Trước đó mấy ngày, cờ, phướn, pano, biểu ngữ giăng treo tứ phía nơi
công cộng; từ chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng cha Cả, hướng phi trường, đường
Phổ Quang, khu vực mũi tàu công viên Hoàng văn Thụ…dẫn vào nhà truyền
thống chùa Phổ Quang, đường Huỳnh Lan Khanh – quận Tân Bình, phía sau
quân khu 7 ( bộ Tổng tham mưu cũ), rộn rịp như một lễ hội truyền thống,
nhưng thật ra, chỉ là đại hội thường kỳ của Phật giáo Thành phố!
Qua hình thức phô diễn, người ta cảm nhận có một Phật giáo đang nở
hoa. Thật vậy, từ Nam chí Bắc, các cơ sở thờ tự tầm vóc vĩ mô hiện diện
và phát triển hết sức bề thế. Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc
Lâm Bạch Mã, và đang xây dựng một Trúc Lâm miền Tây Nam Bộ; chùa Bái
Đính phía Bắc, chùa Đại Nam Bình Dương phía Nam, Nghệ An đang xây dựng
ngôi chùa hàng trăm mẫu với kinh phí vài chục tỷ; một số tỉnh thành
đang xây dựng với quy mô lớn, và vô số chùa tư có một phí tổn chưa thể
quy định. Song song đó, số lượng tu sĩ cũng lạm phát đáng kể, số lượng
không tương thích với chất lượng. Vì thế mà trong tham luận “chuyên đề
về Tăng sự” của PG Q.9 gọi là “hảo tâm xuất gia với lý tưởng giải
thoát” rất ít mà “hoàn cảnh xuất gia” lại quá nhiều.
Sự phát triển mặt nổi của Phật giáo trong nước hiện nay cho phép mọi
người nghĩ rằng được “quốc vương hộ trì”. Đúng, thời đại nào bất cứ
tôn giáo nào, kể cả Khổng nho, khi được quốc vương hộ trì đều có điều
kiện trăm hoa đua nở. Nhưng hộ trì cũng tùy loại hộ trì, có những hộ
trì mà Phật giáo được ăn sâu vào quần chúng, có những hộ trì mà Phật
giáo đứng bên ngoài xã hội. Thời Đại Lý Trần, từ vua quan đến thứ dân
đều ảnh hưởng một tinh thần đạo Phật nhân bản. Phật giáo trở thành mạch
sống, máu huyết của dân tộc, là chất keo sơn đoàn kết xã hội chống
phương Bắc xâm lược, vì quốc vương không những có tâm với Phật mà còn
có tu và thâm hiểu giáo lý, vì thế sự hộ trì không đi quá mức cần thiết,
không mê tín, không biến Phật giáo thành một bộ phận béo phì mất cân
đối trong cơ thể xã hội. Cho dù là tôn giáo, một khi được ưu đãi quá
mức cần thiết, sẽ như là cây kiểng quá nhiều phân bón, phát triển mất
cân đối, biến thành dị dạng. Con người bồi dưỡng quá mức cũng sẽ béo
phì đưa đến bệnh hoạn, đó là quy luật tất yếu về sự mất cân bằng trong
phát triển cuộc sống.
Chùa Phổ Quang, nơi diễn ra Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ VIII (2012-2017).
Qua 6 nhiệm kỳ kể từ ngày thành lập GHPGVN từ 1982, mỗi năm đại hội
đều nghe báo cáo tổng kết thành quả “vượt mức chỉ tiêu”, đều đưa kế
hoạch cho năm năm tới; thế nhưng mỗi lần tổng kết đại hội, các đại biểu
đều nghe những mặt tiêu cực của ngành Hoằng Pháp, ngành giáo dục,
ngành Tăng sự, từ thiện xã hội…đều được các cơ sở báo động những bất
cập trong nội bộ. Các tham luận đều có sáng kiến góp ý xây dựng, nhưng
tất cả đâu cũng vào đó, hình như những đóng góp không được điều nghiên
thực hiện, vì thế cái gọi là tổ chức Giáo hội PG, vẫn là một cơ thể bất
toại, sống nhờ bơm hơi tiếp sức từ những phương tiện ngoại hộ, đáng
ra, thời gian trên 30 năm với một tổ chức thống nhất và được yểm trợ
bởi quốc vương hộ trì, nếu là tôn giáo bạn, có lẽ họ đã trở thành quốc
đạo, có thực chất, có tầm vóc.
So với 11 năm sóng gió trước 1975, GHPGVNTN, vừa xây dựng cơ sở, vừa
giáo dục đào tạo tăng ni, vừa hướng dẫn quần chúng Phật tử, vừa đấu
tranh cho hòa bình, thế mà chư tôn đức đã tạo nhiều dấu ấn cho giáo sử
một thời. Tăng phong đạo cách của chư Tăng trong thời nhiễu nhương thuở
ấy cũng không đáng báo động như ngày nay.
Chúng ta không quy kết cho trách nhiệm quốc vương hộ trì mà hãy nhìn
lại khả năng điều hành của tổ chức. Ngay cả một văn bản hành chánh mà
từ văn phòng Trung ương cho đến các tỉnh thành quận huyện cũng chưa
thực hiện đúng nguyên tắc, kể cả văn cú và nội dung mâu thuẫn luộm
thuộm.
Trong bản tham luận của Ban Từ Thiện-Xã hội THPG do HT T. Như Niệm,
Phó Ban trị Sự THPGTP.HCM kiêm Phó ban Thường trực Ban TTXH TW.GH góp ý
“Cần Thay đổi Tư duy Trong Công Tác Từ Thiện Xã Hội” cũng đã có nhiều trái nghịch: Trang 3 tờ rơi :”…TTXH PG cũng không thể chủ động ngay được mà phải chờ xin phép, chờ thông bạch của GH, rồi mời họp để tổ chức…” bị vướng vào thủ tục lề mề như thế, trang 4, lại bảo: “…một
nguyên nhân dễ thấy là do cơ chế của chúng ta và do thói quen làm từ
thiện không đầu không đũa (đuôi?), không quy về một mối, mạnh ai nấy
làm. Dẫn đến tình trạng không tôn trọng tổ chức…” muốn tôn trọng tổ chức thì phải chấp nhận sự lề mề thôi!.
Cũng trang 4: “…năm 1997, Ban TTXH PG TP.HCM có lập Tuệ Tĩnh đường tại chùa Pháp Hoa( Phú Nhuận)”, do HT Như Niệm chủ quản đã” đào
tạo 50 lương y có bằng cấp, sau khi tốt nghiệp, một số phục vụ tại Tuệ
tĩnh đường, một vài người mở phòng khám riêng, một số đi làm việc
khác. Tuệ Tĩnh đường sau một thời gian hoạt động đành phải “phá sản” vì
người được giao quản lý lạm quyền, dẫn đến thất thoát. Và điều quan
trọng, Tuệ tĩnh đường hoạt động không hiệu quả, đành phải nghỉ.” Thế nhưng, cách đó vài giòng, Ngài lại bảo: “Làm
từ thiện hiện nay muốn hiệu quả thiết thực, có giá trị phải đồng thời
có nhân lực đủ nghiệp vụ chuyên môn, biết hoạch định qua các dự án
ngắn, trung và dài hạn một cách rõ ràng hiệu quả từng giai đoạn…” Những lương y trên có bằng cấp, có nghiệp vụ mà vẫn bị phá sản là sao?
Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ VIII (2012-2017).
Còn nhiều Tham luận của các quận huyện nội ngoại thành, cũng kêu ca,
cũng góp ý, cũng quan tâm tiền đồ PG, cũng bấy nhiêu nhân sự với những
bộ mặt cũ, với những khả năng hạn chế để trang điểm cho Đại hội PG TP,
rồi, ngoài hình thức phô trương, ngoài báo cáo dông dài, ngoài chi phí
tốn kém… rồi cũng đâu lại vào đó nằm chờ 5 năm nữa để tiếp tục trình
diễn bài ca “không bao giờ quên”. TP.HCM đã vậy thì các tỉnh thành làm
sao tránh khỏi vết xe cũ cho xong nhiệm vụ. Chính vì nội dung Phật chất
thiếu sung mãn, rất ít hành giả hành trì, quần chúng rất ít thâm hiểu
giáo lý, và quốc vương hộ trì chỉ là cách vun quén hậu thuẫn thì chắc
chắn Phật giáo trở thành kẻ lạ đối với xã hội đang chật vật với kinh tế
hàng ngày, và không lâu, cái tổ chức GH sẽ trở thành một đoàn thể
trong những đoàn thể của xã hội mà không còn là tôn giáo hướng dẫn tâm
linh cho dân tộc. Các chức sắc GH cũng chỉ là quan chức PG song hành
với quan chức thế tục.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số chùa đủ uy tín để Phật tử nương tựa, một
số thầy chú trọng về giáo dục mà không nặng về phát triển cơ sở vật
chất dù cơ sở đang xuống cấp, vẫn có một ít bậc chân tu… nhưng bấy
nhiêu chưa đủ là miệng vành cứng cáp để giữ chiếc thúng khỏi xiêu vẹo.
Thà rằng Đại hội có thực chất để củng cố nội tình PG trong thầm lặng
hơn là biến thành một lễ hội loãng màu giữa phố thị nhiều màu sắc hiện
nay. Thêm một ít màu sắc trong các ngã đường dẫn vào Đại hội càng làm
cho PG lạc loài giữa cuộc sống xô bồ, xuống cấp đạo đức mà người dân
đang cần tôn giáo đóng góp hơn là trình diễn.
Minh Mẫn (26/9/2012)
Những hạn chế và yếu kém hiện nay của GHPGVN
1. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
hiện nay đang vận hành là mô hình của hệ thống tổ chức thế tục. Theo
quy định của Hiến chương hiện hành, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam hiện nay có 3 cấp hành chính: trung ương giáo hội, tỉnh,
thành hội và quận, huyện hội.
Với mô hình này thì phải đáp ứng những điều kiện và yêu cầu: công cụ
để thực hiện và vận hành của tổ chức hành chính đạo; có trụ sở, điều
kiện cơ sở vật chất để điều hành và duy trì hành chính đạo; có con
người đủ năng lực trình độ để vận hành, thực hiện công cụ với vai trò
lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của tổ chức.
Với những điều kiện và yêu cầu trên, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt
Nam hiện nay không thể đáp ứng được. Công cụ để thực hiện chức năng
lãnh đạo, quản lý và điều hành của tổ chức giáo hội không có và nếu có
cũng không thể áp dụng điều kiện và yêu cầu này trong tổ chức đạo. Bởi
vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật,
đồng thời không lấy giáo quyền để chi phối mà giáo hội hoạt động Phật
sự là nhằm mục đích điều hòa hợp nhất sinh hoạt đúng chính pháp, lấy
tinh thần tự giác của mỗi Tăng ni, Phật tử, lấy công thưởng đức, tu
nhân tích đức, khuôn thước mẫu mực để làm chỗ dựa tinh thần cho Phật tử,
do đó không thể có công cụ giáo quyền để duy trì tổ chức của giáo hội,
nếu có sự việc xảy ra trong Tăng ni thì tuân thủ giáo pháp và giới
luật Phật chế để điều chỉnh trên tinh thần giáo dục “cứu một người phúc
đẳng hà sa”.
Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ III (2012-2017)
Về trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến địa
phương đều không có cơ sở nào là công sở chung của Giáo hội. Ngay cả
Trung ương Giáo hội (đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội) và (đặt tại Thiền
viện Quảng Đức – thành phố Hồ Chí Minh) đều không nằm dưới sự quản trị
chung của Giáo hội mà hầu hết đến nay đều bị chi phối bởi (cổ phần hóa
trụ sở). Các Tỉnh, Thành hội và quận, huyện hội đều chung số phận như
vậy, thậm chí liên tục phải “ban chiếu dời đô” vì tân lãnh đạo tân trụ
sở.
Về con người đảm trách công tác Phật sự từ trung ương đến địa phương
đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức và
điều hành công tác hành chính đạo, luật đời không rõ, luật đạo cũng
không thông, ban hành văn bản hành chính tùy tiện, không theo một trình
tự về thể thức và nội dung, không bảo đảm được đúng yêu cầu của Phật
sự, bên cạnh đó còn chịu sự chi phối quyền lợi cá nhân chứ không căn cứ
pháp quy để xử sự các sự vụ và tình huống phát sinh trong quản lý hành
chính đạo.
Rõ ràng ba vấn đề trên hiện nay trong hệ thống tổ chức Giáo hội đều
không có và nếu có chỉ là hình thức, không đáp ứng đầy đủ những vấn đề
đặt ra trong điều kiện hiện nay, và như vậy có thể khẳng định rằng hệ
thống tổ chức Giáo hội hiện nay không phù hợp với tư cách là một tổ
chức tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại
lệ.
2. Hệ thống tổ chức Giáo hội hiện nay từ trung ương
đến địa phương đều mới chỉ đạt đến mô hình và như là những sa bàn để
trưng bày triển lãm. Lãnh đạo Giáo hội thử tư duy lại xem, 5 năm các
cấp Giáo hội tổ chức đại hội một kỳ, mỗi năm một kỳ hội nghị tổng kết
và một hội nghị sơ kết công tác. Mỗi kỳ đại hội, hội nghị như vậy đều
có báo cáo tổng kết, báo cáo sơ kết và đề ra chương trình hoạt động
Phật và nghị quyết.
Tuy nhiên, chưa có cấp Giáo hội nào ban hành văn bản để thể chế hóa,
triển khai các hoạt động Phật sự cụ thể trong hệ thống tổ chức để
hướng dẫn Tăng ni, Phật tử thành viên trong Giáo hội thực hiện. Mà mỗi
Phật sự được tổng hợp thành báo cáo của các cấp Giáo hội đều do Tăng ni,
Phật tử trụ trì và sinh hoạt tại các cơ sở tự viện tự tổ chức thực
hiện (mang yếu tố tự phát).
Và mỗi kỳ đại hội, hội nghị của các cấp Giáo hội đều thực hiện “báo
cáo gom công tác Phật sự” của Tăng ni, Phật tử tại các chùa đã triển
khai, để trở thành báo cáo chung của Giáo hội, trung ương lấy báo cáo
của tỉnh, tỉnh lấy báo cáo của huyện và huyện lấy kết quả của chùa, như
thế là quan hệ một chiều và đó là nguyên nhân dẫn đến Tăng ni, Phật tử
không biết đến tổ chức Giáo hội như thế nào, và ngay cả những nơi xẩy
ra sự vụ tranh chấp đất đai, tài sản, tôn tạo trùng tu cơ sở tự viện,
những việc làm gây mất đoàn kết liên quan đến Tăng ni, Phật tử thì Giáo
hội hầu như đứng ngoài cuộc, thậm chí là không có quan điểm chính kiến
rõ ràng để giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sở luật đời và luật đạo,
bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên của tổ chức khi bị xâm hại.
3. Từ những thực tế đó, một số vấn đề đã nảy sinh
trong thời gian qua và gây bức xúc trong cộng đồng xã hội: mất đoàn
kết, không hòa hợp trong nội bộ Tăng ni, Phật tử, tạo bè kết đảng là
vấn đề cấp bách đáng lo ngại tổ chức Giáo hội (có chăng chỉ là hình
thức, bề ngoài, bằng mặt không bằng lòng) đang là hiện tượng phổ biến
trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt mỗi dịp đại hội suy
tôn, suy cử nhân sự lãnh đạo Giáo hội thì vấn đề này lại càng sâu sắc.
Một bộ phận Tăng ni chạy theo đời sống thế tục thái quá, xa rời giới
luật và đời sống thiền gia, như việc chay chức, chạy quyền, mua bán
bằng cấp học vị trong đạo ngoài đời, hám danh, hám lợi, tham nhũng
(thông qua hình thức tâm hương cúng dường), mua sắm trang thiết bị đồ
dùng cá nhân xa xỉ, hủ hóa, hành nghề mê tín dị đoan, thậm chí có người
cho rằng đi tu thời nay là một nghề “ho ra bạc, khạc ra tiền”, có cả
những đại gia không ngại ngần và cũng không cần phải suy nghĩ gì, sẵn
sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây cất ngôi chùa mới, rồi mời sư trụ
trì để lấy lòng tin của Phật tử và khách thập phương đến lễ bái và phát
tâm công đức, .…
Một bộ phận quý vị lãnh đạo trong tổ chức Giáo hội cũng đang lâm vào
tình trạng công tư không rõ ràng, lạm dụng chức vụ, đố kỵ, hiềm khích
với pháp lữ, đặc biệt là đối với những người có việc làm hơn mình, ban
hành văn bản ngăn sông cấm chợ đối với các hoạt động hoằng pháp, hướng
dẫn Phật tử tu học...
Đây là một sự thực báo động trong giới Tăng ni, Phật tử và gây bức
xúc trong đời sống xã hội mà các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa
có hướng để giải quyết và cứ tiếp tục tình hình này, Giáo hội Phật giáo
Việt Nam sẽ mất lòng tin, uy tín bị giảm sút trong lòng xã hội.
Cư sĩ Lê Minh