ hưng thịnh của dân tộc, Phật giáo đã đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp hộ quốc an dân. Biết bao sứ giả Như lai tích cực tuyên dương Phật pháp khắp mọi miền đất nước, và đến đâu Phật pháp cũng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người con dân nước Việt. Nhiều bậc cao tăng thạc đức làm quốc sư, cố vấn tham mưu cho nước nhà trên nhiều lĩnh vực.

Trên phương diện toàn cầu, nền tảng đạo lý của đức Phật đã đi trước thời đại gần 2600 năm, nhưng cho đến bây giờ vẫn là tiêu điểm nghiên cứu bất tận cho các ngành khoa học. Chính Albert Einstein - một nhà khoa học, cha đẻ của học thuyết Tương đối và là một triết gia vĩ đại người Đức - đã đưa ra tiên đoán hùng hồn rằng:

“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy”.

Bởi theo người phương Tây, một tôn giáo được hiểu theo quan niệm là những định chế chỉ tồn tại bằng những tín điều tuyệt đối và một đấng Tối Cao toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, và đại diện toàn quyền của Đấng Tối cao ấy ở trần gian, nên họ dùng tiếp vĩ ngữ “ism” để chỉ “ĐẠO”, “TÔN GIÁO”, ví như Catolism (Ky Tô giáo), Chritianism (Thiên Chúa giáo), Judaism (Do Thái giáo), Islamism (Hồi giáo), v.v…

Nhưng đạo Phật đã chủ trương trên tinh thần khoa học: Tự thân vận động, tự lực giải thoát, với khuyến cáo tự thắp đuốc lên mà đi, với tính không – nên không giống với các Đạo giáo khác, dựa vào Đấng Toàn Năng ban phát! Nhà khoa học Einstein hoàn toàn có cơ sở khi đưa ra tuyên bố hùng hồn ấy.

Trong xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu, đất nước và con người Việt Nam đã không ngừng đổi mới: Đổi mới tu duy đổi mới hành động với mục đích là xây dựng một đời sống sung túc về vật chất và thăng hoa đời sống tinh thần cho mọi người.

Về đời sống tinh thần, giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần Từ Bi Hỷ Xả là một nhân tố căn bản, sâu xa, đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc ta. Tinh thần cứu khổ của nhà Phật kết tinh trong ý chí kiên cường của mọi người Việt Nam đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung của dân tộc Việt. Đó là di sản quý báu của tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hòa quyện làm một, tạo nên “nét đẹp văn hóa trong Phật giáo”.

Đạo Phật là đạo của niềm tin, hiểu biết và sự thật. Chúng sanh tin Phật giáo qua hình ảnh chùa chiền và Tăng Ni. Việc giáo hóa, truyền bá Phật pháp để góp phần xây dựng đạo đức trong lòng mọi người chính là công việc xây dựng ngôi chùa trong đại chúng, trong lòng dân tộc. Một ngôi chùa tỏa sáng trí tuệ và từ bi thật khó, vì thời gian tàn phá và lòng tin của người dân có phần giảm sút! Bởi Tăng Ni là điểm gạch nối giữa chúng sinh đến với đạo Phật. Chúng sinh tin Phật, hiểu Phật qua Tăng Ni. Đó là một sự thật hiển nhiên. Mặc dù vậy, tuy là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất của chúng sinh, nhưng vẫn có một số Tăng Ni sa sút giới hạnh; thiếu oai nghi, làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của người xuất gia. Việc truyền bá giáo pháp nhà Phật chưa thật đến với mọi giai tầng xã hội; chưa tương thích với sự phát triển đa dạng của đời sống hiện tại; tổ chức hạn hẹp trong các chùa chiền, tự viện, tòa pháp; chưa thể hiện sự dấn thân, hội nhập với mọi thành phần, mọi vùng miền, tìm đến với chúng sinh bố thí giáo pháp. Những hiện tượng, hình ảnh ấy đang vô tình hay cố ý làm mờ đi những hình ảnh thánh thiện, thoát tục của người xuất gia đang trên đường hoằng chánh pháp và làm xói mòn niềm tin của chúng sinh đối với đạo.

Nhiệm vụ thiêng liêng của người hoằng pháp là đem Chánh pháp vào cuộc đời. Ngoài trình độ quảng bác kiến thức nội, ngoại điển, các sứ giả Như lai phụng sự sự nghiệp truyền đạt giáo lý nhà Phật còn phải trang bị cho mình giới hạnh cần thiết, kèm theo lòng Từ bi và đạo lực nhẫn nhục; vừa phát huy trí tuệ để phá trừ vô minh tự ngã, vừa phổ biến rộng rãi giáo pháp, dìu dắt kẻ sơ cơ, đấy là lối phát tâm thực hành Bồ tát đạo của Phật giáo Đại thừa, mang quan điểm Ta và Người cùng đồng hành trên lộ trình về xứ Phật! Chính những nhân tố vô cùng quan trọng này sẽ giúp cho hành giả không sợ kẻ ác, không ngại nghịch cảnh, thậm chí không sợ tổn hại đến thân mạng trên bước đường phát huy tài sản vô giá của Phật pháp.

Vấn đề hoằng pháp của thời đại ngày nay không phải chỉ nhằm vào đối tượng muốn nghe và thích nghe, mà còn phải được phổ cập đến tận vùng sâu vùng xa, dù thành thị hay thôn quê, thích nghi với mọi thành phần trong xã hội, với mục đích là giúp cho mình và mọi người có thể vượt qua những khổ đau trong cuộc đời, hoặc có đầy đủ trí tuệ để phân biệt chánh tà, phải trái trong đời sống văn minh thời đại mới và đối trị sự tha hóa trụy lạc.

Hoằng pháp không có nghĩa là những buổi thuyết pháp trên pháp tòa, mà phải được các hành giả thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người qua nhiều bình diện khác nhau đúng với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, hay “chúng sanh là đối tượng giác ngộ”: Những tờ báo, kinh sách cùng những băng thuyết giảng của quý Hòa thượng giảng sư có bề sâu kinh nghiệm về hoằng pháp, có kiến thức Phật học uyên thâm mang lại lợi ích thiết thực, phù hợp với căn cơ, trình độ của người nghe để đem lại sự an lạc giải thoát. Ngoài ra, công tác Từ thiện của Phật giáo phát quà cho những người bị thiên tai và vùng sâu vùng xa cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh. Bữa cơm cho người nghèo, giếng nước làng quê, nhà tình thương được xây dựng, đỡ đầu những trẻ em nghèo hiếu học; đồng thời lập ngôi trường tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ tại các vùng sâu, vùng xa là những hình ảnh đẹp của Phật giáo trong cộng đồng dân cư địa phương bằng con đường thân giáo hoằng pháp của các chư Tăng Ni.

Đặc biệt, theo tinh thần khế lý và khế cơ, đối với một bộ phận thanh niên nam nữ ra đời sau năm 1975, đang bị vòng xoáy nền kinh tế thị trường thời mở cửa cuốn hút, đại bộ phận phải đối mặt với những miếng cơm manh áo trong việc tìm kiếm việc làm (ở vùng nông thôn), hoặc họ phải tận dụng truy đuổi cơ hội nhằm thăng hoa cuộc sống (ở đô thị), thì việc hoằng pháp phải thể hiện được tinh thần “chúng sanh đa bệnh, Phật pháp đa phương”. Nghĩa là các sứ giả Như Lai phải biết truyền đạt giáo pháp của nhà Phật bằng nhiều phương pháp vi diệu với sự hóa thân giáo pháp phù hợp với mọi đối tượng, mọi giai tầng của xã hội, làm cho giáo lý Đức Phật đi vào cuộc sống con người như là “một chất liệu sống”, như “con người cần không khí để thở”.

Do vậy, ngôn ngữ của hoằng pháp hiện nay phải là Việt hóa, điện toán, doanh thương, chính trị, xã hội và lập trình bằng các hình thức phong phú đa dạng của văn học-nghệ thuật, truyện cổ Phật giáo, nét đẹp văn hóa Phật giáo, trò chơi game về địa ngục, luân hồi nhân quả, trao đổi Phật học, triết lý Phật giáo, chuyển tải ngôn ngữ của Thánh điển ra truyền thanh, truyền hình, báo điện tử áp dụng công nghệ thông tin để Phật pháp không bị phai mờ trong lòng các Phật tử công chức, giáo sư, nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước vì không có thời gian đến chùa nghe giảng, thuyết pháp hay đọc các trang báo viết.

Để thực hiện việc hoằng pháp này, chính các tự viện, chùa chiền và các vị chức sắc tôn giáo, các sứ giả Như lai phải tự trang bị những thiết bị nghe nhìn, những kiến thức về máy vi tính, về Internet, về quản trị mạng và mở những lớp phổ cập về tin học cho giới trẻ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa như những hình thức công tác từ thiện xã hội - là một trong những công tác hoằng dương Phật pháp trọng tâm hàng đầu.

Hiện nay, trên thế giới, nếu người Đông phương xem đạo Phật như một tôn giáo của niềm tin, hiểu biết và sự thật thì người Tây phương xem đạo Phật như một nghệ thuật sống - một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức mà các nhà tâm lý học gọi là “giải tỏa”. Nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thừa về vật chất nhưng hoàn toàn thiếu vắng về tinh thần. Đạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người chạy đua về vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong đời sống.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ, xã hội đang phát triển, đạo pháp cũng nhịp nhàng theo đà tiến bộ ấy: Thông tin nhanh nhạy, giao thông thuận lợi, sách báo phong phú, các trang thiết bị điện tử về khoa học-kỹ thuật đầy đủ, … những điều kiện này là vận hội tốt của Phật giáo, nên phải nhanh nhẹn để chuyển đổi phương thức hoằng pháp cho thích hợp với hoàn cảnh mới, để kịp thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của quần sanh! Chúng ta phải phát huy tài sản vô giá của Đức Phật để lại và nâng cao chính mình qua cách ứng dụng mọi nơi mọi lúc để xứng đáng với lòng tin yêu của nhân loại đang hướng về Phật pháp! Đồng thời, trong tương lai không xa, Phật giáo Việt Nam phải song hành cùng nền khoa học tiên tiến để phục vụ cho nhân loại qua các thời đại, như lời tiên đoán của nhà bác học Einstein đã nói: “…. Một tôn giáo toàn cầu”.

Kính chúc chư tôn đức giáo phẩm và toàn thể Hội nghị vô lượng an lạc.


Âm lịch

Ảnh đẹp