Điều này thật
thú vị và phấn khích. Và là những Phật tử chúng ta có thể hân hoan khi thấy
rằng năng lực chữa trị của lời dạy Đức Phật đang được người ta lắng nghe khắp
nơi. Nhưng có một mặt khác của việc phát triển này. Việc truyền bá Phật pháp đến
một nền văn hóa mới, đặc biệt khi nền văn hóa đó đang gia tăng ưu thế toàn cầu,
tạo ra cho Phật giáo những nguy cơ.
Tôi xin nói rõ
nguy cơ này. Thế giới hiện đại đã phát triển mà không có sự hiểu biết về Pháp
(Dharma). Những thực hành, giá trị và quan điểm hiện đại được đặt cơ sở nơi
những khái niệm, sự nhận thức và niềm tin mà chúng thường trái ngược với lời
dạy của Đức Phật. Đây là nơi nguy cơ tiềm tàng. Nếu những người phương Tây
thích ứng với Phật giáo quá nhanh chóng, nhìn nó bằng con mắt hiện đại, kết quả
có thể làm tổn hại Phật giáo. Phật giáo có thể bị sáp hợp hay bị loại bỏ: không
phải một cách cố ý, mà chỉ vì thế giới hiện đại thiếu khả năng hiểu và thực
hành Phật pháp ở một tầm mức sâu.
Nhưng nguy cơ
thậm chí còn lớn hơn điều này. Cách hiểu hiện đại về thực tại đang trở thành
cái hiểu toàn cầu về thực tại. Nó đang biến đổi những nền văn hóa truyền thống,
bao gồm những nền văn hóa mà ở đó giáo pháp Đức Phật đã đặt nền tảng cho việc
tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống. Nếu việc hiểu của chúng ta về Phật pháp phản
ảnh những sự phát triển hiện đại này, thì một sự giải thích méo mó và hạn chế
về giáo pháp có thể gây hiểu nhầm về những lời dạy chân thật của Đấng Giác ngộ.
Nếu điều này xảy ra, Phật giáo có thể không còn nữa đối với loài người.
Văn hóa hiện
đại là nguồn của công nghệ đáng kinh ngạc và của tri thức khoa học sâu sắc.
Những thành tựu của nó, mà chúng ta thường chấp nhận không chút phân vân, đã
giúp chúng ta từ khắp mọi nơi trên thế giới đến đây; chúng khiến cho hội nghị
lớn này nghe được lời nói của tôi. Tuy nhiên nền văn hóa giống nhau này vô cùng
hỗn loạn. Khắp mọi nơi, người ta đang trôi dạt không phương hướng giữa một đại
dương mênh mông không đảm bảo và hỗn độn. Xung đột và đối kháng sâu sắc đe dọa
nhấn chìm thế giới này trong tranh chấp. Những thế lực quyền lực tiêu cực tạo
nên hiểm nguy cho tất cả loài người. Họ thậm chí đe dọa trái đất, nơi chúng ta
nương náu, nơi chúng ta tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa đời sống.
Chính ở bên
trong nền văn hóa này, với tất cả sự yếu kém, mâu thuẫn và gãy vỡ của nó, Phật
giáo sẽ phải định hướng đi của mình. Hơn 2.500 năm qua, Phật pháp đã hướng dẫn
nhiều người. Tuy nhiên bây giờ, Phật pháp đang sống ở một thế giới mới xa lạ,
một thế giới mà nó nói một ngôn ngữ khác và nhìn thực tại bằng một cách thức
khác. Trong bối cảnh mới này, Phật pháp sẽ phải học cách nói bằng một tiếng nói
mới. Bằng cách nào đó, Phật pháp và xã hội hiện đại phải đi vào đối thoại.
Là những Phật
tử thuần thành, tin chắc vào giá trị của Phật pháp ở nơi chính xã hội của chúng
ta và đối với thế giới nói chung, chúng ta phải giúp Phật pháp tìm được tiếng
nói mới này, để Phật pháp có thể tiếp xúc với thế giới hiện đại, làm cho thế
giới lắng nghe theo những phương cách không làm méo mó giáo pháp. Nếu chúng ta
quay lưng lại với những khuynh hướng đang định hình nên thế giới ngày nay, nếu
chúng ta nói chuyện với những người thực hành Phật pháp khác bằng những phương
thức cũ và bằng những ngôn ngữ cũ, chúng ta sẽ hoàn toàn không nói được với ai
cả. Thế giới sẽ quay mặt với Phật pháp. Nếu chúng ta không thể tìm ra được một
tiếng nói cho Phật pháp nghe lớn và rõ hơn, vượt lên trên sự ồn ào huyên náo
của thế giới khích động này, khả năng để Phật pháp làm lợi ích tất cả loài
người ở thời điểm này sẽ không bao giờ được thực hiện.
Thế giới hiện
đại thưởng công những người nói lớn. Ngày nay cả ngàn tiếng nói hét vang lên từ
mỗi góc phố, từ mỗi màn hình máy tính. Chúng luôn đưa ra điều mới tiếp theo. Sẽ
là một nhầm lẫn khi cố hét át chúng, cạnh tranh sự chú ý nơi một đấu trường của
giải trí và những quan tâm luôn thay đổi. Đức Phật khiển trách những lời nói vô
bổ, khiển trách những lời nói đưa tinh thần con người rời xa những giá trị sâu
sắc hơn. Sự cảnh báo này quan trọng hơn ngày hôm nay, khi mà thị trường đi theo
chúng ta vào tận nhà và vào trong đầu của chúng ta, tràn lan và thâm nhập khắp
mười phương. Nếu người thực hành Phật pháp bằng lòng sử dụng ngôn ngữ của thị
trường, họ sẽ đưa ra một con đường tâm linh quá ư đơn giản được thiết định để
làm cho người ta cảm thấy tốt cho họ, hơn là để chỉ một con đường giải thoát.
Tất cả chúng ta biết những điều đó có thể kết thúc như thế nào, và những kết
quả sẽ hết sức buồn chán như thế nào. Không… tiếng nói của Phật pháp cho thời
hiện đại phải nói bằng một nhịp điệu và âm giọng khác. Nó phải thể hiện độ sâu
và tầm nhìn rộng của lời dạy Đức Phật. Điều đó không bao giờ là một nhiệm vụ dễ
dàng. Bây giờ nó càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Tất nhiên, chúng ta không thể từ bỏ. Chúng ta phải
nỗ lực hết mình. Ở đây tôi muốn tập trung vào một khía cạnh cụ thể của trách
nhiệm này. Tại thời điểm quan trọng nơi lịch sử Phật pháp và lịch sử thế giới
này, chúng ta phải nhằm đến việc trao tiếng nói cho Phật pháp bằng những ngôn
ngữ của phương Tây, mà không đánh mất tinh thần và ý nghĩa của Phật pháp khi
chúng ta làm như vậy.
Cho phép tôi
nói điều này rõ hơn. Bây giờ và những năm đến, Phật giáo phải học nói tiếng
Anh. Tại sao? Bởi vì tiếng Anh đang nhanh chóng trở thành ngôn ngữ chung của
thế giới. Nhưng tiếng Anh chúng ta sử dụng bây giờ là ngôn ngữ của kinh doanh
và thương mại, ngôn ngữ của giải trí và công nghệ, ngôn ngữ được thiết định để
nói với chúng ta những cái mới của “cái mới tiếp theo”. Dạng tiếng Anh đó hoàn
toàn không giúp hiểu được ý nghĩa đầy đủ giáo pháp thâm sâu của Đức Phật. Do
vậy công việc sắp đến là lớn hơn trước đây chúng ta có thể tưởng tượng. Công
việc chuyển dịch kinh Phật sang tiếng Anh đã được thực hiện hơn một thế kỷ, và
nhiều việc đã được thực hiện. Nhưng bây giờ không chỉ cần có thêm những bản
kinh được chuyển dịch, mà còn cần một giải pháp hoàn toàn mới. Nếu các bản dịch
không chứa đựng được ý nghĩa đầy đủ của Phật pháp, có nghĩa chúng chưa được
chuẩn bị đủ. Chúng ta phải mạnh dạn hơn. Chúng ta phải thực hiện mục đích là
biến tiếng Anh thành một ngôn ngữ của Phật pháp.
Tại sao thực
hiện công việc này là thực sự quan trọng? Tại sao tiếng Anh phải trở thành một
ngôn ngữ của Phật pháp? Bởi vì những ngôn ngữ Phật pháp mà chúng phục vụ chúng
ta qua hàng thế kỷ đang có nguy cơ biến mất. Có bao nhiêu người ngày hôm nay có
thể đọc được tiếng Pāli? Có bao nhiêu người ngày hôm nay biết tiếng Sanskrit
hay những ngôn ngữ khác của Phật giáo Đại thừa? Nếu chúng ta nhìn về trước thêm
20 hay 50 năm nữa, có bao nhiêu người còn biết đến những ngôn ngữ này? Sự hợp
lý nội tại của một xã hội đang gia tăng tính toàn cầu đòi hỏi rằng dân chúng
của thế giới phải nói cùng một ngôn ngữ. Nếu Phật pháp không thể tìm thấy tiếng
nói của mình ở nơi ngôn ngữ đó, nếu nó không thể nói ngôn ngữ đó với đầy đủ
thẩm quyền, tính chính xác và chiều sâu của nó, nó sẽ không có vị trí nơi nền
văn hóa toàn cầu mới mẻ.
Một vài người
có thể đáp lại rằng Phật pháp đã nói tiếng Anh rồi. Xét cho cùng, chúng ta ở
đây, tập trung lại với nhau từ tất cả mọi nơi trên thế giới, chia sẻ quan điểm
của chúng ta bằng tiếng Anh. Vậy không phải chúng ta có một ngữ vựng Phật pháp
chung rồi sao? Chúng ta không phải đã có thể trình bày giáo pháp đến thế giới
hiện đại rồi sao?
Có sự thật nơi
lời khẳng định này. Những vị thầy lớn đang dần học cách trình bày giáo pháp
bằng tiếng Anh, hay nói thông qua những người phiên dịch đã học sâu giáo pháp.
Những người Tây phương cũng đang học và thực hành theo những con đường xưa, để
họ có thể chia sẻ với người khác lợi ích của việc thực hành của họ. Và nếu
những nỗ lực để tái thiết lại Phật pháp ở Ấn Độ được tiếp tục, những nỗ lực mà
ở đó tôi tự hào đóng một vai trò nhỏ, thì triển vọng sẽ sáng sủa hơn, vì Ấn Độ
là duy nhất trong việc kết hợp những truyền thống tâm linh vững mạnh với một sự
am hiểu sâu về tiếng Anh.
Lại nữa, để ỷ
lại vào những sự phát triển này, để nghĩ rằng những vấn đề sắp được giải quyết
rồi, là bỏ qua một điểm cơ bản. Đây là một câu hỏi cần xem xét: Điều gì khiến
chúng ta nghĩ rằng ngữ vựng tiếng Anh chúng ta sử dụng ngày nay trong những bài
pháp thoại và những bản dịch của chúng ta là chuyển tải được sức mạnh và chân
lý của lời dạy Đức Phật? Ngay đối với những thuật ngữ căn bản nhất điều này có
thể là một giả định sai lầm.
Một nhà thơ vĩ đại người Anh thế kỷ XIX, Percy
Bysshe Shelly, từng viết rằng “những nhà thơ là những nhà lập pháp không được
thừa nhận của cuộc đời”. Điều ông muốn nói là rằng những người trao cho chúng
ta ngôn từ của chúng ta, những người tạo ra ngôn ngữ luôn thay đổi của chúng
ta, sẽ định hướng cách chúng ta hiểu thực tại. Vì vậy chúng ta phải hỏi: những
gì là thực tại mà những bản dịch và thuật ngữ tiếng Anh của ngày hôm nay xây
dựng nên? Từ ngữ gì họ sử dụng để chuyển tải đến thính giả chân lý giáo pháp
Đức Phật? Nếu những dịch giả chỉ nắm được nghĩa tương đương gần nhất của Tây
phương về những thuật ngữ Phật học vốn có nghĩa uyên áo, thì thực sự có thể
chuyển tải được bao nhiêu?
Điều này không phải là một quan tâm học thuyết hay
học thuật. Xung quanh chúng ta, chúng ta có thể nhìn thấy những người Tây
phương diễn đạt những quan điểm giới hạn của họ về chân lý huyền nhiệm mà Đức
Phật đã thiết định. Ví dụ, có một xu hướng mạnh mẽ biến Phật giáo thành một
giáo lý tự lực hơn, mà thật sự là phương cách khác dành cho những người bị
vướng vào trong những chiếc bẫy của văn hóa hiện đại nhằm tìm kiếm sự khuây
khỏa, thoát khỏi stress, lo lắng và rối trí. Nếu ngôn từ chúng ta sử dụng cho
việc truyền bá Phật pháp có gốc rễ của chúng ở nơi nhưng quan tâm và mục đích
như vậy, làm cách nào ta có thể đưa con tim và tâm trí của những người lắng
nghe ta đến việc giải thoát ra khỏi luân hồi? Ngay cả những vị thầy vĩ đại nhất
cũng không thể truyền tải những gì ngôn ngữ sẽ không để cho họ nói.
Bị giáng xuống
đến tầm mức này, giáo lý chân thực của Đức Phật sẽ bị đánh mất. Điều tệ hại là,
những thế hệ tương lai sẽ không thể nhận biết những gì đã xảy ra. Họ sẽ không
bao giờ biết rằng ý nghĩa nội tại của giáo pháp đã bị làm cho tan chảy.
Cho phép tôi
đưa ra một vài ví dụ. Tất cả chúng ta nói về sự giác ngộ (enlightenment) của
Đức Phật, lễ kỷ niệm lần thứ 2.600 mà chúng ta cử hành tại cuộc họp này. Nhưng
từ “enlightenment” có đúng với sự giác ngộ của Đức Phật không? Thuật ngữ tiếng
Anh “enlightenment” có phụ nghĩa lịch sử mà nó không phù hợp với Phật pháp. Nó
được liên kết với khoa học và thế giới vật chất, liên kết với sự khẳng định
rằng tính hợp lý quy ước và năm giác quan có thể truyền đạt phạm vi tổng thể
của những gì là đúng, và liên kết với thẩm quyền của mỗi cá nhân để tuyên bố
chân lý của riêng mình. Không có phụ nghĩa nào trong các nghĩa này phù hợp với
Phật pháp. Chúng ta có thể làm cho tốt hơn không?
Lại nữa, từ
sati (S. smṛti, niệm) thì hầu như
được dịch là “mindfulness”. Ngày nay khái niệm “mindfulness” này thì rất phổ
biến. Việc tu tập được gọi là mindfulness - được đặt cơ sở nơi việc làm giảm
bớt căng thẳng đã mang lợi ích cho hàng chục ngàn người qua việc giảng dạy một sự
thực hành được gọi là “sự chú ý đơn thuần” (bare attention). Đây rõ ràng là một
sự phát triển tích cực. Tuy nhiên có phải “mindfulness” được hiểu như “bare
attention” đưa đến trí tuệ (paññā/ prajñā) không, sự hiểu biết khai mở bản chất
thật sự của các pháp? Khi chúng ta giải quyết quan điểm này, có phải chúng ta
đang để Phật pháp nói bằng tiếng nói của chính nó không? Hay là chúng ta chỉ
giữ chặt những chọn lựa được thực hiện mà không có sự hiểu biết chân thật và
nghiên cứu cẩn thận.
Tôi đã chọn hai
trường hợp này bởi vì chúng là căn bản, và bởi vì từ ngữ tiếng Anh tương đương
với thuật ngữ Phật pháp trong mỗi trường hợp được thiết lập quá vững chắc. Đó
là tôi không chạm đến ngữ vựng triết học phức tạp của Abhidharma và những
truyền thống luận tạng, nơi sự hiểu biết chính xác và chuyển dịch đúng dựa vào
những suy xét tinh tế và phức tạp. Hãy xem từ “vedanā” (thọ), hầu như luôn được
dịch là “feeling”. Những sinh viên mà tôi dạy từng gặp khó khăn với thuật ngữ
này, bởi vì từ tiếng Anh “feeling” có một phạm vi nghĩa rộng hơn vedanā. Để cứu
họ ra khỏi sự bối rối này, chúng ta phải nên nhìn bằng những đôi mắt sáng rõ
vào cách thuật ngữ này đã được sử dụng khắp các kinh luận như thế nào. Chúng ta
phải nhìn rõ vào cách nó được dịch sang những ngôn ngữ Phật pháp khác như Hán
ngữ, Tạng ngữ, v.v… Sau đó, chúng ta phải tìm hiểu từ tiếng Anh “feeling” và
phạm vi ý nghĩa của nó, cố gắng làm rõ và nói những giới hạn mà việc hiểu
phương Tây về cách tâm thực sự đóng chức năng. Kết luận, tôi sẽ hỏi có một sự
thay thế nào tốt hơn không, điều đáp ứng mục đích đầy đủ hơn.
Lại thêm một
vấn đề cũng trong chiều hướng đối nghịch. Mới đây tôi có tham dự một hội nghị,
ở đó nhiều học giả Tây phương giỏi nhất về Phật giáo đã thảo luận về vấn đề đạo
đức học Phật giáo. Trong hầu hết mọi cuộc thảo luận, những câu hỏi căn bản đã
được nêu ra. Có phải những thuật ngữ đạo đức (ethics) và “luân lý” (morality)
thực sự chuyên chở được ý nghĩa của thuật ngữ “sīla/ śīla” (giới) không? Những
thuật ngữ phương Tây như “tự do” (freedom)
và “tự do ý chí” (free will) có giúp cho những sinh viên hiện đại học
Phật pháp hiểu những gì muốn nói là giải thoát khỏi luân hồi (saṃsāra) và ý muốn đạt đến giác ngộ?
Không có ai có câu trả lời cho những câu hỏi này. Thậm chí không mấy người hỏi
về chúng. Nó là một sự nối kết đang thiếu trong việc truyền bá Phật pháp vào
thế giới hiện đại.
Trong nhiều năm qua, tôi là Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Ngôn ngữ Phật giáo Mangalam (Mangalam Research
Center for Buddhist
Languages). Ở đấy, làm việc với những học giả hàng đầu, chúng tôi đang cố gắng
làm một vài điều về sự nối kết đang thiếu này. Chúng tôi hy vọng tham gia với
các vị thầy của tất cả các truyền thống trong công việc này, và khuyến khích sự
cộng tác, sử dụng công nghệ số của phương Tây để tạo nên tri thức cần đến. Chúng
tôi tận tâm tạo nên một nguồn tài liệu trực tuyến có tên gọi là Buddhist
Translators Workbench, và qua đây chúng tôi hy vọng thực hiện một sự đóng
góp khiêm tốn đối với những nhu cầu cấp bách mà tôi đã trình bày.
Càng làm tôi
càng nhận thấy đề án này là rộng lớn và thật sự cấp bách. Nghiên cứu ngôn ngữ
và lịch sử tư tưởng để làm rõ ý nghĩa của giáo pháp không phải là một quan tâm
học thuật. Những gì chúng tôi làm sẽ giúp định hướng tương lai Phật pháp. Nó sẽ
giúp quyết định Phật pháp có một tương lai hay không.
Tất cả mọi
truyền thống Phật pháp đồng ý rằng ngôn ngữ không bao giờ có thể khai mở chân
lý cao nhất. Nếu điều đó là như vậy thì vấn đề ngôn ngữ chúng ta sử dụng có
thật sự quan trọng không? Vâng… nó là quan trọng. Nó hết sức quan trọng. Chân
lý của Phật pháp vượt qua ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ chỉ ra chân lý, giống như
một tấm bản đồ chỉ hướng đúng để đi. Ngôn ngữ là tiếng nói mà thông qua đó chân
lý mở ra, mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc hành trình vào những lĩnh vực
không được biết. Nếu ngôn ngữ của chúng ta dẫn chúng ta đi lạc đường, nếu chúng
chỉ hướng sai hay đánh lừa chúng ta về mục đích, cuộc hành trình sẽ kết thúc ở
nơi sự thất vọng hay sự lừa gạt.
Để tìm một
tiếng Anh có thể chuyển tải được Phật pháp, chúng ta cần những học giả giỏi
nhất từ phương Tây, những học giả được đào tạo về ngôn ngữ đúng cách mà họ đang
trở nên quý hiếm ngay cả ở nơi những trường đại học Tây phương có uy tín nhất.
Chúng ta cũng sẽ cần sự giúp đỡ của những vị thầy giỏi Phật pháp từ tất cả mọi
truyền thống, những vị đạo sư có thể rót trí tuệ và hiểu biết của họ vào trong
những chiếc bình ngôn ngữ nói và viết.
Đây là nơi sự đối thoại phải bắt đầu. Đây là cách
Phật pháp sẽ tìm lấy tiếng nói của nó: với sự quan tâm, nhiệm vụ và tính chính
xác. Nếu tiến trình này thành công thực sự, tiếng Anh sẽ trở thành một ngôn ngữ
Phật pháp, và Phật pháp, được tái tạo để nói với thế giới hiện đại, sẽ ảnh
hưởng ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày, định hướng sự nhận thức. Phật pháp sẽ
thêm một lần nữa làm công việc chuyển đổi kỳ diệu của mình. Như ở trong những
thế kỷ qua, người ta sẽ hiểu bằng tất cả con tim rằng giải thoát khổ đau là có
thể. Họ sẽ biết điều này bởi ngôn ngữ mà họ sử dụng, khái niệm mà họ học để suy
nghĩ, thực tại mà từ ngữ lập nên. Nếu điều này xảy ra, giáo pháp của Đức Phật
sẽ thật sự tìm ra tiếng nói của nó cho thế giới hiện đại, và chúng ta có thể hy
vọng rằng Phật pháp sẽ trường tồn.
Nguồn:
www.mangalamresearch.org.
Jack Petranker(*) - Nguyên
Hiệp dịch
(*) Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Ngôn ngữ Phật giáo Mangalam